Đạo đức
và đào tạo nhà báo
trong bối cảnh số hóa
Tóm tắt
Tác giả nêu yêu cầu đạo đức và kỹ năng nghiệp vụ của nhà báo:
Tác giả nêu một số yêu cầu đối với công tác đào tạo nhà báo:
Thời đại bùng nổ thông tin và tác nghiệp trong cơ chế thị trường và số hóa, nhà báo phải đối mặt với muôn vàn thách thức. Nhà báo trong kỷ nguyên số phải là những người đa năng và đa nhiệm, chuyên nghiệp ở tất cả các khâu trong quá trình thực hiện một tác phẩm báo chí, phải biết sử dụng và khai thác triệt để truyền thông xã hội … và càng cần đòi hỏi ở nhà báo một bản lĩnh chính trị vững vàng, một đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trách nhiệm xã hội và năng lực nghề nghiệp cao, hiểu biết và tuân thủ pháp luật là nền tảng vững chắc.
Trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ thông tin và số hóa hiện nay đã được Hội Nhà báo Việt Nam cụ thể hóa 10 điều quy định đạo đức của người làm báo. Có thể xem đây là bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, mang tính dẫn dắt, hướng dẫn, đòi hỏi mỗi người làm báo phải luôn tuân thủ bằng cả lương tâm và trách nhiệm của mình.
Thực tiễn cho thấy, hiệu quả của công việc và uy tín của mỗi người làm báo luôn phụ thuộc vào sự kết hợp hài hòa giữa bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, trình độ chuyên môn, đạo đức và sự say mê nghề nghiệp, cũng như khả năng nhạy bén nắm bắt và thâm nhập thực tiễn. Về tổng thể, chất lượng thông tin báo chí đem lại cho xã hội tùy thuộc vào bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, năng lực nghiệp vụ báo chí, chất lượng nguồn tin và biên tập tin, bài, hình thức thể hiện và chất lượng in ấn. Theo đó, người làm báo chân chính phải luôn đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích của bản thân; phải luôn gần gũi, sâu sát với đời sống của nhân dân, phản ánh đúng đắn những tâm tư, tình cảm, nhu cầu, lợi ích của nhân dân và đất nước. Đồng thời, nhà báo phải am hiểu pháp luật, gương mẫu chấp hành pháp luật cả trong cuộc sống, cũng như trong hoạt động báo chí.
Bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trách nhiệm xã hội và năng lực nghề nghiệp cao, hiểu biết và tuân thủ pháp luật là nền tảng vững chắc giúp nhà báo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin nhanh chóng, chính xác, đủ liều lượng, đúng định hướng chính trị, với cách thức thông tin phù hợp, hiệu quả và có tác dụng định hướng, giáo dục tốt… để báo chí thực sự “là diễn đàn của nhân dân”, là kênh cung cấp thông tin cho các cơ quan Ðảng, chính quyền các cấp về các dư luận trong xã hội, về tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận và xây dựng quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc,… xứng đáng với niềm tin và sự mong đợi của độc giả.
Thời đại bùng nổ thông tin và tác nghiệp trong cơ chế thị trường và số hóa, nhà báo phải đối mặt với muôn vàn thách thức: Từ sức ép cạnh tranh thông tin đến những cạm bẫy vật chất và tiêu cực xã hội. Đặc biệt, sự bùng nổ thông tin mạng và thời đại công nghệ số tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với người làm báo bởi sự tràn ngập các loại thông tin gây nhiễu loạn, khó kiểm chứng; trong đó có không ít những luồng thông tin xấu, độc. Điều đó buộc người viết phải tỉnh táo, có trách nhiệm, không vì đề cao tính thời sự mà bỏ qua tính chính xác, chân thực và nhân văn của mỗi thông tin đem đến cho bạn đọc; không được nóng vội, để rồi thổi phồng sự thật, làm sai lệch bản chất sự việc chỉ với mục đích câu view, chạy theo lợi nhuận. Thông tin mà báo chí chân chính cung cấp phải đem đến cho công chúng niềm tin ở sự thật, tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, tin vào sự nghiêm minh của pháp luật và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và tiền đồ đất nước, tương lai dân tộc.
Cùng với quá trình Đổi mới và hội nhập của đất nước, báo chí nước ta đã có sự phát triển vượt bậc, cả về số lượng, chất lượng, loại hình. Đội ngũ những người làm báo ngày một đông đảo và hùng hậu. Trong những thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm báo, nhất là trong tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần điều chỉnh dư luận xã hội, đấu tranh và bài trừ sai trái, bảo vệ chân lý...
Thực tế cũng đang cho thấy, trước xu hướng thương mại hóa báo chí, xuất hiện một bộ phận nhà báo thiếu bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội và bán rẻ lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, chạy theo kiểu làm báo“lá cải”, câu khách một cách rẻ tiền theo kiểu “ăn xổi, cốt sao đánh đấm ra tiền, theo đặt hàng và bán được nhiều báo, giành được nhiều quảng cáo, tạo ra cuộc đua “Sốc + sex + sến”… làm nhiễu thông tin, suy giảm các giá trị xã hội về “Chân, Thiện, Mỹ”, tự làm tổn thương mình và tổn thương uy tín danh hiệu nhà báo chân chính.
Đặc biệt, nguy hại hơn, xuất hiện tình trạng có một số nhà báo “hai mặt”: Khi viết bài đăng báo chính thống trong nước, họ viết một kiểu; ngược lại, khi tự đăng bài viết riêng trên các trang mạng hoặc báo chí nước ngoài, họ viết và thể hiện quan điểm, thái độ chính trị khác, thậm chí ngược lại với những gì họ đã thể hiện trước đó. Phải chăng đây không phải là một biểu hiện đặc thù cần nhận diện đầy đủ và phòng chống nghiêm khắc của sự tự diễn biến, tự chuyển hóa trong đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp…?!
Nhà báo trong kỷ nguyên số và bùng nổ thông tin phải là người đa năng và đa nhiệm, chuyên nghiệp ở tất cả các khâu trong quá trình thực hiện một tác phẩm báo chí, vừa là nhà báo viết, vừa là nhà báo ảnh, biết dựng video, làm infographic, biết sử dụng các thiết bị kỹ thuật đa phương tiện; có phông kiến thức văn hóa - xã hội vững chắc, nắm vững các kỹ năng sử dụng ngôn từ, hình ảnh, title vừa theo chuẩn mực quy định, vừa có phong cách sáng tạo cá nhân đậm nét; liên tục trau dồi, tích luỹ kiến thức chuyên sâu và có thể thực hiện tác nghiệp thành thạo trên nhiều công đoạn với tính độc lập rất cao để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; năng nổ và có ảnh hưởng xã hội ngày càng sâu, rộng.
Nhà báo trong kỷ nguyên số cần phải biết sử dụng và khai thác triệt để truyền thông xã hội phục vụ cho hoạt động của mình; biết thu hút sự hợp tác và cùng tham gia của công chúng, vừa là chủ thể, lại vừa là khách thể tiếp nhận, xử lý thông tin từ phía công chúng qua các trang mạng xã hội; Nhạy bén và thành thạo kỹ năng kỹ năng phát hiện vấn đề, kỹ năng thu thập, khai thác, xử lý, kiểm chứng thông tin, giao tiếp tốt với nguồn tin, đồng nghiệp, với cấp trên và với công chúng. Phóng viên không chỉ thuần túy đưa tin tức, mà còn bình luận, phân tích, dự báo và đề xuất giải pháp, thể hiện cả quan điểm riêng và cung cấp cơ sở giúp bạn đọc có góc nhìn đa chiều hơn về vấn đề mà mình thông tin. Tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhà báo là hạt nhân để xây dựng nên tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại.
Đặc biệt, nhà báo cần thành thạo một ngoại ngữ thông dụng, nhất là tiếng Anh; có nhận thức đầy đủ, sâu sắc và tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực về đạo đức nói chung, đạo đức nghề báo nói riêng; cũng như trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình; dũng cảm tuyên truyền cổ vũ và bảo vệ cái tốt, cái đẹp, phản bác và diệt trừ cái xấu, cái ác; suy nghĩ và hành động trước hết vì lợi ích chung, góp phần làm cho quan hệ giữa người với người trong xã hội ngày càng tốt đẹp, nhân văn hơn.
Thực tế cho thấy, nhà báo phải là những “nhà tư tưởng” có khả năng thuyết phục, những cây bút chính trị - xã hội sắc sảo. Nếu người làm báo mà tư cách đạo đức không tốt, có biểu hiện “hai mặt, hai lời, hai thái độ” bất nhất giữa viết báo và sống thực tế, giữa bài đăng báo chính thống với bài đăng mạng xã hội thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tín nhiệm của công chúng đối với bài viết của mình, và qua đó đối với cả cơ quan báo chí.
Đạo đức của nhà báo không phải tự nhiên mà có, mà nó được sinh ra từ sự học tập, rèn luyện nghiêm túc, khoa học của mỗi người cầm bút. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội”. Bởi vậy, cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên.
Gia đình là nơi có ảnh hưởng đầu tiên, trực tiếp và mạnh mẽ nhất đến sự hình thành đạo đức và bản lĩnh chính trị của mỗi người thanh niên. Những năm tháng đầu tiên trong cuộc đời nếu được gieo “hạt giống” tốt thì sẽ “nảy mầm” những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của mỗi con người.
Đạo đức của nhà báo phải bắt đầu ngay từ lúc con người ta học làm nghề báo. Do đó trong hệ thống nhà trường, nhất là các nhà trường làm nhiệm vụ đào tạo ra những nhà báo trong tương lai, càng cần phải làm thật tốt việc giáo dục nhận thức về hệ giá trị chuẩn chung quốc gia và nhân loại, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội cho các sinh viên, nền tảng để hình thành đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp báo chí.
Các cơ quan báo chí cũng cần tăng cường công tác quản lý, trau dồi đạo đức về nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên... để các nhà báo luôn có được lòng yêu nghề, thái độ chăm nghề, trọng nghề, bởi đây là cái gốc để sinh ra bản lĩnh chính trực của các nhà báo.
Đặc biệt, cần có sự phối hợp liên thông và liên kết đa tầng về hình thức và nội dung để tạo chuỗi đào tạo liên tục các nhà báo trên cơ sở sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đào tạo, sử dụng, các cơ quan quản lý báo chí và hội nhà báo…
Đối với các cơ quan báo chí lớn của Đảng, cần coi trọng hơn việc đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng và bản lĩnh nghề nghiệp cao, cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên; chủ động nhận diện và phòng chống sự suy thoái trong chính nội bộ các cơ quan báo chí trong đấu tranh phòng chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa; bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí gắn liền với việc đảm bảo tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần coi trọng việc thường xuyên cập nhật kiến thức, đổi mới nội dung chương trình, tăng cường đào tạo kỹ năng cho các PV và BTV về viết tin, chụp ảnh, quay video và biên tập trên điện thoại di động, sử dụng những ứng dụng truyền thông mới (new media) để tường thuật trực tiếp, truyền phát video trực tiếp (live streaming) cho tòa soạn hoặc lên thẳng website; tổ chức các cuộc tọa đàm, gặp gỡ, trao đổi giữa giới báo chí, các cơ quan quản lý báo chí và công chúng, cũng như phát triển các quan hệ toàn diện hơn giữa các cơ quan báo chí với các cơ sở đào tạo báo chí để nắm bắt kịp thời với xu thế báo chí hiện đại, tăng cường kỹ năng chuyên nghiệp và năng lực công tác kiểm chứng thông tin để nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí và để báo chí chính thống mãi luôn là nguồn thông tin tin cậy với công chúng…!
Trong quá trình bồi dưỡng và phát triển, tổ chức hoạt động của đội ngũ PV, BTV và CTV báo chí, cần cảnh giác trước các biểu hiện và ý đồ chia rẽ khối đại đoàn kết, xa rời mục đích tôn chỉ và thoát ly sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước trong “làng báo” Việt Nam, gây chia rẽ, phân tâm làm nhiễu loạn thông tin, thiếu sự đồng thuận trong xã hội.
Việc đào tạo và nâng cao chất lượng PV, BTV cần bám sát các nhiệm vụ chính trị của báo chí, gắn với thực tiễn phong phú của đời sống báo chí, nắm bắt đúng, trúng nhu cầu kiến thức và kĩ năng trong hoạt động tác nghiệp của phóng viên, hoạt động quản lý tòa soạn và các vấn đề, các tình huống về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Hình thức đào tạo cần đa dạng, từ mở lớp đến tổ chức hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ, tổ chức các giải báo chí. Bên cạnh các lớp bồi dưỡng từ 2-3 ngày, cần có nhiều hình thức mở lớp chuyên đề với thời gian ngắn (chỉ một buổi, một ngày), quy mô gọn ngay tại cơ quan báo chí. Hình thức này phù hợp với các nhà báo bận rộn về chuyên môn, ít có thời gian theo học.
Đối với những cán bộ BTV và PV biên chế cơ hữu chuyên trách chuyên mục và chuyên ngành, lĩnh vực, cần thường xuyên tổ chức những hoạt động nghiên cứu khoa học; cung cấp tài liệu có liên quan và định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ban Biên tập báo và Liên Chi hội nhà báo báo tăng cường phát hiện, tập hợp, đào tạo và trọng dụng những nhóm chuyên gia và cây bút chuyên sâu; tổ chức thường xuyên các hoạt động đào tạo chuyên môn, chính trị và nghiệp vụ báo chí, năng lực viết chính luận và chuyên môn sâu về chính trị, luật, kinh tế, xã hội, văn hóa v.v… cho đội ngũ BTV, PV của báo viết cho các chuyên mục; chủ động triển khai đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên có khả năng theo dõi diễn biến của lĩnh vực theo cả chiều rộng và chiều sâu, luôn cập nhật tình hình để có khả năng phát hiện, nắm bắt, khái quát nội dung các vấn đề cần thiết để hình thành đề tài, đồng thời cũng có khả năng kịp thời xử lý các đề tài thời sự, cần nhanh chóng triển khai; Đồng thời, chủ động phát hiện nguồn PV trẻ từ các sinh viên mới tốt nghiệp đại học, có khả năng đáp ứng công việc để tuyển dụng để đào tạo, bồi dưỡng,… chuẩn bị lực lượng về lâu dài trong cơ cấu ở từng ban chuyên môn liên quan.
Bên cạnh đó, các PV và BTV cần tự giác rèn luyện và đảm bảo sự tín nhiệm của công chúng đối với bài viết của mình, và qua đó đối với cả cơ quan báo chí; thực hiện nghiêm 10 điều quy định về đạo đức, nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội; học tập, nghiên cứu các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; Tham dự các cuộc hội thảo nghiệp vụ do BCH Liên chi hội nhà tổ chức; học hỏi nghiệp vụ chuyên môn qua công việc thực tế, học tập kinh nghiệm của những người đi trước.
Cán bộ, công chức, viên chức đang giữ chức vụ và thuộc ngạch, chức danh nào phải đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng các tiêu chuẩn trình độ kiến thức quy định cho chức vụ và ngạch, chức danh đó. Kết quả học tập là một tiêu chí để xem xét trong việc khen thưởng theo các danh hiệu thi đua trong các đợt sơ kết, tổng kết hằng năm. Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được cơ quan, đơn vị bố trí, sắp xếp thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập (dựa trên cơ sở quy chế định mức, định việc); Hưởng nguyên tiền lương, tiền thưởng và phụ cấp (nếu có). Cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan cử đi học được hỗ trợ kinh phí trong quá trình học tập.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, thực hiện theo quy định của cơ sở đào tạo và các quy định của Đảng và Nhà nước. Cơ quan cần có chế độ khuyến khích các nhà báo tự học để có bằng thạc sĩ, tiến sĩ; chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tuyển dụng tiên tiến, khoa học để lựa chọn được những người thực sự có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong và trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công tác tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, phóng viên, biên tập viên.../.