Tóm tắt

Kinh tế số (digital economy) là một nền kinh tế được phát triển liên tục trên môi trường số hiện đại, các quan hệ kinh tế được thực hiện trên môi trường Internet và các hoạt động giao thương, dòng chảy vật chất hàng hoá, tài chính tiền tệ đều thông qua các giao dịch điện tử (GDĐT).

Theo nhóm cộng tác của Oxford về kinh tế số, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các GDĐT được thực hiện thông qua Internet”. Tại Việt Nam, khi Internet phát triển đã làm thay đổi toàn diện cuộc sống của người dân và có những tác động tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong những năm gần đây, chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ ở khắp mọi ngõ ngách của cuộc sống thì kinh tế số trở thành yếu tố quyết định của sự phát triển, mở ra nhiều cơ hội mới cho các ngành nghề khác nhau phát triển vượt bậc trong đó có ngành nông nghiệp.

Trong kỷ nguyên công nghệ số phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, định hướng của Chính phủ Việt Nam trong xây dựng xã hội số, quốc gia số thì kinh tế số là một phần tất yếu không thể tách rời và có tính chất quyết định sự thành công của tiến trình phát triển đất nước. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp (SXNN) chiếm tỷ trọng cao, đặc biệt, xuất khẩu lúa gạo đứng thứ 2 trên thế giới sau Ấn Độ.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững trong xu thế số hoá kinh tế cũng như sự chuyển dịch các hoạt động giao thương trên môi trường Internet bao gồm cả hoạt động thương mại, kinh tế nông nghiệp thì phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trở nên bức thiết.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp cũng là tiền đề để nâng cao ý thức người nông dân chú trọng mở rộng quy mô sản xuất, gắn nhãn sản phẩm, đảm bảo các quy trình sản xuất an toàn, gia tăng cơ hội tiếp cận các thị trường mới cũng như nâng cao giá trị nông sản, đặc sản Việt Nam trên môi trường số. Như vậy, có thể thấy, kinh tế số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu để phát triển toàn diện nền kinh tế.

Thách thức từ lối mòn trong sản xuất

Bản chất của SXNN tại nước ta trước đây, đặc biệt ở các vùng nông nghiệp đồng bằng sông Hồng thường nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình và phương pháp nuôi trồng dựa theo kinh nghiệm là chủ yếu nên năng suất và chất lượng thấp, khả năng “vươn xa” của nông sản gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó là công nghệ chế biến cũ kỹ, lạc hậu dẫn đến việc nông sản đến tay người tiêu dùng chủ yếu theo mùa vụ, giá trị không cao, hiện tượng được mùa - mất giá diễn ra thường xuyên. Bước vào giai đoạn đổi mới, các quy trình sản xuất mới được ngành Nông nghiệp phổ biến, hướng dẫn đến người nông dân.

Trong khi đó các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp có những nghiên cứu bài bản về nông hoá, thổ nhưỡng, khí hậu, môi trường để khuyến cáo người nông dân nên tập trung sản xuất các loại trái cây, nuôi trồng những loại thuỷ hải sản phù hợp với điều kiện tự nhiên. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực sản xuất, đưa máy móc, công nghệ vào sản xuất tạo ra những nông sản đặc sản chất lượng, năng suất cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tăng cao giá trị nông sản, giúp nông dân thoát nghèo.

Tuy nhiên, trong thời gian dài, việc tiêu thụ nông sản sản xuất ra vẫn là những phong trào tự phát, người nông dân phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, ngay cả công cụ sản xuất, các loại thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón, quy trình sản xuất cũng phụ thuộc và người sản xuất hoàn toàn khó có khả năng tiếp cận thông tin minh bạch về thị trường, về nhu cầu và xu hướng tiêu dùng.

Các yếu tố cơ bản tạo nên nông nghiệp số

Số hoá, CĐS là việc phản ánh cuộc sống lên môi trường số, tạo ra những giá trị trên môi trường Internet, mà đặc thù của mạng Internet là tạo ra một thế giới phẳng với những thông tin rõ ràng, đầy đủ, con người có thể tiếp cận mọi thông tin, tìm hiểu mọi vấn đề chỉ qua thiết bị thông minh đầu cuối, không những thế, Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) còn bước tiến quan trọng trong khả năng kết nối, tương tác theo thời gian thực, đồng thời tạo ra kho lưu trữ khổng lồ nguồn thông tin, tri thức của nhân loại.

Trong bước tiến của công nghệ, thì dữ liệu lớn (big data) đóng vai trò quan trọng trong nguồn thông tin về dữ liệu. Dữ liệu nông nghiệp của Việt Nam cũng đặt trước những yêu cầu cần phải có để tạo nên sức “hấp dẫn” của thị trường nông sản. Để làm được điều đó, rất cần CĐS, rất cần tạo ra những dữ liệu về vùng nuôi trồng, về nguồn gốc, lịch sử phát triển vùng nguyên liệu, các công nghệ chế biến tạo ra nông sản đặc sản, các tiêu chuẩn cần có của mỗi thị trường tiêu thụ để người nuôi trồng làm tôn chỉ sản xuất.

Ứng dụng AI trong SXNN tạo nên chuỗi giá trị bền vững. Từ những tối ưu và khả năng phân tích dữ liệu cảm biến tại các vùng nguyên liệu khác nhau, AI đưa ra những dữ kiện dựa trên dữ liệu lớn như thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, lượng mưa, nhiệt độ từ đó cung cấp các thông tin cần thiết để người sản xuất ra quyết định lựa chọn chủng loại, thời gian xuống giống và các điều kiện khác phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, AI còn có khả năng phân tích, dự báo năng suất, chuỗi cung ứng từ đó, các vùng nguyên liệu, vùng trồng có thể xây dựng kế hoạch phù hợp cho mỗi mùa vụ. Đặc biệt, với khả năng lưu trữ, phân thích dữ liệu lớn AI còn cho biết các loại sâu bệnh có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất đối với từng thời điểm, từng loại giống cũng như phân tích sâu về thị trường, khả năng tiêu thụ, nhu cầu tiêu dùng từ nhiều nguồn dữ kiện khác nhau, giúp nhà sản xuất đưa ra quyết định về chủng loại, số lượng, giảm thiểu được rủi ro trong sản xuất và kinh doanh.

Các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) và thanh toán không dùng tiền mặt là những yếu tố không thể thiếu trong phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thông thường để có thể thực hiện được các giao dịch kinh tế số thì điểm chạm trung gian là sàn TMĐT luôn cần thiết, bởi thông qua sàn TMĐT các sản phẩm nông sản có thể dễ dàng được giới thiệu, quảng bá và tiếp cận người mua, tiếp cận các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu theo phương diện đa chiều. Nghĩa là người sản xuất có thể bán trực tiếp hàng hoá sản xuất ra cho người tiêu dùng, cũng có thể bán buôn cho những DN chuyên làm thương mại, cũng có thể tiếp cận khách hàng là các nhà máy chế biến để thực hiện giao dịch TMĐT.

Ở chiều ngược lại, nhà sản xuất cũng có thể mua sắm công cụ sản xuất, tư liệu sản xuất, lĩnh hội các kiến thức, kỹ năng trong sản xuất. Đặc biệt, với những tiêu chuẩn về chất lượng, bao bì, mẫu mã và đảm bảo cho các hãng logistics, giao hàng chặng cuối tham gia vào quy trình giao thương này thì người sản xuất cũng cần hoàn thiện các quy trình sơ chế, đóng gói, dán nhãn, gọi tên sản phẩm để có thể đưa được nông sản lên sàn. Đồng thời, người sản xuất cũng phải tuân thủ các quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm đạt chuẩn nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Nói đến TMĐT thì sẽ không thể không nhắc tới thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là yếu tố mang tính quyết định sự thành công của kinh tế số, bên cạnh các đơn hàng nhỏ, lẻ có thể sử dụng hình thức phát hàng thu tiền của các DN chuyển phát, giao hàng, bưu điện (COD) thì các vấn đề tài chính phát sinh trong quá trình giao thương trên môi trường không tiếp xúc cần có sự tham gia của thanh toán điện tử nhằm tạo dựng lòng tin như đặt cọc hợp đồng, ứng trước để phục vụ sản xuất và thực hiện các cam kết khác trong giao dịch điện tử đối với các quan hệ kinh tế.

Có thế thấy rõ, các ứng dụng công nghệ cao, các nền tảng số đang từng bước xâm nhập, tạo nên những cơ hội lớn cho việc phát triển kinh tế số nông nghiệp, tạo nên một nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, tạo ra cơ hội đưa nông sản Việt vươn tầm thế giới

Cơ hội của kinh tế số trong nông nghiệp

Việc ứng dụng công nghệ số vào SXNN cùng với các thiết bị hiện đại, tự động hoá quy trình sản xuất cũng như ứng dụng triệt để các nền tảng thông minh trong SXNN đã và đang tối ưu hoá quy trình sản xuất và quá trình quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tạo ra các sản phẩm đạt chuẩn để đưa ra thị trường thông qua TMĐT từ đó giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao trong SXNN còn tạo ra các sản phẩm hữu cơ trái mùa, tăng giá trị sản phẩm thông qua các phương pháp canh tác mới từ việc tạo ra môi trường tương tự môi trường tự nhiên trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp.

Từ sản phẩm chuẩn đầu ra, được gắn nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng cùng với quy trình sản xuất đạt chuẩn (Vietgap, Glogball Gap, OCOP) các sản phẩm nông nghiệp dễ dàng được các sàn TMĐT trong nước, quốc tế chấp nhận, kéo theo đó là phát triển chuỗi cung ứng, logistics và thanh toán điện tử, tạo ra môi trường phát triển kinh tế số tường minh trong nông nghiệp.

Kinh tế số nông nghiệp và ứng dụng công nghệ số trong SXNN tạo ra sự gia tăng về năng suất, chất lượng sản phẩm, tính chuyên nghiệp trong SXNN. Có thể thấy sự thay đổi rõ nét trong các sản phẩm trái cây của Việt Nam như xoài Hoà Lộc, vú sữa Lò rèn, na Chi Lăng, nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Bắc Giang, mận hậu Sơn La… đã được chăm sóc, tạo dựng thương hiệu, đóng gói bảo quản một cách chuyên nghiệp, sang trọng hơn khi đến với người tiêu dùng thông qua các sàn TMĐT.

Kinh tế số trong nông nghiệp thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh, xây dựng nông thôn hiện đại, tạo ra thế hệ nông dân số giàu có. Đây cũng là một điểm sáng của kinh tế số nông nghiệp từ chính sách Tam nông mà chúng ta đã triển khai rộng khắp từ sản xuất số, kinh doanh số đến tiêu dùng số. Người nông dân ngày nay đã ứng dụng triệt để công nghệ để tiếp cận các phương thức canh tác, nuôi trồng mới, tự động hoá quy trình sản xuất hàng hoá, nông sản. Đơn giản như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, đúng quy trình, sử dụng thuốc phòng ngừa trên gia súc, gia cầm, thuỷ, hải sản chuẩn theo khuyến cáo và được pha trộn tự động, phun bơm tự động trên các thiết bị tự động như máy bay không người lái, máy bơm thức ăn tự động đã giải phóng sức lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu sản phẩm số trên môi trường số.

Kinh tế số và các nền tảng truyền thông số tạo nên tiềm năng mở rộng và thâm nhập thị trường mới cho sản phẩm nông sản, đặc sản Việt. Từ những mô hình kinh tế số và chủ trương phát triển kinh tế số nông nghiệp, đã tạo ra một phong trào chuyển đổi rộng khắp trên toàn quốc. Người nông dân số không chỉ biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp mà còn biết xây dựng các kênh truyền thông số trên các nền tảng như Facebook, Tiktok để tiếp cận người tiêu dùng số. Đa dạng hoá kênh bán hàng nông sản không riêng sàn TMĐT và hoạt động livestream bán nông sản, xây dựng nội dung (content), hình ảnh cũng được nông dân đầu tư phát triển để tăng doanh số nông sản đặc sản.

Từ những phương thức kinh doanh số mới, người nông dân, người SXNN tạo ra những thị trường tiềm năng mới, mở rộng thị trường và tạo ra các mô hình kinh doanh mới thông qua kết nối trực tuyến giữa người nông dân và người tiêu dùng không qua thương lái, đưa nông sản, đặc sản từ “chợ làng” ra thế giới chỉ cần qua một “cú click” chuột.

Như đã nói ở trên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ ngành Nông nghiệp, Công thương, Thông tin và truyền thông (TT&TT), Ngoại giao…. Kinh tế số nông nghiệp đã trở thành một “từ khoá” nóng trên các diễn đàn, các hội nghị cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại từ đó thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế số và SXNN số trong nông dân cũng như thúc đẩy phát triển các nhà máy, các hoạt động chế biến nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản Việt, tạo nên một bản đồ số nông sản phong phú, đa dạng, tiếp cận động đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước, tạo ra những cơ hội lớn cho phát triển nông nghiệp.

Những thách thức cho kinh tế số nông nghiệp

Là một lĩnh vực mới, lần đầu tiên triển khai và phải phụ thuộc và các nền tảng công nghệ số, do đó, kinh tế số vẫn là một ẩn số dù đã đạt được những thành tựu, mang lại những lợi ích lớn cho người dân đặc biệt là nông dân trong phát triển kinh tế số nông nghiệp, song vẫn tồn tại những thách thức lớn để phát triển bền vững và đúng quỹ đạo trong quy luật kinh tế thị trường.

Tiêu chuẩn hóa và tích hợp: Cần có sự thống nhất về tiêu chuẩn và giao thức để đảm bảo tính tương thích và tính toàn vẹn của các hệ thống kinh tế số. Đặc biệt với các sẩn phẩm đặc thù của ngành nông nghiệp khi công nghệ chế biến cũng như phương thức bản quản, sơ chế còn nhiều hạn chế của Việt Nam hiện nay thì việc tiêu chuẩn hoá và tích hợp các yêu cầu về tiêu chuẩn của các thị trường khác nhau lên sản phẩm là vô cùng khó khăn và thách thức trong sản xuất để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và các quốc gia Châu Âu khác.

Xây dựng nền tảng: Cần có các nền tảng đủ lớn, đủ mạnh, đủ thông minh của các DN công nghệ phục vụ riêng cho phát triển kinh tế số nông nghiệp. Theo đó, các DN công nghệ số cần nghiên cứu và xây dựng, đầu tư bài bản, bền bỉ phục vụ dành riêng cho phát triển kinh tế số nông nghiệp. Các nền tảng phải đáp ứng được các yêu cầu như: Bảo mật dữ liệu người dùng, tương tác thông minh, thanh toán số hiện đại, tích hợp và mở rộng tính năng đơn giản.

Đẩy mạnh cách hoạt động TT&TT về mô hình, kết quả triển khai kinh tế số và sự vào cuộc của toàn hệ thống nhằm chuyển đổi rõ nét tư duy, nhận thức và sự sẵn sàng thay đổi của người nông dân đáp ứng yêu cầu, các tiêu chí của kinh tế số nông nghiệp.

Triển vọng phát triển kinh tế số nông nghiệp tại Việt Nam

Để thực hiện dẫn dắt việc phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tại khoản 1, điều 2 của Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT chủ trì tổ chức thực hiện chiến lược này, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì thúc đẩy CĐS, kinh tế số, xã hội số, nền tảng số quốc gia và kinh tế nền tảng.

Trước đó, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT ngày 21/7/2021 về “Phê duyệt kế hoạch hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”. Quyết định này là cơ sở cho các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như việc tổ chức truyền thông, quản lý thông tin về kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp trên báo chí nói chung và báo mạng điện tử nói riêng.

Cụ thể hoá Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT, Bộ TT&TT có Văn bản số 2685/BTTTT-QLDN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo cung cấp hàng hoá thiết yếu trong đại dịch. Đây là nội dung quan trọng, làm cơ sở để các tỉnh, thành phố triển khai đồng thời tạo ra nguồn tin để cung cấp cho báo chí thực hiện các hoạt động đẩy mạnh thông tin đến với công chúng.

Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT được triển khai, theo từng năm, Bộ TT&TT đều phê duyệt kế hoạch thực hiện thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngày 24/2/2022, Bộ TT&TT ban hành Quyết định số 350/QĐ-BTTTT phê duyệt kế hoạch hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT, lúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn năm 2022 trong đó có 6 nhiệm vụ chính. Đối với hoạt động TT&TT (nhiệm vụ số 5) nêu rõ việc tổ chức các hoạt động truyền thông với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), tổ chức, hướng dẫn các tỉnh, thành phố truyền thông về hoạt động của kế hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng, đăng tải, cập nhật thông tin về hoạt động trên các kênh thông tin báo chí, báo mạng điện tử, mạng xã hội…

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT còn chỉ đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) thành lập, xây dựng các Tổ công nghệ cộng đồng bền bỉ cùng nông dân thực hiện đào tạo, hướng dẫn người dân các kỹ năng về kinh tế số nông nghiệp, các giải pháp bán kỹ và các bước tiến hành mở gian hàng trên sàn TMĐT Buudien.vn, các nền tảng truyền thông số như Facebook, Zalo, Tiktok…

BĐVN hiện nay đang đẩy mạnh sàn TMĐT Buudien.vn theo hướng chuyên biệt, trở thành sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam về Nông lâm thuỷ sản phục vụ người dân phát triển kinh tế số nông nghiệp, phối hợp với nhiều đơn vị, DN tối ưu hoá quá trình số hoá nông nghiệp, xây dựng các giải pháp thanh toán tiện lợi cho người dân khi tham gia giao thương trên sàn TMĐT này, đồng thời dựng quy trình logistics, giao hàng chặng cuối dành riêng cho nông sản, đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân.

Để kinh tế số nông nghiệp thực sự phát triển và đáp ứng xu hướng quốc tế như kỳ vọng, bên cạnh sự quan tâm của ngành nông nghiệp cần sự đồng hành của nhiều Bộ, ngành và các nhà khoa học để đưa ra những giải pháp phát triển cả trong lĩnh vực kinh tế số và lĩnh vực nông nghiệp, đảm bảo sự chuyển dịch mạnh mẽ, đồng bộ ở tất cả các công đoạn từ sản xuất nguyên liệu, sơ chế, chế biến, quy cách sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng đặc biệt, sự thông tuệ, hiểu biết của người nông dân để vận hành các nền tảng số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tiêu dùng và thương mại các sản phẩm nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế số.


Tài liệu tham khảo

1. Bộ Thông tin và Truyền thông, Quyết định số 350/QĐ-BTTTT ngày 24/2/2022 phê duyệt kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
2. Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
3. Trần Thị Ái Cẩm, Đỗ Thuỳ Trinh (2022), Kinh tế số, NXB Xây dựng.
4. Nguyễn Thế Kiên, Trần Quý, Chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đa chức năng, kinh tế tuần hoàn Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam.