Quy định mới giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp ô tô

Truyền thông - Ngày đăng : 16:33, 30/09/2022

Trong bối cảnh phát triển mới của kinh tế toàn cầu, các quy định về tỷ lệ nội địa hóa ô tô được cho là không còn phù hợp. Vì thế, bắt đầu từ 1/10, quy định tính tỷ lệ nội địa hoá ô tô theo mức độ rời rạc bị bãi bỏ.

Trước đây, quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu được áp dụng để phục vụ cho phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô (tính điểm theo mức độ rời rạc). Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành các quy định này nhằm thực hiện “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020" của Thủ tướng. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mới của kinh tế toàn cầu, các quy định về tỷ lệ nội địa hóa ô tô được cho là không còn phù hợp. Hiện nay, trên thế giới và cả trong nước, quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô đã có nhiều thay đổi. Việc bãi bỏ các quy định này được các chuyên gia đánh giá phù hợp với tình hình mới, đảm bảo tính hợp lý, giúp ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển.

Chính vì thế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 11/2022/TT-BKHCN về việc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật, liên quan đến phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô kiểu cũ. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/10, các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô bị bãi bỏ. 

Như vậy, sau gần 20 năm, quy định liên quan tới tỷ lệ nội địa hóa và mức độ rời rạc của linh kiện ôtô nhập khẩu được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành chính thức được bãi bỏ, do không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ sản xuất ôtô.

Phù hợp với các điều ước và hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, thay đổi mới trong chính sách tính tỷ lệ nội địa hóa và mức độ rời rạc của linh kiện ôtô nhập khẩu không không phát sinh thêm các thủ tục hành chính. Ngoài ra, việc bãi bỏ quy định này cũng giúp các cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong việc quản lý lĩnh vực đầu tư và khoa học - công nghệ. Đặc biệt, các điều ước và hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước khác như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) được đảm bảo.

Chẳng hạn, theo quy định trước đây, Việt Nam tính tỉ lệ nội địa hóa ô tô theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước, tuy nhiên, để hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các nước ASEAN tính theo tổng giá trị của từng chi tiết cộng lại. 

Ngoài ra, quy định tính tỷ lệ nội địa hoá ô tô theo mức độ rời rạc sẽ không tạo động lực để các doanh nghiệp vươn lên, làm chủ công nghệ và sản xuất tại Việt Nam, từ đó giúp tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp phụ trợ. Quy định cũ chỉ khuyến khích sản xuất theo mô hình gia công.

Theo ý kiến các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ xem Việt Nam là thị trường tiêu thụ sản phẩm thuần túy, mà không mặn mà đầu tư nhà xưởng, đổi mới công nghệ khi chúng ta áp dụng phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hoá theo mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô như trước. Những doanh nghiệp này vì thế không đầu tư vào cơ sở ở Việt Nam để sản xuất linh phụ kiện cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ, khiến Việt Nam mất đi cơ hội tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị sản xuất của thế giới./.

Trần Cao