Ứng dụng công nghệ số giúp nhiều du khách gia tăng trải nghiệm thú vị khi tới thăm các di tích lịch sử như Địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập…


Những số liệu, kiến thức lịch sử không còn khô khan, khó nhớ

Vượt quãng đường khoảng 70km từ trung tâm TP.HCM, chúng tôi đến thăm Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (ở Phú Hiệp, Phú Mỹ Hưng, Củ Chi) vào một ngày trung tuần tháng 3/2024. Đây là lần thứ hai tôi tới thăm địa danh được ví “đất thép, thành đồng”. Để tiết kiệm thời gian và cũng đỡ mỏi chân, chúng tôi bắt xe điện vào khám phá Khu tái hiện Vùng Giải phóng Củ Chi (1961-1972), tổng diện tích gần 40ha. Ngồi trên xe điện, đắm mình vào không gian xanh mướt, không khí trong lành, mọi người đều cảm thấy thư thái, bình an, quên hết mệt mỏi.

Xe điện chạy khoảng 5 – 7 phút tới điểm dừng. Nét khác biệt đầu tiên so với chuyến thăm lần thứ nhất cách đây hơn 20 năm của tôi, đó là cửa soát vé quét mã QR Code. Các đoàn du khách xếp hàng quẹt mã QR, không có cảnh chen lấn, xô đẩy khi quá đông người muốn vào cùng lúc. Với hệ thống kiểm soát vào ra này, Ban Quản lý có thể đo lường chính xác số lượng khách tham quan mỗi ngày, từ đó có thể lên kế hoạch phục vụ chu đáo, tạo ấn tượng tốt đối với du khách.

Ngay sau khi qua khu soát vé, chúng tôi tiến vào căn phòng có sa bàn diễn biến trận càn Cedar Falls của quân đội Mỹ vào vùng “Tam giác sắt” năm 1967. Đây là sa bàn được xếp loại hiện đại nhất Việt Nam. Hệ thống thuyết minh kết hợp âm thanh, ánh sáng, khói lửa và các mô hình chuyển động cơ học giúp chúng tôi phần nào cảm nhận được sự ác liệt của cuộc chiến cũng như sức chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ, đồng bào Củ Chi.

“Mẹ ơi, máy bay đang bay từ bên phải vào kìa. Đoàn xe tăng đang di chuyển qua các ụ đất kìa. Ôi bom nổ mẹ ơi…”, cậu bé ngồi cạnh chúng tôi không kìm được sự phấn khích, liên tục níu tay mẹ.

Những âm thanh hơi ồn ào của cậu bé không hề khiến chúng tôi cảm thấy phiền chút nào. Bởi điều này phần nào cho thấy Ban Quản lý khu di tích đã làm được một việc ý nghĩa: Ứng dụng công nghệ nhằm tăng hiệu ứng tuyên truyền, giúp du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam được hòa vào những khoảnh khắc sống động của lịch sử dân tộc.

Điều khiến chúng tôi cảm thấy hơi tiếc nuối khi ngồi trải nghiệm tại phòng sa bàn là nhiều đoạn tiếng thuyết minh hơi khó nghe, bị chìm vào tiếng nổ, tiếng ù, tiếng động cơ máy bay… Chúng tôi cố gắng căng tai căng mắt mà đành chịu, câu được câu chăng.

Dường như hiểu nỗi lòng của những du khách như chúng tôi, Ban Quản lý đã tạo thêm phòng chiếu phim mô phỏng 3D ngay gần phòng sa bàn. “Củ Chi nổi tiếng với hệ thống địa đạo dài hàng trăm km, bắt đầu có từ năm 1948 để chống lại những trận càn của quân Pháp. Những người dân Củ Chi liên tục đào địa đạo Củ Chi trong nhiều năm. Đặc biệt, từ năm 1961, sau khi Khu ủy và Quân ủy Sài Gòn - Gia Định chọn Củ Chi làm căn cứ. Đào địa đạo đã trở thành một phong trào thi đua rộng khắp. Người ta nối dài địa đạo bằng cách đào thêm hố sâu 2 - 2,5m, cách 7 - 10m so với hố cũ. Rồi người ta đào nối hai đáy hố với nhau, và để tăng năng suất, có những cách rất hay, ví dụ như phân công cho những đôi trẻ yêu nhau đào từ hai đầu lại. Đến năm 1965, địa đạo Củ Chi đã vươn dài hàng trăm km…”, nội dung mở đầu của bộ phim đầy tính hấp dẫn, cuốn hút sự quan tâm của du khách.

Qua những thước phim 3D, hàng loạt thông tin, số liệu, dữ liệu lịch sử thêm một lần nữa được truyền tải sinh động với những hình ảnh trực quan, thú vị. Nhờ đó, số liệu, kiến thức lịch sử không còn khô khan, khó nhớ.

Rời phòng chiếu phim, du khách được hướng dẫn viên đưa tới những không gian tái hiện lại thời kỳ lịch sử khó quên: Từ cuộc sống của người dân trong vùng giải phóng mới những năm 1961 - 1964, tới những cuộc chiến tranh đánh phá ác liệt vào vùng giải phóng những năm 1965 - 1968, đỉnh cao là vùng trắng những năm 1969 - 1972, khi hàng trăm tấn chất động hóa học, hàng trăm ngàn tấn bom đạn phá hủy hoàn toàn sự sống trên mảnh đất này.

Đoàn du khách khá đông. Chỉ những người bám sát hướng dẫn viên mới nghe rõ những lời thuyết minh của hướng dẫn viên. Tuy nhiên, những người tụt lại phía sau hoặc tò mò chui xuống địa đạo khám phá những điểm không có hướng dẫn viên vẫn có thể yên tâm trải nghiệm bởi tại từng cụm điểm di tích đều có hệ thống loa phát thuyết minh tự động. Ứng dụng công nghệ số giúp du khách có thêm cơ hội “mắt thấy tai nghe” để hiểu kỹ hơn về khu di tích.

Dừng chân tại Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, sau những giây phút lắng đọng tưởng niệm, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ, du khách có thể truy cập hệ thống công nghệ để tìm hiểu cảnh quan chung cũng như những thông tin cụ thể về khu di tích thông qua một chiếc màn hình cảm ứng. Với những người đã có đôi chút mỏi mệt sau một hành trình di chuyển vài tiếng đồng hồ, cách thức du lịch qua màn hình tại chỗ thế này thật “thỏa lòng mong ước”.

Hướng dẫn viên tại Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược cho chúng tôi hay, từ tháng 12 năm ngoái, Sở Du lịch TP. HCM cho ra mắt bản đồ 3D/360 giới thiệu về Khu di tích Địa đạo Củ Chi. Chỉ cần truy cập địa chỉ http://map3d.visithcmc.vn và chọn địa danh Củ Chi, du khách có thể tham quan toàn bộ địa đảo, biết thêm những câu chuyện lay động lòng người về cán bộ, chiến sĩ và người dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đại tá Lê Văn Phước, Giám đốc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư nhiều mô hình mới, ứng dụng phần mềm, công nghệ số để phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách”.

“Tôi chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM sinh sống hơn 3 năm nay, nhưng giờ mới có dịp tới thăm Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Công nghệ đã giúp tôi có những trải nghiệm du lịch thật tuyệt vời. Cá nhân tôi nghĩ rằng ứng dụng công nghệ số đã, đang và sẽ giúp tăng tính hấp dẫn, cuốn hút du khách của Khu di tích, qua đó tăng cường hiệu quả tuyên truyền, quảng bá về truyền thống lịch sử, cách mạng Việt Nam”, chị Thúy Nga, một du khách chia sẻ sự đồng cảm với chúng tôi.

Chủ động tham quan theo ý thích

Tại Khu di tích lịch sử Dinh Độc Lập, hoạt động ứng dụng công nghệ số cũng đã được đầu tư nhằm gia tăng trải nghiệm khó quên cho du khách trong nước và quốc tế. Nghe giới thiệu có dịch vụ Audio Guide (hướng dẫn tham quan bằng âm thanh) chỉ với 90.000 đồng, sẵn tính tò mò, chúng tôi quyết định thử trải nghiệm ngay xem thế nào.

Bộ công cụ Audio Guide gồm một sơ đồ bằng giấy, một tai nghe không dây và một thiết bị bấm phím nhìn hao hao chiếc điện thoại “cục gạch”. “Thiết bị này có thể hỗ trợ nhiều thứ tiếng như: Việt, Anh, Pháp. Chị đi theo sơ đồ này, đến phòng nào thì bấm vào phím bấm có số tương ứng, sẽ có thuyết minh chi tiết về các hiện vật cũng như những câu chuyện lịch sử có liên quan. Dễ dùng lắm”, nhân viên của Khu di tích hướng dẫn ngắn gọn cho tôi cách sử dụng.

Với những đoàn khách đông người, có thể thuê hướng dẫn viên. Nhưng với những nhóm chỉ 1 - 2 người như chúng tôi, dùng “hướng dẫn viên máy” này có vẻ là phương án tiết kiệm hơn.

Do tầng 1 đang đóng cửa dể bảo dưỡng, căn phòng đầu tiên chúng tôi tìm đến theo hướng dẫn là Phòng Hội đồng an ninh quốc gia ở tầng 2. Tôi bấm thử phím số 5, một giọng đọc truyền cảm vang lên: “Phòng Hội đồng an ninh quốc gia là nơi Tổng thống họp bàn với các tướng lĩnh và cố vấn quân sự Hoa Kỳ. Xung quanh tường là bản đồ một số nước, đặc biệt có các bản đồ phản ánh tình hình chiến sự ở Nam Việt Nam. 9h30 ngày 25/3/1975, trước sức tiến công cảu quân Giải phóng, tại đây, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Tư lệnh Quân đoàn I - Trung tướng Ngô Quang Trưởng rút quân khỏi Huế về cố thủ Đà Nẵng. Trong hoàn cảnh đó, Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford cử phái đoàn do Tham mưu trưởng Lục quân Frederick C.Waeyand dẫn đầu sang xem xét tình hình chiến sự. Ngày 3/4/1975, phái đoàn đã họp với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh về việc cứu vãn tình hình quân sự ở miền Nam Việt Nam”.

Lần đầu sử dụng thiết bị nên còn dò dẫm chưa quen, một số thông tin về sự kiện lịch sử chưa kịp lưu lại trong trí nhớ, tôi bấm lại phím 5 một lần nữa, và lại nghe từ đầu những thông tin thuyết minh. Cứ thế, chúng tôi bấm phím để nghe thuyết minh lần lượt từ Phòng làm việc của Tổng thống, Phòng khách của Tổng thống, Phòng trình quốc thư, Phòng ngủ, Phòng ăn, Phòng làm việc của Phó Tổng thống, Phòng Giải trí, Phòng khách Phu nhân Tổng thống, Thư viện, Hầm, Phòng trực chiến của Tổng thống, Bếp…

Vừa nghe thuyết minh vừa đối chiếu với những hiện vật trong phòng, chúng tôi có thể ghi nhớ nhiều hơn những thông tin hữu ích, những câu chuyện lịch sử thú vị. Có những hiện vật, câu chuyện lịch sử thú vị đến mức tôi bấm phím tới 5 lần liên tục để nghe đi nghe lại cho ngấm. Thậm chí đang đứng ở phòng này, thấy thích phòng đối diện, chúng tôi có thể ngoặt ngay sang theo ý muốn, không cần phải theo đúng lộ trình tham quan. Gần hai giờ trải nghiệm trong Dinh Độc Lập với sự hỗ trợ của “hướng dẫn viên đặc biệt”, chúng tôi tích lũy thêm rất nhiều tri thức quý báu.

Kết thúc chuyến thăm Khu di tích lịch sử, tôi lập tức gọi điện khoe ngay trải nghiệm tham quan thú vị với một người bạn đang sinh sống tại TP.HCM, anh cười vui: “Bọn trẻ nhà mình cũng rất thích tới Dinh Độc Lập, cứ thế tự đi và tự khám phá, không phải nhờ bố mẹ giải thích. Kiến thức mà bọn trẻ thu được qua hệ thống Audio Guide lớn hơn và đa dạng, thú vị hơn so với kiến thức hiện có của nhiều vị phụ huynh. Những hệ thống ứng dụng công nghệ số giúp bọn trẻ hào hứng hơn với những câu chuyện lịch sử, qua đó không lãng quên truyền thống, và tự thân bọn trẻ cảm thấy tự hào và yêu Tổ quốc hơn, chẳng cần phải ép buộc bằng những mớ lý thuyết giáo điều”.

Địa đạo Củ Chi được bình chọn là một trong 6 công trình nhân tạo nổi tiếng trên thế giới; Top 7 điểm đến kỳ lạ nhất tại khu vực Đông Nam Á; Top 100 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, và là 1 trong 20 đường hầm kỳ thú nhất thế giới.

Năm 2015, Địa đạo Củ Chi đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đăng ký với Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO để đưa di tích Địa đạo Củ Chi vào danh sách đề cử Dự kiến xây dựng hồ sơ Di sản thế giới.

Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ ngày 25/6/1976, đến ngày 12/8/2009 được xếp hạng là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của Việt Nam.

Dinh Độc Lập đã trở thành chứng nhân lịch sử, biểu tượng của sự hòa hợp, thống nhất đất nước. Dinh Độc Lập là một bảo tàng kiến trúc tiêu biểu, niềm tự hào về kiến trúc - xây dựng của người Việt Nam.