Cơ hội và thách thức
đối với ngành Thuế trong chuyển đổi số
Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngành Thuế được phát triển qua hơn 30 năm theo các chương trình cải cách, hiện đại hoá của Chính phủ, phù hợp với giải pháp, công nghệ, hạ tầng, trang thiết bị và trình độ người sử dụng tại các cơ quan thuế theo từng giai đoạn. Việc ứng dụng CNTT đã góp phần xây dựng ngành Thuế hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và triển khai thành công các chương trình, kế hoạch cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân và toàn xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Trong bối cảnh bùng nổ của các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về triển khai Chính phủ điện tử (CPĐT), thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) trong thời kỳ mới, ngành Thuế đã thay đổi tổng thể và toàn diện về cách thức làm việc, đưa toàn bộ hoạt động của cơ quan thuế lên môi trường số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu số.
Thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai hệ thống ứng dụng đáp ứng các quy trình nghiệp vụ; xây dựng kho cơ sở dữ liệu (CSDL) về thuế với các giải pháp phân tích và khai thác dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro trong quản lý thuế theo hướng tập trung. Đồng thời, ngành Thuế đã kết nối, trao đổi thông tin với các cơ quan, tổ chức (kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, ...) nhằm đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Ngành Thuế cũng đã triển khai áp dụng hoá đơn điện tử giai đoạn 1 theo quy định của Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Ngoài ra, ngành Thuế còn triển khai các ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế (NNT) như: Triển khai dịch vụ thuế điện tử trên nền tảng web, thiết bị di động (Etax-Mobile) đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người nộp thuế tại Việt Nam và nhà cung cấp nước ngoài.
Tính đến cuối năm 2021 khoảng 99% trên tổng số DN đang hoạt động trên cả nước đã sử dụng các dịch vụ thuế điện tử. Kết quả đến nay cơ quan thuế đã tiếp nhận gần 160 triệu hồ sơ điện tử từ NNT. Triển khai 150 dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT) đạt mức độ 4, 32 dịch vụ đạt mức 3 và tích hợp 178 dịch vụ lên Cổng DVC quốc gia. Hạ tầng truyền thông ngành Thuế có gần 1.500 đường truyền kết nối; Trung tâm dữ liệu (TTDL) chính và TTDL dự phòng của ngành Thuế với 1.000 máy chủ hoạt động trên nền tảng, giải pháp công nghệ ảo hoá. Ngành Thuế đã áp dụng các giải pháp bảo mật thông tin, dữ liệu quản lý thuế và chống tấn công nhằm đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động của toàn hệ thống.
Ngày 27/11/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1874/QĐ-BTC về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Ngành Tài chính xác định quá trình CĐS tập trung vào phát triển chính phủ số, thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số với mục tiêu hoàn thành xây dựng tài chính điện tử, thiết lập nền tảng tài chính số dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái tài chính số, cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh, hướng tới mục tiêu thiết lập hệ thống tài chính số hoá và nền tài chính thông minh. Để từng bước thực hiện mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính đã cụ thể thành các nhiệm vụ trong Kế hoạch 05 năm ứng dụng CNTT ngành Tài chính giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt tại Quyết định 2042/QĐ-BTC ngày 25/10/2021.
Trong thời gian vừa qua, ngành Thuế đã tập trung triển khai các DVCTT phục vụ người dân, DN và triển khai hóa đơn điện tử đáp ứng quy định Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn. Đây là các thành tích nổi bật, đánh dấu bước tiến mạnh mẽ trong công cuộc CĐS của ngành Tài chính nói chung và của ngành Thuế nói riêng với kết quả cụ thể như sau:
Triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT): Ngày 21/11/2021, ngành Thuế đã chính thức triển khai sử dụng HĐĐT tại 06 tỉnh, thành phố giai đoạn 1 gồm TP. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định. Đến nay, toàn bộ các tổ chức, DN tại 6 tỉnh, thành phố đang sử dụng hóa đơn theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP đã thực hiện chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC.
Tiếp tục thực hiện lộ trình triển khai HĐĐT giai đoạn 2, ngày 21/4/2022, ngành Thuế đã công bố triển khai áp dụng HĐĐT giai đoạn 2 tại 57 tỉnh, thành phố còn lại với mục tiêu đến 30/6/2022, 100% người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP chuyển sang sử dụng HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Việc triển khai HĐĐT không những góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, DN, thay đổi phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách TTHC, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng mà còn thúc đẩy CĐS trong các DN và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế. Triển khai HĐĐT cũng góp phần đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội như tiết kiệm chi phí, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường.
Triển khai các dịch vụ thuế điện tử: Từ năm 2017, ngành Thuế đã hoàn thành việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, 99% DN trong tổng số hơn 850.000 DN sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử. Việc ngành Thuế đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử nhằm hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi không những tạo thuận lợi cho người dân mà còn góp phần hạn chế tiếp xúc xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là nền tảng phát triển các dịch vụ thuế số cho người nộp thuế.
Ngày 21/03/2022, ngành Thuế đã chính thức công bố ứng dụng thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile) và Cổng thông tin điện tử (TTĐT) dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN). Với mục tiêu lấy NNT làm trung tâm phục vụ, với sự quyết tâm, nỗ lực cao của ngành Thuế và sự ủng hộ của cộng đồng DN, người dân, đặc biệt là các NCCNN, việc vận hành đưa vào triển khai hoạt động Cổng TTĐT dành cho NCCNN cũng như triển khai Ứng dụng dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động Etax Mobile của ngành Thuế sẽ đem lại hiệu quả to lớn, góp phần giúp ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung đẩy mạnh quá trình CĐS.
Tích hợp 178 DVCTT: Các dịch vụ TTHC do cơ quan thuế cung cấp được triển khai ở mức độ 3, 4 cho NNT theo hướng đơn giản, hiệu quả, nhanh chóng. Ứng dụng CNTT trong DVC gồm: điện tử hoá, số hoá TTHC và kết nối các DVC trong lĩnh vực thuế và tích hợp với Cổng DVC Quốc gia. Đến nay, ngành Thuế đã hoàn thành triển khai 182/304 DVCTT mức 3, 4 và tích hợp 178 DVCTT mức độ 3, 4 lên Cổng DVC Quốc gia. Nhờ đó, người dân và DN có thể thực hiện thêm các dịch vụ thuế điện tử một cách thuận lợi hơn.
Sử dụng mã định danh cá nhân làm MST: Ngành Thuế đã hoàn thành kết nối hệ thống tích hợp với CSDL quốc gia về dân cư để sử dụng mã căn cước công dân cho 02 dịch vụ cấp mới và thay đổi thông tin mã số thuế (MST) là cá nhân, đây cũng là tiền đề để Tổng cục Thuế tiến tới sử dụng mã định danh cá nhân làm MST. Việc sử dụng mã định danh cá nhân làm MST giúp minh bạch, thống nhất thông tin quản lý và dùng chung dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư nên đảm bảo việc định danh chính xác được thông tin NNT là cá nhân, giảm thiểu sai sót trong quá trình NNT thực hiện TTHC với cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) khác.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Thuế xác định các giải pháp phát triển CNTT ngành Thuế trong giai đoạn 2021-2025 theo hướng tích hợp, tập trung, lấy người dân, DN làm trung tâm, đáp ứng yêu cầu CPĐT, hướng tới chính phủ số, cụ thể:
Phát triển các dịch vụ thuế số cho người nộp thuế, công chức thuế và các đối tác của ngành Thuế. Trong đó, cung cấp dịch vụ thuế số cho NNT thực hiện nghĩa vụ về thuế, giúp nâng cao trải nghiệm của NNT khi sử dụng các dịch vụ điện tử và các dịch vụ số do cơ quan thuế cung cấp nhằm cải cách TTHC và tăng sự hài lòng của NNT, bao gồm: Cung cấp dịch vụ một cửa điện tử với các DVCTT mức độ 3, 4, tích hợp với Cổng DVC quốc gia. Các dịch vụ hỗ trợ NNT được xây dựng theo hướng tự động, áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong việc xây dựng các mô hình trả lời tự động, hỗ trợ NNT dựa trên đánh giá hành vi của NNT trên môi trường mạng, cung cấp các dịch vụ mà NNT cần. Các thông tin ược cung cấp minh bạch, rõ ràng, trong suốt giữa NNT và cơ quan thuế. Kết nối chia sẻ thông tin máy học qua việc tự động cung cấp cho NNT các thông tin về pháp luật thuế, giao dịch về thuế, thông báo, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vực thuế cho NNT.
Cung cấp dịch vụ cho công chức thuế: Công chức thuế là đối tác bên trong của hệ thống CNTT và cần được cung cấp các dịch vụ để thực hiện các quy trình nghiệp vụ về thuế hoặc quy trình quản lý nội bộ ngành Thuế. Công chức thuế được cung cấp đầy đủ thông tin theo vị trí công việc để có thông tin tổng thể, chi tiết trong lĩnh vực công việc được giao, giúp ra quyết định xử lý công việc hiệu quả.
Cung cấp dịch vụ kết nối, trao đổi cho các hệ thống bên thứ ba: Thực hiện kết nối, trao đổi, thu thập thông tin từ các cơ quan QLNN, từ mạng xã hội,.. để có đánh giá nhiều chiều về thông tin NNT hỗ trợ công tác đánh giá rủi ro trong quản lý thuế đồng thời tăng cường kết nối để giảm các thủ tục hành chính cho người dân, người nộp thuế khi phải thực hiện nhiều thủ tục với nhiều cơ quan QLNN khác nhau, việc tích hợp kết nối thông tin là xu thế tất yếu khi triển khai CPĐT, chính phủ số.
Hiện đại hóa hệ thống quản lý thuế và quản lý nội ngành. Trong đó tập trung, xây dựng và triển khai hệ thống Quản lý thuế tích hợp, tập trung đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ, lấy người dân, DN làm trung tâm dựa trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối, dữ liệu lớn,… với các yêu cầu cụ thể:
Xây dựng mô hình tổng thể tái thiết kế các quy trình nghiệp vụ theo luồng công việc, đảm bảo mức độ liên kết và tích hợp giữa các quy trình cũng như khả năng ứng dụng CNTT nhằm hỗ trợ tự động hóa tối đa theo luồng xử lý công việc, thống nhất phù hợp với thông lệ quản lý thuế quốc tế.
Phát triển hệ thống Quản lý thuế tích hợp (gồm hạ tầng kỹ thuật và phần mềm ứng dụng) đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ theo hướng ứng dụng các công nghệ xử lý tập trung, hiệu năng cao và tích hợp chặt chẽ giữa các cấu phần, phù hợp quy mô quản lý và đáp ứng việc lưu trữ, xử lý dữ liệu tác nghiệp lớn.
Xây dựng kho CSDL quốc gia về thuế trên nền tảng tích hợp và nền tảng dữ liệu lớn (big data và data lake) để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý thuế và quản lý tuân thủ. Xây dựng hệ thống tích hợp chia sẻ dữ liệu, kết nối trao đổi dữ liệu từ các Bộ, ngành, ngân hàng và các tổ chức có liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hỗ trợ NNT.
Triển khai hệ thống phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro trong quản lý thuế: Xây dựng và triển khai hệ thống ứng dụng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro trong quản lý thuế áp dụng giải pháp, công nghệ mới về phân tích dữ liệu lớn, AI, máy học (learning machine),… nhằm thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro theo quy định của Luật Quản lý thuế; Thu thập dữ liệu từ các đơn vị trong và ngoài ngành Thuế, các nguồn dữ liệu trên mạng Internet, mạng xã hội, tổ chức quốc tế,… nhằm làm giàu CSDL hỗ trợ công tác quản lý thuế và phân tích quản lý rủi ro về thuế.
Nâng cấp mở rộng và triển khai hệ thống HĐĐT: Trong giai đoạn tiếp theo, ngành Thuế tập trung xây dựng và triển khai phần mềm và hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai ứng dụng quản lý HĐĐT tại cơ quan thuế đáp ứng yêu cầu về chính sách quản lý hóa đơn; mở rộng xây dựng hệ thống Cổng kết nối tiếp nhận dữ liệu HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền, biên lai điện tử đồng thời bổ sung các chức năng hỗ trợ cơ quan thuế trong công tác điều tra, đối chiếu doanh thu, xác định số thuế phải nộp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Xây dựng, triển khai hệ thống quản lý nội bộ của cơ quan thuế đáp ứng các yêu cầu quản lý nội bộ cơ quan thuế như hệ thống chỉ đạo điều hành hoạt động của cơ quan thuế; hệ thống đào tạo (elearning);... Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý văn phòng điện tử đáp ứng quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, tích hợp chữ ký số, định danh số giữa các cơ quan nhà nước (CQNN); kết nối, liên thông trao đổi văn bản điện tử giữa cơ quan thuế với các CQNN thông qua Trục văn bản quốc gia theo định hướng phát triển văn phòng không giấy tờ.
Xây dựng hệ thống lưu trữ tài liệu điện tử của cơ quan thuế nhằm cung cấp các dịch vụ khai thác, tra cứu và tạo lập các dữ liệu điện tử dùng chung trong các dịch vụ khai thác dữ liệu của cơ quan thuế; Xây dựng và triển khai hệ thống chỉ đạo điều hành hoạt động của cơ quan thuế; hệ thống đào tạo (E-Learning) cho công chức thuế.
Xây dựng nền tảng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho hệ thống CNTT ngành Thuế theo định hướng dịch vụ hóa và CĐS: Xây dựng kiến trúc nền tảng hạ tầng kỹ thuật theo hướng dịch vụ (software defined) nhằm đáp ứng yêu cầu về triển khai, nâng cấp, mở rộng nhanh chóng, linh hoạt. Mô hình quản trị, vận hành hệ thống cũng được triển khai theo hướng vừa duy trì vận hành, vừa phát triển nâng cấp (DevOps) đáp ứng yêu cầu thay đổi nhanh chóng về các quy trình nghiệp vụ gắn với công tác quản trị, điều hành thông minh.
Phát triển hạ tầng kỹ thuật theo xu hướng công nghệ điện toán đám mây (ĐTĐM) riêng (private cloud) nhằm cung cấp một nền tảng hạ tầng kỹ thuật linh hoạt, ổn định, đơn giản hóa quá trình quản lý, cấp phát tài nguyên hệ thống, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên hệ thống. Phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) và các công nghệ số mới trong xây dựng các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công tác quản lý thuế.
Xây dựng hệ thống an toàn thông tin (ATTT) theo hướng bảo vệ dữ liệu nhà nước và bảo vệ dữ liệu của người dùng thông qua sử dụng định danh số để bảo đảm xác định đúng người truy cập dữ liệu; Triển khai hệ thống ATTT theo mô hình 4 lớp tại Tổng cục Thuế; Triển khai mở rộng kênh truyền kết nối với các đơn vị bên ngoài, các tổ chức TVAN phục vụ nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu ngành Thuế; Nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ mạng (5G/6G) trong việc cung cấp các dịch vụ trên nền tảng ứng dụng di động.
Trang bị thiết bị CNTT dành cho cán bộ thuế đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa môi trường làm việc của ngành Thuế: Phát triển các hệ thống làm việc tại nhà, từ xa cho cơ quan thuế; Trang bị các hệ thống tăng cường môi trường cộng tác làm việc cho cán bộ thuế: hệ thống video conference, hệ thống chia sẻ dữ liệu, hệ thống thư điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến (online training), điện thoại số,...
Triển khai TTDL chính và TTDL dự phòng của ngành Thuế theo hướng cung cấp hạ tầng TTDL như một dịch vụ: Chuyển dịch theo hướng ảo hóa hạ tầng TTDL (software defined data center), kết hợp giữa các TTDL (data center) hiện có của Tổng cục Thuế với các TTDL trên nền tảng cloud để tăng tính dự phòng, linh hoạt và hiệu quả; hướng tới triển khai TTDL dự phòng thứ 3 trên nền tảng ĐTĐM.
Trong giai đoạn tới, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCM 4.0, ngành Thuế sẽ có nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển.
Cuộc chạy đua về “công nghệ, CĐS” với các DN: Nền kinh tế số là cơ hội cũng là thách thức lớn của ngành Thuế trong lĩnh vực quản lý nguồn thu. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sự chuyển đổi kinh doanh của các DN sang nền tảng số thì một trong những thách thức lớn nhất của ngành Thuế là việc “chạy đua” với các DN về triển khai các nền tảng. Từ đó xác định các hình thức kinh doanh, cách thức hoạt động của DN để xác định hình thức quản lý cho phù hợp. Vấn đề đặt ra là làm sao để quản lý thu thuế tốt trên các giao dịch số, các hoạt động CĐS. Do đó, vấn đề cơ sở pháp lý, kỹ thuật công nghệ, thu thập tổng hợp dữ liệu, thay đổi quy trình quản lý,... là các bài toán lớn cần đi tìm lời giải.
Tìm kiếm dữ liệu: Bài toán lớn nhất đặt ra là phân tích dữ liệu lớn và có nguồn dữ liệu lớn để tổng hợp, xử lý nhằm ra quyết định cho các vấn đề quản lý. Vậy nguồn dữ liệu ở đâu? Triển khai HĐĐT chính là bước đột phá đầu tiên trong việc tổng hợp được nguồn dữ liệu về thông tin mua/bán hàng hoá, dịch vụ của nền kinh tế nội địa. Đây sẽ là dữ liệu có giá trị lớn trong việc phân tích để có những báo cáo dự báo, báo cáo hỗ trợ công tác quản lý thuế, báo cáo rủi ro trong hoạt động của các DN. Đối với mô hình quản lý thuế về CĐS 3.0, hai nguồn dữ liệu quan trọng trong quản lý thuế cần tiếp tục thu thập đó là dữ liệu giao dịch của NNT tại các ngân hàng và dữ liệu của NNT trong hoạt động tài chính, hoạt động quản lý nhân sự. Cùng với các nguồn dữ liệu được trao đổi dùng chung giữa các CSDL chuyên ngành của các Bộ, ngành, địa phương theo các lĩnh vực quản lý, khi đã có đủ các nguồn dữ liệu cần thiết, sử dụng công nghệ máy học và phân tích dữ liệu, ngành Tài chính, đặc biệt là ngành Thuế có thể có những bước đột phá mới trong việc cải tiến các chính sách thuế, quy trình nghiệp vụ về thuế và giảm bớt rất nhiều TTHC.
CĐS của tổ chức: Để có thể CĐS thành công trong tổ chức thì cần thực hiện đầy đủ và toàn diện các giải pháp CĐS bao gồm: Phát triển nguồn nhân lực cho chính phủ số. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, DN trong triển khai chính phủ số; Triển khai các mô hình kết hợp giữa CQNN, DN công nghệ số, tổ chức nghiên cứu để triển khai chính phủ số. Xây dựng bộ chỉ số đo lường triển khai chính phủ số và bộ công cụ giám sát, đánh giá; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển, làm chủ các công nghệ số chủ chốt triển khai chính phủ số, thúc đẩy ứng dụng và phát triển mã nguồn mở; Cải cách, chuẩn hoá, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ ứng dụng hiệu quả công nghệ số. Tăng cường hợp tác quốc tế, Đảm bảo nguồn lực và nguồn tài chính cho pháp triển chính phủ số.
Như vậy, việc thực hiện các bước chuyển đổi từ CPĐT sang chính phủ số là một chương trình dài hạn, cần có sự đồng thuận, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp các ngành, triển khai đồng bộ, có quy hoạch theo chiến lược của Chính phủ. Đây là những khó khăn, thách thức lớn đối với ngành Thuế và đặc biệt là lĩnh vực quản lý nguồn thu nhưng cũng là cơ hội để nâng cao hiệu năng quản lý của Ngành./.