Phương Canh đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện

hướng tới xây dựng mô hình “phường thông minh”

Ánh Dương

  Tóm tắt

Phường Phương Canh đẩy mạnh chuyển đổi số với các nội dung ưu tiên triển khai cụ thể trên 3 trụ cột:

Bài học kinh nghiệm thực tiễn:

Nhận thức rõ về tầm quan trọng của chuyển đổi số (CĐS) đối với sự phát triển chung của địa phương, phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) đã quyết tâm tập trung thực hiện Kế hoạch CĐS toàn diện, từng bước xây dựng chính quyền số và công dân số, hướng tới xây dựng mô hình “phường thông minh”, nhằm đem lại nhiều tiện ích hơn cho người dân và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.


Đẩy mạnh CĐS trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số

Phường Phương Canh thuộc Quận Nam Từ Liêm có diện tích là 260,76ha, với dân số 19,975 nhân khẩu và 7.528 hộ hộ gia đình phân bổ trên 8 tổ dân phố. Phường nằm ở khá xa Trung tâm thủ đô, nằm ở phía Tây Bắc quận Nam Từ Liêm.

Dựa trên tình hình và nhu cầu thực tiễn cần phải chuyển đổi mạnh mẽ để có thể đáp ứng xu thế chuyển đổi chung, ngày 6/3/2023, Chủ tịch UBND phường Phương Canh đã ban hành kế hoạch số 151/KH-UBND thực hiện mô hình CĐS trên địa bàn phường. Theo đó, Kế hoạch đặt ra mục tiêu chung, CĐS thành công, đồng bộ, đạt hiệu quả cao trên cả 3 trụ cột là: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; Xây dựng mô hình “Phường thông minh” thúc đẩy ứng dụng CNTT và CĐS trong chính quyền góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành.

Với 3 trụ cột chính, dựa theo tình hình thực tiễn tại địa phương, phường Phương Canh đã lựa chọn các lĩnh vực phù hợp nhất để ưu tiên thực hiện CĐS.

Cụ thể, đối với trụ cột chính quyền số, phường Phương Canh triển khai Hệ thống camera giám sát trên toàn phường (mục tiêu là tất cả các điểm giám sát quan trọng được tích hợp trên Hệ thống điều hành giám sát an ninh của Công an phường); Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa (mục tiêu là tất cả người dân sử dụng hệ thống một cửa điện tử khi thực hiện các thủ tục hành chính - TTHC).

Về trụ cột kinh tế số, Phường đặt mục tiêu tất cả các hoạt động kinh doanh phòng trọ được triển khai trên nền tảng số để phục vụ hoạt động quản lý, quảng bá, tìm kiếm khách thuê, hướng tới xây dựng thương hiệu về phòng trọ riêng cho phường Phương Canh; 100% người dân (trên 18 tuổi) có tài khoản thanh toán điện tử; Tổ chức tối thiểu 02 đợt đào tạo, định hướng nghề nghiệp với 100% công dân trong độ tuổi từ 18 - 30 tham gia.

Trong khi đó, trụ cột xã hội số, mục tiêu đặt ra là tất cả người dân (trên 18 tuổi) tham gia vào nhóm Zalo OA để nhận thông tin và phản ánh các thông tin bất cập trên địa bàn cho chính quyền; học sinh, sinh viên trên địa bàn tham gia tủ sách số (nền tảng Reavol).

Trong giai đoạn 1 của kế hoạch CĐS, phường Phương Canh đã tập trung và ưu tiên vào các hoạt động mang lại sự tiện ích cho người dân.

Cụ thể, việc áp dụng mô hình Một cửa điện tử nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong thực hiện cải cách hành chính (CCHC), điện tử hóa phương thức phục vụ người dân. Qua đó, nâng cao chất lượng phục vụ dịch vụ hành chính công, tạo sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ giải quyết TTHC.

Hệ thống hoạt động của Một cửa điện tử được trang bị, triển khai nâng cấp gồm có: phần mềm Một cửa điện tử, máy lấy số tự động, box tra cứu thông tin, máy đánh giá sự hài lòng của người dân (có tên cụ thể của cán bộ thực hiện dịch vụ công) và các máy tính kết nối tới hệ thống. Đây là một trong những hoạt động nhằm hướng tới sự minh bạch, hỗ trợ người dân được tiếp cận một cách nhanh chóng, hiệu quả các cửa dịch vụ công (DVC) theo hướng dẫn cụ thể trên hệ thống, đồng thời cho phép người dân đánh giá chất lượng phục vụ TTHC của chính quyền. Thông qua đó, người dân cũng sẽ được làm quen dần với việc sử dụng các ứng dụng, phần mềm trong đăng ký sử dụng các DVC, hướng tới triển khai toàn trình đối với TTHC công trên địa bàn phường.

Ngoài ra, với mục tiêu hướng đến xây dựng một phường an toàn, đảm bảo trật tự an ninh công cộng cho người dân, Phương Canh đã lựa chọn việc lắp đặt camera an ninh là một trong những hoạt động ưu tiên trong giai đoạn 1 của kế hoạch CĐS. Hệ thống camera tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ hỗ trợ công an phường trong việc giám sát, quản lý, phát hiện các đối tượng tình nghi, trộm cắp, các hoạt động quấy rối, tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự trên địa bàn phường.

Hệ thống camera hỗ trợ tích cực trong việc quản lý giao thông công cộng, những trường hợp dừng đỗ xe trái quy định, xe chở hàng quá khổ gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân trên địa bàn hay các dữ liệu liên quan đến các vụ va chạm giao thông cũng được lưu lại, hỗ trợ việc giám sát, phân tích hiện trường...

Với mô hình camera an ninh, mọi dữ liệu hình ảnh thu về sẽ được truyền tải trực tiếp về Hệ thống giám sát an ninh, trật tự an toàn xã hội được đặt tại Trung tâm chỉ huy đặt tại trụ sở Công an phường và phòng làm việc của lãnh đạo phường, phục vụ công tác quản lý an ninh trật tự trên toàn bộ địa bàn.

Đối với trụ cột xã hội số, phường Phương Canh đã triển khai thiết lập kênh giao tiếp giữa chính quyền với người dân. Đây cũng là một trong nhưng mục tiêu trọng yếu mà UBND phường Phương Canh đặt ra nhằm tạo ra một kênh tiếp nhận phản ánh, lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân một cách nhanh chóng.

Theo đó, thông qua kênh Zalo OA, người dân có thể nhanh chóng cập nhật những thông tin hoạt động, những chính sách, chế độ an sinh xã hội, BHXH, tình hình bệnh dịch,… trên địa bàn phường.

Với kênh Zalo OA, thông tin gửi đi sẽ tiếp cận được những người quan tâm tài khoản này. Bên cạnh đó, thông qua Zalo OA, thông tin mà phường gửi đến người dân cũng được truyền đạt suôn sẻ, không gián đoạn và đạt hiệu quả cao. Trong trường hợp người dân gửi thông tin thắc mắc, hỏi đáp, cán bộ phường có thể tương tác với người dân như tài khoản Zalo thông thường.

Về mô hình nhà trọ CĐS, dựa trên tình hình thực tế, hiện tại phường có hai trường học đặt tại đây là Trường Cao đẳng FPT Polytecnic và trường Đại học Công nghệ Đông Á với số lượng lớn sinh viên sinh sống tại các nhà trọ trên địa bàn phường.

Bên cạnh đó, phường Phương Canh cũng nằm trong cụm công nghiệp Bắc Từ Liêm, do đó nhu cầu thuê nhà trọ của công nhân các nhà máy, xí nghiệp, người lao động đến cư trú là rất lớn. Việc quản lý dân cư trên địa bàn, nhất là số người ở địa phương khác đến sinh sống, công tác, học tập, làm việc… còn nhiều khó khăn.

Nắm bắt được khó khăn này, cùng với tinh thần quyết tâm thực hiện chương trình CĐS, ban lãnh đạo phường Phương Canh đã triển khai “Nền tảng nhà trọ CĐS” trên toàn địa bàn. Nền tảng có thể giúp các chủ nhà trọ tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình quản lý, giúp khách thuê dễ dàng hơn trong việc tìm nhà trọ phù hợp với nhu cầu; đồng thời là công cụ đắc lực giúp lực lượng công an quản lý di biến động dân cư trên địa bàn.

Nền tảng này cho phép chủ nhà trọ quản lý khách thuê, theo dõi tình trạng phòng trống và xem lịch sử thuê trọ, đồng thời cũng có thể tạo hợp đồng cho thuê và tạo các khoản thanh toán định kỳ cho khách thuê trọ. Với nền tảng này, chỉ cần một chiếc điện thoại di động có kết nối Internet, chủ nhà trọ có thể dễ dàng tải ứng dụng, rồi nhập thông tin nhà trọ của mình và các khách thuê trọ vào hệ thống phần mềm.

Nền tảng nhà trọ CĐS còn cung cấp cho mỗi nhà trọ một mã QR-code. Khách thuê có thể dễ dàng quét khai báo đăng ký thuê phòng và trả phòng bằng cách quét QR-code này, các thông tin khai báo sẽ tự động hiển thị lên phần mềm để chủ trọ có thể theo dõi và quản lý. Đây cũng được coi như một hình thức khai báo lưu trú với công an phường mà không phải làm các thủ tục hồ sơ, giấy tờ như trước kia. Trong trường hợp khách chuyển đi cũng chỉ cần làm thủ tục quét mã QR thông báo là hệ thống tự động cập nhật.

Từng bước hình thành mô hình “phường thông minh”

Nâng cao chất lượng dịch vụ công với hệ thống hành chính Một cửa điện tử

Sau khi ban hành Kế hoạch CĐS, phường Phương Canh đã nhanh chóng triển khai nâng cấp hệ thống hành chính Một cửa điện tử. Và ngay sau khi đi vào hoạt động, phường đã xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng cán bộ liên quan trong từng công đoạn để công việc không bị chồng chéo, hoạt động hiệu quả hơn.

Một buổi hướng dẫn người dân sử dụng DVC trực tuyến bằng các ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Sau một thời gian triển khai, tỷ lệ người dân sử dụng hệ thống duy trì 92,78% (một số trường hợp không sử dụng do chưa có CCCD gắn chip, CMT cũ…); Tỷ lệ người dân sử dụng hệ thống để đánh giá cán bộ phục vụ TTHC đạt trung bình khoảng 47,88%.

Từ khi hệ thống Một cửa điện tử được triển khai, việc khai báo thủ tục được tiến hành nhanh hơn, giảm thời gian chờ đợi cho người dân.

Từ khi hệ thống Một cửa điện tử được triển khai, việc khai báo thủ tục được tiến hành nhanh hơn, giảm thời gian chờ đợi, cán bộ tại hệ thống Một cửa điện tử cũng có nhiều thời gian để trả lời, giải đáp các phản ánh, thắc mắc của người dân về các TTHC phức tạp.

Trong thời gian tới, phường sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa để hướng tới dịch vụ công cấp độ 3, 4, để giúp người dân và các cán bộ làm công tác hành chính giải quyết công việc nhanh hơn, hiệu quả và tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân.

Hệ thống Camera an ninh - mô hình thí điểm kiểu mẫu trong việc đảm bảo trật tự an ninh đô thị

Sau một thời gian triển khai, phường đã hoàn thiện Trung tâm chỉ huy với Hệ thống giám sát an toàn trật tự xã hội (60 điểm camera giám sát, kết nối trực tiếp về Trung tâm Chỉ huy); tổ chức giám sát thời gian thực nhằm đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn phường.

Có thể nói, trong khoảng hơn 3 tháng triển khai, hệ thống camera an ninh đã mang lại giải pháp tích cực cho lực lượng công an phường Phương Canh trong việc giữ gìn trật tự an ninh. Hệ thống camera đã hỗ trợ tích cực trong việc xử phạt vi phạm đô thị, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Các hiện tượng họp chợ tại đường 32, chợ Nhổn cũng giảm do các thông tin phán ánh của camera báo về được công an phường xử lý và giải quyết nhanh chóng.

Ứng dụng các công nghệ hiện đại vào hệ thống camera, công an phường cũng đã nhanh chóng thiết lập quy trình đầu mối người có trách nhiệm giải quyết các vụ việc và cập nhật các ứng dụng công nghệ, xây dựng dữ liệu hình ảnh đầu vào nhận dạng đối tượng tình nghi để cảnh báo kịp thời cho công an phường xử lý. Cụ thể, hệ thống cũng đã cập nhật khoảng 12 đối tượng giám sát (về tiền án, tiền sự, đối tượng truy nã, biểu hiện nghi vấn, trộm cắp, truyền bá tôn giáo không đúng quy định, phương tiện giao thông đỗ, dừng không đúng quy định…); Hỗ trợ công an phường phát hiện, xử lý 109 trường hợp vi phạm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Phường. Đặc biệt, tình hình tội phạm trên địa bàn giảm khoảng 90% so với trước khi có hệ thống camera.

Để đạt được kết quả như vậy, phường Phương Canh đã nhận được sự tin tưởng và đồng lòng ủng hộ của người dân tham gia. Người dân hiểu lợi ích của việc lắp đặt camera vì an toàn của chính mình nên đã tự nguyện hỗ trợ kết nối internet và điện, vị trí lắp đặt camera. Với những hiệu quả rõ rệt trong việc đảm bảo trật tự an ninh đô thị, đây có thể coi là một mô hình thí điểm kiểu mẫu có thể triển khai rộng rãi.

Zalo OA - đưa chính quyền đến gần người dân hơn

Trước đây, việc thông tin tuyên truyền tại phường chủ yếu vẫn được triển khai qua loa phát thanh và gửi thông báo bằng văn bản qua tổ dân phố. Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các nền tảng công nghệ tin tức, nhu cầu về thông tin của người dân cũng ngày càng cao. Nhận thức được vấn đề đó, phường đã đặt ra yêu cầu cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả giao tiếp giữa chính quyền và người dân trên địa bàn phường.

Là một trong những mục tiêu đặt ra trong kế hoạch CĐS, UBND phường đã triển khai kênh Zalo OA từ tháng 4/2023. Để thực hiện hiệu quả kế hoạch đề ra, UBND phường Phương Canh đã phối hợp với các lực lượng trên địa bàn Phường và Trường Cao đẳng công nghệ FPT Polytechnic triển khai chiến dịch “đi từng ngõ, gõ từng nhà” kêu gọi người dân tham gia kênh Zalo OA. Chỉ trong vòng chưa đầy 02 tháng, gần 13 nghìn người, tương ứng với 100% dân số trên 14 tuổi của Phường đã tham gia kênh Zalo OA, đã cho thấy sự quan tâm của người dân đối với các hoạt động trên địa bàn Phường là rất lớn.

Ngoài ra, để khai thác hiệu quả kênh Zalo OA, UBND Phường cũng đã giao nhiệm vụ cho 01 đồng chí Phó Chủ tịch phường chỉ đạo duy trì, phát triển kênh và thành lập một nhóm tin tức, viết, đăng tin bài trên kênh hàng ngày. Đến nay, kênh Zalo OA vẫn duy trì đưa tin bài thường xuyên (01 tin/ngày), hơn 120 tin bài đã được đưa lên kênh. Bên cạnh đó, UBND Phường cũng đã ban hành quy trình phân công nhiệm vụ rõ ràng đối với từng cán bộ có trách nhiệm trả lời từng kiến nghị, đề xuất của người dân phản ánh qua kênh Zalo OA. 100% các phản ánh, khiếu nại qua kênh đều được phường trả lời.

Chia sẻ về hiệu quả của kênh Zalo OA, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch phường Phương Canh cho biết: “Kênh Zalo OA đã thực sự giúp cán bộ Phường tuyên truyền cho người dân một cách dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng hơn. Trước đây, mỗi khi muốn phổ biến cho người dân về các nội dung mới, chúng tôi có thể mất cả tháng, tổ chức nhiều hội nghị, mất nhiều thời gian và tốn kém. Nhưng với kênh Zalo OA, chúng tôi có thể thông tin đến cho người dân ngay lập tức; đồng thời có thể tiếp nhận phản ánh của người dân để xử lý kịp thời các điểm nóng trên địa bàn Phường”.

Chỉ trong hơn 3 tháng triển khai, kết quả đã cho thấy việc sử dụng Zalo OA là bước đột phá về phương thức tuyên truyền của chính quyền Phường để thông tin giữa chính quyền và người dân được kịp thời, hiệu quả, và gắn kết hơn.

Mô hình "Nhà trọ Chuyển đổi số Phương Canh" - Nâng cao giá trị nhà trọ trên địa bàn phường

Sau 3 tháng tích cực tuyên truyền và triển khai phần mềm quản lý nhà trọ trên địa bàn phường Phương Canh với 4 hội nghị về CĐS nhà trọ cho toàn phường, 100% nhà trọ đã cung cấp thông tin lên nền tảng, gần 50% (hơn 4,3 nghìn khách trọ) trên địa bàn phường đã khai báo trên nền tảng; gần 46% (2,2 nghìn phòng trọ) đã khai báo thông tin trên nền tảng và đều có những phản hồi tích cực.

Trên thực tế, trước đây việc quản lý nhà trọ hoàn toàn dựa trên việc ghi chép bằng tay, các thông tin phòng thuê, khách thuê, các hợp đồng, hóa đơn đều được thực hiện theo cách truyền thống. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc quản lý, theo dõi tình trạng phòng, khách thuê... và đây cũng là tình trạng chung của các chủ nhà trọ trên địa bàn phường. Tuy nhiên, từ khi phần mềm quản lý nhà trọ được triển khai rộng rãi, các vấn đề này có thể được giải quyết một cách dễ dàng hơn.

100% nhà trọ đã cung cấp thông tin trên Phần mềm quản lý nhà trọ, gần 50% (hơn 4,3 nghìn khách trọ) trên địa bàn phường đã khai báo trên nền tảng.

Ngoài việc giúp các chủ nhà trọ tối ưu hóa trong việc quản lý phòng trọ, tiện ích đối với khách thuê, phần mềm quản lý nhà trọ còn giúp cơ quan công an thực hiện tốt công tác quản lý di biến động dân cư trên địa bàn, nhất là số người ở địa phương khác đến sinh sống, công tác, học tập, làm việc… cũng như kịp thời phát hiện các đối tượng vi phạm pháp luật ở nơi khác đến cư trú bất hợp pháp trên địa bàn. Bằng việc khai thác, sử dụng những thông tin khai báo trên phần mềm, cán bộ công an có thể thực hiện nghiệp vụ cư trú, đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú; xác minh, trao đổi thông tin trên hệ thống kịp thời, quản lý chặt chẽ và chính xác người thuê trọ.

Khó khăn và bài học kinh nghiệm thực tiễn

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện CĐS tại phường Phương Canh cũng gặp những khó khăn, thách thức nhất định. Do chưa hiểu rõ mục tiêu CĐS, cũng như chưa nắm được những lợi ích của CĐS đối với cuộc sống hằng ngày và thấy ngại khi phải học điều mới nên thời gian đầu người dân không thực sự hưởng ứng.

Sau một thời gian triển khai thực tiễn tại phường với những khó khăn, thách thức, Tổ công tác CĐS cũng đã rút ra được những bài học kinh nghiệm để từ đó có những giải pháp triển khai đạt hiệu quả cao hơn trong những giai đoạn sau.

Thứ nhất, cần phải hiểu thực tiễn, hiện trạng tại địa phương. Khi bắt đầu triển khai cần phải xác định và đánh giá cụ thể, rõ ràng các điều kiện về con người, hạ tầng, trình độ, điều kiện tiếp cận công nghệ của người dân tại địa bàn thực hiện, để từ đó xây dựng các nội dung cần triển khai phù hợp và sát với tình hình thực tế của địa phương, cũng như lựa chọn được phương án triển khai thích hợp đảm bảo đúng mục đích đề ra.

Thứ hai, lấy người dân làm trung tâm. Quá trình thực hiện phải đặt người dân vào trung tâm của sự chuyển đổi, đáp ứng tốt nhất lợi ích cho người dân, DN. Phải tuyên truyền sâu, rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu thế nào là CĐS, CĐS ở lĩnh vực nào, mang lại lợi ích ra sao cho người dân, thì quá trình triển khai thực hiện mới có thể thuận lợi, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân.

Thứ ba, sự đồng lòng, quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, phát huy vai trò người đứng đầu tại địa phương. Lãnh đạo địa phương, cán bộ, công chức phải có sự quyết tâm cao, vào cuộc tích cực trong quá trình triển khai thực hiện; vận dụng sáng tạo các nội dung vào điều kiện đặc thù của địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng cá nhân để kế hoạch được triển khai một cách đồng nhất và hiệu quả.

Thứ tư, chủ động tìm cái mới để thực hiện. Trong quá trình triển khai cần phải phát huy được tính chủ động trong việc tìm tòi những cái mới, những vấn đề mà người dân và địa phương đang gặp khó khăn, cần giải quyết để đề xuất tìm và áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp.

Thứ năm, phát huy sức mạnh của các lực lượng hiện tại. Động viên, phát huy sức mạnh của các lực lượng tại địa phương như: Tổ công nghệ số cộng đồng, Đoàn thanh niên (hai lực lượng nòng cốt hỗ trợ về công nghệ), Hội phụ nữ, lực lượng cán bộ tổ dân phố (bí thư, tổ trưởng) là các lực lượng mang tính tuyên truyền, động viên.

Giai đoạn phát triển tiếp theo

Trước hết, phường cần duy trì và sử dụng có hiệu quả, bền vững (theo chiều sâu) các nội dung đã triển khai, tiếp tục phối hợp với các đơn vị hoàn thiện và tối ưu các nội dung triển khai, phát huy tối đa hiệu quả khi đưa vào sử dụng.

Thứ hai, tiếp tục bám sát Kế hoạch số 151/KH-UBND phường đã ban hành để triển khai các nội dung còn lại cho phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về CĐS (thông qua các Hội nghị chuyên đề về CĐS), tích cực vận động người dân tham gia và sử dụng các dịch vụ, nền tảng mà phường đang triển khai.

Huy động thêm nguồn lực trên địa bàn phường để hỗ trợ, duy trì các nền tảng đã triển khai và các nền tảng chuẩn bị đi vào hoạt động bền vững.