Bà Đinh Thị Thúy - Tổng giám đốc Công ty CP MISA chia sẻ: “Là phụ nữ làm việc trong lĩnh vực chuyển đổi số (CĐS), tôi nhận thấy chị em phải cố gắng hơn rất nhiều. Bởi vì không chỉ chăm lo cho gia đình, chu toàn công việc như các chị em khác mà còn luôn phải học hỏi thích ứng nhanh với tri thức công nghệ mới”.


Hơn 25 năm gắn bó với một công ty công nghệ duy nhất, bà Đinh Thị Thúy, cử nhân kế toán, trở thành CEO điều hành đội ngũ 2.600 người với nhiều kỹ sư công nghệ thông tin (IT). Trong tiến trình CĐS Quốc gia, MISA và CEO Đinh Thị Thuý đã lăn lộn hỗ trợ CĐS các doanh nghiệp (DN), trong đó đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (SME). Nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2023, PV Tạp chí TT&TT đã có cuộc trao đổi với nữ CEO điều hành MISA.

Trong thời gian qua, MISA đã đi nhiều tỉnh/thành để hỗ trợ DN, đặc biệt là các SME CĐS, bà có thể cho biết một số điểm rút ra và có lưu ý nào cho các DN trong quá trình CĐS?

Bà Đinh Thị Thuý: Với kinh nghiệm triển khai CĐS cho 250.000 DN, MISA nhận thấy có 4 điểm khó khăn mà các SME đang gặp phải trong quá trình CĐS hiện nay.

Vấn đề thứ nhất là các SME đang ứng dụng giải pháp CĐS rời rạc, không kết nối với nhau và không kết nối với các hệ thống bên ngoài khác khiến dữ liệu phân mảnh, phải nhập liệu nhiều lần gây tốn thời gian và nhân lực.

Vấn đề thứ hai là khi DN phát triển, mở rộng quy mô dần lên thì ứng dụng đang triển khai không còn phù hợp nữa và cần phải thay. Nhưng khi thay thế thì khó có thể kế thừa dữ liệu lịch sử rất quan trọng ở ứng dụng cũ.

Đối với hai vấn đề này, DN lưu ý nên lựa chọn các giải pháp CĐS đảm bảo có thể theo sát DN trong hành trình phát triển mà không cần phải thay đổi nền tảng và dễ sử dụng, không mất nhiều thời gian đào tạo cho nhân viên.

Vấn đề thứ ba là DN quy mô nhỏ, vừa khó tiếp cận các giải pháp vận hành DN (ERP) toàn diện do chi phí rất cao trong khi tính năng của ERP quá dư thừa, các SME không thể sử dụng hết.

Để giải quyết vấn đề này, DN có thể tham khảo lựa chọn các giải pháp CĐS Make in Viet Nam đáp ứng tiêu chí dễ triển khai, vận hành - nhanh có hiệu quả - chi phí triển khai hợp lý. Hiện nay, các giải pháp Make in Viet Nam cũng được đầu tư phát triển các công nghệ tiên tiến, bắt kịp với các xu hướng CĐS trên thế giới với chi phí hợp lý hơn nhiều so với phần mềm nước ngoài. Đồng thời các giải pháp này còn được nghiên cứu để áp dụng phù hợp với đặc thù của của doanh nghiệp Việt nên dễ sử dụng và nhanh mang lại hiệu quả.

Vấn đề thứ tư là các SME, thiếu tài sản đảm bảo, khó tiếp cận vốn vay giúp phục hồi sản xuất, phát triển kinh doanh. Để khắc phục vấn đề này, DN có thể tìm đến nền tảng kết nối vay vốn cho DN với các ngân hàng lớn, uy tín tại Việt Nam. MISA là đơn vị tiên phong phát triển nền tảng vay vốn tín chấp dành cho DN MISA Lending. Nền tảng này đã hỗ trợ hơn 800 DN vay vốn thành công từ các ngân hàng lớn như Techcombank, MSB,... mà không cần tài sản đảm bảo và nhận được giải ngân nhanh chóng.

Theo chia sẻ giải pháp Make in Viet Nam tiên tiến và cũng có chi phí hợp lý, bà có thể cho biết thêm về các nền tảng số Make in Viet Nam đang hỗ trợ các DN CĐS như thế nào?

Bà Đinh Thị Thuý: MISA hiện đang cung cấp các nền tảng số Make in Viet Nam giúp các DN CĐS trong hoạt động quản trị DN, tìm kiếm và thuê kế toán dịch vụ, kết nối DN vay vốn tín chấp từ các ngân hàng uy tín.

Đổi với lĩnh vực quản trị DN, MISA phát triển nền tảng quản trị DN hợp nhất MISA AMIS bao gồm các giải pháp CĐS toàn diện trong lĩnh vực Tài chính – Kế toán, Marketing - Bán hàng, Quản trị Nhân sự và Văn phòng số. Các ứng dụng trong nền tảng được kết nối chặt chẽ với nhau giúp các bộ phận trong DN giảm sự chồng chéo, lãng phí nguồn lực. Khảo sát của MISA cho thấy sau một thời gian ngắn triển khai nền tảng quản trị DN hợp nhất MISA AMIS, nhiều DN ghi nhận tiết kiệm 25% chi phí, tăng 47% năng suất làm việc và 32% lợi nhuận.

Điểm nổi bật của nền tảng là được phân chia thành các ứng dụng nhỏ, phù hợp với mọi nhu cầu theo quy mô, ngành nghề của từng DN. Hệ sinh thái MISA AMIS cho phép DN lựa chọn triển khai một số nghiệp vụ theo nhu cầu và sẵn sàng đáp ứng bổ sung thêm các nghiệp vụ khác khi DN mở rộng quy mô và gia tăng thêm nhu cầu quản lý ở các lĩnh vực khác.

MISA AMIS được nghiên cứu phù hợp hệ thống tài chính - kế toán - thuế và các thông tư, nghị định, luật tại Việt Nam. Các DN có thể dễ dàng triển khai với độ tương thích cao, nhanh đem lại kết quả. Nền tảng hiện đang được tin dùng tại gần 50.000 DN, đồng thời là giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư vinh danh là 1 trong 4 giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc nhất Việt Nam 2023.

Bên cạnh vấn đề quản trị DN, MISA còn hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ CĐS, tối ưu chi phí với nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP. Theo thống kê, trong tổng số hơn 815.000 DN đã được thành lập và hoạt động tại Việt Nam thì số DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 93%. Khoảng 1/3 số DN nhỏ, siêu nhỏ và hơn 5 triệu hộ kinh doanh còn hạn chế về nguồn lực nên chưa có bộ máy kế toán riêng để thực hiện các công tác tài chính - kế toán. Vì vậy, họ rất cần thuê các đơn vị kế toán dịch vụ giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính - kế toán - thuế. MISA đồng hành cùng các DN nhỏ, hộ kinh doanh tìm được nguồn nhân lực kế toán chất lượng cao ở bất kỳ đâu trên cả nước qua nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP với chi phí tối ưu hơn 75% so với việc duy trì 1 bộ máy kế toán. Nền tảng MISA ASP còn giúp các DN có thể quản lý được số liệu tài chính, dữ liệu kế toán của DN một cách chủ động và xuyên suốt.

Nền tảng MISA ASP đã kết nối được hơn 1000 đơn vị kế toán dịch vụ với hơn 20.000 DN thuê dịch vụ kế toán trên toàn quốc.

Đối với vấn đề tiếp cận vốn vay cho các SME, MISA đã đưa vào triển khai nền tảng vay vốn tín chấp DN MISA Lending nhằm kết nối các DN với các ngân hàng uy tín. Đây là giải pháp số giúp các SME vay tín chấp từ các ngân hàng trên khắp cả nước dễ dàng hơn với tỷ lệ thành công gấp 8 lần so với phương thức vay truyền thống. Các DN đang sử dụng phần mềm của MISA như: Nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP, nền tảng quản trị DN hợp nhất MISA AMIS, hóa đơn điện tử MISA meInvoice khi có nhu cầu vay vốn và đồng ý tham gia nền tảng, hệ thống sẽ kết nối trực tiếp với ngân hàng để gợi ý các khoản vay phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp với tỷ lệ phê duyệt cao nhất và không yêu cầu tài sản đảm bảo.

Tính đến nay, MISA Lending đã liên kết thành công với các đối tác ngân hàng lớn như Techcombank, MBBank, MSB, Standard Chartered, hỗ trợ giải ngân gần 3000 tỷ đồng cho các SME. Mục tiêu đến hết năm 2023, MISA sẽ kết nối giải ngân 10.000 tỷ đồng vốn vay cho các DN có nhu cầu.

Với những kinh nghiệm hỗ trợ CĐS cho DN, bà có thể trao đổi thêm ý kiến về chính sách của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ các DN CĐS?

Bà Đinh Thị Thuý: MISA đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường các hoạt động truyền thông cũng như tiếp tục đẩy mạnh các chương trình đưa các nền tảng số Make in Viet Nam xuất sắc giới thiệu đến các DN trên toàn quốc để các DN hiểu, ứng dụng nhằm tăng tốc CĐS, đóng góp vào nền kinh tế chúng của đất nước.

Bên cạnh đó, MISA cũng mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước tạo ra thêm nhiều diễn đàn uy tín để các DN công nghệ như MISA có thể chia sẻ các thông tin, kiến thức hữu ích về CĐS để đồng hành cùng các DN tiếp cận những giải pháp ưu việt.

Nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, bà có thể trao đổi với những người phụ nữ theo đuổi công việc CĐS cũng như làm việc, đam mê trong lĩnh vực công nghệ?

Bà Đinh Thị Thuý: Là phụ nữ làm việc trong lĩnh vực CĐS, tôi nhận thấy chị em phải cố gắng hơn rất nhiều. Bởi vì không chỉ chăm lo cho gia đình, chu toàn công việc như các chị em khác mà còn luôn phải học hỏi thích ứng nhanh với tri thức công nghệ mới, xu thế công nghệ thay đổi rất nhanh, đòi hỏi phải học nhanh, hiểu nhanh và ứng dụng nhanh.

Tuy nhiên làm gì cũng vậy, chỉ cần đam mê, yêu thích, cống hiến hết mình cho những điều có ích cho xã hội thì các chị em đều có thể làm được và làm tốt. CĐS là chuyển đổi nhận thức, cần thay đổi linh hoạt mà điều này chị em cũng dễ dàng thực hiện, thích ứng cũng như dễ dàng thuyết phục người khác thực hiện theo.

Nhân ngày 20/10 xin chúc các chị em công tác trong lĩnh vực CĐS luôn mạnh khoẻ, tự tin, hạnh phúc và ngày càng xinh đẹp rạng ngời, đam mê cống hiến cho sự phát triển của đất nước!

Chúc bà thành công và trân trọng cảm ơn bà!