Công dân toàn cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

cơ hội và thách thức

Tóm tắt: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với đời sống con người.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, những cải cách công nghệ mang tính đột phá có thể dẫn đến những điều kỳ diệu. Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đang đặt ra nhiều cơ hội, thách thức, công dân toàn cầu cần tận dụng triệt để cơ hội, biến thách thức thành thời cơ và vận hội.

Bài viết tập trung phân tích về công dân toàn cầu, khái niệm công dân toàn cầu, cơ hội, thách thức và những giải pháp cơ bản xây dựng, hoàn thiện người công dân toàn cầu.

I. Công dân toàn cầu

C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng có kết luận kinh điển: Cái cối xay quay bằng tay cho ta hình ảnh một lãnh chúa phong kiến, còn máy chạy bằng sức nước cho ta hình ảnh một nhà tư bản công nghiệp. Khi còn trẻ, C.Mác đã ý thức được rằng: “Một người chỉ lao động vì mình thôi, thì người đó có thể trở thành một con người thật sự hoàn thiện và vĩ đại”. Còn “Nếu một người chọn nghề, trong đó người ấy có thể làm được nhiều nhất cho nhân loại, thì lúc đó người ấy cảm thấy không phải một sự vui sướng ích kỷ, hạn chế và đáng thương mà hạnh phúc của người đó sẽ thuộc về hàng triệu người” [1].

Thế giới của nền văn minh kết nối không biên giới, từng bước hình thành con người với tư cách là chủ thể sáng tạo, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, vùng miền, thể chế chính trị thường xuyên tương tác với nhau xây dựng, phát triển và phổ biến các giá trị tốt đẹp, thu hẹp bất đồng để hướng tới một xã hội Chân, Thiện, Mỹ. Đó chính là những công dân toàn cầu trong cuộc CMCN 4.0.

Công dân toàn cầu trong cuộc CMCN 4.0 là gì; cơ hội, thách thức nào cho họ? Đây là một khái niệm rộng lớn theo cách hiểu của mỗi người. Theo Vũ Duy Mẫn - Cựu Chuyên viên cao cấp Ban Thư ký Liên Hợp Quốc “công dân toàn cầu là những cá nhân có kiến thức và hiểu biết về các vấn đề kinh tế, xã hội của toàn cầu; có kỹ năng tư duy phê phán và sáng tạo; có bản sắc cá nhân và tôn trọng sự đa dạng, biết chung sống trong và đóng góp cho cộng đồng” [7]. Tuy nhiên, thực tế công dân toàn cầu còn cần phải nắm bắt được quy luật của tự nhiên để sống hài hòa với tự nhiên, dựa vào tự nhiên, cải biến tự nhiên, môi trường; nắm bắt đươc quy luật xã hội để cùng hội nhập theo xu hướng phát triển tất yếu của xã hội loài người; hiểu được tư duy con người để đưa ra những ý tưởng sáng tạo, rèn luyện tính cách, tiếp thu cách suy nghĩ... phù hợp với từng giai đoạn phát triển, lợi ích của cộng đồng, quốc gia và cá nhân nhằm hướng đến cái Chân, Thiện, Mỹ. Đồng thời, công dân toàn cầu còn phải giỏi ngoại ngữ là chìa khóa để tiếp thu văn hóa thế giới, tri thức nhân loại, có kỹ năng thông tin để kết nối, lan tỏa và chia sẻ trong một xã hội kết nối không biên giới.

Do vậy, theo chúng tôi, công dân toàn cầu ngày nay là những công dân được đào tạo trong một quốc gia có nền giáo dục toàn cầu, với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin (CNTT) và hiểu biết quy luật khách quan của tự nhiên, xã hội, tư duy con người, có khả năng phân tích, tổng hợp để hướng tới cái Chân, Thiện, Mỹ, thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của xã hội loài người.

Tóm lại, công dân toàn cầu cần đáp ứng tiêu chí theo hướng sau: (1) có tư duy, tầm nhìn toàn cầu; (2) có kỹ năng sống, ngoại ngữ, kiến thức về CNTT, ý thức rõ về những tác động đối với xã hội từ việc làm của mình “...ngay cả khi bị rơi vào những trường hợp bất lợi hoặc nguy khốn, họ vẫn bình tĩnh giải quyết và một số người có khả năng lật ngược tình hình, biến xấu thành tốt, biến thất bại thành thành công, dám nhận bất lợi cho mình và nhường cơ hội cho số đông còn lại” [6]; (3) hiểu biết, nắm bắt, vận dụng các quy luật của tự nhiên, của xã hội, của tư duy con người và giải quyết thỏa đáng các vấn đề nóng của toàn cầu như: nạn khủng bố, an ninh mạng, vấn đề môi trường, dịch bệnh; (4) là những người tiêu biểu về tinh thần, ý thức trách nhiệm trước cộng đồng và quan trọng hơn là đặt mình trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội; (5) là người có văn hóa, tri thức, tôn trọng các chuẩn mực đạo đức và các quy phạm pháp luật, chấp nhận và tôn trọng những khác biệt trên thế giới, giữ gìn bản sắc trong quá trình toàn cầu hóa...

II. Công dân toàn cầu trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0

Cuộc CMCN 4.0 xóa bỏ các trở ngại về các thể chế chính trị, về bất bình đẳng, về cơ hội phát triển, tính chia cắt, tự cung tự cấp, cục bộ dần trở thành quá khứ. Thế giới liên kết được hình thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình của công dân toàn cầu, với trí tuệ, năng lực làm việc, biết nhiều ngoại ngữ, ở nước ngoài 30 năm, đi 40 nước, nhưng với Hồ Chí Minh vẫn đậm chất dân tộc và tư tưởng của người mang hơi thở của thời đại và sự phát triển của xã hội loài người. Ở Hồ Chí Minh, ta thấy “đang hội nhập vào bước phát triển tiến bộ của nhân loại, đang đi cùng với nhân loại giải quyết những vấn đề toàn cầu mà chính Hồ Chí Minh là một người tích cực giải quyết...” [4]. Hồ Chí Minh là “...một chiến sĩ tiên phong của dân tộc Việt Nam tiên phong trong cuộc đấu tranh phi thực dân hóa thế kỷ XX mà còn là một chiến sĩ đấu tranh giải quyết những vấn đề toàn cầu mà thế giới đang tiến hành trong thế kỷ XXI và các thể kỷ tiếp theo cho sự phát triển bền vững” [5].

Có thể khẳng định, Hồ Chí Minh là công dân toàn cầu khi thế giới chưa toàn cầu hóa.

Ngày nay, Việt Nam tham gia tổ chức INTERPOL, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc với những công dân tiêu biểu về trí tuệ Việt Nam, có kinh nghiệm về đối ngoại quốc phòng, ngoại ngữ, tin học, pháp luật, am hiểu văn hóa, phong tục của các quốc gia, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, có tư duy làm việc độc lập, có đạo đức đem hình ảnh dân tộc và nền văn hóa Việt Nam ra với cộng đồng quốc tế; khẳng định vị thế của dân tộc Việt Nam; quan trọng hơn là khẳng định khả năng của con người Việt Nam có thể tham gia và phối hợp để giải quyết vấn đề toàn cầu.

Toàn cầu hóa làm cho các quốc gia, dân tộc có nền văn hóa mang bản sắc khác nhau xích lại gần nhau hơn nhưng đều phát huy bản sắc riêng có. Do vậy, ngày nay không một ai có thể đứng ngoài xu thế hội nhập, không thể có công dân toàn cầu ở một quốc gia mà ở quốc gia đó không có sự kết nối toàn cầu.

III. Cơ hội và thách thức

Về cơ hội:

Một là, công dân toàn cầu với tư cách “con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững” nhờ khả năng ngoại ngữ, kỹ năng CNTT mà có thể sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia với nhiều nền văn hóa khác nhau, qua đó có điều kiện, cơ hội để tiếp cận văn hóa các dân tộc;

Hai là, công dân toàn cầu dựa trên khả năng về trình độ ngoại ngữ và CNTT nên có thể tham gia khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực toàn cầu như: Internet, CNTT, công nghệ điện toán đám mây, lĩnh vực tự động hóa, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ 3D, lĩnh vực sinh học, vật lý...

Cuộc CMCN 4.0 là cơ hội để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hợp tác lao động theo hướng nâng cao chất lượng, trình độ nhân lực, nhất là trong lĩnh vực CNTT. Theo Chủ tịch Tập đoàn FPT thì: “FPT đang đứng vị trí thứ hai của thế giới khi có trong tay gần 600 kỹ sư có bằng cấp, chứng chỉ cao nhất trong lĩnh vực IoT. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 1.000 kỹ sư trong năm 2017 và FPT dễ dàng hợp tác với các tập đoàn hùng mạnh nhất toàn cầu” [6].

Ba là, công dân toàn cầu với tư duy và suy nghĩ trong môi trường toàn cầu tạo điều kiện để các dân tộc hiểu biết lẫn nhau, bổ sung giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình vào nền văn hóa chung của nhân loại, đồng thời góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc theo nghĩa “văn hóa là đời sống tinh thần”. Thúc đẩy phát triển các hình thức sáng tạo, thưởng thức văn hóa theo hướng hiện đại gắn với văn hóa truyền thống.

Bốn là, công dân toàn cầu sẽ dễ dàng chia sẻ thành tựu, thông tin khoa học mang tính toàn cầu và tùy thuộc điều kiện và năng lực của mình tham gia các phân đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu trên tinh thần đề cao tính sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp cũng như làm việc tập thể.

Năm là, công dân toàn cầu có điều kiện tiếp cận nền kinh tế thị trường, khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất, kinh tế tri thức, kinh nghiệm tổ chức, quản lý, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0 hiện nay.

Về thách thức:

Một là, do môi trường làm việc quốc tế thường đòi hỏi những kỹ năng như: tính sáng tạo, kiến thức xã hội bao quát, làm việc độc lập, môi trường đa văn hóa, khả năng phân tích vấn đề và dám đương đầu với thử thách. Theo GS. Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản - JAIST: “Dưới tác động của CMCN 4.0, nhiều loại lao động sẽ tăng lên, nhiều loại sẽ giảm đi và cùng với đó, có nhiều lao động mới dự báo sẽ xuất hiện. Do đó, để thích ứng, người lao động cần phải sở hữu nhiều kỹ năng như quản lý, kỹ thuật số và cả những kỹ năng mềm. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho thời chuyển đổi số là bắt buộc và cấp thiết. Chúng ta cũng phải thay đổi rõ nét về mục tiêu, nội dung và cách thức đào tạo để tương thích với thời đại mới” [7].

Hai là, công dân toàn cầu khi tham gia vào môi trường toàn cầu để tự mình có thể thích ứng, dễ bị “shock về văn hóa”, mất niềm tin, phương hướng, nhận thức tiêu cực, không làm chủ bản thân dẫn đến tự kỷ, tìm đến cái chết...

Sự thâm nhập lai căng văn hóa, lối sống thực dụng và những tiêu cực khác của nền kinh tế thị trường làm tha hóa con người mà biểu hiện cụ thể là sự vô cảm văn hóa, suy giảm tình thương con người, thiếu trách nhiệm với xã hội ngày càng thể hiện rõ.

Thứ ba, dưới sự tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, công dân toàn cầu phải đối mặt với không ít nguy cơ, thách thức, nhất là nguy cơ suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, mục tiêu xã hội chủ nghĩa, rời xa bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là ở những nước đang phát triển, chưa có tác phong công nghiệp, trình độ của lực lượng sản xuất còn thấp, quan hệ sản xuất còn bộc lộ nhiều nhược điểm..

Thứ tư, công dân toàn cầu năng động, có mối quan hệ rộng rãi, mang tính quốc tế, do vậy, xuất hiện những nhân tố tác động chuyển hóa ý thức hệ, công dân toàn cầu quan tâm đến lợi ích cá nhân hơn là lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thứ năm, Lợi dụng danh nghĩa toàn cầu hóa để hoạt động vi phạm pháp luật, phục vụ lợi ích tổ chức, cá nhân nhằm đạt được các mục đích chính trị, kinh tế... Công dân toàn cầu sẽ gắn với vấn đề di cư, do vậy dễ bị xâm phạm đến sự an toàn tính mạng, quyền và sự tự do con người, hình thành lớp con lai, con nhiều quốc tịch, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực dân số và quản lý dữ liệu dân cư.

Giải pháp xây dựng người công dân toàn cầu

Nhóm giải pháp về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT)

- Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ: “Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế” [2]. Ngày nay, cuộc CMCN 4.0 mà chìa khóa là kết nối vạn vật Internet từng bước trở thành một môi trường văn hóa và giáo dục quan trọng đối với công dân toàn cầu.

- Công dân toàn cầu cần phải được đào tạo, đáp ứng những tiêu chí của toàn cầu, như: có kỹ năng tương tác xã hội, khả năng thuyết trình, làm việc tập thể, có tư duy phản biện hiệu quả, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

- Khuyến khích việc học tập suốt đời “xã hội học tập” để tiếp tục phát triển các kỹ năng và nâng cao ý chí tự học, tự làm giàu... tự mình phát hiện vấn đề đúng sai, tốt xấu, thiện ác, hạnh phúc, niềm tin...từ đó giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, đúng đắn theo chuẩn mực, chân lý của cuộc sống.

Nhóm giải pháp về tuyên truyền truyền thống yêu nước, tinh thần cảnh giác cách mạng

- Công dân toàn cầu vừa phải được thường xuyên rèn luyện và tu dưỡng về đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm công dân, có tri thức, có sức khỏe và lao động giỏi, sống có văn hóa, có tinh thần quốc tế chân chính, có tác phong độc lập suy nghĩ không lệ thuộc, vừa phải biết tiếp nhận có chọn lọc những tri thức khoa học, tiến bộ của thế giới, những giá trị văn hóa nhân loại để góp phần làm cho đất nước tiến bộ, tiếp cận với văn minh thế giới.

- Công dân toàn cầu cần phải được bồi dưỡng kiến thức về hội nhập, nắm vững các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về các vấn đề toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế để luôn luôn chủ động, tranh thủ thời cơ thuận lợi, hạn chế khó khăn, thách thức và những nguy cơ, có ý thức tự bảo vệ mình, giữ vững phẩm chất, truyền thống, đạo lý người Việt Nam.

- Công dân toàn cầu của một quốc gia phát triển, văn minh phải biết cách “hạn chế thách thức, biến thách thức thành cơ hội và tận dụng cơ hội đó”, phải là người làm chủ, sáng tạo, không bị phụ thuộc một cách máy móc, cơ học vào cuộc CMCN 4.0 hiện nay. Đồng thời phải là chủ thể để phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, không chỉ sáng tạo về học thuật mà còn sáng tạo ngay trong cuộc sống của mình thay vì chỉ là khách thể, bị động trước cuộc CMCN 4.0. Đây là phẩm chất, tiêu chuẩn cơ bản để đảm bảo cho sự sinh tồn và phát triển của cá nhân trong xã hội kết nối.

Muốn làm được điều đó, đòi hỏi phải đổi mới từ việc GD&ĐT mà hạt nhân là “con người”, theo hướng đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, nội dung, chương trình cũng như phương pháp giảng dạy và học tập, nghiên cứu với phương châm là học để biết, học để làm, học để tồn tại, thích ứng và cùng chung sống. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Muốn có chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa. Muốn có con người xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa” [3].

Tài liệu tham khảo

[1]. C.Mác - Ph.Ăngghen, Những tác phẩm ban đầu, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1956, tr. 3 và 5 (tiếng Nga).

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 77.

[3]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 296.

[4], [5]. Mạch Quang Thắng, Hồ Chí Minh con người của sự sống, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2014, tr. 20.

[6], [7]. Nhóm phóng viên kinh tế, “Vượt sóng” cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Báo Nhân dân, số 22636 ngày 27-9-2017, Bài 1, tr. 1 và tr. 4.

[8]. Trần Thị Ngọc Anh, Công dân toàn cầu-một thách thức cho giáo dục công dân ở Việt Nam (Kỷ yếu hội thảo quốc gia về giáo dục đạo đức - công dân trong giáo dục phổ thông Việt Nam), Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2013, tr 113.

[9]. Xem https://www.funix.edu.vn/tin-tuc/tro-thanh-cong-dan-toan-cau-doi-hoi-cua-moi-de-duoc-song-hieu-qua/