Hoàn thành
cơ sở dữ liệu dân cư
để phát triển nền kinh tế số
Tóm tắt
Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Bài viết chia sẻ một số trao đổi về việc hoàn thành CSDL dân cư để phát triển kinh tế số.
Tối 11/12/2022 (giờ địa phương), tại thành phố Den Haag - La Hay (Hà Lan), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, bà con cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan. Tôi là một trong số kiều bào đã được phép tham gia đóng góp ý kiến cho Thủ tướng và các cơ quan chức năng trong nước và các ý kiến đã được ghi nhận. Ý kiến của tôi là cần quản lý tập trung tất cả các ứng dụng và dữ liệu quan trọng của người dân vào một TTDL dự phòng của Chính phủ.
Cụ thể, trước mắt CSDL dân cư - hộ khẩu của Bộ Công an và CSDL hộ tịch của Bộ Tư pháp nên hợp thành một CSDL chung trong một TTDL và phân quyền truy cập và cập nhật cho từng Bộ. Như vậy, sẽ tiết kiệm chi phí vận hành và không phải mất thời gian tích hợp, đồng bộ các trạng thái của người dân như hiện nay. Bảo mật sẽ tốt hơn vì ít cửa hơn cho tin tặc (hacker) có thể tấn công.
Thủ tướng đồng ý với ý kiến của tôi, và chỉ đạo đoàn Chính phủ đến nhà tôi ngày hôm sau để trao đổi chi tiết hơn. Cuộc trao đổi rất cởi mở nhưng thời gian có hạn nên những người làm trực tiếp hẹn về Hà Nội. Dịp Tết tôi đã về Hà Nội, nhưng do nhiều yếu tố nên tôi chưa có dịp được làm việc lại với những người làm dự án CSDL dân cư như đã hẹn.
Gần đây, thông qua báo chí và truyền hình tôi mới biết là có hơn 30.000 người gốc Việt Nam sống ở Việt Nam nhưng không có căn cước công dân (CCCD), rồi trẻ em dưới 14 được kêu gọi đi làm CCCD hay định danh điện tử và xuất hiện lỗi dữ liệu do quá trình xử lý thông tin tại các cơ sở làm CCCD, lỗi ứng dụng, lỗi quy trình, lỗi kết nối Internet, mất điện và lỗi tích hợp dữ liệu từ các nguồn khác nhau. Bài viết này, tôi muốn chia sẻ rõ hơn về những ý kiến đã đóng góp cho Thủ tướng và đoàn Chính phủ. Ngoài ra, tôi cũng muốn đóng góp thêm một số kiến nghị xung quanh câu chuyện CCCD.
CSDL quốc gia về dân cư có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Nó cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước (QLNN), hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý các biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân và kết nối chia sẻ thông tin về dân cư với các CSDL chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc.
CSDL quốc gia về dân cư bao gồm CSDL dân cư hay hộ khẩu do Bộ Công an xây dựng, quản lý và CSDL hộ tịch do Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm. Cả 2 CSDL này tương đối gần nhau về mặt vật lý, Bộ Công an nắm 19 trường dữ liệu và Bộ Tư pháp nắm 35 trường bao gồm thông tin 19 trường của Bộ Công an, tất cả thông tin về người dân nằm ở cả hai bộ nên cần phải tích hợp để có thông tin đầy đủ về người dân như kết hôn, đã chết, ly hôn, chuyển chỗ ở… CSDL hộ tịch được xây dựng từ năm 2015 với kinh phí rất nhỏ nhưng CSDL dân cư mới làm năm 2022 gần hoàn thành. Phải ghi nhận đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Công an trong thời gian gần đây, chuyển từ cuốn hộ khẩu giấy sang CCCD và thiết lập CSDL dân cư với hơn 50 triệu CCCD đã hoàn tất.
Khi Bộ Công an hoàn thành CSDL dân cư thì CSDL hộ tịch đã có bao nhiêu thay đổi như người chết, kết hôn/ly hôn, trẻ em đủ tuổi làm CCCD hay thay đổi chỗ ở… nên yêu cầu cập nhật và tích hợp với CSDL hộ tịch rất cần thiết để dữ liệu đúng, sạch và toàn diện. Để tích hợp được chúng ta cần những trường dữ liệu giống nhau như tên, họ, ngày sinh, nơi sinh… trong cả 2 CSDL.
Thực tế, khi dùng dữ liệu tìm kiếm sẽ khó do lỗi nhập dữ liệu hay người điền sai nên thông tin mỗi người dân cần có một mã số duy nhất (unique index) khi thông tin được tạo ra, để tìm kiếm nhanh khi muốn cập nhật. Theo nguyên tắc thiết kế CSDL, tất cả bảng CSDL (table) trong CSDL như bảo hiểm sức khỏe, thuế, dân cư, hộ tịch… đều có mã số duy nhất để tìm kiếm dữ liệu nhanh hơn và đảm bảo sự thống nhất (integrity) của CSDL đó. Cho nên mã số CCCD cũng không nằm ngoài mục đích cho CSDL dân cư và hiện đang dùng làm “mã số công dân” (MSCD) để kết nối với các CSDL khác của Chính phủ.
Tuy vậy, thách thức ở đây là những CSDL khác không có mã số CCCD và cần thêm vào các bảng CSDL như khóa ngoại cho đúng, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng sau tích hợp 2 CSDL với nhau, tự nhiên có con mà vợ không biết hay khác cha mẹ… do tìm kiếm dựa trên tên, họ hay ngày sinh… Cho nên việc giữ nguyên 2 CSDL như hiện nay và tích hợp dữ liệu với CSDL hộ tịch qua tệp dữ liệu hay API sẽ chậm và sẽ không khỏi thiếu sót trong thời gian dài. Chưa tính đến số thông tin của CSDL hộ tịch gần 100 triệu nhưng CSDL DC chỉ có khoảng 50 triệu có mã số CCCD/MSCD.
Để đỡ mất thời gian phát triển, tránh lỗi tích hợp, giảm chi phí vận hành, làm bảo mật tốt hơn như đã đề nghị với Thủ tướng và đoàn Chính phủ, chúng ta nên thiết kế lại bài toán này một cách nghiêm túc, xây dựng một CSDL chung cho cả hai CSDL dân cư và CSDL hộ tịch, phân quyền truy cập và cập nhật những trường dữ liệu cho phép theo quy trình sử dụng và an toàn thông tin nghiêm ngặt. Nhật ký tất cả truy nhập và thao tác của từng trường dữ liệu từ ai, lúc nào….
Cần thiết kế lại MSCD không chứa thông tin cá nhân như nơi khai sinh, trai hay gái, năm sinh… gây phân biệt vùng miền hay nam nữ, chỉ là mã số duy nhất khi trẻ em sinh ra cho đến chết và người nước ngoài đến sinh sống ở Việt Nam. Còn những người có trong CSDL dân cư - hộ tịch mới thì sẽ nhận một MSCD mới và từng bước đưa MSCD mới vào các CSDL của Chính phủ như bảo hiểm, y tế, thuế... Ở Hà Lan thì bắt buộc in MSCD trên ID card (căn cước), hộ chiếu, bằng lái xe… cùng với mã số thẻ từ năm 2014, cấm doanh nghiệp (DN) lưu MSCD và CSDL dân cư và hộ tịch là một và do Bộ Nội vụ quản lý.
Theo tôi thì không cần thiết in MSCD lên thẻ vì lý do bảo mật thông tin cá nhân. Kiến trúc của CSDL mới nên theo kiến trúc data-driven, linh hoạt không cứng ngắc để có thể thay đổi dễ dàng như nay mai Quốc hội đề nghị thêm bớt trường dữ liệu mà vẫn không phải thay đổi mô hình dữ liệu, ứng dụng hay giao diện tích hợp. Lấy CSDL dân cư - hộ tịch mới làm cơ sở phát triển nền tảng dịnh danh số cho tất cả các dịch vụ công (DVC) không cửa trong tương lai như chúng ta trả tiền điện thoại qua ứng dụng (app) hiện nay. Phát triển CSDL này như một dịch vụ để đảm bảo chi phí vận hành và cập nhật dữ liệu liên tục, chính xác và an toàn tuyệt đối.
Về phần CCCD, do lấy mã số CCCD làm MSCD, nên khi bị mất CCCD thì người dùng được cấp lại số CCCD giống như số cũ, nên CCCD đã mất vẫn sử dụng được nếu trong tay kẻ gian. Cho nên cần MSCD duy nhất và khi công dân làm mất căn cước sẽ được cấp CCCD có mã số mới như số hộ chiếu như vậy dễ quản lý.
Đề nghị bỏ in vân tay trên CCCD vì có thể sao chép mở khóa điện thoại hay gây hiện trường giả khi người dùng hồn nhiên chia sẻ CCCD của họ trên Zalo hay Facebook.
Bỏ “Nơi khai sinh” và nên thống nhất là “nơi sinh” là bệnh viện hay ở nhà riêng và chỉ là tên thành phố hay tỉnh như thông lệ quốc tế và cũng là trường dữ liệu mà bên cấp hộ chiếu cần. Nên có quy định chứng nhận sinh/tử ở bệnh viện để cập nhật CSDL dân cư - hộ tịch.
Quê quán không cần thiết vì quê quán được xác định là “nơi sinh trưởng của cha hoặc người đỡ đầu”. 40 năm trước, khi phải ký giấy khai sinh, tôi thấy mục “quê quán” hoàn toàn vô nghĩa vì một người Sài Gòn tập kết Bắc, sinh con ở Hà Nội thì người con quê ở Sài Gòn, khi người con vào Thanh Hoá sinh con thì người cháu quê ở Hà Nội, người cháu vào Pleiku sinh con thì người chắt lại quê Thanh Hoá và chắt vào Sài Gòn sinh con thì quê ở Pleiku. Cho nên chúng ta phải hỏi trường dữ liệu đó cần cho ai với mục đích gì hay chỉ làm rườm rà thủ tục hành chính.
Đề nghị cấp CCCD cho tất cả những người có quốc tịch Việt Nam hay gốc Việt Nam sống ở Việt Nam trên 3 tháng để dễ quản lý và có thể thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Còn trường hợp những người nước ngoài sống ở Việt Nam trên 3 tháng cũng cần có MSCD và CCCD cho người nước ngoài. Có nên chỉ giữ một địa chỉ đang trú và bỏ chủ hộ cho hộ cho phù hợp thông lệ quốc tế chăng. Chính phủ cũng nên làm CSDL Địa chỉ quốc gia và địa chỉ ở CSDL dân cư - hộ tịch chỉ là mã số tham chiếu sang CSDL địa chỉ để khi tên đường phố thay đổi hay sát nhập/tách đơn vị hành chính thì CSDL dân cư - hộ tịch không bị ảnh hưởng. CSDL Địa chỉ quốc gia cũng là bài toán cơ bản trong bài toán thương mại điện tử và logistics.
Chính phủ số (CPS), Kinh tế số (KTS), Xã hội số, Giáo dục số (GDS) và Y tế số là những trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Tất cả những trụ cột này đều quan trọng và hỗ trợ lẫn nhau, thiếu cái này thì cái kia không phát triển được, ví dụ CPS không phát triển tốt thì người dân hay DN mất nhiều năng lượng hay thời gian để xin giấy phép hay dịch vụ… sẽ ảnh hưởng đến nền KTS, hay GDS không phát triển thì cha mẹ vẫn phải xếp hàng thâu đêm chờ nộp hồ sơ cho con vào trường mới và GDS không phát triển thì không có những kỹ năng số phục vụ cho CPS hay KTS. Khi CPS không biết người dân là ai thì sao có thể cấp giấy phép được hay nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) cần chuyển bưu kiện đến người đặt hàng nhưng địa chỉ sai phải gọi điện hỏi nhiều lần và nếu không gặp ai lại phải chuyển bưu kiện trở lại.
Hay nền tảng tài chính số - fintech, các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân, các nền tảng cho vay và cho vay trực tuyến, và các nền tảng đầu tư trực tuyến nhưng không biết khách hàng thật hay ảo thì sao dám cho vay. Những nền tảng TMĐT và tài chính số không phát triển được thì KTS sẽ không phát triển và kinh tế sẽ không cất cánh cao như mong muốn.
Cho nên phát triển bài toán định danh số người dân và DN dựa trên CSDL dân cư cần được ưu tiên và theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), năm 2018, định danh số (digital identity) là một trong những nền tảng kỹ thuật số mới, không thể thiếu được để phát triển DVC hay logicstics: Nền tảng nhận dạng kỹ thuật số, cho phép nhận dạng, xác minh và chứng thực của công dân, nền tảng của các dịch vụ chính phủ.
Thiết nghĩ CSDL dân cư và hộ tịch rất quan trọng, chi phối mọi hoạt động người dân nên cần thiết phải có kiến trúc sư trưởng, thiết kế, phát triển, tổ chức, quản lý dự án một cách nghiêm túc. Cần có chỉ đạo quyết liệt nhưng chính xác theo kiến trúc và đặt cái chung lên trên quyền lợi các bộ ngành thì mới thành công được.
Tuy vậy, những đánh giá từ xa có thể không chính xác như mong muốn nhưng chỉ mong những đề xuất được quan tâm bởi việc hoàn thiện CSDL dân cư, CCCD sớm để không phải vài năm lại bắt đầu hoàn thiện lại CCCD hay mỗi bộ ngành tự xây cho mình TTDL riêng.