Tóm tắt
Kinh nghiệm phát triển sản phẩm an toàn thông tin (ATTT) mạng (ATTTM) của Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc.
Một số đề xuất đối với Việt Nam
An toàn thông tin mạng (ATTTM) chỉ có thể bảo đảm khi một quốc gia làm chủ được công nghệ phần cứng và phần mềm trong hệ thống thông tin hoặc làm chủ toàn bộ chuỗi cung ứng, sản xuất của sản phẩm. Việt Nam thịnh vượng trên không gian mạng thì phải biết bảo vệ mình trên không gian mạng và sứ mệnh của ATTTM Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.
Thời gian qua, các DN trong nước đã chủ động tạo ra các sản phẩm, dịch vụ về ATTTM thông tin. Điều này không những góp phần bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia mà còn giúp sản phẩm nội thâm nhập, làm chủ thị trường, thúc đẩy chương trình “Make in Viet Nam”, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ ATTTM trong nước đã có nhiều tiến bộ đáng ghi nhận. DN Việt Nam đã sản xuất được các loại sản phẩm đa dạng, đáp ứng được 95,5% chủng loại sản phẩm trọng yếu. Chất lượng sản phẩm ATTT do các DN trong nước xây dựng và phát triển không hề thua kém DN nước ngoài. Ngoài ra, giá của sản phẩm trong nước cũng rất cạnh tranh. Trong khi đó, nếu sử dụng phần cứng, phần mềm của nước ngoài khó tránh trường hợp các sản phẩm này có tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn (có chủ đích) dẫn đến người dùng trong nước rơi vào thế bị động khi không làm chủ được công nghệ.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia châu Á phát triển mạnh về công nghệ thông tin (CNTT) cũng như ATTT. Kinh phí chi cho đảm bảo ATTT của quốc gia này liên tục tăng qua các năm, chỉ riêng năm 2023, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến chi 670 tỷ won (tương đương khoảng 515 triệu USD) cho công tác tăng cường năng lực bảo đảm ATTT. Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc có định hướng tập trung về sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao thay vì phát triển sản phẩm, dịch vụ tập trung vào giá cả.
Việc ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao tại thị trường trong nước thông qua các chính sách ưu đãi về thuế đối với các khoản đầu tư vào bảo mật thông tin và các hoạt động nghiên cứu phát triển cũng góp phần mở rộng thị trường ATTTM nội địa. Các chính sách về quản lý giá trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ATTT cũng được quan tâm để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường.
Hàn Quốc coi ngành công nghiệp ATTTM có tính chất thương mại và cần được gia tăng tính cạnh tranh. Nói cách khác, họ coi đây là một sản phẩm (hàng hóa), dịch vụ cụ thể tương tự như các loại sản phẩm, dịch vụ khác và cần được khuyến khích cạnh tranh tự do. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn có những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các ý tưởng sáng tạo, đột phá để khuyến khích phát triển và bảo vệ những nghiên cứu này trước sức cạnh tranh của thị trường.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ phát triển thị trường quốc tế đối với các sản phẩm, dịch vụ ATTT (cũng như các sản phẩm CNTT nói chung) của Hàn Quốc, tại một số thị trường mục tiêu, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập các văn phòng đại diện hợp tác CNTT (hiện tại có 6 văn phòng KICC tại các quốc gia: Việt Nam, Singapore, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc). Riêng tại Việt Nam có 2 văn phòng của Trung tâm hợp tác CNTT Việt Nam - Hàn Quốc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Việc đề cao vai trò dẫn dắt của các cơ quan Chính phủ trong hoạt động hỗ trợ phát triển hợp tác quốc tế của Hàn Quốc mang lại các kết quả hữu ích cho DN. Thông thường, các DN Hàn Quốc làm việc tại nước ngoài thông qua các văn phòng đại diện thường nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ nước sở tại và văn phòng đại diện để tiếp cận tới các khách hàng tiềm năng. Cụ thể hơn nữa, khi các DN Hàn Quốc nhận được yêu cầu hợp tác hoặc có nhu cầu muốn hợp tác với các DN tại một quốc gia cụ thể thì có thể thông báo với văn phòng đại diện của Chính phủ tại khu vực đó để nhận được sự hỗ trợ kết nối. Việc này góp phần gia tăng vai trò của cơ quan quản lý nhà nước (QLNN), cũng như đảm bảo kết quả của các hoạt động hợp tác quốc tế của DN.
Bộ Khoa học, CNTT và truyền thông Hàn Quốc (MSIT) là cơ quan QLNN chuyên trách xây dựng các kế hoạch trung hạn và dài hạn cho hoạt động phát triển CNTT và ATTT bao gồm các vấn đề: (1) Định hướng, chính sách phát triển sản phẩm CNTT/ATTT; (2) Thiết lập cơ sở hạ tầng cho phát triển sản phẩm CNTT/ATTT; (3) Phát triển các nhà khai thác sản phẩm, các DN khởi nghiệp; (4) Đào tạo các chuyên gia phát triển sản phẩm CNTT/ATTT; (5) Phát triển và phổ biến các công nghệ phát triển sản phẩm CNTT/ATTT; (6) Các vấn đề liên quan đến mở rộng thương hiệu, phát triển thị trường.
Từ đó các chính sách và các chương trình hỗ trợ được xây dựng như:
1) Hỗ trợ khởi nghiệp: cho phép các DN mới khởi nghiệp được sử dụng các tài sản miễn phí của nhà nước để phục vụ phát triển sản phẩm CNTT/ATTT. Đồng thời thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ vỗn đầu tư cho các DN.
2) Hỗ trợ đào tạo: Tổ chức các khóa đào tạo chuyên gia phát triển sản phẩm CNTT/ATTT và chỉ định các Viện nghiên cứu, Trường Đại học hoặc các tổ chức và hỗ trợ kinh phí để thực hiện các khóa đào tạo. Việc chỉ định các cơ sở đào tạo tuân thủ theo các quy định về các yêu cầu cho các cơ sở đào tạo.
3) Về xúc tiến thương mại: Xây dựng, ban hành các quy định về các yêu cầu đối với các cơ sở xúc tiến thương mại. Căn cứ vào các yêu cầu để chỉ định hoặc lựa chọn cơ quan, tổ chức đáp ứng các yêu cầu. Chính phủ cũng hỗ trợ các chương trình, dự án liên quan đến các hoạt động tổ chức hội thảo, triển lãm nhằm trao đổi kinh nghiệm, chuẩn hóa sản phẩm, chuyển giao công nghệ, các hoạt động quảng cáo nhằm phát triển, mở rộng thị trường.v.v.
4) Hỗ trợ hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm CNTT/ATTT: Chỉ định và hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, tổ chức thực hiện đánh giá sản phẩm CNTT/ATTT hợp chuẩn, hợp quy và cũng hỗ trợ các DN có sản phẩm CNTT/ATTT trong các hoạt động này và cấp chứng chỉ hoặc công nhận đạt chuẩn khi có kết quả đánh giá của các cơ quan, tổ chức.
5) Xây dựng HTTT hỗ trợ quản lý phát triển sản phẩm CNTT/ATTT: Thiết lập một HTTT và có thể chỉ định một đơn vị thực hiện quản lý tập trung các hoạt động liên quan đến phát triển sản phẩm CNTT/ATTT như: tiêu chuẩn kỹ thuật; xu hướng nghiên cứu, phát triển; xu hướng thị trường; tình trạng kinh doanh.
6) Hỗ trợ tài chính: Chính phủ hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh cho các dự án phát triển sản phẩm CNTT/ATTT do cơ quan, tổ chức đề xuất và được phê duyệt.
7) Chính sách thuế: Chính phủ Hàn Quốc ban hành những chính sách miễn, giảm nhiều loại thế khác nhau cho DN trong các hoạt động thành lập công ty, phát triển và kinh doanh CNTT/ATTT.
Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy, phát triển lĩnh vực CNTT nói chung và ATTT nói riêng. Cụ thể như sau:
1) Nhập khẩu các hệ thống máy tính nếu các công ty nhập khẩu chấp thuận xuất khẩu sản phẩm CNTT/ATTT và dịch vụ trị giá gấp đôi giá trị của các máy tính nhập khẩu trong một thời gian nhất định. Chính sách này đã giúp ích một số công ty hàng đầu trong giai đoạn khởi nghiệp của họ.
2) Trong những năm 1980, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập một Hội đồng xúc tiến xuất khẩu sản phẩm CNTT/ATTT và đưa ra các quy tắc nhập khẩu tự do cho các nguyên vật liệu cần thiết. Ngành sản xuất sản phẩm CNTT/ATTT được xác định như là một ngành trọng điểm cho xúc tiến xuất khẩu.
3) Khu công nghệ phần mềm: Việc thành lập NASSCOM (năm 1988) và việc thành lập các khu công nghệ phần mềm (STPs) vào năm 1990 đã tạo ra một cách tiếp cận cơ bản cho việc hoạch định chính sách cho ngành công nghiệp phần mềm. Một sự can thiệp quan trọng mang tính chất tổ chức là việc thành lập các STPs để cung cấp cơ sở hạ tầng cho các công ty tư nhân để xuất khẩu phần mềm. Được thành lập tại 39 địa điểm, bao gồm hầu hết các thành phố lớn, STPs cung cấp sẵn sàng các điều kiện để có thể kết nối CNTT và hạ tầng viễn thông. STPs cũng cho phép giải quyết cơ chế 1 cửa cho tất cả các vấn đề pháp lý. Lợi ích và ràng buộc với STPs tương tự như với các đơn vị có định hướng xuất khẩu khác. Các ưu đãi được cung cấp trong chính sách xuất nhập khẩu cũng được áp dụng cho các thành viên STP. Các công ty đăng ký vào STPs chiếm khoảng 68% của các nhà xuất khẩu phần mềm. Các STP này cho phép các DN mới khởi nghiệp và các DN nhỏ và vừa (SMEs) phát triển.
4) Vào cuối những năm 1990, các công ty nước ngoài được phép thành lập các công ty con (thuộc sở hữu hoàn toàn của các công ty này) trong các khu chế xuất điện tử. Bộ Tài chính đã có sẵn các cơ sở kết nối dữ liệu nhanh, chi phí thấp, các nghĩa vụ, thuế và thuế quan đã giảm bớt để hợp lý.
5) Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã thông qua một số biện pháp để hỗ trợ ngành công nghiệp CNTT, bao gồm việc mua lại cổ phần công ty mẹ - công ty ở nước ngoài bởi nhân viên ở công ty Ấn Độ; Các công ty có doanh số phần mềm trên 80% có thể cho phép đưa ra các lựa chọn cổ phiếu cho nhân viên không cư trú và thường trú; Ngoại hối có thể được tự do chuyển sang mua dịch vụ.
6) Về chính sách thuế: Thời gian ưu đãi thuế được tính theo lợi nhuận của công ty; Các khoản thuế đánh vào thu nhập DN và lợi tức đối với các đơn vị trong bất kỳ khu vực mậu dịch tự do, bất kỳ khu công nghệ phần mềm nào, hoặc bất kỳ khu kinh tế đặc biệt nào nằm trong phạm vi 100% lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh.
Trung Quốc đang đẩy mạnh thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp CNTT nhưng cũng đang tự tách mình so với giới CNTT thế giới, bằng cách kiểm soát các DN lớn trong nước và duy trì vị trí chủ quyền trong lĩnh vực CNTT. Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ việc mở rộng và kinh doanh quốc tế của các công ty CNTT.
Vào đầu năm 2014, liên minh của 15 nhà sản xuất CNTT Trung Quốc đã được thành lập ở quận Zhongguancun (Bắc Kinh). Họ phát triển một hệ điều hành của Trung Quốc dựa trên Linux mà có thể chạy trên các máy tính của chính phủ và máy tính của các DN ATTT liên quan như các ngân hàng. Bằng cách thực hiện việc này, Bắc Kinh hy vọng sẽ hạn chế được các hành vi gián điệp từ Mỹ và chứng tỏ sức mạnh sáng tạo của nền kinh tế số của Trung Quốc. Mặc dù nền công nghiệp CNTT đang phát triển, nhưng vào thời điểm này Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài. Theo Tân Hoa Xã, vào năm 2012, 90% các vi mạch và 65% sản phẩm tường lửa là của các hãng nước ngoài, chủ yếu là Mỹ. Chính phủ Trung Quốc coi công nghệ nước ngoài là mối đe dọa tiềm ẩn đối với an toàn quốc gia. Ví dụ, các cửa hậu (backdoor) được cài đặt bí mật cho phép giám sát máy tính và mạng. Do đó, những trở ngại nghiêm ngặt về việc sử dụng các sản phẩm CNTT nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm ATTT.
Đồng thời, Trung Quốc đưa ra các chính sách bảo hộ thị trường trong nước khỏi ảnh hưởng từ bên ngoài nhằm thúc đẩy sự phát triển các chính sách công nghiệp và đổi mới.
Các công ty Trung Quốc ngày càng thành công trong lĩnh vực hệ thống thông tin (HTTT), một phần là do sự hỗ trợ của nhà nước. Ngoài Huawei và ZTE, cả hai nhà cung cấp thiết bị mạng có uy tín trên thế giới, các công ty mới cũng đang có chỗ đứng trên thị trường: các DN như Inspur và Dawning Industries đang sử dụng công nghệ của Trung Quốc để phát triển các máy chủ và siêu máy tính cho các nhiệm vụ điện toán phức tạp. Đến nay, phần lớn là đối với thị trường nội địa. Công nghệ này đặc biệt có liên quan đến hệ thống mạng an toàn vì ngay cả những sai lầm nhỏ trong mã hóa chương trình cũng có thể phá hủy các sản phẩm ATTT.
Các công ty CNTT của Trung Quốc đang đẩy mạnh cạnh tranh với các công ty phương Tây. Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược “Going out” kể từ năm 1999. Chiến lược được dụng để hỗ trợ các công ty Trung Quốc thành công và giúp họ tăng cạnh tranh quốc tế. Chiến lược đã được mở rộng để bao gồm các ngành CNTT. Các khoản vay lãi suất thấp và sự hỗ trợ tích cực của các đại sứ quán Trung Quốc là những công cụ mà chính phủ dự định nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN trên các thị trường quốc tế. Huawei đã được Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho vay 10 tỷ USD với lãi suất thấp để tài trợ cho việc mở kinh doanh quốc tế.
Luật ATTTM với các quy định về quản lý, thúc đẩy DN, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực ATTTM có hiệu lực từ tháng 7/2016 đã bước đầu định hình nên thị trường, DN ATTTM Việt Nam với sự tham gia của 108 DN (tính đến hết Quý II/2023). Hoạt động của DN đã chuyển dịch từ hướng tự phát, nhỏ lẻ sang chuyên nghiệp, phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ, chất lượng về đội ngũ nhân sự và hệ thống trang thiết bị kỹ thuật.
Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: “Bảo đảm ATTTM là then chốt để CĐS thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của CĐS. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về CNTT đều có cấu phần bắt buộc về ATTTM ngay từ khi thiết kế”. CĐS là công cuộc toàn dân và toàn diện, ứng dụng số sẽ là phổ cập. Vì vậy, đảm bảo ATTTM cũng phải được phổ cập. Muốn phổ cập thì giá thành phải rẻ, phải dễ dùng. Các sản phẩm ATTTM cần phải được phổ cập tới mọi cá nhân, tổ chức, có thể là các sản phẩm được phát triển dưới dạng các nền tảng (platform); như dịch vụ, hay cung cấp dịch vụ cơ bản miễn phí để phổ cập và thu phí dịch vụ nâng cao,...
Trên cơ sở các định hướng của Chính phủ, hoạt động thúc đẩy phát triển sản phẩm ATTTM, hướng tới việc phát triển công nghiệp ATTTM tại Việt Nam có thể được thực hiện hiệu quả theo một số định hướng sau:
Thứ nhất, cần xây dựng Chương trình phát triển sản phẩm ATTTM quốc gia. Trong đó xây dựng chương trình hỗ trợ, phát triển sản phẩm ATTTM quốc gia với các mục tiêu cụ thể: (1) Hình thành các Viện nghiên cứu trọng điểm về ATTTM; (2) Hình thành tối thiểu 1 trung tâm triển lãm, giới thiệu sản phẩm quốc gia; (3) Lựa chọn được một số doanh nghiệp chủ lực để thực hiện các hoạt động chuyển giao, làm chủ công nghệ hoặc mua lại một DN ATTT tốt trên thế giới; (4) Hình thành khu sáng tạo, khởi nghiệp quốc gia về ATTTM.
Thứ hai, đẩy mạnh Phát triển sản phẩm ATTTM phổ cập, trọng tâm là phát triển bộ giải pháp ATTT cho đối tượng DN vừa và nhỏ phục vụ CĐS; phát triển nền tảng sản phẩm, dịch vụ “bình dân”, phổ cập cho cho người dân, DN tiếp cận, sử dụng miễn phí với các chức năng cơ bản.
Thứ ba, thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ ATTTM nội địa do DN trong nước làm chủ đạo, bao gồm: (1) Nâng cao nhận thức trong nước về thương hiệu sản phẩm, dịch vụ ATTTM nội địa; (2) Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên sử dụng giải pháp bảo đảm ATTTM nội địa; (3) Hỗ trợ DN triển khai mở rộng các giải pháp bảo đảm ATTTM nội địa miễn phí ra thị trường trong nước; (4) Tổ chức khảo sát, đánh giá, xếp hạng cho DN cung cấp giải pháp bảo đảm ATTTM nội địa; (5) Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các DN khối tài chính, ngân hàng ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp nội địa để bảo đảm ATTT.
Thứ tư, đẩy mạnh hỗ trợ DN trong nước mở rộng cung cấp giải pháp ATTTM ra nước ngoài, thông qua các hoạt động: (1) Tổ chức các triển lãm, hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và nước ngoài để quảng bá giải pháp bảo đảm ATTTM nội địa; (2) Tổ chức làm việc với Đại sứ quán của Việt Nam tại các quốc gia và Đại sứ quán của các quốc gia khác tại Viêt Nam để hỗ trợ, thúc đẩy mở rộng thị trường giải pháp bảo đảm ATTTM nội địa ra các quốc gia tiềm năng, tiến tới việc thành lập cơ quan đại diện về sản phẩm CNTT, ATTT của Chính phủ Việt Nam tại các thị trường quốc tế tiềm năng; (3) Xây dựng HTTT dữ liệu về sản phẩm, dịch vụ và các tổ chức, DN.
Thứ năm, định hướng đẩy mạnh việc thuê dịch vụ, giải pháp ATTTM nội địa thông qua các chính sách hỗ trợ thuê dịch vụ, giải pháp ATTTM nội địa, đặc biệt với các đối tượng là cơ quan chủ quản các HTTT quan trọng quốc gia; cơ quan chủ quản các HTTT cấp độ 3 hoặc cấp độ 4 của các bộ, ngành Trung ương…
Để tăng cường năng lực bảo đảm ATTTM quốc gia theo hướng chủ động, linh hoạt thông qua việc sử dụng giải pháp bảo đảm ATTTM nội địa; tạo ra thị trường nhằm thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ ATTT nội địa; nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trong nước trong lĩnh vực ATTT đối với các nước trong khu vực và trên thế giới thì việc phát triển công nghiệp ATTTM là yêu cầu cấp thiết. Đây cũng là con đường dài, cần được xây dựng định hướng, tầm nhìn phù hợp, đồng thời triển khai thực hiện các chính sách kiên trì, nhất quán và ổn định để đảm bảo kết quả tốt nhất.