Chặng đường 10 tháng xây dựng Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) (sửa đổi) là những chuỗi ngày “chỉ hết việc, không hết giờ” của chúng tôi, với đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc. Đó là những ngày miệt mài làm việc với tinh thần trách nhiệm lớn lao, là những khi giọt mồ hôi nhỏ xuống tay đang gõ phím. Đó còn là những khoảnh khắc khi Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Lê Quang Huy mở cửa thật khẽ, im lặng lắng nghe các thành viên giải trình và nhắc nhở “Các đồng chí phải thật chắc chắn”…
Ngày 1/8/2022, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC) có Giám đốc mới, chị Tô Thị Thu Hương. Với khối lượng công việc tiếp quản rất lớn, ngoài buổi làm quen chung và trao đổi sơ bộ với từng phòng chuyên môn của chị, gần như 10 ngày đầu tiên, tôi không mấy khi được gặp chị. Ngày 10/8, chị Hương bất ngờ gọi chúng tôi vào họp. Mấy anh chị em hồi hộp không biết cuộc họp về vấn đề gì mà 5, 6 anh chị em của 4 phòng chuyên môn đều được yêu cầu tham gia.
Giám đốc Tô Thị Thu Hương vào thẳng vấn đề: NEAC sẽ phối hợp cùng Vụ Pháp chế (Bộ TT&TT) chủ trì dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) (dự án Luật), chúng tôi cần chuẩn bị tinh thần để “lao động” trong 10 tháng tới.
Lúc đó, tôi ý thức mình vừa được triệu tập cho một nhiệm vụ rất quan trọng và rất khó khăn, nhưng thật sự tôi chưa hình dung nổi những công việc sẽ phải triển khai và cũng không hình dung được những vất vả trong tháng ngày sắp tới.
Gần như ngay lập tức, tôi và mọi người lao vào công việc. Cùng với sự đồng hành, phối hợp của anh Vũ Việt Hùng (giúp việc Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng), chị Hoàng Thu Hường (Chuyên viên chính Vụ Pháp chế), chúng tôi vừa nghiên cứu vừa chuẩn bị các tài liệu cần thiết kèm theo tờ trình Chính phủ trước kỳ họp 4 Quốc hội khóa XV.
Với lượng thông tin và công việc phải làm vô cùng lớn, chúng tôi, dưới sự phân công của Lãnh đạo Bộ TT&TT, gấp rút bắt tay vào việc. Lúc này, mới nhận ra khẩu hiệu được treo trên hành lang NEAC chưa bao giờ đúng như vậy: “Chỉ hết việc, không hết giờ”. Trong suốt 10 tháng liền, chúng tôi gần như “ăn ngủ” cùng dự án Luật, tập trung duy nhất vào công việc, ưu tiên tối đa cho dự án Luật với tâm niệm phải hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Ngày 3/10/2022, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình số 363/TTr-CP, trình Quốc hội dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Chúng tôi bước sang một giai đoạn mới, ngoài các địa điểm 115 Trần Duy Hưng, 18 Nguyễn Du thì 22 Hùng Vương (Tòa nhà các cơ quan của Quốc hội) là địa điểm chúng tôi thường xuyên có mặt theo yêu cầu của Cơ quan chủ trì thẩm tra (Ủy ban KHCN&MT) để phục vụ công tác báo cáo giải trình, tiếp thu.
Tòa nhà các cơ quan của Quốc hội nằm ở góc đường giao giữa Trần Phú và Hùng Vương. Khác với vẻ ngoài yên tĩnh, nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc thảo luận, trao đổi vô cùng căng thẳng. Cửa sổ phòng họp tầng 8 là nơi tôi thường lặng lẽ đứng ngắm khung cảnh phía ngoài mỗi khi nghỉ giải lao. Tôi nhớ những buổi trưa nắng vàng dát nhẹ trên những ô cỏ của Quảng trường Ba Đình hay những ánh đèn lặng lẽ chiếu rọi bóng đêm tĩnh mịch. Và tôi nhớ cả những chuyên viên từ các bộ ngành liên quan, những khuôn mặt sau nhiều lần tiếp xúc cũng dần trở nên quen thuộc. Họ, dù cho nắng hay mưa, dù bận rộn với những nhiệm vụ thường quy vẫn đến tham gia đóng góp ý kiến quý báu để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật.
Khung cảnh vẫn vậy, con người vẫn vậy, không khí làm việc vẫn luôn khẩn trương như vậy nhưng tôi biết, chúng tôi đã thay đổi nhiều. Từ những ngày đầu hồi hộp, lo lắng khi bắt tay vào nghiên cứu dự án Luật tới lúc chỉ còn duy nhất cảm giác phải cố gắng, cố gắng hơn nữa để hoàn thành công việc tốt nhất, để luật đáp ứng được sự mong đợi của xã hội.
Ngày 20/10/2022, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc, trong đó dự án Luật GDĐT là 1 trong 7 dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Ngày 2/11/2022 và ngày 11/11/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự án Luật GDĐT (sửa đổi). Tổng số có 77 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến ở Tổ và 15 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại Hội trường. Chúng tôi nhanh chóng phân công nhau tỏa về từng Tổ cũng như theo sát diễn biến cuộc họp tại Hội trường để lắng nghe, ghi chép ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
Đa số ý kiến của các ĐBQH đều thống nhất cần thiết phải sửa đổi Luật GDĐT, đánh giá cao và bày tỏ sự đồng thuận với báo cáo của Cơ quan thẩm tra dự án Luật nhưng cũng có nhiều ý kiến khác tập trung vào những nội dung gồm: (i) Sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; (ii) Phạm vi điều chỉnh; (iii) Đối tượng áp dụng; (iv) Giải thích từ ngữ; (v) Nguyên tắc chung tiến hành GDĐT; (vi) Các hành vi bị nghiêm cấm; (vii) Trách nhiệm quản lý nhà nước; (viii) Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; (ix) Chứng thư điện tử; (x) Chữ ký điện tử; (xi) Dịch vụ tin cậy…
Thảo luận kết thúc vào buổi sáng thì ngay buổi chiều chúng tôi đã tập trung tổng hợp phân tích các ý kiến để báo cáo, giải trình với Cơ quan chủ trì thẩm tra (CQTT) trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh ý kiến của các ĐBQH, trong thời gian này chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được ý kiến từ các hội, hiệp hội, doanh nghiệp (DN), cá nhân đóng góp cho dự án Luật. Với tinh thần cầu thị, tiếp thu và lắng nghe mọi ý kiến của tất cả các tầng lớp nhân dân, dù là chuyên gia đầu ngành hay chỉ một DN, cá nhân nhỏ lẻ, giai đoạn từ tháng 12/2022 đến tháng 4/2023, chúng tôi làm việc với mật độ dày đặc: Tiếp nhận ý kiến, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình.
Quãng thời gian này, khi cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với CQTT để tiếp nhận, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đối với các ý kiến đóng góp thì tôi lại một lần nữa bất ngờ khi được chứng kiến quá trình làm việc vô cùng nghiêm túc, vô cùng thận trọng của CQTT. Dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy và Phó Chủ nhiệm Nguyễn Phương Tuấn dường như đã “mang” dự án Luật đến từng bộ ngành, từng địa phương, từng hội nhóm, ngành nghề. Các hội thảo được tổ chức từ tổng quan cả dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) (dự thảo Luật) đến từng điều, khoản riêng biệt đối với từng nhóm đối tượng đặc thù.
Tôi có cảm giác như CQTT không cho phép một phút nào lơ là. Nếu vì vấn đề địa lý, giao thông chưa thuận tiện thì Ủy ban KHCN&MT tổ chức hội thảo, đưa dự thảo Luật tới tận địa phương. Nếu vì vướng mắc chưa được tháo gỡ thì Ủy ban KHCN&MT tổ chức họp và gửi giấy mời tới từng bộ ngành. Nếu vì có những điểm mới, những nút thắt cần có sự đánh giá khách quan thì Ủy ban KHCN&MT tổ chức họp riêng với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để đảm bảo thật sự khách quan, thận trọng, đầy đủ, chắc chắn.
Vài ba ngày, chúng tôi lại nhận được ý kiến đóng góp bằng văn bản do Ủy ban KHCN&MT chuyển tới, khi thì của Hiệp hội Ngân hàng, khi thì của một luật sư tại một tỉnh miền Trung, khi thì của một cá nhân có những băn khoăn cần được giải đáp.
Nhận những ý kiến đổ về ngày càng nhiều, chúng tôi có cảm giác vừa mừng vừa lo. Mừng vì dự án Luật được xã hội quan tâm, mỗi một ý kiến được giải trình, tiếp thu là một nút thắt được tháo gỡ, một điểm nghẽn được khơi thông giúp cho Luật GDĐT đến gần hơn với thực tiễn, gần hơn với các ngành nghề, lĩnh vực, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các DN đang tham gia vào các GDĐT nhưng thiếu một công cụ bảo vệ hữu hiệu. Lo vì sức người có hạn, kiến thức lại mênh mông và cảm giác quá tải thường trực.
Thời gian của chúng tôi không còn được đo bằng khái niệm “thứ mấy”, “đầu tuần” hay “cuối tuần” mà đo bằng lượng công việc cần làm. Hiếm hoi có được ngày nghỉ vì vậy sau mỗi lần hoàn thành báo cáo giải trình, tiếp thu, chúng tôi đều dành để… ngủ. Dù không ai bảo ai, mỗi người đều thầm lặng chủ động thu xếp việc riêng để dành trọn thời gian và tâm trí cho nhiệm vụ, thậm chí chúng tôi nói vui với nhau rằng trong thời gian này ai cũng “không được phép ốm”.
Sau này nghĩ lại, đôi khi tôi tự hỏi động lực nào đã khiến chúng tôi làm việc với sự tập trung và cường độ khủng khiếp như vậy? Có khi nào vì bị “ép” đến cực hạn, nên chúng tôi thấy nhiệm vụ đang làm có ý nghĩa như thế nào để dù vất vả, dù mệt mỏi cũng phải luôn bước tới với tinh thần cầu thị mà nghiêm túc, thận trọng và chắc chắn để dự án Luật sau khi được thông qua phải đóng góp cho sự phát triển của xã hội với hiệu quả cao nhất.
Tháng 5/2023, những ngày trước Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc, công việc vẫn còn rất nhiều, ý kiến vẫn tiếp tục được gửi về. Chúng tôi thường xuyên trở về nhà khi đã bước qua ngày mới và 8h sáng lại tiếp tục có mặt phối hợp cùng CQTT kịp hoàn thành các báo cáo, tài liệu để trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật trong Kỳ họp này.
Ngày 30/5/2023, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật GDĐT (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH và ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng nội dung và kỹ thuật lập pháp của dự thảo Luật; xin ý kiến Chính phủ và lấy ý kiến một số cơ quan có liên quan.
Ngày 21/6/2023, UBTVQH đã có Báo cáo số 501/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi). Sau khi tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện Luật GDĐT (sửa đổi) gồm 8 Chương với 53 Điều.
Sáng 22/6/2023, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thông qua Luật GDĐT (sửa đổi) với 468/477 đại biểu tham gia biểu quyết thông qua (đạt tỷ lệ 94,74%).
Ngày Luật GDĐT được Quốc hội thông qua là một ngày nắng đẹp. Tôi đứng ở cửa tòa nhà Quốc hội nhìn sang lá quốc kỳ đang tung bay lòng có cảm giác thật khó tả, vừa nhẹ nhõm vừa như trống trải. Nhưng hơn tất cả là niềm vui, vui vì đã có được một cơ hội lớn để trau dồi kiến thức, phát triển bản thân; vui vì đã được làm việc và học hỏi từ những người giỏi giang, trí tuệ; vui vì cuối cùng thì những vất vả đã đem lại kết quả.
Có thể nói hành trình 10 tháng khó khăn, vất vả đã đến đích. Phía sau sẽ còn rất nhiều công việc phải làm để Luật GDĐT (2023) được đi vào đời sống và phát huy những điểm mới, điểm tích cực góp phần vào sự phát triển của đất nước. Tổ xây dựng Luật chúng tôi lại trở về với công việc chuyên môn của mình nhưng ai cũng cảm thấy đã học hỏi được rất nhiều từ quãng thời gian vừa qua.
Tôi là người dễ quên đi niềm vui hay nỗi buồn rất lớn nhưng lại ghi nhớ sâu sắc những khoảnh khắc rất nhỏ. Đó là khi Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy mở cửa thật khẽ, im lặng lắng nghe các thành viên giải trình đối với các ý kiến góp ý và luôn nhắc nhở “Các đồng chí phải thật chắc chắn!”; đó là khi Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Nguyễn Phương Tuấn lặng lẽ trở lại cuộc làm việc sau khi chạy vội đi thăm con ốm mà trong ánh mắt lo lắng đó của anh chắc chắn không chỉ có công việc; đó là buổi sinh nhật giản dị mà ấm cúng Tổ xây dựng Luật dành tặng Phó giám đốc NEAC Phạm Quốc Hoàn; đó là sau khi phê tôi vì lơ đẽnh thì trong thang máy Giám đốc NEAC Tô Thị Thu Hương nhẹ nhàng dặn tôi cần tập trung hơn vì còn là công sức của tất cả mọi người và “xin lỗi” tôi; đó là khi bạn tôi vội vã về thăm mẹ ốm rồi quay trở lại làm việc khi đã gần nửa đêm, thật sự chỉ có tinh thần trách nhiệm rất lớn lao mới khiến những vất vả tàu xe, đêm hôm trở nên đáng giá. Và đó còn là chính tôi, biết mình sai đó mà cũng không hiểu vì sao không thể ngăn được nước mắt cứ nhỏ xuống tay đang gõ phím.
Có thể 5 năm, 10 năm nữa chính chúng tôi cũng không còn nhớ rõ lý do sửa đổi đối với từng điều khoản. Có thể bên cạnh những đóng góp, thúc đẩy cho sự phát triển của xã hội thì sẽ có những điểm không còn phù hợp và có cả những vấn đề mà dù đã cố gắng chúng tôi cũng không thể lường trước được. Nhưng dù cho như thế nào, tôi tin rằng trong những tháng ngày ấy chúng tôi đã làm việc với tất cả trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao phó.
Và hơn hết, không thể không nhắc tới là những chỉ đạo trí tuệ, uyên bác của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; bản lĩnh, vững vàng của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng; sự chắc chắn, khéo léo khi lập luận các vấn đề của Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Minh Hằng cùng sự tham gia đóng góp thời gian, công sức, tâm trí để hoàn thành nhiệm vụ của nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài Bộ, song hành với NEAC.
Riêng đối với bản thân, tôi cảm thấy vinh dự, tự hào vì được là một phần trong tập thể của những con người hết lòng vì mục tiêu hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên môi trường số.