Năm 2023 là năm đột phá về xây dựng chính sách hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (TT&TT) khi 2 bộ luật điều chỉnh trực tiếp trong lĩnh vực này đã được Quốc hội thông qua. Nhờ đó, các vấn đề mới phát sinh trong nền kinh tế số có hành lang pháp lý rõ ràng để điều chỉnh kịp thời.
Các hoạt động xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số cũng được gấp rút triển khai trong năm 2023 với việc các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia quan trọng đã được đưa vào khai thác, sử dụng. Việc này đã thúc đẩy hoạt động quản lý nhà nước hiệu quả hơn, mang lại lợi ích nhiều mặt cho xã hội.
Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TT&TT đã được đẩy mạnh. Năm 2023 ghi dấu ấn sáng tạo Việt Nam với khối ASEAN khi sáng kiến: “Truyền thông: Từ thông tin đến tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng” đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (16th AMRI), do Bộ TT&TT chủ trì.
Trước sự suy giảm của nền kình tế toàn cầu và cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp (DN) trong nước phải sáng tạo và đoàn kết hơn để vượt qua khó khăn. Các DN bưu chính trong nước đã quy tụ, thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam nhằm tập hợp sức mạnh tăng tính cạnh tranh và gia tăng hiệu quả hoạt động của từng thành viên. Các DN ICT Việt Nam tiếp tục “ra biển lớn” và vẫn đảm bảo tăng trưởng doanh thu từ thị trường nước ngoài.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023, nền kinh tế toàn cầu suy giảm chạm đáy. Nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các DN trong nước gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, lĩnh vực TT&TT vẫn vững vàng và đạt tiến bộ cả về chính sách và phát triển DN.
Trước những thành quả của Ngành, Tạp chí TT&TT lựa chọn 7 sự kiện nổi bật của ngành TT&TT trong năm 2023:
Ngày 22/6/2023, tại Chương trình Kỳ họp V Quốc hội khoá thứ XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) (sửa đổi) với 468/477 phiếu tán thành (tương đương 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội).
Luật GDĐT (sửa đổi) được thông qua gồm 8 chương, 53 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Bộ TT&TT, cơ quan chủ trì soạn thảo luật cho biết Luật có 6 chính sách nổi bật: Giao dịch trên môi trường số; GDĐT toàn trình; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện hợp đồng điện tử (HĐĐT); Luật hóa vai trò của các nền tảng số quốc gia; Thúc đẩy hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS); Sửa đổi quy định về việc chia sẻ dữ liệu, giám sát, kiểm tra, thanh tra trực tuyến.
Theo Luật GDĐT (sửa đổi), từ nay tất cả những giao dịch trên môi trường số sẽ có giá trị tương đương và có thể sử dụng thay thế cho những giao dịch trên bản giấy. Nhờ vậy, người dân và DN sẽ thuận lợi hơn cũng như có quyền được lựa chọn phương thức giao dịch nào mà họ thấy phù hợp.
Đặc biệt, người dân và DN đã có cơ sở pháp lý để thực hiện triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên môi trường mạng từ đầu đến cuối. Thậm chí kết quả cuối cùng khi trả về cho người dân, DN cũng là bản điện tử và có giá trị tương đương như bản giấy. Khi đó việc chia sẻ, sử dụng lại sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với hiện nay. Đồng thời, Luật GDĐT (bổ sung) đã mở rộng ra hầu hết các lĩnh vực trong đời sống, kinh tế - xã hội và không còn những điều khoản loại trừ không được áp dụng.
Việc sửa đổi Luật GDĐT để thúc đẩy các hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng để đưa nghị quyết, đưa CĐS vào cuộc sống. Việc hoàn thiện thể chế lần này được thực hiện trong một thời gian nhanh kỷ lục, chỉ mất khoảng 2 năm kể từ khi Đảng có chủ trương (năm 2021) và được Chính phủ thể chế hóa thành văn bản luật.
Một dấu ấn nữa về chính sách mà Bộ TT&TT chủ trì đã đạt được trong năm 2023 là 5 tháng sau khi Luật GDĐT (sửa đổi) được thông qua, ngày 24/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) với 473 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó 468 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74%). Luật Viễn thông năm 2023 gồm 10 chương, 73 điều. Luật cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
So với Luật năm 2009, Luật Viễn thông năm 2023 do Bộ TT&TT, cơ quan chủ trì soạn thảo đã mở rộng phạm vi điều chỉnh một số dịch vụ mới: Dịch vụ trung tâm dữ liệu dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet để phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số. Đồng thời tạo môi trường pháp lý rõ ràng, bình đẳng cho các DN hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, Luật Viễn thông đã bổ sung quy định để ngăn chặn SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi vi phạm pháp luật. Trong đó, DN viễn thông có nghĩa vụ phải xác thực, lưu trữ, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM không có thông tin đầy đủ, không chính xác; Bổ sung quy định thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác, trừ trường hợp được pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao mà mình đăng ký sử dụng.
Năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch của Ủy ban quốc gia về CĐS xác định là Năm Dữ liệu số quốc gia để thúc đẩy phát triển dữ liệu tận dụng hiệu quả sự bùng nổ dữ liệu trên các nền tảng số Việt Nam, đặc biệt, tập trung cụ thể vào các nội dung: Phát triển dữ liệu mở; phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL); phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu. Bộ TT&TT đã “cầm nhịp” Năm Dữ liệu số quốc gia, hướng đến tạo ra sự thay đổi căn bản, tạo những tiền đề cơ bản cho sự phát triển về dữ liệu của Việt Nam giai đoạn tiếp theo.
Qua các số liệu, Bộ TT&TT nhận thấy dữ liệu trong cơ quan nhà nước đã có sự tăng trưởng vượt bậc. 7 CSDL quốc gia (CSDLQG) đã được đưa vào vận hành, khai thác sử dụng chung, gồm: (1) dân cư; (2) DN; (3) bảo hiểm; (4) hộ tịch điện tử; (5) đất đai; (6) tài chính; (7) cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). 05/07 CSDLQG (dân cư, đăng ký DN, bảo hiểm, hộ tịch điện tử, cán bộ công chức, viên chức) đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác, kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia mang lại những giá trị đo lường được, cảm nhận được. Theo tổng hợp và đánh giá của Bộ TT&TT, 7 CSDLQG được đưa vào vận hành giúp tiết kiệm cho xã hội hàng ngàn tỷ đồng.
Tỷ lệ các bộ, tỉnh đã xác định danh mục CSDL đạt 63%. Số CSDL chuyên ngành tại các bộ, ngành, địa phương được thiết lập tăng trưởng 38,5% so với năm 2022, từ 1.280 CSDL lên 2.077 CSDL. Việc công bố kế hoạch và danh mục dữ liệu mở tăng mạnh từ 9% lên 50% so với 2022.
Bộ TT&TT chủ trì đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (16th AMRI), Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN+3 lần thứ 7 (7th AMRI+3) và các Hội nghị Quan chức cấp cao tại Đà Nẵng, từ ngày 20 - 23/9/2023. AMRI 16 có quy mô lớn nhất trong các kỳ AMRI từ trước đến nay với sự tham gia của 8 Bộ trưởng, 4 Thứ trưởng và Lãnh đạo cơ quan quản lý thông tin của 10 nước ASEAN, 3 nước đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), 1 nước quan sát viên (Timor Leste).
Sáng kiến của Bộ trưởng nước chủ nhà Việt Nam về Chủ đề AMRI 16: “Truyền thông: Từ Thông tin đến Tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng” được các nước đánh giá cao, là trọng tâm thảo luận tại Hội nghị. Văn kiện xác định vai trò, sứ mệnh mới, mở ra không gian mới cho lĩnh vực thông tin truyền thông trong ASEAN theo sáng kiến của Việt Nam và định hướng trọng tâm hành động để hiện thực hóa các tư tưởng này, cụ thể: Thúc đẩy hợp tác nâng cao kỹ năng số, nâng cao hiểu biết, nhật thức về tiếp cận thông tin, tri thức; Xây dựng môi trường truyền thông lành mạnh, cân bằng liều lượng các nhóm thông tin (Tin tức, Giải trí, Kiến thức) và hỗ trợ truy cập thông tin cho mọi người; Tăng cường sản xuất, phổ biến nội dung có tính gợi mở, truyền cảm hứng, kết nối và khuyến khích người dân chủ động tích lũy tri thức, đặc biệt là giới trẻ; Chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng, cách làm hay về CĐS lĩnh vực báo chí truyền thông; Chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về cơ hội và thách thức của AI và triển khai ứng dụng AI.
Việt Nam cũng khởi xướng soạn thảo Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2035 về Thông tin Truyền thông được các nước ASEAN đóng góp xây dựng và thông qua tại Hội nghị. Đây là lần đầu tiên hợp tác về thông tin của ASEAN có một văn kiện về tầm nhìn, định hướng phát triển và hợp tác của ngành trong hơn 10 năm tới đến 2035, với nội dung chính: Hợp tác ASEAN 2035 về TT&TT: Lấy Tri thức là động lực, CĐS tạo thêm giá trị, trao quyền và cải thiện đời sống cho người dân; Hệ sinh thái Thông tin Truyền thông ASEAN 2035: “Mạnh mẽ”, “Tự cường” và “Năng động”; Tôn trọng và đảm bảo tính toàn vẹn về Chủ quyền Quốc gia trên Không gian mạng; Nuôi dưỡng Bản sắc ASEAN và cảm nhận thuộc về Cộng đồng; Thúc đẩy trách nhiệm xã hội của các nền tảng xuyên biên giới.
Trước yêu cầu cấp thiết về một tổ chức đóng vai trò tập hợp, liên kết các DN trong ngành tận dụng các lợi thế, gia tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy nền bưu chính quốc gia phát triển nhanh và bền vững, Bộ TT&TT đã khuyến nghị thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam. Theo đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) là 1 trong 2 đơn vị đầu mối, thực hiện kêu gọi, tập trung quy tụ các DN thành lập Hiệp hội.
Ngày 20/4/2021, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 515/QĐ-BTTTT về việc công nhận Ban Vận động thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam gồm 12 thành viên: Tổng công ty BĐVN (Vietnam Post); Tổng công ty Cổ phần (CP) Bưu chính Viettel (Viettel Post); Tổng công ty CP Vận tải Sài Gòn; Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Thuận Phát; Công ty CP Giao nhận hàng hóa NASCO; Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS Việt Nam); Công ty CP Giao nhận hàng không AAL; Công ty CP vận tải thương mại và đầu tư An Việt; Công ty TNHH Dịch vụ giao nhận hàng hóa Tân Sơn Nhất; Công ty CP Fado Express Việt Nam; Công ty CP Interserco Mỹ Đình; Công ty CP Giao hàng tiết kiệm.
Trên cơ sở đề nghị của Ban Vận động thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam, ngày 22/6/2023, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 446/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam.
Phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất, ngày 20/10/2023, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã nhấn mạnh: “Hiệp hội có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia phản biện, góp ý, xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực bưu chính. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các DN Bưu chính, là cánh tay nối dài của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT trong việc phát triển lĩnh vực Bưu chính tại Việt Nam”.
Năm 2023 đánh dấu sự thành công của Đại hội Đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V. Điều này cho thấy Hội Xuất bản Việt Nam ngày càng khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò của mình, trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động xuất bản, đặc biệt là phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Dấu ấn đầu tiên của Hội Xuất bản Việt Nam trong nhiệm kỳ mới chính là tổ chức thành công Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6 (năm 2023). Đặc biệt, Hội đã thực hiện tốt Quy chế Giải thưởng Sách Quốc gia (do Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành) với những điểm đổi mới quan trọng trong quy chế: Thứ nhất, mở rộng đối tượng đề cử giải (không chỉ gồm các nhà xuất bản (NXB), tổ chức hội nghề nghiệp mà còn bổ sung thêm đối tượng là các cơ quan truyền thông); Thứ hai, mở rộng cơ cấu giải (ngoài 3 giải A, B, C, đã bổ sung thêm giải khuyến khích); Thứ ba, bổ sung tiêu chí xét chọn giải (thêm tiêu chí “tính lan tỏa” thông qua việc đánh giá số lượng bản in, số lượng thông tin báo chí về cuốn sách, mức độ lan tỏa của sách và khả năng truyền thông nếu sách đạt giải).
Giải thưởng Sách Quốc gia là sự kiện cấp nhà nước, diễn ra thường niên, tôn vinh các ấn phẩm hay nhận được sự quan tâm, đánh giá cao, góp phần lan tỏa, nâng tầm văn hóa đọc, thúc đẩy văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển.
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6 đã thu hút nhiều tác giả, đơn vị xuất bản tham gia với những cuốn sách, bộ sách chất lượng. Cụ thể: có 41 NXB gửi sách tham dự với 312 tên sách, 435 cuốn sách, tăng trên 15% số cuốn so với năm 2022. Các cuốn sách, bộ sách đề xuất giải thưởng đều bảo đảm chất lượng, có nội dung phong phú, hình thức đẹp, có tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có tính thời sự và đang được xã hội quan tâm.
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6 đã trao giải cho 41 tác phẩm bao gồm: 2 giải A; 10 giải B; 11 giải C, 18 giải Khuyến khích.
Thành công của Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6 là dấu ấn đột phá, tiền đề quan trọng để Giải thưởng những năm tiếp theo sẽ thêm nhiều thành công, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc của người Việt.
Trong bối cảnh lừa đảo gia tăng, năm 2023 là năm đổi mới cách tiếp cận về bảo vệ người dân trên không gian mạng. Bộ TT&TT đã phát động chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” từ ngày 23/6 - 23/7/2023.
Chiến dịch được Cục An toàn thông tin (ATTT) (Bộ TT&TT), phối hợp cùng thành viên Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo ATTT cho người dân trên không gian mạng. Chiến dịch được triển khai trên diện rộng, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, các "tip" hướng dẫn nhận diện 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Cũng trong năm 2023, gần 125.000 nguồn website đã được thiết lập và kết nối, tích hợp với các giải pháp ATTT mạng. Hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia đã chặn 9.073 website vi phạm pháp luật, trong đó có 2.603 website lừa đảo, bảo vệ hơn 10 triệu người dân khỏi truy cập các website vi phạm, lừa đảo trực tuyến.
Năm 2023 là năm Bộ TT&TT đồng hành đưa DN công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài. Việt Nam đã có hơn 1.500 DN công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 7% so với năm 2022. Doanh thu của các khu CNTT tập trung hàng năm vào khoảng 14,34 triệu USD/1 ha, cao hơn khoảng 15 lần so sánh với doanh thu của các khu công nghiệp.