Tóm tắt
+ Đến năm 2023, có 89 trường ĐH đào tạo học phần TMĐT, 40 trường đào tạo ngành TMĐT.
+ Quy mô sinh viên tăng mạnh, từ 2.163 (năm học 2020-2021) lên 5.317 (năm học 2023-2024).
+ Tính đến tháng 7/2024, chỉ có 8 chương trình TMĐT được kiểm định chất lượng.
+ Nhu cầu nhân lực TMĐT tăng cao từ sự phát triển mạnh của kinh tế số.
+ TMĐT chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế số Việt Nam, với dự báo đạt 32 tỷ USD vào năm 2025.
+ Chính phủ đã ban hành các quyết định thúc đẩy TMĐT như Quyết định 645/QĐ-TTg (2020) và 411/QĐ-TTg (2022).
+ Khuyến khích các cơ sở giáo dục triển khai đào tạo TMĐT và tăng cường EdTech.
+ Thiếu chuẩn chương trình đào tạo TMĐT từ Bộ GD&ĐT.
+ Thiếu nhân lực giảng viên và chuyên gia TMĐT có chuyên môn cao.
+ Chưa có cơ chế hợp tác chính thức giữa các doanh nghiệp (DN) và trường trong đào tạo kỹ năng thực hành.
+ Cần sớm ban hành chuẩn chương trình đào tạo TMĐT.
+ Tăng cường đào tạo nhân lực giảng dạy và hợp tác với DN.
+ Phát triển các mạng lưới liên kết giữa nhà trường, DN, và Hiệp hội TMĐT Việt Nam để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chương trình đào tạo đại học (ĐH) ngành TMĐT có mã số: 7340122 thuộc nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý với số lượng tín chỉ tối thiểu là 120 tín chỉ chưa bao gồm khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh.
Báo cáo Đào tạo TMĐT Việt Nam (2023) được công bố bởi Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết: Đến hết năm 2023 đã có 89 cơ sở giáo dục ĐH (sau đây gọi là trường, hoặc trường ĐH) đào tạo học phần TMĐT, 16 trường đào tạo chuyên ngành TMĐT (trong các ngành đào tạo gần hoặc có liên quan với ngành TMĐT và 40 trường đào tạo ngành TMĐT với mã ngành 7340122.
Về tốc độ phát triển đào tạo ngành TMĐT trong các cơ sở giáo dục ĐH, nếu như tại thời điểm năm 2015 chỉ có 4 trường có mở ngành TMĐT gồm: Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Thương mại, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) (ĐH Thái Nguyên) và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh thì giai đoạn 2016 - 2020 có thêm 17 trường, và còn lại là các trường mở ngành đào tạo từ sau năm 2020.
Bảng 1. Danh sách cơ sở đào tạo ngành TMĐT từ năm 2019 trở về trước (đến nay đã có sinh viên tốt nghiệp)
Quy mô sinh viên của ngành TMĐT tăng đáng kể trong những năm gần đây, từ 2.163 sinh viên năm học 2020 - 2021 lên 5.317 sinh viên năm học 2023 - 2024 và xu hướng này còn tăng hơn nữa. Số lượng sinh viên ngành TMĐT tốt nghiệp các năm 2021, 2022, 2023 lần lượt là: 880 sinh viên, 1.196 sinh viên và 1.327 sinh viên[1]. Về kiểm định chương trình đào tạo theo quy định của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 7/2024 mới chỉ có 8 chương trình đào tạo TMĐT của 8 trường được công nhận đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng kiểm định.[2]
Có thể nhận thấy hoạt động đào tạo TMĐT tại các trường ĐH đang trong giai đoạn phát triển nhanh về quy mô, cạnh tranh khốc liệt và bắt đầu bước sang giai đoạn phát triển tập trung vào chất lượng.
Động lực chính là nhu cầu nhân lực của xã hội từ sự phát triển nhanh chóng của TMĐT. Tại Việt Nam, TMĐT đang là một trong những trụ cột có đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng quy mô nền kinh tế số, đặc biệt là dư địa tăng trưởng TMĐT Việt Nam được đánh giá còn rất lớn. Theo Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), quy mô nền kinh tế số ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, trong đó hoạt động có đóng góp nhiều nhất cho kinh tế số là dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) (chiếm khoảng 30%), tiếp đến là TMĐT (14,3%), sản xuất phần cứng (12,83%) và hoạt động có tốc độ tăng trưởng cao nhất là thông tin nội dung số (tăng gần 104% so với quý 1/2022).
Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á e-Conomy 2022 của Google cũng đánh giá tốc độ tăng trưởng của kinh tế Internet Việt Nam nhanh nhất trong khu vực, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên quy mô 23 tỷ USD trong năm 2022. Đặc biệt, trong số 23 tỷ USD kinh tế số Việt Nam năm 2022, có tới 14 tỷ USD là từ lĩnh vực TMĐT. Còn tới năm 2025, khi kinh tế số Việt Nam đạt 49 tỷ USD thì TMĐT sẽ chiếm 32 tỷ USD. Tính chung cả năm 2023, TMĐT chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cao hơn mức 8,5% của năm 2022, và tại thời điểm tháng 1/2024, Việt Nam được ghi nhận là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT cao nhất thế giới, dẫn đầu Đông Nam Á.
Về phía chủ trương chính sách của Nhà nước thúc đẩy trực tiếp đến phát triển đào tạo TMĐT và thúc đẩy thông qua phát triển kinh tế số, ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) trong doanh nghiệp (DN), có một số điểm đáng chú ý sau:
- Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025”, với mục tiêu tới năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo TMĐT và 1 triệu lượt DN, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khoá đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT. Kế hoạch đề ra nhiệm vụ đào tạo kiến thức, kỹ năng TMĐT cho giáo viên các trường ĐH, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, phát triển mạng lưới giảng viên, chuyên gia có kinh nghiệm về giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kỹ năng về TMĐT; Giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT ban hành chính sách khuyến khích giảng dạy lĩnh vực TMĐT, đẩy mạnh đào tạo chính quy về TMĐT trong các trường ĐH; khuyến khích ứng dụng đào tạo trực tuyến, xây dựng hệ thống học liệu phục vụ nghiên cứu và giảng dạy TMĐT.
- “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ban hành theo QĐ số 411/QĐ-TTg ngày 31/03/2022, với các mục tiêu cơ bản đến năm 2025 được nêu rất cụ thể như: Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80% (phát triển thanh toán điện tử - tác giả); Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50% (phát triển giao dịch điện tử - tác giả); Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%; Tỷ lệ dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 50%...
- “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ban hành theo QĐ số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định giáo dục là một trong những lĩnh vực ưu tiên CĐS và cần tập trung phát triển công nghệ số (EdTech) trong giáo dục, cụ thể là: “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình”.
Mặc dù trong vài năm trở lại đây có khá nhiều điều kiện thuận lợi cho xây dựng và triển khai chương trình đào tạo ngành TMĐT tại các cơ sở giáo dục ĐH, nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít những vướng mắc, khó khăn đến từ những vấn đề chưa cụ thể, chưa rõ ràng hoặc chồng chéo trong các quy định của cơ quan quản lý nhà nước cả về quản lý đào tạo, cả về quản lý kinh doanh thương mại, quản lý TT&TT. Khó khăn cũng đến từ diễn biến thực tế thị trường TMĐT quá phức tạp và thay đổi nhanh chóng khiến cho các lý thuyết, các nguyên lý về TMĐT triển khai đào tạo chưa đủ thời gian kiểm chứng đã lạc hậu. Khó khăn cũng đến từ những giới hạn về nguồn lực của bản thân các cơ sở đào tạo. Có ba vấn đề nổi bật được nêu dưới đây:
Thứ nhất, khó khăn trong việc thiết kế chương trình đào tạo. Theo Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT, chương trình đào tạo ngành TMĐT do các trường xây dựng sẽ phải tuân theo “Chuẩn chương trình đào” tạo do Bộ GD&ĐT ban hành. Chuẩn chương trình đào tạo của một ngành (hoặc của một nhóm ngành, một lĩnh vực) ở một trình độ là: “những yêu cầu chung, tối thiểu đối với tất cả chương trình đào tạo của ngành đó (hoặc nhóm ngành, lĩnh vực đó), phù hợp với chuẩn chương trình đào tạo trình độ tương ứng”. Tuy vậy cho đến nay, giống như nhiều chương trình đào tạo của các ngành khác, Bộ GD&ĐT chưa ban hành chuẩn chương trình đào tạo ĐH ngành TMĐT.
Cũng theo Thông tư này, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo phải “phản ánh được yêu cầu của các bên liên quan, được định kỳ rà soát, điều chỉnh và được công bố công khai”. Khi phân tích dữ liệu của các chương trình đào tạo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định trong nước thì mức độ đạt chuẩn của chuẩn đầu ra này khá thấp. Trong khi các tổ chức kiểm định cho rằng điều này phản ánh năng lực xây dựng và đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo là thấp, thì bản thân các cơ sở đào tạo lại cho rằng rất thiếu các phương pháp, các hướng dẫn về khảo sát ý kiến của các bên liên quan trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo của mình, đồng thời việc xác định các bên liên quan, xác định quy mô và phương pháp khảo sát phù hợp với mỗi bên liên quan chưa được hiểu thống nhất giữa các tổ chức kiểm định và các cơ sở giáo dục ĐH.
Thứ hai, khó khăn về nguồn nhân lực cho thiết kế và triển khai chương trình đào tạo TMĐT. Theo Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 quy định “Điều kiện, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ”, ngoài các điều kiện chung để mở ngành đào tạo thì các điều kiện đối với đội ngũ giảng viên khi mở ngành đào tạo trình độ ĐH như sau: “Có ít nhất 1 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ ĐH của các ngành khác, có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 3 năm trở lên chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo”; “Có ít nhất 5 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình, trong đó mỗi thành phần của chương trình đào tạo phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy”.
Trong thực tế, do TMĐT là một ngành đào tạo mới ở Việt Nam, hiện chỉ đào tạo hệ ĐH mà chưa có hệ thạc sĩ, tiến sĩ nên nhân lực đúng ngành để phụ trách cả việc thiết kế, quản lý chương trình đào tạo cũng như giảng viên giảng dạy các học phần chuyên ngành đều thiếu. Đối với vị trí chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, hiện theo thống kê chưa đầy đủ thì chỉ có một vài trường ĐH có tiến sĩ ngành gần là ngành Kinh doanh Thương mại đảm nhiệm (ĐH Thương mại, Học viện Công nghệ BCVT…). Đối với giảng viên giảng dạy, Báo cáo Đào tạo TMĐT 2023 cũng cho thấy có đến 95% số trường được hỏi có nhu cầu tuyển dụng giảng viên có khả năng giảng dạy các học phần chuyên ngành TMĐT nhưng việc tuyển dụng là rát khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ của giảng viên còn hạn chế do đây là ngành học mới, giảng viên phải cập nhật kiến thức và kỹ năng liên tục. Vấn đề nhân lực cho đào tạo TMĐT là vấn đền lớn cần giải quyết.
Thứ ba, khó khăn trong việc xây dựng và triển khai đào tạo các kỹ năng thực hành thực tế để đảm bảo đáp ứng được các vị trí quản lý và nhân viên phụ trách TMĐT trong DN sau khi ra trường. Vấn đề này thường được giải quyết khi có sự tham gia một cách chính thức của các DN và chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT vào việc triển khai chương trình đào tạo. Tuy vậy cho đến nay chưa có cơ chế khuyến khích và hợp tác về vấn đề này. Các DN thường chỉ có ý định hỗ trợ đào tạo một vài nghiệp vụ nhỏ và phân mảnh trong quy trình TMĐT để sau đó có nguồn tiếp nhận sinh viên thực tập hoặc tuyển dụng. Các chuyên gia đến từ DN mặc dù có rất nhiều kinh nghiệm thực tế thì lại chưa đáp ứng đủ điều kiện đối với một giảng viên ĐH để có thể đứng lớp (qui định là phải trình độ thạc sĩ và có chứng chỉ Nghiệp vụ sư phạm).
Một số trường cũng đã đi tiên phong trong việc giải quyết vấn đề này bằng cách xây dựng cơ chế có tính đột phá để đưa DN vào giảng dạy (như Học viện Công nghệ BCVT đã xây dựng một số học phần chuyên đề TMĐT có DN chuyên gia hỗ trợ, đồng hành (chứ không phải thay thế) giảng viên trong quá trình giảng dạy, đồng thời Học viện cũng mời chuyên gia có trình độ thạc sĩ trở nên tham gia đặt hàng yêu cầu thực tế cần giải quyết trong khóa luận tốt nghiệp của sinh viên và chính chuyên gia đó được mời là thành viên hội đồng đánh giá khóa luận tốt nghiệp với chủ đề này. Qua tìm hiểu thì chưa có nhiều trường ĐH triển khai được mô hình hợp tác kiểu này.
Đối với việc xây dựng chương trình đào tạo ngành TMĐT có tính chuyên môn cao và nội dung đào tạo cập nhật, hiện đại, Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng ban hành Chuẩn chương trình đào tạo ngành TMĐT để làm căn cứ cho các trường xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo của mình. Bên cạnh việc tuân thủ Chuẩn chương trình đào tạo, kiến nghị đối với các cơ sở đào tạo tăng cường việc tham chiếu, đối sánh với các chương trình đào tạo ngành TMĐT hàng đầu ở Việt Nam (các chương trình đã kiểm định và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng) và các chương trình đào tạo tiên tiến ở nước ngoài, phân tích rõ các nguồn lực bên trong cơ sở đào tạo để có thể thiết kế được các chương trình đào tạo mang tính đặc thù, có lợi thế cạnh tranh của từng cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng nên có hướng dẫn về phương pháp khảo sát và đánh giá đạt chuẩn đầu ra của sinh viên từ ý kiến các bên liên quan theo quy định hiện nay, tránh việc hiểu mơ hồ về vấn đề này.
Đối với phát triển nhân lực xây dựng, quản lý và giảng dạy chương trình đào tạo ngành TMĐT, Bộ GD&ĐT cần bổ sung mã ngành TMĐT trình độ thạc sĩ và tiến sĩ nhằm tạo nguồn cho nhân lực làm công tác giảng dạy trình độ ĐH. Bên cạnh đó, đối với nhiệm vụ ban hành chính sách khuyến khích giảng dạy lĩnh vực TMĐT, đẩy mạnh đào tạo chính quy về TMĐT trong các trường ĐH mà Bộ GD&ĐT được giao thực hiện trong “Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025” của Chính phủ, kiến nghị Bộ GD&ĐT nhanh chóng cụ thể hóa các chính sách này bằng các chương trình hỗ trợ phát triển năng lực giảng viên như chủ động mở các khóa đào tạo bồi dưỡng giảng viên, ưu tiên cử đi đào tạo ở nước ngoài, xây dựng giáo trình chuẩn về TMĐT có thể dùng chung trong các cơ sở đào tạo, đồng thời tài trợ hoặc ban hành cơ chế hỗ trợ cho các chương trình phát triển công nghệ giáo dục (EdTech) trong đào tạo TMĐT.
Đối với định hướng tăng cường lực lượng giảng dạy là các chuyên gia đến từ DN, kiến nghị các cơ sở đào tạo nghiên cứu để vận dụng qui định và xác lập các cơ chế đặc thù, đột phá trong hợp tác với các chuyên gia, đồng thời vẫn rất cần quan tâm để đảm bảo tiếp cận đủ yêu cầu đào tạo hệ ĐH thay vì đào tạo nghề TMĐT trong các cơ sở đào tạo ĐH.
Đối với việc tuyên bố và triển khai đáp ứng các chuẩn đầu ra về kỹ năng thực hành các hoạt động chuyên môn TMĐT, kiến nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương, Bộ GD&ĐT, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), các DN TMĐT để phát triển các mạng lưới hợp tác, các phương thức liên kết giữa các bên liên quan và nhà trường trong đào tạo, cụ thể là: Xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp TMĐT trong đó làm rõ một số kỹ năng nghề có thể đạt được thông qua các khóa học cấp chứng chỉ nghề hợp lệ, các chứng chỉ này có thể được qui đổi với một số học phần trong chương trình đào tạo ngành TMĐT để đảm bảo tính linh hoạt cho cả cơ sở đào tạo và cho người học; Xây dựng hệ thống kết nối DN, nhà trường trong việc tiếp nhận sinh viên thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp và tuyển dụng sau khi ra trường cũng như hệ thống đánh giá và góp ý cải tiến chương trình đào tạo của các bên liên quan đối với nhà trường. Bên cạnh đó, nghiên cứu và phát hiện những cơ sở giáo dục có sáng kiến đột phá và hữu ích trong xây dựng và triển khai chương trình đào tạo ngành TMĐT để học tập kinh nghiệm, nhân rộng điển hình.