Chuyển đổi số cấp xã

Cách làm mới và đột phá từ thực tiễn của Tú Lệ

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng chia sẻ: “Chuyển đổi số (CĐS) cho các xã là vĩ đại nhất trong công tác CĐS vì liên quan trực tiếp đến người dân. Càng những xã khó khăn, miền núi thì CĐS càng hiệu quả nhất”.

CĐS cấp xã giúp thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, giúp xóa đi ranh giới giữa người dân ở hai khu vực và thực hiện đúng như quan điểm “lấy người dân làm trung tâm” theo định hướng của kế hoạch CĐS quốc gia.

Từ chủ trương đó, tỉnh Yên Bái cũng xác định lựa chọn triển khai CĐS theo một cách “rất riêng”, kết hợp thực hiện làm “từ trên xuống” và “từ dưới lên”.

Chia sẻ về cách làm CĐS “từ dưới lên”, ông Hoàng Minh Tiến, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Yên Bái cho biết Yên Bái đưa CĐS từ nhận thức thành hành động theo cách làm từ dưới lên, nghĩa là thông qua việc triển khai chuyển đổi các mô hình CĐS, tập trung vào các công việc, địa điểm có tương tác nhiều với người dân, DN và những việc mang tính chất thay đổi căn bản nhận thức, thói quen trong hoạt động của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước. Việc xây dựng các mô hình CĐS trong thời gian vừa qua được thực hiện theo nguyên tắc 3 được là: nhìn được, sờ được và nắm được.

Theo đó, năm 2021, Sở TT&TT tỉnh Yên Bái đã tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn) là xã đầu tiên của tỉnh thực hiện thí điểm CĐS trên cả 03 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, với mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình ra các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Mô hình này đã mang đến luồng gió mới trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã Tú Lệ về CĐS, từng bước tạo nên mô hình xã thông minh đem lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương.

Tú Lệ - Mô hình xã CĐS điển hình và những kết quả đột phá

Xã Tú Lệ là một xã miền núi thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái với tổng số hộ là 1.340 hộ với 6.373 nhân khẩu; tỷ lệ dân tộc Thái chiếm 93,3%; dân tộc Kinh chiếm 4,0%; dân tộc Mông 2,3%; dân tộc Tày chiếm 0,23%; dân tộc Mường chiếm 0,17%. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ với các chính sách tạo điều kiện cho phát triển nền kinh tế, những năm qua, kinh tế - xã hội của xã đã có bước phát triển nhanh và bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Với những lợi thế về đặc sản nông sản và địa điểm du lịch được ưa chuộng, xã Tú Lệ là nơi đầu tiên được tỉnh Yên Bái lựa chọn thí điểm CĐS cấp xã từ tháng 8/2021.

Thực hiện mô hình điểm về CĐS, Tú Lệ được tỉnh đầu tư khá đồng bộ từ cơ sở hạ tầng viễn thông, mạng nội bộ (LAN) đến xây dựng bộ phận điều hành thông minh (IOC) và triển khai hệ thống camera an ninh; triển khai các ứng dụng phục vụ xây dựng chính quyền số như: hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử; hệ thống Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử; sử dụng chữ ký số chuyên dùng...

Bưu điện tỉnh Yên Bái phối hợp, hỗ trợ người dân đăng ký và hướng dẫn sử dụng tài khoản PostID và App Công dân số.

Với vai trò cơ quan chủ trì, dẫn dắt CĐS xã Tú Lệ, Sở TT&TT và Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp chỉ đạo các DN khảo sát hiện trạng hạ tầng viễn thông, CNTT, tối ưu mạng lưới, đảm bảo 100% các thôn, bản trên địa bàn xã có sóng di động 3G, 4G; hỗ trợ xã các nguồn lực kinh phí, triển khai thí điểm các hệ thống phần mềm, nền tảng công nghệ mới, góp phần giúp xã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CĐS trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đồng thời, chỉ đạo biên soạn, xuất bản 2.900 tờ rơi “Lợi ích và hướng dẫn sử dụng một số nền tảng trong thực hiện CĐS tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn”, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức, DN trên địa bàn xã về lợi ích của CĐS; Chỉ đạo thành lập nhóm Zalo gồm các thành viên đại diện Sở TT&TT, DN bưu chính, viễn thông, đại diện phòng Văn hóa - Thể thao huyện Văn Chấn, lãnh đạo cán bộ, công chức xã Tú Lệ để kịp thời thông tin, trao đổi công việc liên quan quá trình triển khai thí điểm.

Ngoài ra, Sở TT&TT cũng chủ trì, phối hợp các DN tổ chức tập huấn cho 45 cán bộ, công chức UBND xã và các tổ chức đoàn thể chính trị; Trưởng thôn, bản; và nhân dân trên địa bàn xã. Nội dung là hướng dẫn sử dụng tài khoản thanh toán trực tuyến; cài đặt App Công dân số, Web Công dân số, chính quyền số và sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, sử dụng chữ ký số trên phần mềm điều hành; hướng dẫn sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ; đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường Internet và mạng xã hội. Công tác đào tạo, hướng dẫn đã giúp các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn xã nâng cao nhận về CĐS, kỹ năng ứng dụng CNTT, sử dụng các nền tảng số.

Bên cạnh đó, Đảng, chính quyền, địa phương, lãnh đạo UBND xã, các tổ chức cũng đã rất chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nội dung CĐS. Cụ thể, UBND xã đã chỉ đạo thành lập Tổ CĐS cộng đồng cấp xã với 10 người tham gia và 9 Tổ CĐS cộng đồng tại 9 thôn với 45 người, do đồng chí Bí thư chi bộ thôn, bản làm Tổ trưởng, đồng chí Bí thư Chi đoàn thôn, bản làm tổ phó.

Đặc biệt, công tác CĐS cũng có sự tham gia tích cực của lực lượng trẻ am hiểu về công nghệ. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Bưu điện huyện Văn Chấn, Đoàn Thanh niên Bưu điện Văn Chấn đã kết hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên xã Tú Lệ nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tổ chức đưa nông sản của xã lên sàn TMĐT Postmart. Đoàn Thanh niên Bưu điện huyện Văn Chấn đã “nằm vùng” tại xã Tú Lệ nhiều ngày để đi đến từng hộ dân sản xuất nông sản giới thiệu về CĐS, các lợi ích của CĐS, hệ sinh thái hành chính công (HHC).

Sản phẩm Gạo Tú Lệ, Yên Bái trên sàn Postmart.

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, trong thời gian thí điểm các DN Bưu điện tỉnh, Viettel Yên Bái, VNPT Yên Bái đã phối hợp, hỗ trợ bà con trong xã đưa sản phẩm nông sản đặc sản của bà con lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart, voso, các trang mạng xã hội… Từ đó đã quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương trên môi trường mạng, nhân dân tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, khách hàng, du khách biết và đến Tú Lệ nhiều hơn.

Mặc dù là xã đầu tiên thực hiện mô hình CĐS, một lĩnh vực hoàn toàn mới, song với sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền, sự quan tâm giúp đỡ của Bộ TT&TT, các sở, ban, ngành của tỉnh, của huyện cùng với sự vào cuộc tích cực của cả người dân và DN, bước đầu mô hình xã CĐS ở Tú Lệ đã có bước chuyển mình đáng khích lệ, đạt được những kết quả đột phá trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Cụ thể, sau hơn 8 tháng thí điểm việc xây dựng hạ tầng số của xã đã có những thay đổi tích cực. Đến nay, xã đã khắc phục tình trạng sóng di động 3G kém tại một số thôn của xã, đảm bảo 100% thôn, bản có sóng di động 3G; 100% các thôn, bản trên địa bàn xã đã có sóng 4G, tăng 10% so với khi chưa thực hiện CĐS với tỷ lệ bao phủ người dân dùng 4G đạt 95,29%. Cùng với đó 100% thôn, bản trên địa bàn xã Tú Lệ có dịch vụ cố định băng rộng cáp quang. Tổng số thuê bao Internet băng thông rộng cáp quang phát triển trên địa bàn xã là 556 thuê bao. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang đạt 41,49%. 100% cán bộ công chức xã sử dụng máy tính đảm bảo cấu hình phục vụ công việc chuyên môn.

Về triển khai các ứng dụng phục vụ xây dựng chính quyền số, đến nay, tỷ lệ thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ là 48,14% tăng 43,14% so với tháng 9/2021; 100% cơ quan, tổ chức, cán bộ công chức có thẩm quyền thuộc UBND xã được cấp chữ ký số chuyên dùng (tăng 82% so với tháng 9/2021).

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ công chức và một bộ phận nhân dân xã Tú Lệ đã được tập huấn, nâng cao nhận thức về CĐS. Từ khi thực hiện CĐS, xã đã thực hiện nghiêm túc quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản điện tử, giảm đáng kể tình trạng in văn bản chỉ đạo ra rồi báo cáo lãnh đạo, tiết kiệm chi phí hành chính, góp phần hoàn thiện chính quyền số tại xã Tú Lệ. Sau khi thực hiện CĐS, 100% văn bản đến của UBND xã được tiếp nhận và xử lý đúng quy trình trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Đặc biệt, năm 2022, 100% văn bản đi của UBND xã gửi các cơ quan Nhà nước dưới dạng điện tử đã được ký số chuyên dùng.

Về dịch vụ HCC, từ 01/9/2021 - 31/3/2022 UBND xã tiếp nhận, giải quyết 206 hồ sơ TTHC, giải quyết trước hạn là 198 hồ sơ, đúng hạn 8 hồ sơ. Tỷ lệ người dân, DN hài lòng về việc giải quyết TTHC đạt 90%.

Về hệ thống truyền thanh thông minh, xã đã lắp đặt 12 cụm loa (24 loa) tại 9/9 thôn, bản; hệ thống đã hoạt động ổn định, phát sóng theo 2 khung giờ hàng ngày từ 5h - 7h30 và từ 17h - 19h. Chất lượng âm thanh tốt, việc sử dụng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất chương trình phát thanh, chuyển đổi nội dung văn bản trong giọng nói đã làm thay đổi căn bản phương pháp quản lý theo hướng hiện đại, giảm thiểu thời gian, công sức của cán bộ quản lý, vận hành Đài truyền thanh xã.

Bên cạnh đó, kinh tế số, xã hội số của xã cũng bắt đầu được hình thành. Đối với việc phát triển kinh tế số, Tổ triển khai đã xây dựng lớp bản đồ nhằm quảng bá và kinh doanh các sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng của địa phương trên nền bản đồ số Việt Nam. Quảng bá các sản phẩm của xã Tú Lệ trên 2 kênh bán chính là sàn TMĐT Postmart.vn và tiêu thụ trực tiếp. 100% các sản phẩm nông sản đặc sản của bà con đã được đưa lên sàn giao dịch TMĐT, được nhiều nơi trên cả nước, và nước ngoài biết đến, giao dịch giữa người mua và người bán dễ dàng, không qua các khâu trung gian; 35,42% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử (tăng 16,74%); 32,91% hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền (tăng 17%).

Trong lĩnh vực giáo dục, Tú Lệ đã triển khai sử dụng hệ thống phần mềm quản lý nhà trường giúp cập nhật quản lý lớp học tại cấp Tiểu học và Trung học cơ sở. Các nhà trường sử dụng phần mềm thường thường xuyên sử dụng tính năng học bạ điện tử, quản lý điểm, quản lý nhân sự, lịch báo giảng, thời khóa biểu, khai thác kho học liệu số... phục vụ hoạt động quản lý dạy và học của nhà trường. Thông tin các nhà trường được cập nhật, chia sẻ trực tuyến lên Bộ phận giám sát, điều hành thông minh xã.

Đối với lĩnh vực y tế, Trạm y tế xã Tú Lệ hiện đang ứng dụng 02 phần mềm: Phần mềm quản lý khám chữa bệnh HIS, trung bình mỗi tháng tiếp nhận quản lý hơn 80 hồ sơ bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại trạm y tế xã; Phần mềm quản lý trạm y tế HMIS hiện đang quản lý 1.340 hộ khẩu với 6.373 nhân khẩu, trong đó có 5.281 nhân khẩu đã lập hồ sơ sức khỏe đạt tỷ lệ 82,86%. Thông tin, dữ liệu được cập nhật, chia sẻ trực tuyến lên bộ phận giám sát, điều hành thông minh xã.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai thí điểm CĐS, xã Tú Lệ luôn nhận được quan tâm chỉ đạo của tỉnh, huyện, hướng dẫn chuyên môn của Bộ TT&TT và hỗ trợ các nguồn lực từ DN bưu chính, viễn thông trên địa bàn. Sau hơn 8 tháng triển khai mô hình xã CĐS, bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của chính quyền, người dân trên địa bàn xã về CĐS. Phát huy kết quả đạt được, xã Tú Lệ tiếp tục đẩy mạnh việc CĐS hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả trong điều hành công việc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa Tú Lệ trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn với du khách.

Bài học kinh nghiệm

Theo Giám đốc Sở TT&TT Hoàng Minh Tiến, qua thời gian triển khai, việc xây dựng mô hình CĐS tại xã Tú Lệ đã đạt được khoảng 80% kế hoạch đề ra. Từ kinh nghiệm triển khai mô hình CĐS tại Tú Lệ, Sở TT&TT tỉnh sẽ tham mưu xây dựng bộ tiêu chí CĐS cơ bản và bộ tiêu chí CĐS nâng cao để triển khai mở rộng tại các xã, phường thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, một số bài học kinh nghiệm cũng đã được đúc rút từ mô hình điểm xã CĐS của Tú Lệ sau một thời gian triển khai và thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Ông Hoàng Minh Tiến, Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái: Từ kinh nghiệm triển khai mô hình CĐS tại Tú Lệ, Sở TT&TT tỉnh sẽ tham mưu xây dựng bộ tiêu chí CĐS cơ bản và bộ tiêu chí CĐS nâng cao để triển khai mở rộng tại các xã, phường thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

Cụ thể, theo Sở TT&TT tỉnh Yên Bái, khi bắt đầu triển khai thực hiện phải xác định và đánh giá cụ thể, rõ ràng được điều kiện về con người, hạ tầng, trình độ, điều kiện tiếp cận công nghệ của người dân tại địa phương để từ đó xây dựng được giải pháp triển khai có tính sát thực và phù hợp.

Đồng thời, phải tuyên truyền tích cực bằng nhiều hình thức khác nhau để cán bộ, đảng viên, người dân và DN hiểu thế nào là CĐS, CĐS ở lĩnh vực nào và mang lại lợi ích như thế nào thì quá trình triển khai thực hiện mới có thể thuận lợi, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân và DN.

Lãnh đạo địa phương, cán bộ, công chức cần có sự quyết tâm vào cuộc tích cực trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, phải vận dụng sáng tạo vào điều kiện đặc thù của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên, từng bộ phận.

Do điều kiện địa lý xa nên phối hợp giữa các đơn vị rất khó khăn, chính vì vậy cần luôn phải có sự thống nhất, trao đổi nhanh chóng giữa các cấp, các bộ phận, các công việc thông qua các nhóm (group) trao đổi công việc, khi thống nhất có được sự đồng thuận là bắt đầu triển khai thực hiện ngay.

Đặc biệt, để CĐS bền vững và thành công, các địa phương cần xây dựng được đội ngũ, lực lượng tham gia xung kích, tích cực để triển khai các nhiệm vụ, lực lượng chủ lực và cụ thể ở đây là Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) mà lực lượng nòng cốt là Đoàn Thanh niên.

Từng chia sẻ về vai trò của Tổ CNSCĐ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các tổ CNSCĐ được thành lập ở từng tổ, thôn bản, với nòng cốt là thanh niên, có thể đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng các nền tảng số. Đây là hướng tiếp cận toàn dân về CĐS để cùng làm. Bộ TT&TT cũng đã có hướng dẫn hoạt động của các tổ CNSCĐ, đề nghị các địa phương quan tâm, chỉ đạo và coi đây là nhân tố quyết định thành công, bởi vì chính các tổ CNSCĐ này sẽ tạo ra các công dân số. Công dân số thì tạo ra xã hội số. Xã hội số thì tạo ra nhu cầu số. Nhu cầu số thì tạo ra thị trường số và thị trường số thì tạo ra DN số và từ đó hình thành nền kinh tế số.

CĐS là việc mới, việc khó, cần được cụ thể hóa, chia sẻ cách làm, con đường đi cho địa phương. Theo đó, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Giám đốc Sở TT&TT đề xuất Bộ TT&TT tiếp tục có các hướng dẫn địa phương thông qua hình thức hội nghị trực tuyến, văn bản hướng dẫn để địa phương nắm bắt kịp thời, hiểu và đưa ra được các kế hoạch, chương trình cụ thể thực hiện CĐS. Đồng thời, Bộ TT&TT cần chỉ đạo các đơn vị chức năng làm việc với các DN viễn thông để: có kế hoạch đầu tư, xóa vùng lõm sóng và nâng cao tốc độ truy cập Internet theo chủ trương của Bộ; có cơ chế, chính sách cho các hộ nghèo, hộ chính sách, tổ CNSCĐ tiếp cận, mua điện thoại thông minh, gói cước Internet với giá ưu đãi.

Triển khai Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (được ban hành tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ), xác định được vai trò quan trọng của CĐS cấp xã trong lộ trình chung, Bộ TT&TT cũng đã phối hợp với một số tổ chức, DN hỗ trợ thúc đẩy thí điểm CĐS tại một số làng/xã tại các địa phương nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thay đổi nhận thức về CĐS, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình nhằm đảm bảo hiệu quả trên quy mô toàn quốc./.