Đại học số
Lời giải cho bài toán phát triển nguồn nhân lực số thực hiện CĐS quốc gia?
Nhân lực số là lực lượng lao động trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ CNTT, công nghệ số. Nguồn nhân lực số được xác định là một trong những yếu tố quan trọng, mang tính quyết định tới thành công của chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 230 trường đại học (ĐH), trong đó gần 150 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật: CNTT, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin…. Hàng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này vào khoảng hơn 50.000 (chưa tính cao đẳng, trung cấp khoảng 12.000). Với năng lực đào tạo này, trong những năm gần đây, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật cao để thực hiện CĐS, không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng ngày càng lớn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN).
Trong cơ cấu nguồn nhân lực, Việt Nam cần khoảng 2% nhân lực kỹ thuật để thực hiện CĐS quốc gia. Tỷ lệ này hiện nay mới đạt khoảng 1,3%, tỷ lệ tương đối thấp so với một số quốc gia đang phát triển như Mỹ (2%), Hàn Quốc (2,5%). Để đạt được tỷ lệ 2%, Việt Nam cần đào tạo được tối thiểu 70.000 sinh viên ĐH chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm (tăng khoảng 40% so với hiện nay). Mục tiêu này là khó khả thi với số lượng và quy mô đào tạo của các trường ĐH truyền thống hiện nay.
Việt Nam không phải quốc gia duy nhất gặp phải vấn đề đào tạo nhân lực số. Để giải quyết vấn đề, nhiều quốc gia, điển hình là Hàn Quốc, Ấn Độ đã xác định phát triển ĐH số, là giải pháp quan trọng, đột phá để phát triển, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nhân lực số nói riêng.
Chưa có khái niệm thống nhất rộng rãi về ĐH số nhưng có thể hiểu đơn giản, ĐH số là CĐS giáo dục ĐH, đưa toàn bộ hoạt động của trường ĐH, của giảng viên, sinh viên lên môi trường số. Và vì chuyển đổi hoàn toàn lên môi trường số, mô hình hoạt động của một trường ĐH số trở nên linh hoạt và vượt qua nhiều giới hạn về không gian, thời gian mà một ngôi trường truyền thống gặp phải, dẫn tới dịch vụ giáo dục được tiếp cận dễ dàng hơn, đào tạo được nhiều hơn, chi phí rẻ hơn, với chất lượng tối thiểu tương đương.
Từ năm 1998, Chính phủ Hàn Quốc đã khởi động một dự án thử nghiệm triển khai 05 trường ĐH số đầu tiên, mỗi trường do một tổ chức tư nhân xây dựng với mục tiêu là đào tạo được nhiều sinh viên hơn.
Cho đến nay, với khoảng hơn 50 triệu dân, Hàn Quốc đã có khoảng 20 trường ĐH số. Trong đó, trường ĐH số Seoul được xem là trường ĐH số điển hình của Hàn Quốc và Châu Á. Hàng năm, trường ĐH số Seoul đào tạo tới 40.000 sinh viên với lựa chọn học trực tuyến hoàn toàn, nâng cao năng lực đào tạo hơn 30% sinh viên so với đào tạo trực tiếp.
Với bước phát triển vượt bậc trong phát triển các trường ĐH số trong khoảng hơn 20 năm qua, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về tỉ lệ thanh niên trong độ tuổi 25 - 34 có trình độ ĐH (~60%), tạo ra nguồn lao động chất lượng cao dồi dào cho quốc gia.
Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia xác định ĐH số là giải pháp đột phá để phát triển nguồn nhân lực. Cho đến nay, Ấn Độ đã triển khai 02 ĐH số (Trường ĐH số Khoa học, Đổi mới và Công nghệ Kerala [1] chuyên ngành kỹ thuật và Trường ĐH Công nghệ tài chính [2] tại Jodhpur) và kế hoạch xây dựng thêm một ĐH số cấp quốc gia vào năm 2022 [3]. Thủ tướng Ấn Độ, ông Narenda Modi coi đây là bước đi chưa có tiền lệ để giải quyết triệt để vấn đề giới hạn chỉ tiêu đào tạo tại các trường học. Việc phát triển ĐH số có thể tăng chỉ tiêu từ 27% lên 50%, tức là có thêm 10 triệu dân Ấn Độ trong độ tuổi có thể tiếp cận với đào tạo trình độ ĐH.
ĐH số đầu tiên của Ấn Độ là trường Kerala, được khai trương vào tháng 02/2021 trên cơ sở phát triển, nâng cấp Viện CNTT và quản lý Kerala (IIITM-K), định hướng trở thành Trung tâm Xuất sắc về CNTT. ĐH số Kerala bắt đầu với 05 Khoa đào tạo chuyên ngành kỹ thuật: Khoa học máy tính và Kỹ thuật (Computer Science and Engineering); Khoa học số (Digital Sciences); Hệ thống điện tử và Tự động hóa (Electronic Systems and Automation); Khoa học thông tin (Informatics); Nhân chủng và Nghệ thuật số (Digital Humanities and Liberal Arts), bao trùm các khía cạnh khoa học, công nghệ và con người trong thế giới số. Trường ĐH Kerala có năng lực đào tạo trực tiếp cho 12.000 sinh viên và số lượng lớn các sinh viên học tập theo hình thức trực tuyến từ xa 100%.
Gần đây, Google đã công bố sáng kiến “Google Career Certificates” [4] được dự báo sẽ thay đổi tương lai của nghề nghiệp và giáo dục. Sau khi tham gia khóa học trực tuyến kéo dài 06 tháng này của Google, học viên được trang bị đầy đủ kỹ năng để tìm kiếm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Kết quả này sẽ được Google và hàng nghìn đối tác đánh giá tương đương với bằng ĐH 04 năm, sẵn sàng tuyển dụng không cần bằng cấp chính quy.
Qua đây có thể thấy xu thế đào tạo của tương lai: thời gian đào tạo ngắn hơn, gắn liền với thực tế hơn, nội dung bám sát vào những kiến thức, kỹ năng cần thiết, học từ thực tiễn theo mô hình “on-jobs-training”.
Trong tương lai, bằng cấp sẽ trở nên ngày càng ít quan trọng hơn. Thay vào đó, nhà tuyển dụng sẽ quan tâm nhiều hơn đến năng lực thực sự của ứng viên. Thay vì tỉ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ được tuyển dụng trước và ngay sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành một thước đo quan trọng của giáo dục.
Coursera [5] được thành lập bởi Daphne Koller và Andrew Ng vào năm 2012 với mục tiêu cung cấp các khóa học trực tuyến trên toàn cầu. Coursera hiện là một nền tảng học tập trực tuyến hàng đầu cho giáo dục ĐH, nơi 72 triệu người học trên toàn thế giới thường xuyên truy cập để học các kỹ năng của tương lai. Hơn 200 trường đại học hàng đầu thế giới và các nhà giáo dục trong ngành hợp tác với Coursera để cung cấp các dự án, khóa học, chuyên ngành, chứng chỉ và chương trình cấp bằng. Hơn 2.400 công ty tin tưởng nền tảng dành cho doanh nghiệp Coursera for Business của công ty để phát triển và chuyển đổi tài năng của họ.
Nền tảng Coursera ngày một được hoàn thiện theo hướng của một trường ĐH số mở. Coursera khuyến khích các trường ĐH trên thế giới tham gia, đưa các khóa học lên nền tảng, không chỉ là nội dung học mà còn là ngân hàng câu hỏi, các bài kiểm tra sát hạch và thậm chí là khả năng kết nối trực tiếp đến các nền tảng số để thực hành. Tham gia một khóa học về thương mại điện tử (TMĐT) trên Coursera, sinh viên được cung cấp một giao diện ngay trên khóa học để truy cập trực tiếp để trải nghiệm trên nền tảng TMĐT của Amazon. Hay một khóa học kỹ năng xây dựng trang web TMĐT cung cấp giao diện ngay trên khóa học để sinh viên trực tiếp thực hành trên nền tảng của Spotify. Tất cả đều trực tuyến toàn trình và thông qua nền tảng tích hợp này, giáo viên dễ dàng nắm bắt và thấu hiểu tới từng sinh viên trong suốt khóa học.
Với khả năng đáp ứng như vậy, Coursera đang thay đổi cơ bản cách thức cung cấp dịch vụ giáo dục cấp ĐH. Trong đó, việc học tập ngày càng ít phụ thuộc vào giáo viên, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian mà có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, cá thể hóa tới từng cá nhân dựa trên dữ liệu số và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Từ khi triển khai mô hình ĐH số, trường ĐH số Seoul đã đào tạo được khoảng hơn 600.000 sinh viên. Con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với số lượng người học trực tuyến trên nền tảng Coursera (hơn 70 triệu). Phép so sánh này cho thấy tiềm năng to lớn mà các nền tảng công nghệ số giáo dục mang lại để giải quyết vấn đề đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực số ở những quy mô khác nhau.
Tại Việt Nam, Ủy ban Quốc gia (UBQG) về CĐS cũng đã xác định triển khai thí điểm ĐH số là một trong những trọng tâm của giai đoạn 2022 - 2025 để giải quyết vấn đề nhân lực số. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBQG đã ký ban hành một số Chương trình liên quan:
- Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, tại điểm điểm b Khoản 1 Phần V có giao Bộ GD&ĐT chủ trì “Triển khai thí điểm mô hình giáo dục ĐH số tại một số cơ sở giáo dục ĐH”.
- Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tại điểm b Khoản 2 Phần V của Quyết định có giao “Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng và tổ chức triển khai thí điểm mô hình “Giáo dục ĐH số”; xây dựng, ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá CĐS cơ sở giáo dục ĐH”.
Kế hoạch số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của UBQG về CĐS giao Bộ GD&ĐT chủ trì chỉ đạo, Bộ TT&TT phối hợp thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng ĐH số và xây dựng Đề án thí điểm triển khai 05 trường tham gia mô hình ĐH số tại Việt Nam, trong đó ưu tiên lựa chọn 05 trường ĐH có thế mạnh đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật, CNTT - điện tử viễn thông, an toàn thông tin mạng để triển khai thí điểm, từng bước hoàn thiện mô hình ĐH số trước khi nhân rộng.
Các trường ĐH được lựa chọn là những trường có thương hiệu mạnh, có đầy đủ các điều kiện cần thiết để đưa toàn bộ hoạt động học tập lên môi trường số: giảng viên và sinh viên có kỹ năng số, có thiết bị truy cập phục vụ học tập, nghiên cứu, có lực lượng sinh viên kỹ thuật đông đảo để phát triển giải pháp nội bộ.
Với cách tiếp cận như vậy, ngay từ năm 2020, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) (Bộ TT&TT) đã tiên phong, trở thành trường ĐH đầu tiên của Việt Nam triển khai thử nghiệm ĐH số trên nền tảng công nghệ PTIT-Slink (do Học viện tự phát triển).
Sau 01 năm triển khai, hầu hết các hoạt động của Học viện đã được đưa lên trên nền tảng, mang lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, sinh viên mới có thể thực hiện các thủ tục đăng ký nhập học, học tập theo học liệu chuẩn MOOC, thực hành, thi cử trực tuyến 100% hay tham gia vào các hoạt động khác mà không cần hiện diện tại trường. Đây là điểm khác biệt rõ nét với các hoạt động dạy - học trực tuyến hiện nay vẫn chỉ đơn thuần là diễn ra trên các phần mềm họp trực tuyến.
Đến hết năm 2020, toàn bộ 13.000 sinh viên và cán bộ, giảng viên Học viện đã được cấp tài khoản để sử dụng các dịch vụ, tiện ích trên Nền tảng đại học số PTIT-Slink.
Một số so sánh về việc dạy học trước và sau khi triển khai ĐH số tại Học viện Công nghệ BCVT
Việc triển khai ĐH số tại Học viện Công nghệ BCVT đang ở giai đoạn đầu nhưng những kết quả mang lại là tương đối tích cực. Tuy nhiên, CĐS không chỉ là vấn đề công nghệ, mà còn là thay đổi cơ chế, chính sách để khuyến khích và chấp nhận cái mới. Mô hình ĐH số là mới, do vậy, cần được thí điểm trong một môi trường có kiểm soát (sandbox) để từng bước đúc rút, hình thành mô hình ĐH số phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Trong môi trường có kiểm soát đó, cần “cởi trói” hoặc tối thiểu là “nới lỏng” một cách hợp lý các quy định trong giáo dục ĐH như: tỷ lệ nội dung khóa học được giảng dạy tối đa 30% cho hệ đào tạo chính quy, hạn chế về quy mô tuyển sinh/năm học hay cho phép áp dụng cơ chế sử dụng, chuyển đổi một số văn bằng, chứng chỉ quốc tế sang tín chỉ hoàn thành để khuyến khích và rút ngắn thời gian học của các sinh viên giỏi, xuất sắc.
Việc giáo dục, đào tạo ĐH là quan trọng bởi đầu ra của quá trình này là đầu vào của nền kinh tế. Để đào tạo ra một lực lượng nhân sự có thể làm việc sẽ mất từ 3 - 5 năm. Do vậy, việc triển khai mô hình ĐH số sẽ cần phải được ưu tiên triển khai để sớm tạo ra nguồn cung nhân lực số bổ sung. Trong hành trình này, chắc chắn sẽ không thể thiếu vắng vai trò của các doanh nghiệp công nghệ số - những nhà tuyển dụng trực tiếp đánh giá và sử dụng nguồn nhân lực.
Tài liệu tham khảo