Ngành bảo hiểm cần thiết lập mạng lưới cung ứng số
Đổi mới và phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính trên nền tảng số và phát triển của ngân hàng mở sẽ tạo sức bật cho ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam nói chung và lĩnh vực bảo hiểm nói riêng.
Tại Diễn đàn dịch vụ tài chính & ngân hàng mở 2022 chủ đề “Phát triển hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam - Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng và bứt phá” được tổ chức mới đây, ông Vũ Viết Ngoạn - Nguyên Chủ tịch, Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia - cho biết: Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đang triển khai hoạt động ngân hàng mở (open banking) ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong năm 2019, một vài ngân hàng đã cho ra mắt các nền tảng API để có thể kết nối với các đối tác trong cùng một hệ sinh thái.
Đối với chứng khoán, nhờ vào các sản phẩm công nghệ như eKYC và chuỗi khối (blockchain) mà các tài khoản giao dịch tăng nhanh. Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến ngày 30/4/2021, số lượng tài khoản giao dịch trong nước đã vượt 3,103 triệu tài khoản, trong đó 3,091 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân và 75% trong số họ ở độ tuổi dưới 35.
Bên cạnh đó, đối với ngành bảo hiểm tại Việt Nam, theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 217.338 tỷ đồng, tăng trưởng 16,71% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 57.880 tỷ đồng, tăng 3,98% so với cùng kỳ 2020; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 159.458 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Từ đó cho thấy chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực tài chính số đang được đầu tư và đẩy mạnh trong thời gian gần đây.
Việt Nam có 69 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm khác nhau, trong đó 31 DN bảo hiểm phi nhân thọ, 18 DN bảo hiểm nhân thọ, 2 DN tái bảo hiểm, 18 công ty môi giới bảo hiểm, 1 chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và 21 văn phòng đại diện của công ty bảo hiểm nước ngoài.
Thị trường tập trung với phần lớn thị phần được chia cho các công ty địa phương lớn hơn, có sự cạnh tranh gay gắt khi các công ty bảo hiểm chuẩn bị cho sự phát triển. Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến việc tăng tốc “tiêu thụ” kỹ thuật số. Hơn 1 trong 3 người tiêu dùng dịch vụ số ở Đông Nam Á bắt đầu sử dụng dịch vụ do COVID-19, 41% ở Việt Nam. Ví điện tử số như một phương thức thanh toán đang trở nên phổ biến hơn. Kinh tế điện tử Internet tăng 16% từ 2019 - 2020 và dự kiến tăng 19% từ 2021 - 2025.
Các đại lý, nhà môi giới, ngân hàng vẫn là một phần quan trọng của hệ sinh thái bảo hiểm với động lực mạnh mẽ cho việc áp dụng kỹ thuật số. Ông David A Chan, Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Bảo hiểm Liberty, cho biết: Sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh số mới đang ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả cao. Các kênh vật lý trở nên ít phù hợp hơn do các biện pháp giãn cách xã hội khi bùng phát đại dịch, ít nhất là trong ngắn hạn và trung hạn. Một nền tảng tổng hợp của Ấn Độ đã chứng kiến mức tăng 25% - 40% trong doanh số bán bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe trực tuyến trong thời gian giãn cách (lockdown).
Bà Trần Thị Thuý Ngọc, Tổng Giám đốc, Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam, khẳng định: “Trước sự bùng nổ của phát triển công nghệ, chuỗi cung ứng truyền thống đang phát triển thành Mạng lưới cung ứng số, định hình lại và chuyển đổi năng lực hiện tại thông qua các công nghệ nổi bật giúp tạo nên những cơ hội mới”.
Với bản chất liên kết với nhau của mạng lưới cung ứng số, về mặt lý thuyết, các hệ thống có thể nhìn thấy và cảm nhận được điều gì đang xảy ra ở bất kỳ đâu trong mạng lưới tại bất kỳ thời điểm nào. Mạng lưới này mang lại hiệu quả thiết thực cho toàn bộ hệ thống tài chính:
Linh hoạt: Thông tin luân chuyển liên tục. Hệ thống điều hành có thể đưa ra quyết định về thông tin theo thời gian thực, cho phép phản hồi nhanh chóng với những thay đổi bên trong và bên ngoài. Linh hoạt trong hoạt động sẽ giúp các công ty tập trung tốt hơn vào tạo ra giá trị và đạt được các mục tiêu chiến lược, giảm thiểu thời gian hỗ trợ khách hàng, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ.
Phân tích thời gian thực: Thông tin thời gian thực được thu thập liên tục và liền mạch cho phép những người ra quyết định đưa ra những lựa chọn sáng suốt. Ví dụ: Chống rửa tiền và gian lận thanh toán là hai lĩnh vực mà phân tích thời gian thực có thể được áp dụng để hỗ trợ đưa ra quyết định một cách nhanh chóng.
Hệ sinh thái số: Bằng cách kết nối với các nhà cung cấp, khách hàng và đối tác, một hệ sinh thái được xây dựng trong đó nguồn lực và thông tin có thể được chia sẻ và chuỗi cung ứng có thể được tối ưu hóa. Ví dụ: Khách hàng có thể thanh toán hóa đơn, mua bảo hiểm trên các ứng dụng của ngân hàng.
Nền tảng dữ liệu: Trí tuệ nhân tạo (AI) và các mô hình dự đoán đưa ra những phân tích chuyên sâu về các hoạt động hiện tại và cho phép tối ưu hóa liên tục toàn bộ chuỗi cung ứng. Ví dụ: Thông qua việc sử dụng các dữ liệu về nhân khẩu và hành vi, ngân hàng và các định chế tài chính có thể cá nhân hóa tiếp thị, đạt hiểu quả cao hơn trong việc thu hút khách hàng.
Minh bạch: Cảm biến và các dịch vụ dựa trên vị trí cung cấp khả năng hiển thị tức thì; Dịch vụ có thể được theo dõi từ nguồn đến khách hàng. Ví dụ: Các quy trình dịch vụ thông suốt và minh bạch sẽ giúp các công ty dễ dàng tìm ra mắt xích yếu và tìm cách khắc phục.
Các tổ chức trung gian, đại lý và môi giới bảo hiểm, đối tác, đối tác công nghệ bảo hiểm và đối tác kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng và phát triển ngành bảo hiểm tại Việt Nam. Các kênh số và việc số hóa các kênh truyền thống mang lại tiềm năng to lớn để tăng cường sự thâm nhập của bảo hiểm
Nhiều DN bảo hiểm toàn cầu đã chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình “nền tảng” mở. Hệ sinh thái bảo hiểm của DN được kết nối, tích hợp đồng bộ với dữ liệu của các đơn vị hạ tầng bảo hiểm (DN môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, DN phụ trợ bảo hiểm…), các đơn vị hạ tầng phi bảo hiểm (ngân hàng, cơ sở khám chữa bệnh, hãng ô tô, garage, công ty du lịch,…), các khách hàng, chuyên gia,… và cả cơ quan quản lý nhà nước.
Theo The Financialbrand.com, với xu hướng chia sẻ dữ liệu trở nên mạnh mẽ trong năm 2022, mô hình ngân hàng mở sẽ ngày càng phát triển, tạo ra nhiều biến đổi toàn diện với ngành tài chính - ngân hàng và bảo hiểm. Việc đổi mới và phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính, bảo hiểm trên nền tảng số hướng tới hệ sinh thái tài chính số toàn diện tại Việt Nam là xu hướng không thể đảo ngược.
Đại diện Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam cho biết: Hệ sinh thái bảo hiểm số chính là sự hội tụ kết nối công nghệ trong thị trường bảo hiểm và hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm mục tiêu phục vụ người tiêu dùng mới thế hệ công nghệ cao.
Hệ sinh thái bảo hiểm số gắn liền với CĐS, với sự tích hợp của số hóa, đưa tới sự kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh bằng những ứng dụng số công nghệ cao, từ đó đưa tới những ứng dụng hiệu quả cho hoạt động quản lý hay tổ chức của các DN bảo hiểm và thị trường bảo hiểm. Trong hệ sinh thái số, DN bảo hiểm là DN bảo hiểm kiểu mới - thế hệ DN bảo hiểm công nghệ cao, đem lại hiệu năng thị trường bảo hiểm và nâng cao trải nghiệm người tham gia bảo hiểm với các tính năng đặc thù của công nghệ cao.
Quá trình CĐS ở các DN bảo hiểm Việt Nam thời gian qua diễn tiến liên tục, đa dạng và ở nhiều cấp độ khác nhau, thích ứng với điều kiện kinh doanh, bắt kịp xu hướng công nghệ, mang lại sản phẩm và dịch vụ nhanh chóng, tiện lợi cho khách hàng:
Đối với các quy trình giao dịch truyền thống được chuyển đổi qua công nghệ số, giấy tờ và tiền mặt gần như được loại bỏ, giúp giảm thiểu các thủ tục phức tạp, thời gian, chi phí của các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm, nâng cao trải nghiệm cho người tham gia bảo hiểm, mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh doanh cho DN bảo hiêm khi họ có thể cung cấp dịch vụ, tư vấn cho khách hàng mọi lúc, mọi nơi.
Việc tự động hóa đã đáp ứng được mong đợi của khách hàng về tốc độ và cá thể hóa sự quan tâm tới khách hàng. Điều này gần như không thể thực hiện được nếu không có các chức năng tự động.
Hệ sinh thái của DN bảo hiểm hình thành từng bước. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay chỉ có rất ít DN bảo hiểm nằm trong một hệ sinh thái tài chính. Sự liên kết số, tích hợp số trong nội bộ DN bảo hiểm mạnh mẽ hơn việc tích hợp với các phần hoạt động kinh doanh, các đối tác bên ngoài DN bảo hiểm. Chủ yếu DN bảo hiểm tích hợp số hóa hoạt động nhiều nhất là ngân hàng và các đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm.
Đồng thời, các DN bảo hiểm không chỉ đơn thuần hợp tác với các ngân hàng, mà mở rộng sang các hoạt động khác trong ngành tài chính như chứng khoán, quản lý quỹ. Xu hướng phát triển một hệ sinh thái tài chính rộng lớn không chỉ là chiến lược quan trọng của các hãng bảo hiểm nội, mà cả tập đoàn bảo hiểm ngoại để cung cấp các dịch vụ tài chính toàn diện hơn, mang lại những giá trị mới nhằm thu hút khách hàng.
Tại Việt Nam, một số ngân hàng đã hướng tới mô hình tập đoàn tài chính có 2 mảng trụ cột là ngân hàng - bảo hiểm: BIDV, VietinBank, Agribank, MB... đều đầu tư mạnh cho mảng bảo hiểm. Quá trình này khiến hệ sinh thái bảo hiểm số có tầm vóc lớn hơn nhiều, nhờ sự cộng hưởng của hệ sinh thái ngân hàng số, hệ sinh thái tài chính số của các tập đoàn tài chính.
Thời điểm hiện tại, các DN bảo hiểm tại Việt Nam đang tập trung vào triển khai CĐS, bước đầu hướng tới hệ sinh thái bảo hiểm số. Tất cả các DNBH đều đã vận hành website riêng và sử dụng các ứng dụng trên website hoặc app trên điện thoại di động cho các quy trình kinh doanh ở các mức độ khác nhau: khai thác, bồi thường, chăm sóc khách hàng... Hầu hết các DN bảo hiểm đều phát triển các ứng dụng trên điện thoại thông minh để hỗ trợ đại lý nâng cao năng suất làm việc, hỗ trợ khách hàng báo nộp phí bảo hiểm, mô tả kịch bản minh họa kế hoạch tài chính, điền thông tin hợp đồng…
Số hóa hoạt động bancas ngày càng mạnh mẽ: Bancassurance là mối quan hệ giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm bảo hiểm hoặc lợi ích bảo hiểm cho khách hàng của ngân hàng. Trong quan hệ đối tác này, nhân viên ngân hàng và giao dịch viên trở thành điểm bán hàng và điểm liên lạc cho khách hàng. Trong đại dịch COVID-19, nhiều DN bảo hiểm nhân thọ đã phối hợp với các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có những giải pháp hữu hiệu, tăng cường số hóa các quy trình, nâng cao trải nghiệm khách hàng, đạt hiệu quả kinh doanh cao. Số liệu năm 2021 cho thấy, phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancas chiếm 39% trên tổng phí bảo hiểm khai thác mới qua các kênh phân phối.
+ Có DN bảo hiểm áp dụng 100% hợp đồng điện tử, không nhận bẳng tiền mặt, không sử dụng giấy tờ, từ khâu tư vấn đến khâu giúp khách hàng hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bảo hiểm hoàn toàn trực tuyến. Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm đạt yêu cầu thẩm định nhanh sẽ được phát hành ngay trong ngày nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Khách hàng chỉ cần thực hiện bấm nút xác nhận trên thiết bị điện thoại di động và nhận bản giấy chứng nhận bảo hiểm sau đó (FWD-Vietcombank).
+ Có DN bảo hiểm sử dụng các ứng dụng trong tư vấn, nâng cao trải nghiệm khách hàng: triển khai Chatbot tư vấn bảo hiểm 24/7, ứng dụng AI và các công cụ giúp khách hàng chủ động hơn trong đặt lịch hẹn với chuyên viên tư vấn tài chính. Khách hàng có thể thao tác đơn giản bốn bước và thanh toán bằng các hình thức thanh toán trực tuyến trên trang thương mại điện tử (PRUbot, Prudential của Prudential Việt Nam phối hợp với các đối tác ngân hàng thực hiện).
+ DN bảo hiểm tăng cường trải nghiệm với khách hàng bằng các ứng dụng hỗ trợ giải quyết bồi thường (Manulife Việt Nam phối hợp cùng đối tác ngân hàng giới thiệu ứng dụng eClaim hỗ trợ trực tuyến khách hàng trong quá trình thực hiện yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm).
Tuy nhiên, việc CĐS của các DN bảo hiểm Việt Nam so với hệ sinh thái bảo hiểm số còn khoảng cách rất lớn. Số liệu nghiên cứu của Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam cho thấy:
- Doanh thu phí bảo hiểm mới khai thác qua kênh bảo hiểm trực tuyến còn thấp: chưa tới 1% trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, doanh thu bảo hiểm trực tuyến chiếm chưa tới 5% tổng doanh thu phí bảo hiểm (không bao gồm phí bảo hiểm khai thác qua hoạt động banca).
- Bancassurance tuy có nhiều tiềm năng nhưng quá trình số hóa còn chưa bài bản, chưa có chiến lược nhằm tối đa hóa sự gắn kết giữa hoạt động của các ngân hàng TMCP với các DN bảo hiểm.
- Tiềm lực tài chính chi phối khiến các DN bảo hiểm thường chỉ CĐS một số công đoạn đòi hỏi đầu tư ít, dù chỉ có lợi ích ngắn hạn, không có tính hữu ích hay cạnh tranh được trong dài hạn
- Mức độ kết nối hệ sinh thái số của DN bảo hiểm với dữ liệu của các đối tác, cơ quan quản lý,… còn hạn chế, việc triển khai CĐS của DN bảo hiểm mới chỉ có thể thực hiện chủ yếu ở cấp độ số hóa các quy trình kinh doanh nên vẫn còn khoảng cách lớn với mô hình hệ sinh thái bảo hiểm số toàn diện.
Thị trường bảo hiểm hiện nay chỉ có một vài DN nằm trong một hệ sinh thái của tập đoàn tài chính: Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Việt Nhân thọ thuộc Tập đoàn Bảo Việt có hệ sinh thái tài chính khá toàn diện, bao gồm ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm (cả nhân thọ và phi nhân thọ); Công ty TNHH Bảo hiểm HD (HD Insurance) có hoạt động chính là bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và đầu tư tài chính và nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Sovico, bao gồm cả Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank).
Theo phân tích của Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam thì thực trạng áp dụng công nghệ số trong ngành bảo hiểm tại Việt Nam vẫn chưa hiệu quả do nhiều nguyên nhân: Khó khăn trong quá trình số hóa sản phẩm: Bảo hiểm là sản phẩm phức tạp, kinh doanh có điều kiện và bị ràng buộc bởi nhiều quy định pháp luật; Hạn chế về năng lực tài chính, trình độ công nghệ, trình độ nhân lực cấp cao là rào cản lớn; Các quy định pháp lý hiện hành chủ yếu tập trung điều chỉnh các quy trình, giao dịch mang tính truyền thống của DN bảo hiểm.
Nhiều vấn đề mới: Các Fintech, Insurtech tham gia ứng dụng công nghệ vào một số công đoạn kinh doanh bảo hiểm sẽ chịu sự quản lý giám sát tới đâu. Việc các DN bảo hiểm ứng dụng công nghệ vào kinh doanh bảo hiểm thế nào để vừa phát huy được lợi thế công nghệ, vừa đảm bảo lợi ích của khách hàng, sự ổn định, an toàn của thị trường bảo hiểm đang là nội dung được quan tâm ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Việc các DN bảo hiểm thực hiện CĐS, hướng tới hệ sinh thái bảo hiểm số là xu hướng tất yếu. Để quản lý tốt, kinh doanh tốt hệ sinh thái số, các DNBH cần tập trung vào các công nghệ chủ chốt gồm: Dữ liệu lớn (big data) để lưu, quản lí dữ liệu và bảo mật dữ liệu; Học máy (machine learning) hay phân tích, xử lý dữ liệu (data analytics) để có thể hiểu được dữ liệu đó; Dữ liệu phải được xây dựng và quản lý phù hợp, không để dữ liệu phát triển lệch lạc.
Thách thức đặt ra đối với hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam cũng khá nhiều. Các dịch vụ tài chính số, đặc biệt là Hệ sinh thái bảo hiểm số là lĩnh vực còn mới, nên hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ, chưa theo kịp thực tiễn dẫn tới kìm hãm sự phát triển, công tác quản lý, giám sát hoạt động của các chủ thể trong hệ sinh thái tài chính số còn nhiều hạn chế. Để thúc đẩy tốc độ CĐS tại các DN bảo hiểm và tăng hiệu quả từ mạng lưới cung ứng số trong lĩnh vực bảo hiểm, Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam đã đưa ra một số khuyến nghị:
1. Xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ CĐS trong lĩnh vực bảo hiểm
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 16/06/2022 và có hiệu lực vào tháng 7/2023. Luật bổ sung các nhóm quy định trực tiếp hỗ trợ công cuộc CĐS, ứng dụng công nghệ của các DN bảo hiểm như sau:
+ Bổ sung các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó nêu rõ các nguyên tắc ứng dụng CNTT; quy định nội dung hoạt động cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng.
+ Nhà nước đầu tư xây dựng và tạo lập cơ sở dữ liệu (CSDL) tập trung của toàn ngành bảo hiểm, có kết nối với hệ thống CSDL quốc gia và các hệ thống CSDL chuyên ngành khác, nhằm xây dựng mức phí bảo hiểm tương ứng với quyền lợi bảo hiểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm và DN bảo hiểm, phòng chống gian lận bảo hiểm.
+ Đơn giản hóa các thủ tục phê chuẩn, chấp thuận đăng ký sản phẩm bảo hiểm (bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm vật chất xe cơ giới) trước khi DN bảo hiểm triển khai, tạo sự chủ động, linh hoạt hơn nữa cho các DN bảo hiểm.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng hỗ trợ các DN bảo hiểm thực hiện CĐS, đồng thời đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi tham gia bảo hiểm trực tuyến.
2. DN bảo hiểm tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong tiến trình mở rộng hợp tác với các ngân hàng và với các DN hàng đầu trong và ngoài nước.
Các ngân hàng và các DN lớn cũng đang trong tiến trình CĐS mạnh mẽ, hướng tới mô hình kinh doanh của hệ sinh thái số hoàn chỉnh. Quá trình hợp tác gắn liền với ứng dụng công nghệ sẽ giúp mở ra những cơ hội mới và hoàn thiện thêm hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ tài chính, thúc đẩy quảng bá thương hiệu cũng như mang đến cho khách hàng những sản phẩm dịch vụ tối ưu nhất.
Tăng cường ứng dụng công nghệ, tăng cường CĐS trong mô hình hợp tác kinh doanh sẽ vừa nhân lên hiệu quả hợp tác kinh doanh bảo hiểm, vừa phù hợp với xu thế CĐS, hướng tới hệ sinh thái số của kinh doanh bảo hiểm.
Mô hình kinh doanh này yêu cầu xây dựng quan hệ đối tác được hỗ trợ bởi công nghệ, sau đó dẫn đến việc tạo ra các hệ sinh thái số. Trên cơ sở đó, DN bảo hiểm có khả năng tận dụng sức mạnh công nghệ số của đối tác trong việc việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm giá cả phải chăng, đơn giản và dễ tiếp cận cho người tiêu dùng Việt Nam và các DN nhỏ và vừa (SME).
3. DN bảo hiểm chủ động triển khai các giải pháp thức đẩy CĐS, xây dựng và hoàn thiện mô hình kinh doanh theo mô hình hệ sinh thái số.
Các nghiên cứu sơ bộ ban đầu cho thấy các DN bảo hiểm cần xây dựng chiến lược dài hạn về CĐS với mục tiêu xây dựng, hoàn thiện mô hình sinh thái số. Từ đó có lộ trình CĐS phù hợp, hiệu quả dựa trên đánh giá kết quả nghiên cứu xếp hạng thứ tự của các yếu tố ảnh hưởng, đồng thời điều chỉnh kế hoạch, sắp xếp thứ tự trong chiến lược CĐS.
Trong đó, gợi ý một số giải pháp ưu tiên như:
+ Xây dựng CSDL lớn, phù hợp với chiến lược CĐS của toàn hệ thống kinh doanh, tạo thuận lợi cho CĐS toàn diện hướng tới mô hình hệ sinh thái số.
+ Tổ chức đào tạo nhận thức về CĐS cho lãnh đạo, quản lý và người lao động.
+ Triển khai các hình thức truyền thông về CĐS và kế hoạch CĐS của DN đến với khách hàng;
+ Xây dựng chiến lược kinh doanh, triển khai công nghệ phù hợp với nền tảng số quốc gia và phù hợp với hành lang pháp lý kinh doanh bảo hiểm.
+ Xây dựng hệ thống quản trị và phát triển nguồn nhân lực số bằng những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho từng giai đoạn.
+ Tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao liên quan đến quản trị số, kinh doanh số..., để đáp ứng nhu cầu CĐS hướng tới hình thành hệ sinh thái bảo hiểm số.
4. Cần nghiên cứu, xây dựng các quy định đặc thù hỗ trợ cho việc triển khai CĐS:
Các cơ quan nghiên cứu, cơ quan hoạch định chính sách, các DN bảo hiểm tại Việt Nam cùng nghiên cứu những vấn đề mới phát sinh liên quan đến ứng dụng CNTT trong ngành bảo hiểm (như khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát sandbox cho ngành bảo hiểm). Vào thời điểm thích hợp, Việt Nam có thể triển khai sandbox về bảo hiểm sao cho cơ chế thử nghiệm này vừa khuyến khích các tổ chức công nghệ và các DN bảo hiểm đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào một số công đoạn kinh doanh bảo hiểm, vừa đảm bảo lợi ích của bên mua bảo hiểm. Chính sách thử nghiệm sẽ đảm bảo sự ổn đinh, an toàn của thị trường bảo hiểm khi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm ứng dụng công nghệ mới cho khách hàng,...
Nếu xây dựng thành công một hệ sinh thái số tài chính hoàn chỉnh, kết nối chặt chẽ với nhau tạo thành một mạng lưới cung ứng số, các DN bảo hiểm sẽ hoạt động với hiệu suất cao hơn nhiều so với hiện nay. Hàng loạt dữ liệu được tạo ra từ việc thực hiện phân tích liên tục. Các dữ liệu này làm bộc lộ ra các vấn đề về hiệu suất của nguồn lực, cần khắc phục bằng tối ưu hóa để duy trì và cải thiện năng suất. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực sẽ giúp giảm thời gian nguồn lực không được sử dụng, tối ưu hóa năng suất và giảm thời gian chuyển đổi, cùng với các lợi ích tiềm năng khác.
Mặt khác, ranh giới giữa các ngành nghề dần bị xóa bỏ khi các sản phẩm tài chính và phi tài chính được kết hợp và cải tiến để đáp ứng các hành trình khách hàng ngày càng phức tạp. Trong khi đó, việc xóa bỏ các rào cản (về kỹ thuật cũng như cạnh tranh) sẽ giúp cải thiện các trường hợp kinh doanh hợp tác với các công ty trong và ngoài ngành, xây dựng các dịch vụ đôi bên cùng có lợi.
Muốn phát triển đột phá, các DN bảo hiểm không có cách nào khác phải CĐS nhanh hơn cả quy trình quản lý và cung cấp dịch vụ./.