Tóm tắt
Xã Gia Phú bắt tay xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh từ năm 2023. Chỉ sau thời gian ngắn, người dân nơi đây đã thụ hưởng nhiều lợi ích thiết thực từ chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.
Chúng tôi gặp ông Phạm Minh Bắc, Chủ tịch UBND xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), khi ông đang đi khảo sát thực địa để tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai mô hình vườn rau an toàn ứng dụng công nghệ cao ở thôn Soi Cờ. Vị Chủ tịch xã đang chăm chú nhập dữ liệu vào máy tính đặt trên yên xe máy dựng ven đường giữa thời tiết khá oi nóng. Nghe chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu thông tin để viết bài, ông đồng ý ngay.
Chủ tịch Phạm Minh Bắc cho biết: “Nhận thấy chuyển đổi số mang lại những lợi ích rất thiết thực cho người dân, sau khi rà soát địa bàn, thấy có nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, hạ tầng số, nguồn nhân lực…, năm 2023, chúng tôi đề xuất Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị đỡ đầu trong việc xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh”.
Gia Phú là một xã nằm ở “cửa ngõ” của thành phố Lào Cai, có lợi thế về hạ tầng thiết yếu hơn so với các xã khác của huyện Bảo Thắng. Tuy nhiên, tính đến giữa năm 2024, trên địa bàn xã còn vài điểm lõm sóng 3G, 4G. Theo kế hoạch, tới đây xã sẽ được đầu tư thêm 1 - 2 trạm BTS, và tình trạng lõm sóng sẽ được khắc phục.
Toàn xã hiện có trên 9.500 khẩu với trên 2.400 hộ. Về địa hình, cơ bản là đồi núi thấp. Riêng có 2 thôn đặc biệt khó khăn (Nậm Chà, Nậm Vằn) có địa hình cao hơn hẳn, 100% dân số là đồng bào người Dao, trình độ dân trí còn hạn chế.
“Xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh, con người là yếu tố quyết định. Sự thay đổi tư duy, nhận thức của con người trong việc chuyển từ phương thức thủ công sang ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh tế - xã hội là điểm cốt lõi để xác định liệu mô hình có thành công, hiệu quả hay không”, ông Bắc nói.
Tới nay, tất cả 14 thôn của xã Gia Phú đều đã lập các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ), tổng số 116 thành viên, hoạt động rất tích cực, dù rằng chưa có chính sách, nguồn lực hỗ trợ nào về kinh phí.
Trong các tổ CNSCĐ, người già có uy tín, bí thư chi bộ, trưởng thôn là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền vận động; còn lực lượng đoàn viên thanh niên sẽ là lực lượng nòng cốt hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ.
Tổ CNSCĐ được đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng giúp quá trình triển khai mô hình xã nông thôn mới thông minh tại Gia Phú đạt nhiều kết quả khả quan.
Về xã hội số, tính đến hết tháng 6/2024, 95,9% người dân được cài đặt app VneID; 82,2% người dân từ đủ 14 tuổi trở lên có tài khoản định danh mức độ 2 trên app VneID; 100% cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện thanh toán qua cổng dịch vụ công quốc gia; 100% hộ gia đình triển khai địa chỉ số…
Về kinh tế số, 11/11 sản phẩm OCOP của xã đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như buudien.vn, Shopee...; 80% giao dịch mua hàng các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương được thanh toán trực tuyến; 100% hộ kinh doanh, hợp tác xã được tập huấn về TMĐT (đăng bài, bán hàng trên các mạng xã hội).
“Đặc biệt, chúng tôi đang nỗ lực để tới năm 2025 sẽ hình thành mô hình vùng rau ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả những giải pháp thông minh vào quá trình sản xuất nông nghiệp, chẳng hạn như tưới tiêu thông minh - điều khiển từ xa qua điện thoại di động”, ông Bắc thông tin.
Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, lĩnh vực chính quyền số ở Gia Phú cũng đạt một số kết quả bước đầu. 95% văn bản của UBND xã gửi các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử được ký số chuyên dùng trực tiếp bởi lãnh đạo xã (trừ các văn bản mật); 100% giao dịch trên cổng dịch vụ hành chính công được xác thực điện tử; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến toàn trình; 80% cuộc họp nội bộ của xã không in tài liệu giấy...
“Kỳ vọng của chúng tôi là mô hình xã nông thôn mới thông minh sẽ giúp người dân địa phương từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững. Cũng như nhiều địa phương khác, khó khăn lớn nhất hiện nay của chúng tôi là phải thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Chúng tôi đã tuyên truyền, thậm chí có mô hình hướng dẫn nhân dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến ngay tại cơ sở, tuy nhiên, vẫn có người muốn đi nộp trực tiếp tại cơ quan quản lý nhà nước. Sẽ cần thêm nhiều thời gian, nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa mới có thể thay đổi được tư duy của người dân về việc khai thác tối đa hiệu quả, tiềm năng của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số”, Chủ tịch xã Gia Phú bày tỏ.
Trong “bức tranh” xã nông thôn mới thông minh Gia Phú, thôn thông minh Đông Căm là một “điểm sáng” nổi bật. Theo sự hướng dẫn của Chủ tịch Phạm Minh Bắc, chúng tôi tìm đường tới thôn Đông Căm.
Tiếp chuyện chúng tôi, Trưởng thôn Phạm Văn Biên kể: “Đông Căm là thôn đầu tiên của xã được chọn làm điểm về thôn chuyển đổi số. Lúc đầu chúng tôi cảm thấy đây là trọng trách lớn, rất nhiều khó khăn, không thể làm được. Trình độ bà con không đồng đều. Trong thôn có nhiều bà con người dân tộc thiểu số, hạn chế về trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ số. Nhưng rồi với sự động viên, hỗ trợ của lãnh đạo huyện, xã, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của bà con, chúng tôi quyết tâm triển khai mô hình điểm thôn thông minh”.
Cả thôn có 170 hộ, 687 nhân khẩu, thì 100% hộ gia đình đều có điện thoại thông minh (smartphone). Đây chính là điều kiện thuận lợi để triển khai tốt mô hình thôn thông minh.
Tới giờ, các hệ thống chính trị của thôn đều có nhóm Zalo. Riêng nhóm Zalo của thôn có sự tham gia của 100% các hộ gia đình ở Đông Căm. Trưởng thôn và các cán bộ thôn có việc gì cần chỉ cần nhắn lên nhóm, thông tin sẽ được gửi tới mọi người dân một cách nhanh chóng, không cần phải đến từng nhà để thông báo như trước kia.
Từ ngày 17/1/2024, thôn Đông Căm triển khai mô hình hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua cổng dịch vụ công ngay tại cơ sở. Bà con chỉ cần ra nhà văn hóa thôn, sẽ được hướng dẫn tỉ mỉ “đường đi nước bước” cần làm trên điện thoại thông minh và máy tính.
“Điện thoại thông minh của một số bà con cấu hình thấp, khó truy nhập vào cổng dịch vụ công thường. Muốn đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công trực tuyến, bắt buộc phải có tài khoản Gmail, trong khi rất nhiều bà con chưa có tài khoản này. Và sau khi lập tài khoản dịch vụ công, không ít bà con quên mất mật khẩu. Những bất cập này đã được hỗ trợ khắc phục bởi các thành viên tổ CNSCĐ”, ông Biên cho hay.
Sau hơn nửa năm, cả thôn Đông Căm đã có 88 hồ sơ thuộc 11 TTHC của 3 lĩnh vực (Tư pháp - Công an - Lao động, Thương binh và Xã hội) được thực hiện qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Lĩnh vực nhiều hồ sơ nhất là chứng thực bản sao và xác nhận thông tin nơi cư trú.
“Trước kia, bà con muốn làm TTHC sẽ phải mất thời gian, công sức lên UBND xã. “Một cửa” ở xã phục vụ 14 thôn, bản, bà con phải ngồi chờ một lúc mới đến lượt mình. Có lần cổng dịch vụ công bị nghẽn mạng, bà con phải về, hôm sau quay lại. Mặt khác, “một cửa” ở xã chỉ có 1 cán bộ tư pháp, khó “cầm tay chỉ việc” cho từng người dân. Giờ chỉ cần ra Nhà văn hóa thôn cũng có thể hoàn tất thủ tục qua cổng dịch vụ công. Tổ CNSCĐ trực ở Nhà văn hóa thôn từ 13h30 đến 21h30 các ngày thứ 2, 4, 6 trong tuần. Nhiều bà con tranh thủ buổi tối ra làm hồ sơ, hôm sau chúng tôi sẽ lấy kết quả về trả. Hôm qua cũng có mấy hồ sơ trích lục khai sinh, chúng tôi vừa lấy về để trả cho bà con đây. Giờ cứ có hồ sơ TTHC, bà con sẽ thông báo lên nhóm Zalo, đặt lịch hẹn với tổ CNSCĐ. Chúng tôi đang hướng tới mục tiêu 100% người dân thôn Đông Căm có tài khoản trên cổng dịch vụ công trực tuyến”, ông Biên kể tiếp.
Nhà văn hóa thôn Đông Căm nằm sát chợ dân sinh. 75% dân số ở Đông Căm kinh doanh, buôn bán, chỉ có 25% dân số làm nông nghiệp. Với sự hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ của lãnh đạo thôn cùng tổ CNSCĐ, giờ đây, các hộ kinh doanh đều đã biết cách thanh toán không tiền mặt và giao dịch trên sàn TMĐT. Mô hình Chợ 4.0 không dùng tiền mặt đang dần được hình thành.
“Hiện tại, nhà văn hóa thôn đã có 3 đường truyền WiFi gói mạng cao. Thế nhưng, cứ tầm chiều chiều, rất đông người đi chợ, cộng thêm lượng lớn người tụ tập tại sân thể thao của thôn. Chúng tôi không dám để WiFi mở rộng rãi mà phải để mật khẩu sử dụng riêng cho việc hỗ trợ người dân thực hiện TTHC công trực tuyến. Đã là thôn thông minh thì cần có mạng WiFi miễn phí cho bà con sử dụng. Một trong những mong muốn lớn nhất của chúng tôi bây giờ là được cấp trên tạo điều kiện thêm về đường truyền”, Trưởng thôn Phạm Văn Biên giãi bày.
Theo ông Phạm Minh Bắc, Chủ tịch UBND xã Gia Phú, mô hình “thôn thông minh” tại Đông Căm đã góp phần thay đổi cuộc sống của người dân địa phương. UBND xã Gia Phú đang tiếp tục triển khai mô hình thôn thông minh tại 4 thôn nữa, gồm: Nậm Hẻn, Hùng Thắng, Bến Phà, Phú Xuân; phân công tổ xung kích thực hiện hỗ trợ cho tổ công nghệ số cộng đồng của 4 thôn này.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình “thôn thông minh” tại 13 thôn còn lại của xã Gia Phú, để tới năm 2025, Gia Phú hoàn thành các chỉ tiêu của mô hình điểm “xã nông thôn mới thông minh”.