Phát triển xuất bản kỹ thuật số ở Việt Nam hiện nay
Mô hình xuất bản kỹ thuật số đang được xem là một hướng đi mở, có tính xã hội hóa cao, giúp cho xuất bản truyền thống khắc phục được những hạn chế vốn có, đồng thời, phát huy được ưu thế về tài nguyên nội dung tri thức. Đây là mô hình được dự báo có nhiều triển vọng phát triển ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động xuất bản và bảo đảm cho ngành xuất bản bắt kịp xu thế thời đại.
Trên thế giới, digital publishing hoặc electronic publishing là hai khái niệm được dùng để chỉ xuất bản kỹ thuật số hay còn gọi là xuất bản số, bao gồm các xuất bản phẩm được số hóa như: sách kỹ thuật số, tạp chí kỹ thuật số và các thư viện, danh mục kỹ thuật số... Ngoài ra, khái niệm xuất bản số (xuất bản kỹ thuật số) còn được dùng để chỉ việc biên tập, sản xuất các cuốn sách, tạp chí truyền thống thành một xuất bản phẩm có định dạng số để có thể đọc được trên màn hình máy tính, các thiết bị đọc sách điện tử chuyên dụng, máy tính bảng, điện thoại thông minh [1].
Theo đó, xuất bản kỹ thuật số là hình thức xuất bản, phổ biến thông tin ở định dạng số và phân phối cho người dùng tiềm năng trên mạng Internet và mạng nội bộ hoặc ở các định dạng độc lập như CD-ROM và đĩa mềm. Các thông tin trong xuất bản số có thể là văn bản, số liệu, đồ họa, hình ảnh tĩnh hoặc chuyển động, video, âm thanh hoặc thậm chí là sự tích hợp của tất cả những dạng thông tin này.
Đặc trưng của xuất bản số được thể hiện ở công thức sau:
Xuất bản kỹ thuật số = Công nghệ điện tử + Công nghệ máy tính + Công nghệ truyền thông + Xuất bản.
Xuất bản số liên quan đến việc thu thập, sửa đổi và phân phối thông tin dưới các hình thức khác nhau, chẳng hạn như trên phương tiện vật lý hoặc thông qua mạng máy tính. Xuất bản kỹ thuật số có thể được chia thành hai loại: xuất bản trực tuyến và xuất bản ngoại tuyến. Xuất bản trực tuyến sử dụng máy tính và mạng truyền thông bao gồm Internet, mạng nội bộ để phân phối nội dung. Xuất bản ngoại tuyến sử dụng phương tiện lưu trữ như CD-ROM, CD-I, DVD, thẻ nhớ và đĩa mềm để phân phối nội dung.
Các loại sản phẩm xuất bản số bao gồm: sách số; tạp chí số; cơ sở dữ liệu số; tài liệu học thuật số (luận văn, luận án số); lưu trữ số; danh mục số; tài nguyên đa phương tiện,...
Ở Trung Quốc, khái niệm này đã được đề cập từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra một định nghĩa rõ ràng và thống nhất về xuất bản số. Trong văn bản ngày 16/8/2010: “Ý kiến của Tổng cục Báo chí - Xuất bản về đẩy mạnh hoạt động xuất bản số” của Tổng cục Báo chí - Xuất bản Trung Quốc gửi Cục Báo chí - Xuất bản các tỉnh, thành phố, khu tự trị và các đơn vị, tổ chức liên quan đến công tác xuất bản, hoạt động xuất bản số được định nghĩa là phương pháp xuất bản mới sử dụng công nghệ kỹ thuật số để chỉnh sửa nội dung và xử lý nội dung xuất bản phẩm, đồng thời thông qua mạng để truyền bá, phát hành xuất bản phẩm số. Nói một cách đơn giản, xuất bản kỹ thuật số là việc sử dụng công nghệ máy tính hoặc công nghệ mạng để thay thế một số khâu trong hoạt động xuất bản truyền thống.
Các tính năng chính của xuất bản số là số hóa việc sản xuất nội dung, số hóa quy trình quản lý, số hóa các hình thức sản phẩm và mạng hóa kênh truyền thông. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã mở rộng cấu trúc của xuất bản số, không chỉ còn là sách (bao gồm sách giấy và sách được số hóa), mà còn bao gồm cả sản phẩm khác như báo chí, trò chơi, giáo dục... Cụ thể là, các sản phẩm xuất bản số chủ yếu bao gồm: sách điện tử, báo số, tạp chí số, tài liệu gốc trực tuyến, xuất bản phẩm giáo dục trực tuyến, bản đồ trực tuyến, nhạc số, hoạt hình trực tuyến, trò chơi trực tuyến, ấn phẩm cơ sở dữ liệu, sản phẩm di động (MMS, CRBT, điện thoại di động), báo chí, tạp chí điện tử, văn học mạng, trò chơi di động,...
Kênh phát hành phổ biến các sản phẩm xuất bản kỹ thuật số chủ yếu bao gồm Internet, mạng truyền thông không dây và mạng vệ tinh. Do lưu trữ lớn, tìm kiếm thuận tiện, truyền tải nhanh, tương tác mạnh, chi phí thấp, bảo vệ môi trường và carbon thấp nên xuất bản số đã trở thành hướng phát triển chính của các ngành công nghiệp mới nổi và chiến lược xuất bản trong ngành xuất bản hiện đại trên thế giới.
Ở Việt Nam, chưa có một khái niệm thống nhất về “xuất bản số” và về cơ bản vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa “xuất bản điện tử” và “xuất bản số” trong hoạt động của ngành xuất bản sách. Hiện nay, ở nước ta chủ yếu là xuất bản điện tử (với các sản phẩm chính như ebook, Audiobook, CD-ROM,...) - một nhánh của xuất bản số; theo đó nội hàm và cấu trúc của xuất bản số ở nước ta về cơ bản chưa được định hình rõ nét.
Trong những năm gần đây, xuất bản kỹ thuật số đang thu hút được sự quan tâm và dự báo có thể đem lại triển vọng tươi sáng cho ngành xuất bản ở một số quốc gia trên thế giới. Nó được xem là một ngành công nghiệp dịch vụ mới nổi, phát triển trên cơ sở ngành xuất bản truyền thống và dựa vào nền tảng công nghệ máy tính và công nghệ cơ sở dữ liệu từ nhiều ngành truyền thông khác nhau (bao gồm: xuất bản, báo chí, truyền hình, truyền thanh, điện ảnh...). Nó là một phần mở rộng của ngành xuất bản truyền thống và là một bộ phận quan trọng không thể thiếu của ngành dịch vụ thông tin truyền thông hiện đại.
Xu hướng phát triển tích hợp trong ngành xuất bản số ngày càng đi vào chiều sâu, không những chuyển đổi từ xu hướng tích hợp sản phẩm và tích hợp kênh mà còn có xu hướng tích hợp nền tảng và tích hợp sinh thái để bước vào giai đoạn phát triển mới. Do đó, xuất bản kỹ thuật số thường được xem là có 3 tính chất nổi bật: (1) Tính tích hợp cao về nội dung, phương thức, hệ sinh thái; (2) Khả năng hỗ trợ cao về công nghệ; (3) Tính thương mại hóa cao trong phương thức phát hành và phân phối. Cụ thể là:
Thứ nhất, tính tích hợp cao về nội dung, phương thức, hệ sinh thái. Sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ máy tính và công nghệ mạng đã tạo nền móng, là môi trường “thai nghén” cho khả năng hiện thực hóa việc tích hợp ngành nghề, mô hình phát triển ngành. Đặc biệt, đối với những ngành coi nội dung tri thức là cốt lõi như xuất bản sách thì việc tích hợp này lại càng có vai trò quan trọng. Nó không những tích hợp được giữa âm thanh, hình ảnh, số liệu, mà còn có thể nâng cao khả năng hoán đổi và liên kết giữa các hình thức truyền thông khác như điện ảnh, báo chí, truyền hình, truyền thanh, quảng cáo,... Từ đó, giá trị nội dung tri thức được nâng lên nhiều lần, tầm quan trọng của việc đổi mới và sáng tạo nội dung được đề cao, khái niệm ngành nội dung tri thức được coi trọng và nhân rộng.
Bên cạnh đó, trong hệ sinh thái của xuất bản kỹ thuật số, các nhà xuất bản (NXB), thư viện, báo, tạp chí, trang web, nhà sản xuất thiết bị cầm tay, nhà cung ứng các giải pháp kỹ thuật đều là một thành viên; mỗi thành viên đảm nhiệm một vai trò tương ứng. Điều đó cũng có nghĩa là, các ngành dịch vụ tri thức và truyền thông, công nghệ sẽ cùng tồn tại và liên kết với nhau làm hình thành nên hệ sinh thái đa phương tiện với trọng tâm là nội dung tri thức được mạng hóa.
Thứ hai, khả năng hỗ trợ cao về công nghệ. Trong nghiệp vụ xuất bản, xuất bản kỹ thuật số rất coi trọng việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, các nghiệp vụ thông qua mạng Internet. Đây là công tác trọng tâm của ngành; trong đó, không những nội dung sách được số hóa toàn bộ, mà toàn bộ hoạt động, nghiệp vụ có liên quan cũng được đưa vào hệ thống mạng internet và được quản lý bởi hệ thống ERP. Có thể nói, xuất bản kỹ thuật số tạo ra môi trường thuận lợi cho tất cả các khâu trong quy trình biên tập và xuất bản, tạo ra sự đồng bộ trong hệ thống, chế độ quản lý, làm việc trực tuyến hoặc ngoại tuyến; tạo môi trường sử dụng công nghệ cơ sở dữ liệu để hoàn thiện việc tích lũy tài nguyên nội dung...
Thứ ba, tính thương mại hóa cao trong phương thức phát hành và phân phối. Việc số hóa các xuất bản phẩm đã tạo ra các xuất bản phẩm số với nhiều hình thức khác nhau: sản phẩm số hóa văn bản (CD-ROM, DVD-ROM, ebook), hoặc sản phẩm âm thanh (sách nói - audiobook), sách tương tác, các video clip..., từ đó dẫn tới sự thay đổi sâu rộng đối với phương thức vận hành và phân phối, trong đó có khâu kinh doanh, phát hành, phân phối xuất bản phẩm, thương mại điện tử được thực hiện đối với các xuất bản phẩm.
Thời gian một tác phẩm từ người viết (tác giả) đến với công chúng sẽ được rút ngắn tối đa. Thông qua hệ thống phát hành trực tuyến trên mạng, các nhà xuất bản và đơn vị phát hành có thể trực tiếp bán hàng cho tất cả khách hàng trên thế giới mà không phải mất thời gian gửi và phí vận chuyển sách. Các nhà cung cấp nội dung xuất bản phẩm công bố, phát hành thông tin trên mạng, còn người tiêu dùng truy cập mạng để xem hoặc tải về một cách rất dễ dàng; họ có thể mua một phần hoặc toàn bộ nội dung của xuất bản phẩm tùy nhu cầu của mình. Không còn phụ thuộc vào hệ thống phát hành, đồng thời, vốn đầu tư không đòi hỏi quá lớn là cơ hội phát triển bình đẳng cho các nhà xuất bản vừa và nhỏ. Phạm vi thị trường không phải là những khu vực địa lý xác định mà là phạm vi rộng lớn hơn nhiều: tất cả khách hàng có nhu cầu đọc loại sách ấy.
Bên cạnh đó, sách kỹ thuật số còn thúc đẩy văn hóa đọc phát triển thông qua việc thu hút một bộ phận lớn thanh, thiếu niên đọc sách, do nó có nhiều tính năng hấp dẫn như âm thanh, hình ảnh và tính tương tác cao. Với việc thực hiện hình thức kinh doanh, phân phối này, chuỗi kinh doanh được rút ngắn, chi phí được giảm thiểu, tính hiệu quả được nâng lên; và theo đó, phương thức phân phối sản phẩm được thực hiện theo các kênh và hệ thống khác nhau và các nhà xuất bản đều có xu hướng chuyển đổi vai trò từ nhà sản xuất nội dung sang vai trò là nhà cung cấp dịch vụ nội dung.
Hoạt động xuất bản không nằm ngoài thời đại số hóa. Thậm chí, hoạt động xuất bản còn là một trong những hoạt động chịu tác động nhiều nhất, lớn nhất từ sự bùng nổ của khoa học, công nghệ trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh những cơ hội, ngành xuất bản thế giới nói chung, xuất bản Việt Nam nói riêng còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đan xen trong thời đại số hóa, nhất là khi mô hình và hoạt động xuất bản nước ta còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất và năng lực tài chính còn nhiều hạn chế, nền tảng hạ tầng kỹ thuật của ngành xuất bản Việt Nam còn lạc hậu, phần lớn đội ngũ nhân lực chưa tiếp cận được với những vận động mạnh mẽ về công nghệ, kỹ thuật và nguồn thông tin khổng lồ hiện nay; hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển ngành xuất bản còn nhiều bất cập; nhận thức của nhiều cơ quan quản lý nhà nước chưa ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ của hoạt động xuất bản; văn hóa đọc của một bộ phận nhân dân có phần suy giảm...
Xuất phát từ yêu cầu của thời đại, để phát triển xuất bản kỹ thuật số ở Việt Nam, cần thực hiện một số giải pháp định hướng chủ yếu sau:
Thứ nhất, để đổi mới hoạt động ngành xuất bản, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội, các NXB lớn trên thế giới đều đẩy mạnh xuất bản kỹ thuật số, đặc biệt là xuất bản và phát hành trực tuyến trên Internet. Điều này đã trở thành một xu thế tất yếu và sẽ là tương lai của ngành xuất bản trong những thập kỷ tiếp theo, buộc tất cả các NXB lớn, nhỏ nếu muốn tồn tại phải có chiến lược “chuyển mình”. Ngành xuất bản Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Tiềm năng của thị trường xuất bản kỹ thuật số Việt Nam là rất lớn, nhưng những rào cản đối với sự phát triển của nó cũng không hề nhỏ, nhất là trong điều kiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung và cơ sở vật chất - kỹ thuật của ngành xuất bản Việt Nam nói riêng còn nhiều yếu kém, lạc hậu; cơ chế quản lý, vận hành còn chưa theo kịp thực tiễn...
Muốn phát triển vươn lên, đáp ứng yêu cầu của thời đại và xã hội, thực hiện tốt chức năng văn hóa - tư tưởng, ngành xuất bản Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược phát triển theo hướng số hóa, gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của thời đại công nghệ số và nằm trong chiến lược tổng thể phát triển hạ tầng số, kinh tế số, chính phủ số của đất nước.
Thứ hai, các NXB Việt Nam hiện nay, nhất là những nhà xuất bản hàng đầu phải nhanh chóng đổi mới và hiện đại hóa nền tảng công nghệ, kỹ thuật, phương tiện, chuỗi giá trị, xác định cụ thể phân khúc khách hàng - người đọc...; không chỉ coi trọng sách giấy, mà còn phải đa dạng hóa các loại hình xuất bản, số hóa nguồn tài nguyên nội dung, tích hợp đa phương tiện hóa sản phẩm nội dung để đạt được lợi ích tối đa và phục vụ người dùng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Nói cách khác, các NXB phải xác định việc xây dựng và phát triển xuất bản kỹ thuật số là một xu hướng tất yếu, trong đó cần phải tính đến sự tích hợp giữa xuất bản truyền thống và xuất bản kỹ thuật số, để đáp ứng được nhu cầu của xã hội và duy trì, phát triển chính NXB mình.
Thứ ba, các NXB cần tham khảo kinh nghiệm từ các nền xuất bản hiện đại, xuất bản kỹ thuật số phát triển, để xây dựng định hướng tổng thể về xuất bản kỹ thuật số, xác định mô hình phát triển xuất bản số phù hợp, hiệu quả; có chiến lược, kế hoạch, giải pháp cụ thể, khả thi, để vừa có thể bắt nhịp với cơ chế thị trường, vừa nâng cao chất lượng ấn phẩm, phát triển bền vững. Sự phát triển các hình thức xuất bản kéo theo các hình thức liên kết đa phương tiện sẽ trở thành hình thái căn bản của xuất bản. Tuy nhiên, cần có các biện pháp hạn chế những rủi ro đi kèm với các tiện ích của công nghệ.
Thứ tư, xuất bản kỹ thuật số là một hướng đi cần đầu tư kinh phí lớn, đầu tư nhiều về nhân lực, vật lực và tài lực. Xuất bản số cần phải hội tụ đầy đủ bốn yếu tố là: (1) nội dung, (2) sự sáng tạo, (3) kỹ thuật, (4) kênh tiêu thụ, tức là tài nguyên nội dung số, sự sáng tạo về hình thức của tài nguyên nội dung số, kỹ thuật xuất bản số, kênh tiêu thụ xuất bản phẩm số. Bốn yếu tố này, không thể thiếu bất kỳ yếu tố nào; trong đó hai yếu tố then chốt, đóng vai trò là nền tảng của xuất bản số là tài nguyên nội dung và nền tảng kỹ thuật - công nghệ số.
Thứ năm, các tập đoàn xuất bản - truyền thông trên thế giới sở dĩ có thể vận hành xuất bản số một cách thuận lợi và có lợi nhuận lớn là do họ sở hữu nguồn tài nguyên thông tin khổng lồ, có mức độ tập trung của ngành xuất bản cao, họ sử dụng nguồn tài nguyên này để hình thành các kho dữ liệu số, sau đó bán trọn gói hoặc một phần kho dữ liệu số để thu lợi nhuận.
Ở Việt Nam, chưa có nhà xuất bản nào có thể xây dựng, tập hợp, tích hợp được kho dữ liệu số thực sự lớn; mỗi đơn vị xuất bản hiện nay chỉ mới số hóa được một phần nhỏ nguồn tài nguyên nội dung họ đang có; còn rất nhiều cuốn sách chưa được số hóa, chưa được sắp xếp vào các kho dữ liệu. Chưa có sự trao đổi, tích hợp nguồn tài nguyên giữa các nhà xuất bản với nhau, giữa các nhà xuất bản với đơn vị giáo dục và đào tạo, các viện nghiên cứu chuyên ngành (để tạo kho dữ liệu học thuật số), hoặc giữa xuất bản với báo, tạp chí, truyền thanh, truyền hình...
Chính vì vậy, hiện nay, tài nguyên nội dung của xuất bản nước ta vẫn còn phân tán, mức độ tập trung thấp, chưa được đưa vào dữ liệu chung để cùng khai thác, sử dụng; chưa tích hợp để hình thành lượng thông tin khổng lồ, nên đã hạn chế quá trình chuyển đổi từ xuất bản truyền thống sang xuất bản kỹ thuật số; chưa thể đem lại lợi nhuận cao cho các NXB và chưa phục vụ đắc lực cho nhu cầu tìm kiếm, tiếp cận hệ thống dữ liệu nội dung cho người dùng.
Do đó, cần phải cải cách thể chế quản lý, cơ chế vận hành và cơ chế sử dụng nguồn nhân lực, tập trung nguồn tài nguyên, bởi nếu chỉ dựa vào tài nguyên của từng NXB đang nắm giữ hiện nay, nếu không phá vỡ ranh giới giữa các loại hình truyền thông, giữa các chuyên ngành, không tiến hành tích hợp trên quy mô lớn các đơn vị xuất bản cũng như các đơn vị sở hữu kho dữ liệu thông tin dựa trên cơ sở nguồn tài nguyên nội dung, thì trong điều kiện môi trường xuất bản kỹ thuật số hiện đại sẽ khó hình thành mô hình xuất bản được vận hành và kinh doanh hiệu quả.
Với vai trò là một ngành đặc thù có đặc tính song trùng: vừa mang tính văn hóa, vừa mang tính thương mại; vừa có thuộc tính của hình thái ý thức, vừa có thuộc tính hàng hóa; vừa mang tính thương phẩm, vừa mang tính sản phẩm công ích, ngành xuất bản cùng lúc đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau như: truyền bá và lưu trữ thông tin, truyền tải văn hóa và kinh doanh sinh lợi. Sự hình thành các thuộc tính này đã trải qua một quá trình lịch sử phát triển lâu dài.
Trong suốt quá trình đó, tính chất, chức năng của ngành xuất bản cũng không ngừng thay đổi. Những biến đổi này luôn gắn với môi trường xã hội mà nó tồn tại; trong đó, tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ đóng vai trò then chốt, là động cơ thúc đẩy sự đổi mới trong ngành xuất bản; ngược lại, những thay đổi trong ngành xuất bản đến lượt nó sẽ thúc đẩy sự truyền bá tri thức khoa học, kỹ thuật và công nghệ lên một trình độ cao hơn. Vì thế, việc đổi mới và phát triển ngành xuất bản theo hướng số hóa là một yêu cầu tất yếu, bắt buộc và cần có lộ trình hợp lý để ngành xuất bản được hiện đại hóa, hoạt động hiệu quả và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ cao cả của mình.