Đẩy mạnh chuyển đổi số
để phát triển du lịch bền vững
Tóm tắt
Bài viết giới thiệu ý kiến đề xuất về đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) để phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam từ trải nghiệm thực tế của ông Lâm Việt Tùng, chuyên gia công nghệ thông tin đang công tác tại Hà Lan với các nội dung:
Việt Nam, dải đất cong hình chữ S với đường bờ biển kéo dài trên 3.260km từ Bắc xuống Nam, có rất nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn như Hạ Long, Sa Pa, Tràng An, Hội An, Phong Nha Kẻ Bàng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Phú Quốc... Cùng với đó, Việt Nam cũng có nhiều di tích lịch sử lâu đời như Chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Tháp Chàm (Ninh Thuận), Hoàng Thành, Chùa Thiên Mụ (Huế), Dinh Độc Lập (Tp. Hồ Chí Minh)… Từ miền Trung trở vào khu vực phía Nam, khí hậu nắng và nóng quanh năm, du lịch biển luôn là điểm đến an toàn, nơi nghỉ đông lý tưởng cho các khách du lịch phương Tây.
Việt Nam có vị trí địa lý, dân số và tiềm năng du lịch gần giống Thái Lan nhưng số lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam lại ít hơn rất nhiều. Ví dụ, năm 2019, khách quốc tế vào Thái Lan là 40 triệu lượt khách nhưng vào Việt Nam là 18 triệu lượt khách. Năm 2022, số khách quốc tế vào Thái Lan là 11,2 triệu lượt khách nhưng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam là 3,7 triệu lượt. Tại sao lại có nghịch lý như vậy?! Liệu rằng, CĐS có thể giúp “chuyển mình” cho ngành du lịch Việt Nam trong tương lai gần.
Trước tiên, hành trình của khách du lịch bắt đầu từ việc lên kế hoạch thời gian đi, quốc gia đến, thủ tục visa, vé máy bay bao nhiêu, quá trình bay, đặt khách sạn, thủ tục cửa khẩu. Tiếp đến, họ tìm hiểu phong cảnh, văn hóa, viện bảo tàng, các khu mua sắm, quà lưu niệm, địa điểm ăn uống và các loại món ăn… Sau hành trình chuyến đi, họ sẽ gặp người thân để chia sẻ trải nghiệm du lịch của họ. Nếu hành trình đó là trải nghiệm thành công thì chắc chắn rằng, lần sau họ sẽ tiếp tục đến. Vô hình trung, họ chính là những người quảng cáo du lịch miễn phí cho Việt Nam!
Đi du lịch ở đâu thường bắt đầu từ tìm kiếm thông tin qua Google và qua các website và app giới thiệu của các cơ quan chính thống. Thái Lan có website và app đều gọi một tên giống nhau Amazing Thailand của Tổng cục Du lịch Thái Lan, có thể chọn 17 ngôn ngữ khác nhau, giao diện thiết kế, nội dung tương đối ổn, cập nhật nội dung liên tục nhưng app thì chất lượng kém, được đánh giá là 2/5. Còn Việt Nam chỉ có website của Tổng cục Du lịch Việt Nam (https://vietnam.travel) có thể chọn ngôn ngữ Anh và Trung Quốc, giao diện thiết kế bắt mắt nhưng cấu trúc nội dung thiếu nhiều, có nhiều chỗ không logic, nội dung không cập nhật.
Chẳng hạn, món ăn nem rán hay chả giò còn gọi Loempia (theo cách gọi tên của người Hà Lan) thì không có; không có hướng dẫn đến một địa điểm bằng phương tiện nào và giá cả ra sao. Thậm chí, website còn thiếu thông tin quán ăn theo sở thích, khách sạn hay mua sắm hàng lưu niệm ở đâu, thời tiết theo mùa như thế nào...
Như vậy, thông tin du lịch của ta cho khách nước ngoài chỉ tiếp cận được những người biết tiếng Anh hay tiếng Trung Quốc. Do đó, khả năng tiếp cận thông tin về du lịch Việt Nam sẽ ít hơn Thái Lan rất nhiều, chưa kể đến nội dung thông tin trên website Việt Nam gây nhầm lẫn… CĐS cho ngành du lịch Việt Nam, có lẽ nên bắt đầu thiết kế và chỉnh lại website này và phát triển app cùng tên với website. Cũng có thể chọn tên miền website và app hấp dẫn hơn. Từ đây liên kết với tất cả website hay app liên quan đến hành trình du lịch thành điểm tìm đến Việt Nam duy nhất.
E-Visa Việt Nam bước đầu làm tốt, cho phép 80 nước có thể xin visa trực tuyến nhưng chỉ có mỗi ngôn ngữ tiếng Anh. Du khách phải tự lấy xuống máy tính, điền thông tin rồi đăng tải thông tin kê khai lên trang website. Việc này, đôi khi không thuận tiện cho du khách. Tuy vậy, rất ít Việt kiều hay người nước ngoài biết tiếng Anh ở những quốc gia không nói tiếng Anh (trừ Hà Lan) vẫn đến Đại sứ quán các nước xin visa và “bị kẹp ngón tay” ở các cửa này vì những quy định không rõ ràng về thủ tục và lệ phí. Ở đây cần có ứng dụng website cho người làm visa lần đầu có thể lưu trữ những thông tin đã điền trước đó để lần sau họ không cần điền nữa. Ngoài ra, thủ tục cần “đơn giản” nhiều thông tin cá nhân.
So sánh với E-Visa của Thái Lan, ứng dụng website của họ hoàn chỉnh, giao diện thiết kế đẹp, tạo ra tài khoản người dùng và thông tin cần điền (chỉ cần thông tin hộ chiếu) cũng rất đơn giản. Thời gian visa du lịch Việt Nam chỉ có 30 ngày. Trong khi ở Thái Lan, thời gian du lịch lên đến 60 ngày hay 90 ngày tùy theo mỗi quốc gia. Điều này, gây khó khăn cho một số Việt kiều có hộ chiếu nước ngoài hay người nước ngoài muốn ở Việt Nam lâu hơn để tránh đông hay thậm chí làm việc từ xa phải tiếp tục đi gia hạn hộ chiếu ở Bộ Ngoại giao. Thay vì, họ có thể gia hạn trực tuyến để có thể “tiết kiệm” thời gian thì thực tế họ phải chờ đợi và xếp hàng rất lâu... Thực trạng hiện nay không có bất kỳ ứng dụng nào phục vụ cho thủ tục này.
Anh Nguyễn Trí Dũng, sinh năm 1948 tại Sài Gòn, tốt nghiệp Đại học Hitotsubashi (Nhật Bản) ngành quản lý công. Ngay sau giải phóng, vào cuối năm 1975, anh Dũng là một trong số những Việt kiều đầu tiên được Chính phủ Việt Nam mời về thăm quê hương, bàn tìm giải pháp giúp đất nước khắc phục hậu quả chiến tranh. Anh có 2 người con gái sinh ở Nhật Bản có hộ chiếu Việt Nam từ khi 2 tuổi nhưng cho tới nay vẫn không có cơ quan nào xác minh anh là cha của 2 cháu.
Ở đây cho thấy hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) của Bộ Ngoại giao còn thiếu và các thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ của Việt kiều không rõ ràng. Sự phân biệt người mang hộ chiếu Việt Nam ở trong nước và ngoài nước tuỳ theo người giải quyết ở các cấp rất khác nhau... Trên Internet chỉ có 3 dịch vụ công cấp 4 và trong đó có 2 dịch vụ cho người mang hộ chiếu Ngoại giao và cái thứ ba cho người nước ngoài sống ở Việt Nam. Đây là bài toán dịch vụ công “lỡ hẹn” nhiều năm của Bộ Ngoại giao chúng ta.
Giá vé máy bay đến Việt Nam thường đắt hơn đến Thái Lan khoảng 30%. Bản thân người viết, khi vào website của Vietnam Airlines, rất khó mua vé “giá tốt” nên thường mua ở các website khác. Người Việt Nam bắt buộc phải về nghỉ hè ở Việt Nam nên họ chấp nhận giá vé đắt hơn nhưng với người nước ngoài thì họ sẽ chọn du lịch tại Thái Lan. Vì vậy, Vietnam Airlines cần nâng cấp phần website bán vé trực tuyến không qua trung gian càng nhiều càng tốt thì mới có thể giảm giá vé máy bay được.
Vấn đề check-in cũng rất khó chọn ghế trên app và chỉ có thể chọn được trên website. Còn app chạy rất chậm và không có menu để chọn món ăn không thịt. Con gái tôi gọi điện thoại 8 lần để đăng ký món ăn trước khi bay 24 tiếng như quy định, nhưng không gọi được và chấp nhận ăn thế nào cũng được. Trước giờ bay khoảng 5 tiếng thì tổng đài gọi lại hỏi có việc gì mà gọi tới 8 lần, cháu giải thích thì cô nhân viên tổng đài nói phải gọi trước 24 giờ. Hai người đôi co một lúc và cháu rất ngạc nhiên khi ở trên máy bay mong muốn của cháu được toại nguyện. Vietnam Airlines cũng nên xem xét hoàn thiện app và website, chỉ cần một thay đổi nhỏ - để menu lên cho mọi người trước khi check-in có thể tự chọn món ăn vừa mang lại sự hài lòng và không cần nhiều nhân viên tổng đài như hiện tại. Thực đơn món ăn cần thay đổi phong phú hơn và hợp khẩu vị hơn cho người châu Âu và cả người Việt.
Vietnam Airlines nên bay đúng giờ làm gương cho các hãng bay khác. Đối với du khách nước ngoài giờ bay chính xác rất quan trọng vì họ có lịch trình làm việc hay du lịch rất nghiêm túc. Nhưng việc chậm trễ chuyến bay và hủy chuyến liên tục trong các chuyến bay nội địa ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh Việt Nam về khả năng tổ chức công việc và thiệt hại gián tiếp lên nền kinh tế rất lớn. Hành khách luôn trong tình trạng chờ đợi mỏi mòn để có thể bay, trong khi đó thì hành khách phải luôn đúng giờ nếu không sẽ bị hãng bay không cho bay. Mỗi tháng không biết bao nhiêu chuyến bay đã hoãn hoặc chậm trễ khiến cho nhiều người cảm thấy rất bức xúc. Nhiều hành khách cho rằng chế tài quá nhẹ nên các hãng bay dễ dàng nói lời “xin lỗi”. Các quy định hiện nay khá “thoáng” cho hãng hàng không, trong khi hành khách thiệt hại lớn cũng không có cơ chế để được đền bù thỏa đáng.
Phần đông việc đặt vé bây giờ chỉ qua Booking.com và thông tin cũng rất “nhiễu”. Ví dụ, khách sạn tiêu chuẩn 3 sao vẫn để là 4 sao hay các góp ý không tốt về chất lượng dịch vụ của khách sạn bị đẩy xuống dưới.
Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước nên có website để cho người dân tra cứu về chất lượng của khách sạn được đánh giá theo đúng tiêu chuẩn của cơ quan du lịch. Du khách có thể đóng góp ý kiến, dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đánh giá những ý kiến đó và cơ quan chức trách cần xử lý kịp thời.
Hungary đã phát triển một ứng dụng đặt vé riêng và rất thành công vì không phải trả phí cho Booking hay các website đặt vé nước ngoài. Ngoài ra, Hungary còn phát triển app quét các hộ chiếu qua camera và chuyển thẳng dữ liệu cho bộ phận quản lý an ninh với thông tin đến và đi của khách du lịch. Như vậy, đảm bảo hộ chiếu không bị nhân viên khách sạn sao chép và dùng vào chuyện khác.
Sau một quãng đường bay dài đến Việt Nam, người gặp đầu tiên là anh lính biên phòng, vẻ mặt nghiêm túc quá sẽ mất đi sự thân thiện, nếu nói được một câu tiếng Anh, “Xin chào!”, “làm ơn đưa cho tôi xem hộ chiếu” và “cảm ơn” khi kiểm tra xong, sẽ tăng hơn hình ảnh một Việt Nam hiếu khách. Có lẽ tốt nhất là để các cô gái mặc áo dài truyền thống và niềm nở chào hỏi bằng tiếng Anh, làm nhiệm vụ ở cửa khẩu, sẽ giúp cho khách du lịch quên đi nhanh “mệt mỏi” chuyến bay dài và cảm thấy sự nồng ấm khi được chào đón ở Việt Nam.
Trong tương lai nên đặt các cổng kiểm tra hộ chiếu tự động có camera, khi đọc hộ chiếu nên hiện lên chữ xin chào theo quốc tịch của khách, dùng AI kiểm tra ảnh hộ chiếu có khớp với khuôn mặt không, có phải đối tượng bị truy nã đang mang hộ chiếu người khác không. Nên tránh kiểm tra hộ chiếu 2 lần ở sân bay bởi cửa khẩu và an ninh vì thực sự không cần thiết và không có nước nào làm như vậy cả.
Ở khu vực sân bay quốc tế, Việt Nam nên có hướng dẫn viên du lịch để giúp khách du lịch quốc tế các thủ tục liên hệ các phương tiện giao thông. Ví dụ, mua SIM điện thoại Việt Nam và cài đặt các app đặt xe như Grab, Bee… để du khách có thể đặt xe tắc-xi dễ dàng vì hệ thống giao thông công cộng của mình không thuận tiện như các nước khác.
Người châu Âu quen đi lại bằng giao thông công cộng và đi bộ nhưng mạng lưới giao thông công cộng Việt Nam rất kém, cộng với không khí ở các thành phố lớn Việt Nam rất ô nhiễm và vỉa hè bị lấn chiếm. Trước mắt, chính phủ nên có chính sách khuyến khích chuyển sang dùng xe đạp, xe máy điện, xe đạp điện, ô tô điện, xe buýt điện như giảm thuế giá trị gia tăng hay thuế môi trường thì không khí sẽ được cải thiện nhanh chóng. Tiếp theo, chính quyền cương quyết giải phóng vỉa hè cho người đi bộ.
Về lâu dài, Việt Nam phải có hệ thống đường sắt tốc độ cao kết nối với hệ thống giao thông công cộng phục vụ chở khách và hàng hóa đến bất cứ nơi nào. Trước mắt, có thể dùng hệ thống xe buýt điện hay khí hydro hiện đại, dài như toa tàu điện trong các thành phố thay cho hệ thống metro “lỡ hẹn”, giá thành vận hành và bảo hành xe buýt sẽ rẻ hơn metro rất nhiều. Tuy vậy, nguồn điện cũng phải sạch nên EVN cũng cần làm CĐS mạnh hơn nữa và cho phép các nhà máy điện gió và điện mặt trời đã và đang chờ kết nối mạng điện quốc gia từ mấy năm nay. Về lâu dài, nhà nước cần phải tư nhân hóa các doanh nghiệp sản xuất điện và nhà nước chỉ đóng vai trò truyền tải và phân phối. Việt Nam cần nghiên cứu dùng nhà máy điện hạt nhân loại nhỏ (SMR - Small Module Reactor) hay điện nhiệt hạch trong tương lai.
Hiện tại, nhân viên thu vé trên xe buýt là cần nhưng “lãng phí”, trong tương lai cần có hệ thống trả tiền tự động bằng thẻ từ của ngân hàng hay các app trên điện thoại như vậy giúp khách du lịch tham gia giao thông công cộng dễ dàng.
Hà Nội có rất nhiều đình chùa cổ kính, có bề dày văn hóa lịch sử nhưng không có thông tin, không được khai thác du lịch ngoài chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn hay Văn Miếu Quốc Tử Giám. Chỉ riêng những chùa quanh Hồ Tây thôi cũng có thể xuất bản thành cuốn sách dày với rất chi tiết và huyền thoại hay không kém gì của Hy Lạp. Nhưng du lịch Việt Nam vẫn chưa thể khai thác tiềm năng lịch sử này. Trong khi chùa của Thái Lan với những tượng phật xi măng to khổng lồ với độ tuổi khoảng vài chục năm đến khoảng trăm năm, giống nhau, nhưng họ hướng dẫn rất chi tiết, làm tôi mất vài ngày mới xem hết.
Hay đứng giữa đống đá ở Knossos, Hy Lạp, nghe họ giải thích về cung điện và giếng nước, mãi không tưởng tượng ra nổi nhưng khách du lịch đến rất đông. Trong khi các Tháp Chàm của Việt Nam có độ tuổi hơn nghìn năm là tuyệt tác kiến trúc bí ẩn của thế giới, không kém gì Angkor Wat nhưng không được quảng bá và giữ gìn xứng đáng với giá trị của nó. Và còn rất nhiều di sản văn hóa khác nữa cần được quảng bá trên website và app đã nói ở trên.
Tôi có quen anh bạn Hà Lan tôi gặp ở Hội An từ năm 1998. Lâu lâu chúng tôi lại gặp nhau và thường hay tổ chức thịt nướng trong vườn. Anh ấy rất hay đi du lịch khắp nơi trên thế giới nhưng chỉ đến Việt Nam một lần duy nhất. Tôi rất ngạc nhiên và hỏi anh ta sao không đi du lịch Việt Nam nữa. Anh ngập ngừng một lúc rồi nói thích món ăn Việt Nam ngon và có thể ăn ở Hà Lan rồi, muốn tắm biển sang Majorca ở Tây Ban Nha, gần và sạch, còn ở Việt Nam thì muốn xem các bảo tàng nhưng rất nghèo nàn và gần như không có gì. Anh ta rất thất vọng với Bảo tàng Điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật ở TP. HCM… Tôi nghe mà tim quặn lại và quyết về thăm những bảo tàng anh ấy nói.
Vào Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM, thú thực tranh, tượng không nhiều và ít tranh đẹp như các họa sỹ Việt Nam hay đăng trên Hội Tri Thức Hà Lan chúng tôi… và không được bảo vệ, nắng chiếu trực tiếp vào, ai muốn sờ lên hiện vật cũng được. Có cặp trai gái xem trước tôi, sờ nhiều lần vào các bức tranh và tôi nhắc nhiều lần nhưng họ vẫn làm. Thông tin về tranh bằng tiếng Anh có nhiều chỗ sai… Nhiều người vào đó chụp hình từ cửa sổ, rất nguy hiểm, chân làm bẩn hết các tường vôi. Có lẽ mỗi viện bảo tàng nên có app để người xem có thể tra cứu nội dung với mã QR dán gần hiện vật. Xa hơn nữa là viện bảo tàng 3D, để thể truy cập từ xa.
Các quán ăn được Google maps thu thập thông tin rất tốt nhưng về phía Việt Nam cũng cần tập trung dữ liệu cơ bản như quán ăn, thời gian mở, món ăn, địa chỉ theo từng TP và kết nối với website và app duy nhất để tìm kiếm dễ hơn.
Món ăn Việt Nam rất ngon và phong phú, so với Thái Lan thì có thể nói không thua chút nào, nhưng trên website vẫn còn nghèo thông tin.
Đối với du khách nước ngoài, quán ăn trông sạch sẽ là điều kiện cần để họ vào, rồi mới đến món ăn. Nhiều quán ăn trông bên ngoài rất ổn, có thùng rác nhưng nhiều khách hàng vẫn “hồn nhiên” gạt đồ thừa xuống sàn. Ý thức bảo vệ môi trường và văn hóa ứng xử nơi công cộng cần được dạy từ ngay trong gia đình và trường học.
Khách du lịch một nửa là phụ nữ nên nhu cầu mua bán quà cáp là rất cao nhưng trên website hiện tại không có bất kỳ thông tin gì. Nhất là những cửa hàng quần áo, hàng lưu niệm chất lượng cao nên có trên các siêu thị lớn, vừa đáp ứng nhu cầu vừa quảng bá hàng Việt Nam ra nước ngoài.
Tràng An là di sản thắng cảnh thế giới đặc biệt và đẹp. Vịnh Hạ Long trên cạn cũng rất sạch sẽ và giàu di tích văn hóa lịch sử. Gia đình tôi đi nhiều lần và ai cũng rất thích.
Những năm 2000, tôi thường hay đến bãi Sao ở Phú Quốc tắm vì cát trắng, nước trong nhìn được chân. Nhưng từ năm 2018, chúng tôi không đến đó nữa vì nước đục do các nhà hàng khách sạn đổ nước thải ra biển, con cầu gai nhỏ rất nhiều, dẫm vào rất đau chân. Ngoài ra, rất nhiều tàu dịch vụ vây quanh bãi tắm, váng dầu nổi lều bều trên đó. Tôi cũng không đến Suối Đá Bàn hay Bãi Ông Lang nữa mặc dù cảnh rất đẹp vì rác ngập mọi nơi. Tôi cũng không đi lặn xem san hô nữa vì không nói được các bạn trẻ đừng dẫm lên san hô vì sẽ bị gãy và chết.
Bờ biển đẹp của Việt Nam không thua gì Majorca hay Tenerife của Tây Ban Nha nhưng vấn đề quy hoạch các khách sạn, bãi tắm và quán ăn rất tự phát nên khó xử lý nước thải, muốn đổ vào đâu cũng được, gây ô nhiễm môi trường.
Chúng ta được thiên nhiên ban tặng bờ biển dài hơn 3.260km nhưng bài toán khai thác và “bảo tồn tài nguyên biển” cần được quản lý, thực thi nghiêm ngặt, hiệu quả nếu không có thể thế hệ con cháu chúng ta không còn hưởng tài nguyên này nữa.
Du lịch hiện nay được định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Để phát huy tiềm năng du lịch, chúng ta cần phát triển du lịch theo hướng bền vững. Các hoạt động du lịch bền vững bao gồm việc tạo ra các trải nghiệm du lịch tích cực và tiêu biểu cho khách du lịch, đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường, bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên, tăng cường nhận thức và tôn trọng văn hóa địa phương và thúc đẩy việc tham gia cộng đồng địa phương.
Và chắc chắn rằng, công nghệ kỹ thuật số mới đóng vai trò trợ thủ “đắc lực” sẽ góp cánh tay nối dài để có thể quảng bá du lịch, nâng cao trải nghiệm của khách du lịch cũng như thay đổi tư duy quản lý du lịch hiện tại. Điều này, thực sự rất cần sự hợp tác tích cực giữa Bộ Ngoại giao, Tổng cục Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an…, doanh nghiệp và người dân trong công cuộc CĐS, thay đổi cách làm CNTT hiện tại, thì du lịch Việt Nam “cất cánh” bay xa được./.