Mô hình media‑tech ở Việt Nam

Bao giờ và như thế nào?

Công nghệ đang trở thành một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển của các cơ quan báo chí. Trên thế giới, mô hình “media-tech” đã được nhiều tờ báo áp dụng và thành công như New York Times, Washington Post, South China Morning Post…. Còn ở Việt Nam thì như thế nào? Ông Lê Quốc Minh - UVTW Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã chia sẻ với Tạp chí TT&TT về câu chuyện này.

PV: Là một người tâm huyết, am hiểu và nghiên cứu sâu về báo chí, ông đánh giá như thế nào về mô hình media-tech (cơ quan báo chí-công nghệ) đang được áp dụng trên thế giới hiện nay?

Ông Lê Quốc Minh: Suốt một thời gian dài, báo chí luôn tâm niệm “câu thần chú” “Nội dung là Vua” và quả thực điều này luôn đúng cho đến tận bây giờ. Nhưng trong khoảng 15 năm qua, vai trò của công nghệ trong quá trình tác nghiệp báo chí hiện đại ngày càng tăng lên và các chuyên gia thậm chí bổ sung thêm một vế nữa: “Công nghệ là Nữ hoàng”. Khởi đầu, công nghệ chỉ được coi như một sự bổ sung, một sự hỗ trợ cho nội dung. Thậm chí, chuyên gia công nghệ bị đánh đồng với những nhân viên kỹ thuật chuyên sửa máy tính - một thực tế xảy ra cả trong một số tòa soạn ở những quốc gia phát triển.

Thế rồi nhiều cơ quan báo chí nhận thấy cần phải đưa các nhân viên lập trình, các chuyên gia về dữ liệu, các nhân viên thiết kế web làm việc cùng với các phóng viên, biên tập viên để tạo ra những sản phẩm báo chí digital chất lượng cao. Họ còn sử dụng thuật ngữ “embedded” – nghĩa là đưa nhân viên kỹ thuật “cắm rễ sâu” trong bộ phận nội dung. Tại nhiều cơ quan báo chí trên thế giới, tỷ lệ giữa nhà báo-nhân viên công nghệ hiện nay là 8:1 (cứ 8 nhà báo có 1 nhân viên công nghệ), thậm chí 6:1 và cao hơn nữa.

 Xu hướng trên thế giới là các công ty công nghệ lớn thì trở thành “tech-media” (tăng cường hoạt động báo chí truyền thông bên cạnh thế mạnh công nghệ) còn các tập đoàn báo chí thì trở thành “media-tech” (nâng cao năng lực công nghệ để hỗ trợ cho lĩnh vực chuyên môn là báo chí). 

Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân - Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam

 Xu hướng trên thế giới là các công ty công nghệ lớn thì trở thành “tech-media” (tăng cường hoạt động báo chí truyền thông bên cạnh thế mạnh công nghệ) còn các tập đoàn báo chí thì trở thành “media-tech” (nâng cao năng lực công nghệ để hỗ trợ cho lĩnh vực chuyên môn là báo chí). 

Lê Quốc Minh
Tổng biên tập Báo Nhân Dân - Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam

Kể từ đó xuất hiện một xu hướng là các cơ quan báo chí lớn đầu tư mạnh mẽ cho mảng công nghệ, xây dựng bộ phận công nghệ “in-house” rất chuyên nghiệp và với quy mô lớn, chẳng khác nào các công ty công nghệ. Có những tập đoàn báo chí còn triển khai nỗ lực mua bán và sáp nhập (M&A) các công ty công nghệ. Và ngay trong quá trình sản xuất nội dung do doanh nghiệp tài trợ, không ít cơ quan báo chí đã lập ra những studio tập hợp cả nhân sự nội dung lẫn nhân sự công nghệ cao cấp nhằm chủ động tạo ra những sản phẩm theo ý muốn, thay vì phải trông cậy vào sự hợp tác với các đối tác công nghệ bên ngoài. Diễn biến này dẫn đến mô hình cơ quan báo chí-công nghệ, với những đại diện nổi bật như New York Times, Washington Post ở Mỹ, Reuters, The Guardian hay BBC ở Anh, South China Morning Post ở Hong Kong, v,v…

Việc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và biến công nghệ trở thành một trụ cột quan trọng trong hoạt động của các cơ quan báo chí giúp cho các cơ quan báo chí này không chỉ chủ động về công nghệ trong quy trình sản xuất, phân phối và kinh doanh nội dung, mà họ còn có thể tạo ra nguồn thu từ những công nghệ mà họ xây dựng nên. Đơn cử như hệ thống Heliograf của Washington Post được bán cho khoảng 400 tòa soạn trên thế giới.

PV: Qua nghiên cứu mô hình của thế giới, ông thấy báo chí Việt Nam có thể học được gì từ mô hình đó?

Ông Lê Quốc Minh: Media-tech là một mô hình rất tốn kém và chỉ phù hợp với những cơ quan báo chí lớn, nhưng không dễ triển khai ở Việt Nam. Lý do đầu tiên là đội ngũ công nghệ phải đủ lớn thì mới có thể tạo ra những sản phẩm công nghệ chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các công ty công nghệ thuần túy. Lý do thứ hai là mặt bằng lương của kỹ sư công nghệ khá cao. Chẳng hạn một khảo sát gần đây đưa ra mức lương tối thiểu của kỹ sư công nghệ tại Việt Nam là khoảng 50 triệu đồng/tháng.

Một cơ quan báo chí có khoảng 500 nhà báo sẽ cần khoảng 80 - 100 nhân viên công nghệ. Chắc chắn đây là khoản chi phí thường xuyên không hề nhỏ và không nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam có thể đáp ứng được. Ngoài ra, sở hữu một đội ngũ công nghệ hùng mạnh như thế thì phải đặt vấn đề hiệu quả kinh tế lên hàng đầu, phải tạo ra được những sản phẩm có hiệu quả cao và duy trì sự sáng tạo để giữ chân đội ngũ công nghệ. Lương cao là yếu tố quan trọng để thu hút người tài giỏi nhưng môi trường làm việc hấp dẫn mới là điều níu kéo họ làm việc lâu dài.

PV: Thưa ông, Việt Nam đang chủ trương xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, đây có phải là hướng đi học hỏi từ media-tech?

Ông Lê Quốc Minh: Mô hình cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện ở Việt Nam chủ yếu nhấn mạnh về nội dung, với mục tiêu xây dựng những cơ quan báo chí chính thống đủ mạnh để tạo ra sức ảnh hưởng và định hướng được cho dòng chảy thông tin. Những cơ quan này phải bao trùm mọi loại hình báo chí và chiếm lĩnh được mọi nền tảng, kể cả những nền tảng đang phổ biến cho đến những nền tảng có thể xuất hiện sau này. Tất nhiên, nếu các cơ quan báo chí chủ lực có thể làm chủ về công nghệ thì quá tốt, và thực tế là một số cơ quan báo chí lớn ở Việt Nam hiện nay như TTXVN, VTV hay VOV có đội ngũ kỹ thuật khá đông đảo, nhưng để phát triển thành cơ quan báo chí-công nghệ là con đường khá dài và đòi hỏi một chiến lược khác hẳn.

PV: Báo Nhân Dân cũng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số (CĐS), vậy điểm tương đồng và khác biệt của Nhân Dân với mô hình media-tech trên thế giới là gì?

Ông Lê Quốc Minh: Báo Nhân Dân có gần 800 cán bộ nhân viên, muốn phát triển thành cơ quan báo chí - công nghệ theo cách thức mà các tập đoàn báo chí lớn trên thế giới đang làm thì cần phải xây dựng bộ phận công nghệ với ít nhất 60 - 70 kỹ sư lập trình. Và muốn tuyển dụng nhân sự công nghệ giỏi thì cần có mức lương cao hơn nhiều mức lương trung bình như đề cập ở trên. Việc này là hoàn toàn không khả thi nên chúng tôi chưa coi đây là mục tiêu trong tương lai trung hạn. Nhưng cũng như bất kỳ cơ quan báo chí nào, báo Nhân Dân coi CĐS là con đường phải đi, thậm chí đi nhanh. Không nhất thiết phải trở thành cơ quan báo chí - công nghệ mới triển khai được chiến lược CĐS, và thực tế là chúng tôi đang đạt những kết quả bước đầu mà không hề có đội ngũ công nghệ in-house hùng hậu.

PV: Như ông đã nói, media-tech đòi hỏi phải đầu tư lớn vào cơ sở vật chất và công nghệ, có thể phù hợp với các cơ quan báo chí lớn, trong khi phần lớn các cơ quan báo chí ở Việt Nam đều có quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế. Vậy giải bài toán này như thế nào?

Ông Lê Quốc Minh: Báo Nhân Dân là một cơ quan báo chí tương đối lớn với nhiều sản phẩm báo chí, và có cả một kênh truyền hình, mà còn thấy mục tiêu media-tech là không đơn giản, thì những cơ quan báo chí quy mô nhỏ với nguồn lực hạn chế càng khó triển khai. Và tôi xin nhắc lại là không nhất thiết phải đi theo con đường này thì mới phát triển được. Kinh nghiệm của chúng tôi là xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược với đối tác công nghệ. Đối tác công nghệ chiến lược sẽ giúp cho tờ báo xây dựng chiến lược công nghệ dài hạn và có được sự hỗ trợ ổn định, hiểu rõ nhau nên triển khai các dự án cũng nhanh chóng và dễ dàng hơn. Tất nhiên, mỗi cơ quan báo chí có thể mở rộng hợp tác với một số đối tác công nghệ khác để triển khai những dự án ngắn hạn, đơn giản, tránh quá tải cho đối tác công nghệ chiến lược.

 Trước đây, chúng tôi nghĩ nhân viên CNTT là những người mà chúng tôi chỉ nhờ đến khi máy tính hỏng hóc. Nhưng bây giờ họ là nhóm tạo ra sản phẩm, họ có vai trò rất quan trọng trong việc giúp chúng tôi hình thành nên các nền tảng để có thể vươn tới độc giả, tương tác với độc giả và giữ chân độc giả. 

Zuraidah Ibrahim, Giám đốc điều hành South China Morning Post

 Trước đây, chúng tôi nghĩ nhân viên CNTT là những người mà chúng tôi chỉ nhờ đến khi máy tính hỏng hóc. Nhưng bây giờ họ là nhóm tạo ra sản phẩm, họ có vai trò rất quan trọng trong việc giúp chúng tôi hình thành nên các nền tảng để có thể vươn tới độc giả, tương tác với độc giả và giữ chân độc giả. 

Zuraidah Ibrahim
Giám đốc điều hành South China Morning Post

PV: CĐS, phát triển mô hình media-tech thì một yếu tố quan trọng là đào tạo kỹ năng công nghệ cho đội ngũ. Với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thì ông có ý tưởng gì để giúp cho đội ngũ nhà báo có thể tiếp cận nhanh vấn đề này?

Ông Lê Quốc Minh: Một trong những điều kiện then chốt để đảm bảo CĐS thành công là có một lực lượng lao động thành thạo công nghệ - bao gồm cả những chuyên gia về công nghệ lẫn những phóng viên, biên tập viên có kỹ năng về công nghệ. Khi lãnh đạo một cơ quan nghĩ tới việc đầu tư vào công nghệ, nghĩ tới chiến lược CĐS, thì trước hết họ nên nghĩ tới đầu tư vào những con người có thể làm cho công nghệ đó hữu ích. Một nghiên cứu của công ty McKinsey Global đã chỉ ra rằng “những công ty CĐS thành công thường dành ngân sách phù hợp và có biện pháp năng động để thu hút nhân tài. Thành công về CĐS có thể cao gấp 3 lần nếu công ty đầu tư xứng đáng vào các nhân lực số (digital) giỏi”.

 Bên cạnh việc nâng cấp hạ tầng công nghệ số hiện nay, Việt Nam cũng cần trang bị kỹ năng số hoá cho người lao động và trở nên năng động hơn trong việc thích ứng với các công nghệ mới hiện đại. 

Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam

 Bên cạnh việc nâng cấp hạ tầng công nghệ số hiện nay, Việt Nam cũng cần trang bị kỹ năng số hoá cho người lao động và trở nên năng động hơn trong việc thích ứng với các công nghệ mới hiện đại. 

Zuraidah Ibrahim
Giám đốc điều hành South China Morning Post

Lâu nay Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức khá nhiều chương trình đào tạo kỹ năng báo chí cho các hội viên trên toàn quốc thông qua các chương trình giảng dạy của các chuyên gia trong nước và nước ngoài. Trước đòi hỏi của quá trình CĐS trong báo chí, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ bổ sung thêm những khóa học nhằm trang bị kỹ năng công nghệ cho đội ngũ nhà báo, và cả những chương trình đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý cũng như lãnh đạo của các cơ quan báo chí về lĩnh vực này. Hội Nhà báo Việt Nam cũng sẽ phối hợp với các hội nhà báo địa phương và các liên chi hội để tổ chức các cuộc tọa đàm, diễn đàn, thảo luận về vấn đề chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức và tạo điều kiện để các cơ quan báo chí học hỏi lẫn nhau về vấn đề CĐS, về việc áp dụng công nghệ làm báo hiện đại, về các mô hình kinh doanh mới và cả việc quản lý cơ quan báo chí trong môi trường kỹ thuật số.