Chuyển đổi số giúp Bưu điện Việt Nam lập thêm kỳ tích mới
Chuyển đổi số giúp Bưu điện Việt Nam
lập thêm kỳ tích mới
Lịch sử phát triển của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) luôn gắn liền với lịch sử của ngành Bưu điện. Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, dù Ngành trải qua nhiều tên gọi khác nhau như: Nha Bưu điện, Nha Bưu điện - Vô tuyến điện, Tổng cục Bưu điện, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông, Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT), Bộ Thông tin và Truyền thông, BĐVN luôn là một thành tố đặc biệt quan trọng đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Ngành và của đất nước.
Cách đây 76 năm, ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, trong đó có Nghị quyết về Thông tin liên lạc. Nghị quyết nêu rõ: “Lập ban giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm nhiệm vụ”. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, là mốc son khởi nguồn cho sự ra đời của BĐVN. Với ý nghĩa trọng đại đó, ngày 15/8/1945 đã đi vào lịch sử phát triển của ngành Bưu điện như một ngày khai sinh và đã được Nhà nước cho phép lấy là ngày truyền thống của Ngành.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nhân dân ta đã dũng cảm đứng lên đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Trong suốt chặng đường lịch sử đầy khó khăn, gian khổ nhưng vinh quang đó, ngành Bưu điện đã được Đảng và Nhân dân tin yêu, giáo dục và xây dựng để từng bước trưởng thành, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Qua các cuộc chiến tranh giữ nước, các thế hệ CBCNV giao bưu, thông tin đã đem tất cả sức lực, trí tuệ và cả xương máu của mình, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn hiểm nguy trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, xây dựng và giữ vững huyết mạch thông tin phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần đắc lực vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Gần 1 vạn người con ưu tú của ngành Bưu điện đã ngã xuống trên khắp các chiến trường vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc.
Bước vào thời kỳ mới của đất nước, thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra, ngành Bưu điện đã thực sự đổi mới tư duy và hành động để hoạch định chiến lược phát triển ngành Bưu điện với mục tiêu: Đi thẳng lên hiện đại, phát triển nhanh mạng lưới và dịch vụ, tăng nhanh lưu lượng và doanh thu, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thông tin của xã hội.
Sau gần 30 năm đổi mới, thành công của hai giai đoạn “tăng tốc độ phát triển và hiện đại hóa” (1993-2000), “hội nhập và phát triển” (2001-2010) đã tạo nên những kỳ tích mới mang tính bùng nổ của bưu chính, viễn thông (BCVT) và CNTT đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển vượt bậc của BCVT cùng với xu hướng phát triển của thị trường, công nghệ và dịch vụ đã đặt ra yêu cầu BCVT cần được tách ra độc lập, để hai lĩnh vực có cơ hội và điều kiện phát triển trong tình hình mới.
Với 7 vạn người Bưu điện, ngày 15/6/2007 sẽ mãi mãi là mốc son lịch sử. Bởi đây chính là ngày Bộ BCVT ban hành Quyết định số 16/2007/QĐ-BCVT thành lập Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (Vietnam Post). Để rồi, từ ngày 01/01/2008, Tổng công ty chính thức hoạt động theo mô hình mới.
Khó khăn chồng chất, bởi khi đó các hoạt động của bưu chính còn đang dựa vào nguồn trợ cấp của Nhà nước và sự hỗ trợ từ mảng viễn thông, thị trường trở nên “ngột ngạt” và cạnh tranh ngày càng gay gắt với việc hàng trăm doanh nghiệp (DN) bưu chính, chuyển phát cả trong và ngoài nước cùng tham gia.
Tại thời điểm đó, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam đã xác định đa dạng hóa, sản phẩm, dịch vụ và đổi mới hoạt động trên tất cả các lĩnh vực là một trong những giải pháp cốt yếu được tập trung triển khai đồng bộ. Các sản phẩm, dịch vụ của Bưu điện không chỉ còn là chuyển phát bưu phẩm, chuyển phát thư tay, báo chí mà còn là 3 trụ cột dịch vụ bưu chính, tài chính bưu chính và phân phối truyền thông để xây chắc ngôi nhà BĐVN. Đây là điều hoàn toàn mới đối với người Bưu điện và khách hàng lúc đó.
Tại mỗi trụ cột, tất cả các dịch vụ đều được đổi mới để phù hợp với yêu cầu phát triển của thị trường. Đơn cử, các dịch vụ bưu chính chuyển phát đã không đơn thuần là các dịch vụ bưu chính công ích mà đã được tập trung mở rộng sang các dịch vụ chuyển phát siêu tốc, chuyển phát thương mại điện tử (TMĐT) nhằm bắt kịp với sự bùng nổ của TMĐT và logistics.
Với chiến lược bài bản, việc triển khai kế hoạch từng dịch vụ được thực hiện nghiêm túc, thông suốt tại tất cả các đơn vị, BĐVN đã từng bước vượt qua rất nhiều khó khăn để dần kinh doanh có lãi.
Kỳ tích đã xuất hiện vào năm 2014 năm đầu tiên không còn được Nhà nước hỗ trợ ngân sách như trước nhưng vẫn phải đảm bảo các hoạt động bưu chính công ích, BĐVN đã đạt lợi nhuận gần 110 tỷ đồng. Có được kết quả này là nhờ chiến lược bài bản, đi đúng hướng cộng với sự nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng của toàn mạng lưới, từ chỗ doanh thu năm đầu tiên thành lập Tổng công ty chỉ đạt 7.455 tỷ đồng thì năm 2020 con số này đã tăng gấp 3,5 lần với trên 24.254 tỷ đồng. Đặc biệt ngay từ năm 2018, DN bưu chính quốc gia đã đạt doanh thu 1 tỷ USD, đưa BĐVN về đích sớm 2 năm so với kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các DN trong nước và thế giới, BĐVN là một trong số DN vẫn đạt lợi nhuận cao với trên 460,8 tỷ đồng. Vị thế và uy tín của BĐVN ngày càng được nâng cao; thương hiệu BĐVN được định vị vững chắc trong tâm trí của khách hàng và đối tác.
Dự báo thời gian tới lĩnh vực bưu chính tiếp tục có tốc độ tăng trưởng 35 - 40%/năm. Bắt kịp sự phát triển của thị trường, trong chiến lược phát triển đến năm 2025, BĐVN đặt mục tiêu doanh thu đạt 55.000 - 60.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2020.
Để tiếp tục đạt được kỳ tích mới, BĐVN không chỉ xây dựng một tầm nhìn, hướng đi riêng mà còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào SXKD, tập trung chuyển đổi số (CĐS) tất các các lĩnh vực, dịch vụ. Trong đó, CĐS đang được coi là giải pháp sống còn, là ưu tiên số một hiện nay.
Xác định việc ứng dụng CNTT vào tổ chức sản xuất có ý nghĩa sống còn đối với một DN bưu chính trong kỷ nguyên số hiện nay, BĐVN đã ban hành khung kiến trúc CNTT tổng thể. Theo đó, các hoạt động của đơn vị sẽ lấy CNTT làm nền tảng và là công cụ và giải pháp hữu hiệu thúc đẩy quá trình hiện đại hóa SXKD, nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời, đặc biệt chú trọng tới việc tối ưu hóa và tự động hóa lĩnh vực bưu chính chuyển phát, logistics cũng như chăm sóc khách hàng (CSKH).
Ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN cho biết: BĐVN là đơn vị có cơ sở hạ tầng bưu chính lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Cùng với những thế mạnh về mạng lưới vận chuyển rộng khắp, phương tiện vận chuyển đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào, CNTT chính là nền tảng và công cụ đắc lực giúp nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng khai thác, khả năng cung cấp dịch vụ đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng.
Để đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn hàng và giao hàng TMĐT cũng như chuyên nghiệp hóa việc tổ chức sản xuất trong giai đoạn ngành logistics và TMĐT phát triển mạnh mẽ như hiện nay, thời gian qua, BĐVN đã mở rộng hệ thống dây chuyên khai thác, chia chọn tự động tại các trung tâm khai thác vận chuyển với công suất hàng chục nghìn bưu gửi/giờ, đáp ứng được tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng bưu gửi trên 30%, đảm bảo chất lượng dịch vụ và cập nhật thông tin tự động để hỗ trợ hoạt động điều hành kịp thời.
Các dây chuyền này có thể chia chọn hàng hóa chi tiết đến tận cấp huyện, xã thông qua việc đọc mã vạch và phân tích hình ảnh bưu gửi, đồng thời tích hợp với các hệ thống CNTT của BĐVN như bản đồ số Vmap, mã địa chỉ bưu chính Vpostcode,… xây dựng quy trình liên hoàn, đồng bộ, tối ưu từ công đoạn chấp nhận, khai thác, chia chọn đến phát hàng hóa tại địa chỉ khách hàng.
BĐVN hiện đang triển khai gần 30 hệ thống, phần mềm, ứng dụng CNTT, tập trung vào các khâu chấp nhận - theo dõi-phát hàng; CSKH; đối soát, thanh toán,… Trong đó, nổi bật nhất là dự án CNTT có quy mô lớn nhất từ trước đến nay - dự án “Hiện đại hóa hệ thống CNTT Bưu chính Việt Nam” (MPITS). Đây được coi là “con át chủ bài” của khi không chỉ góp phần tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ mà còn giúp khách hàng thuận tiện hơn khi sử dụng dịch vụ, tiết kiệm thời gian và tăng trải nghiệm tại quầy giao dịch.
MPITS cũng được kết nối và đồng bộ với các thiết bị thông minh, thiết bị cầm tay và tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh trong quy trình vận hành khép kín của vòng dịch vụ như ứng dụng phát Dingdong cho bưu tá, phần mềm điều tin Pack and send, hệ thống quản lý vận tải TMS, CSKH CRM…
Qua đó, giúp tối ưu hóa trải nghiệm cho khách hàng, rút ngắn quy trình triển khai, vận hành dịch vụ mang lại vô vàn tiện ích cho khách hàng, đồng thời tiết kiệm 90% ấn phẩm nghiệp vụ, giảm 70% tác vụ trong thực hiện các hành vi giao tiếp khách hàng. Ở bất kỳ thời điểm nào, tại bất cứ nơi đâu, khách hàng đều có thể tra cứu, định vị trạng thái, hành trình bưu gửi hoặc hỗ trợ tư vấn thông tin về các sản phẩm dịch vụ qua hệ thống tổng đài đa kênh, website, fanpage.
Thông qua các ứng dụng thuộc dự án MPITS, BĐVN có thể cùng lúc chấp nhận hàng triệu bưu gửi với nhiều phương thức ghi nhận dữ liệu đầu vào linh hoạt, kết nối API với các sàn TMĐT hoặc các phần mềm bán hàng, file dữ liệu... giúp khách hàng hoàn toàn chủ động tạo đơn trên app/website My VietnamPost hoặc qua các công cụ riêng.
Thông tin đơn hàng sau khi tạo thành công sẽ lập tức được đồng bộ trên các phần mềm, ứng dụng CNTT cũng như hệ thống tổng đài đa kênh để theo dõi và quản lý hành trình bưu gửi. Lúc này, khách hàng có thể truy xuất hành trình bưu gửi chỉ qua một “cú chạm” trên điện thoại thông minh.
Mới đây nhất, BĐVN cũng đã đưa vào vận hành thử nghiệm tủ phát hàng tự động Post Smart, cung cấp cho khách hàng thêm giải pháp nhận hàng chủ động, không tiếp xúc 24/7 nhằm gia tăng tiện ích và đảm bảo an toàn sức khỏe người nhận trong mùa dịch.
Ngoài những ứng dụng CNTT trong mạng lưới, thời gian qua BĐVN cũng đã triển khai nhiều ứng dụng khác như mã địa chỉ bưu chính Vpostcode, bản đồ số Vmap, sàn giao dịch vận tải... đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp (DN) bưu chính và nhiều lĩnh vực khác trong đời sống, xã hội, trở thành cánh tay nối dài của các cấp chính quyền cũng như một phần động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Điều này cũng nằm trong chủ trương chung của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), coi các mạng bưu chính công cộng và dịch vụ bưu chính công ích là một trong những động lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Mới nhất, đóng góp vào việc triển khai Kế hoạch tại quyết định số 1034/QĐ-BTTTT về việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của Bộ TT&TT, BĐVN đã hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT Postmart.vn, giúp bà con nông dân trên cả nước tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản.
Để thúc đẩy CĐS lên một tầm cao mới, ngày 06/08/2021, Đảng ủy Tổng công ty BĐVN ban hành Chương trình hành động số 294/CTr/ĐUTCT về thực hiện CĐS tại Tổng công ty BĐVN.
Theo đó, Đảng ủy Tổng công ty quán triệt nghiêm túc, sâu rộng tinh thần Nghị quyết để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động BĐVN nắm vững, hiểu rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong các Nghị quyết thực hiện CĐS của Trung ương, Đảng ủy Khối và Đảng ủy Tổng công ty để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Chương trình hành động gồm có 6 nhóm giải pháp: (1) Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với việc triển khai chiến lược CĐS, thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm thống nhất nhận thức và hành động về CĐS trong toàn Đảng bộ; (2) Xây dựng, triển khai chiến lược CĐS gắn với chiến lược kinh doanh, chiến lược phát triển Tổng công ty giai đoạn 2021-2030; (3) Phát triển nhân lực đảm bảo năng lực dẫn dắt và định hướng, đồng thời có khả năng chuyển đổi đáp ứng những yêu cầu mới về công nghệ và dịch vụ, đa dạng hóa, xã hội hóa nguồn nhân lực với nhiều hình thức tuyển dụng linh hoạt, cơ chế thu nhập và chính sách đãi ngộ cạnh tranh; (4) Phát triển các nền tảng dùng chung để phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt của DN Bưu chính quốc gia nhằm tối ưu hóa nguồn lực và góp phần xây dựng kinh tế số, xã hội số, chính phủ số; (5) Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và CNTT vào hoạt động sản SXKD trong Tổng công ty; (6) Tăng cường triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả quản trị nội bộ, gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Chuyển đổi số là giải pháp sống còn của Bưu điện Việt Nam để thích ứng với bối cảnh thị trường bưu chính có sự biến động không ngừng và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Ông Chu Quang Hào
Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN
Chuyển đổi số là giải pháp sống còn của Bưu điện Việt Nam để thích ứng với bối cảnh thị trường bưu chính có sự biến động không ngừng và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Ông Chu Quang Hào
Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN
Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN Chu Quang Hào cho biết, BĐVN hiện đang chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với mục tiêu chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. CĐS là giải pháp sống còn của BĐVN để thích ứng với bối cảnh thị trường bưu chính có sự biến động không ngừng và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
76 năm song hành cùng đất nước, dù trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, đội ngũ cán bộ công nhân viên, người lao động BĐVN luôn thể hiện lòng “Trung thành” vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; “Dũng cảm" trong chiến đấu với kẻ thù xâm lược, vượt trên thách thức của thiên tai, dịch bệnh góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa phục sự tổ quốc, phục vụ đồng bào và dũng cảm ngay với chính bản thân mình; “Tận tụy”, trách nhiệm với công việc được tổ chức phân công; "Sáng tạo" trong lao động, SXKD; "Nghĩa tình" với các thế hệ đi trước, với đồng chí, đồng nghiệp.
Với hướng đi mới, tầm nhìn mới, khát vọng mới của hơn 7 vạn người Bưu điện, chắc chắn BĐVN sẽ tiếp tục ghi nhiều dấu ấn đặc biệt trong hành trình đưa BĐVN trở thành DN bưu chính uy tín hàng đầu khu vực và thế giới.