Ngành Thông tin và Truyền thông năm  2022

8 sự kiện nổi bật

Năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam có ngày Chuyển đổi số (CĐS) Quốc gia (10/10). Sự kiện đã được nhiều tỉnh thành hưởng ứng, triển khai, tạo dư luận rộng khắp tới người dân và cả cơ quan công quyền về tầm quan trọng của CĐS. Đồng thời, đây cũng là năm đầu tiên công tác truyền thông chính sách được Chính phủ chỉ đạo với nhiều đổi mới để người dân nhận thức đầy đủ về cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cùng tham gia thực hiện.

Năm 2022 được đánh giá là thời điểm triển khai hoạt động CĐS đi vào thực chất, hướng tới nhu cầu cấp bách nhất của người dân. Hành lang pháp lý về viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT) được hoàn thiện hơn, góp phần thúc đẩy công nghiệp CNTT, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh và an toàn hơn. Đây cũng là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế số, một nền kinh tế hoàn toàn mới được Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trực tiếp quản lý.

Bên cạnh đó, báo chí, truyền thông và thông tin điện tử từng bước được quy chuẩn hóa giúp công tác quản lý lĩnh vực này chặt chẽ và phù hợp với thực tế phát triển.

Trước những thành quả bước đầu đáng mừng của công cuộc CĐS Quốc gia, Tạp chí Thông tin và Truyền thông (TT&TT) lựa chọn 08 sự kiện nổi bật của ngành TT&TT trong năm 2022:

Ngày 10/10 là ngày chuyển đổi số quốc gia

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày Chuyển đổi số quốc gia, lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Theo Quyết định này, 30/30 bộ ngành và 63/63 địa phương đã lựa chọn ngày CĐS, trong đó 03 bộ ngành và 05 địa phương chọn ngày CĐS riêng.

Hưởng ứng ngày CĐS Quốc gia, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia. Bộ TT&TT đã tổ chức Chương trình "Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số" để hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia, hướng tới để người dân được thụ hưởng những lợi ích của CĐS; để doanh nghiệp (DN) công nghệ số được tiếp cận với đông đảo khách hàng tiềm năng. 59 DN tham gia Chương trình đã có chính sách ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số lên đến 50% giá sản phẩm, dịch vụ.

Đúng ngày 10/10/2022, Bộ TT&TT đã tổ chức Ngày CĐS quốc gia năm 2022 với sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu. Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS đã tham dự và phát biểu Thông điệp nhân Ngày CĐS quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS phát biểu thông điệp nhân Ngày CĐS Quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định với quyết tâm và sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN, người dân thời gian qua, công cuộc CĐS Quốc gia sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được ấm no, hạnh phúc.

Cũng tại ngày CĐS Quốc gia đầu tiên được tổ chức, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh: "Ngày CĐS quốc gia là ngày toàn dân, toàn quốc cùng nhau học tập, cùng nhau nỗ lực hành động".

Theo số liệu của Bộ TT&TT, nhóm nền tảng phục vụ mạng xã hội được người dùng ưa thích nhất hiện nay với số lượng tài khoản hoạt động thường xuyên trên nền tảng đứng đầu của Việt Nam ước đạt 75 triệu người dùng thường xuyên/tháng (tăng gần 8 triệu lượt so với cùng kỳ năm trước). Đứng thứ hai là nhóm nền tảng phục vụ TMĐT với 3 nền tảng đứng đầu có số lượng bình quân người dùng thường xuyên trên 40 triệu người dùng/tháng (tăng 43% so với cùng kỳ năm trước). Thứ ba là nhóm nền tảng phục vụ thanh toán số với số lượng người dùng trung bình của 3 nền tảng đứng đầu thuộc nhóm này ước tính khoảng 14 triệu người dùng/lượt (tăng 24% so với cùng kỳ năm trước).

Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và DN.

Cũng theo Bộ TT&TT, trong năm 2022, 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai 68.933 Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đến tận thôn, xóm với hơn 320.000 thành viên tham gia; Bồi dưỡng, tập huấn về CĐS cho 4.839 lượt công chức, viên chức là đội ngũ nòng cốt về CĐS của bộ, ngành, địa phương và 28.989 Lãnh đạo UBND cấp xã trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) của Bộ TT&TT. Đến tháng 12/2022, có 27.768 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đã hoàn thành các khóa học, vượt mục tiêu bồi dưỡng 10.000 CBCCVC đề ra trong năm 2022. Nền tảng học trực tuyến mở đại trà có hơn 16 triệu lượt truy cập.


Truyền thông Chính sách - thay đổi nhận thức về truyền thông

Ngày 24/11/2022, lần đầu Hội nghị toàn quốc về Truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực" được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị đã nhấn mạnh vai trò của truyền thông chính sách, đa dạng hoá các phương tiện truyền thông và đặc biệt là thay đổi nhận thức về truyền thông. Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp về việc truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, phải tổ chức bộ máy và có ngân sách dành riêng cho truyền thông.

Toàn cảnh Hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước; truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân, mọi chính sách đều hướng đến người dân làm sao bảo đảm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. “Đảng, Nhà nước không có mục tiêu nào ngoài mục tiêu làm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc”. Vì vậy, xây dựng chính sách phải hướng đến người dân và người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách pháp luật. Người dân cũng phải tham gia tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới; Đưa các kênh thông tin đa phương tiện phục vụ cho công tác truyền thông chính sách. Cùng với đó, tăng cường truyền thông chính sách góp phần xây dựng hệ thống pháp luật hiệu quả; Nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, dư luận; Nâng cao năng lực truyền thông chính sách của các cơ quan truyền thông, báo chí, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách, vừa phát huy sự lãnh đạo, chỉ đạo, vừa phát huy tính sáng tạo.


Bộ TT&TT ban hành Bộ Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí

Ngày 22/7/2022, Bộ TT&TT ban hành Quyết định số 1418/QĐ-BTTTT về Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp (TTĐT), “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí. Đây là lần đầu tiên, các tiêu chí nhận diện "báo hóa" tạp chí, biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí… được chỉ rõ, công khai, tường minh hóa để toàn xã hội tham gia giám sát báo chí.

Bộ tiêu chí giúp cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở Trung ương và địa phương, cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí và các tổ chức, cá nhân nhận diện, giám sát, khắc phục, chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch hướng nhằm tạo ra môi trường lành mạnh, tạo ra cơ chế, chính sách hỗ trợ báo chí, truyền thông theo kịp sự phát triển của truyền thông hiện đại.

Cùng với việc Ban hành Bộ Tiêu chí, công tác kiểm tra, xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang TTĐT tổng hợp, “báo hoá”mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí được Bộ TT&TT triển khai một cách bài bản, nghiêm túc, quyết liệt. Qua công tác kiểm tra, Bộ đã ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trong đó có 01 tạp chí ngoài bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 03 tháng.

Các cơ quan báo chí bị xử lý đều nhận ra những sai sót, khuyết điểm; cam kết cụ thể về biện pháp, kế hoạch chấn chỉnh hoạt động, rà soát, kiểm tra nội dung thông tin, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; bảo đảm kiểm soát nội dung thông tin, năng lực sản xuất tin, bài, kinh tế báo chí, an toàn, an ninh thông tin; tuân thủ quy định pháp luật về báo chí.


Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện (VTĐ)

Ngày 09/11/2022, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số VTĐ. Ngày 21/11/2022, Chủ tịch nước ký lệnh công bố số 09/2022/L-CTN Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số VTĐ. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023, sẽ góp phần quan trọng đối với sự phát triển của hoạt động viễn thông và tạo nền tảng CĐS Quốc gia.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số VTĐ

Theo Cục Tần số VTĐ - Bộ TT&TT, đơn vị thường trực xây dựng Luật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số VTĐ đã bổ sung các chế tài mới như về: quản lý, sử dụng tần số có giá trị thương mại cao; việc thực hiện cấp lại giấy phép cho các DN viễn thông di động khi giấy phép hết hạn; về cơ chế tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, thử nghiệm, công nghệ mới, việc sản xuất thiết bị vô tuyến để xuất khẩu thông qua cơ chế cho phép sử dụng tần số khác với mục đích được quy định trong các quy hoạch tần số; việc sử dụng băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; việc xã hội hóa công tác đào tạo, cấp chứng chỉ VTĐ viên; nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ chủ quyền về tần số và quỹ đạo vệ tinh.


70 năm - Ngành Xuất bản phát huy sứ mệnh lưu trữ và truyền bá tri thức

Ngày 10/10/2022, Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống (10/10/1952 - 10/10/2022). Đây là dấu mốc đặc biệt khẳng định sự đóng góp to lớn của Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam.

70 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia, Ngành xuất bản nước ta đã không ngừng phát triển, trở thành lực lượng quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phản ánh toàn diện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt, có những ấn phẩm tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến sách pháp luật, hướng dẫn người dân thực hành pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước qua hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT thăm quan trưng bày sách kỷ niệm 70 năm Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách

Trong suốt 70 năm qua, các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động làm công tác xuất bản, in và phát hành sách đã luôn luôn đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách đã phát huy tốt sứ mệnh lưu trữ và truyền bá tri thức, luôn luôn giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, in và phát hành sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng.; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, bồi đắp tâm hồn, xây dựng nhân cách, trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Kinh tế số trở thành nhiệm vụ quản lý của Bộ TT&TT

Ngày 31/3/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bộ TT&TT là đơn vị được giao chủ trì triển khai Chiến lược này. Cùng với Chương trình CĐS quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số được ban hành đã hoàn thiện tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số theo 3 trụ cột tại Việt Nam.

Bối cảnh hiện nay cũng chính là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia.

Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Đóng góp của kinh tế số cho GDP năm 2022 ước đạt tỷ trọng khoảng 14,26%, trong đó, kinh tế số ICT đóng góp khoảng 7,18%.

Phát triển xã hội số giúp người dân hạnh phúc hơn, tham gia các hoạt động xã hội toàn diện hơn, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

Tại Nghị định số 48/2022/NĐ-CP ngày 26/7/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TT&TT, Bộ TT&TT có 3 tổ chức mới giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, trong đó có Vụ Kinh tế số và Xã hội số. Để triển khai bộ máy theo Nghị định mới, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 2118/QĐ-BTTTT ngày 18/11/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Kinh tế số và Xã hội số.

Theo đó, Vụ Kinh tế số và Xã hội số là tổ chức thuộc Bộ TT&TT, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng về phát triển kinh tế số, xã hội số; quản lý nhà nước về giao dịch điện tử theo quy định của pháp luật.

Ba nhóm nhiệm vụ quan trọng của Vụ Kinh tế số và Xã hội số là thúc đẩy và phát triển kinh tế số, xã hội số và giao dịch điện tử, với hàng loạt nhiệm vụ cụ thể như: tham mưu quản lý và phát triển kinh tế số nền tảng, giao dịch điện tử; thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng.


Ngành công nghiệp ICT bứt phá doanh thu và công nghệ sản xuất chip

Trong chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) giai đoạn 2021-2025, Bộ TT&TT đã xác định đây là ngành nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, giải quyết việc làm và đóng góp lớn hơn nữa cho ngân sách Nhà nước.

Trong năm vừa qua, ngành công nghiệp ICT là một trong những lĩnh vực có tốc độ bứt phá mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu nổi bật và trở thành điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế.

Theo số liệu của Bộ TT&TT, doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021. Đóng góp vào GDP của lĩnh vực Công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 34.336 triệu USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử vượt ngưỡng 100 tỷ USD; xuất siêu hơn 26 tỷ USD (trong khi năm 2021, Việt Nam xuất siêu hơn 4 tỷ USD). Khoảng 60% số DN đang làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao.

Nhân viên Nhà máy Samsung điện tử Việt Nam tại Bắc Ninh đang thao tác trên dây chuyền sản xuất điện thoại (Nguồn ảnh: Samsung Việt Nam)

Lần đầu tiên doanh thu giải pháp, dịch vụ phần mềm của một DN công nghệ số Việt Nam tại nước ngoài đạt hơn 1 tỷ USD; Tổng doanh thu tại thị trường nước ngoài của các DN phần mềm, dịch vụ CNTT đạt hơn 2,2 tỷ USD. Số lượng DN công nghệ số đăng ký năm 2022 ước đạt 70.000 DN, tăng 9,5% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra của năm 2022.

Đặc biệt, năm 2022 các DN ICT cũng có sự đầu tư, chuyển hướng rõ nét. Ngày 28/9/2022 vừa qua, FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (thuộc tập đoàn FPT) đã cho ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm IoT cho lĩnh vực y tế, hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt.

Dòng chip bán dẫn tích hợp được các kỹ sư của FPT Semiconductor trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp, sản phẩm cụ thể. Thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.

Không chỉ có FPT, Viettel cũng tiến hành sản xuất chip. Việc FPT và Viettel sản xuất chip đã khẳng định trí tuệ của người Việt và hiện thực hóa giấc mơ sản xuất chip bán dẫn của người Việt, góp phần đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng chip toàn cầu, một lĩnh vực công nghệ cao nhất, cốt lõi nhất của mọi thiết bị công nghệ xung quanh con người.

Ngoài ra, cũng theo Bộ TT&TT, bức tranh ngành công nghiệp ICT Việt Nam năm 2022 còn có điểm nhấn là sự dịch chuyển của các tập đoàn lớn trên thế giới chuyển sang đầu tư R&D tại Việt Nam đưa vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới trên bản đồ công nghệ thế giới. Cụ thể, đầu tư của các DN FDI vào Việt Nam chuyển hướng từ đầu tư cho gia công sản xuất sang đầu tư cho nghiên cứu, đào tạo, bằng việc thiết lập các trung tâm R&D,… Điển hình nhất mới đây là Samsung Việt Nam đã chính thức khánh thành, đưa vào hoạt động Trung tâm R&D tại Hà Nội. Đây là trung tâm lớn nhất của Samsung tại khu vực Đông Nam Á. Samsung cũng đã đề ra kế hoạch phát triển Trung tâm R&D tại Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển số một toàn cầu.


Diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) mạng được triển khai sâu, rộng

“Thực chiến” đảm bảo ATTT là cách làm mới, thay đổi tư duy bảo đảm ATTT, giúp chuyển từ tư thế và trạng thái “bị động” sang “chủ động”, từ “bị đánh úp” sang “tấn công tiêu diệt”.

Diễn tập thực chiến chuyển từ diễn tập “ít” sang “nhiều”, từ diễn tập sự vụ sang các đợt kéo dài. Diễn tập càng thường xuyên thì khả năng phòng thủ, ứng cứu lại càng được cải thiện, rủi ro càng được giảm thiểu. Cán bộ chuyên trách được “cầm tay chỉ việc” để thao tác thực tế.

Diễn tập thực chiến đã tạo hiệu ứng tin tưởng mạnh mẽ của cộng đồng.

Tư duy mới được khởi xướng từ Chỉ thị số 60/CT-BTTTT ngày 16/9/2021 của Bộ TT&TT về việc Tổ chức triển khai diễn tập thực chiến bảo đảm ATTT mạng, nhưng đến 2022 mới thực sự được triển khai sâu rộng.

Những người chuyên trách về ATTT tại các đơn vị tham gia diễn tập “thực chiến”

Với sự đồng hành, hướng dẫn và hỗ trợ của Cục ATTT, Bộ TT&TT, trong năm 2022 đã có 46 đơn vị tổ chức diễn tập thực chiến. Trong đó, 08 bộ, ngành, 32 Sở TT&TT và 06 DN đã tổ chức thành công hoạt động này. Hàng trăm lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng đã được phát hiện và khắc phục kịp thời. Những thiếu sót về công nghệ và quy trình khi ở trong tình trạng bị tấn công đã được tìm thấy và tinh chỉnh, cập nhật. Qua đó, năng lực phòng thủ của nhiều hệ thống thông tin, đặc biệt, có những hệ thống quan trọng cấp độ 03, đã được nâng lên.

Với các quy định chặt chẽ trong quá trình diễn tập, những lo ngại rủi ro trước đây đã được giải quyết. Không có bất kỳ sự cố nào xuất hiện trong cả 46 cuộc diễn tập thực chiến, trong khi giá trị mang lại từ hoạt động này được các cơ quan chủ quản đánh giá cao, với nhiều hiệu ứng tích cực./.