Tăng cường chất lượng bản mẫu sách giáo khoa

Truyền thông - Ngày đăng : 16:01, 29/09/2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn sách giáo khoa (SGK) theo quy định mới ngay từ việc lựa chọn tác giả, biên soạn và thực nghiệm bài dạy minh họa của bản mẫu SGK, tăng cường công tác thực nghiệm SGK, khai thác góp ý sau thực nghiệm… để tăng cường chất lượng bản mẫu SGK.

Ngày 29/9, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT) tổ chức Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng SGK giáo dục phổ thông (GDPT) và trưng bày SGK Việt Nam và các nước.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo một số trường đại học sư phạm; đại diện 63 Sở GD&ĐT và các đơn vị có chức năng, tham gia xuất bản SGK.

Hội thảo và Trưng bày sách giáo khoa giáo dục phổ thông được tổ chức trong 3 ngày (28, 29 và 30/9) nhằm đánh giá những kết quả biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành SGK; so sánh và đánh giá cụ thể sự khác biệt giữa việc biên soạn, thẩm định, xuất bản và phát hành sách giáo khoa trước đây với việc thực hiện theo chủ trương xã hội hóa hiện nay. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp trong những năm tiếp theo.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian tới sẽ bảo đảm SGK tinh giản tối đa kênh chữ, kênh hình, khai thác hiệu quả hình ảnh và ngữ liệu để đảm bảo hiệu quả bài học và giảm giá thành SGK. Chủ trương xã hội hóa SGK đã huy động được nhiều tổ chức tham gia biên soạn SGK, đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình biên soạn SGK.

Đến nay, có 6 nhà xuất bản (NXB) tham gia biên soạn, phát hành SGK môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp. Đông đảo đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, có kinh nghiệm thực tế và năng lực biên soạn SGK đến từ các trường đại học sư phạm, các trường đại học chuyên ngành, các viện nghiên cứu và cơ sở GDPT tham gia. Trong đó, có nhiều tác giả là Tổng chủ biên, Chủ biên và thành viên biên soạn chương trình GDPT 2018; tham gia biên soạn, bồi dưỡng các môđun triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018.

Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK quy định cụ thể 5 tiêu chuẩn về SGK làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định SGK, căn cứ vào các tiêu chuẩn về điều kiện tiên quyết, nội dung, cấu trúc, phương pháp giáo dục, ngôn ngữ sử dụng với 13 tiêu chí và đã được cụ thể hóa thành 40 chỉ báo bảo đảm cho tổ chức, cá nhân biên soạn các bản mẫu SGK khác nhau có ý tưởng thể hiện khác nhau nhưng đều đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018.

Các SGK có những sáng tạo riêng trong cách thức trình bày, thể hiện nội dung đối với cùng một yêu cầu cần đạt trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục. Các SGK khác nhau lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh khác nhau, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá được lựa chọn khác nhau làm đa dạng các bộ SGK, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các địa phương với sự khác biệt đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành cho rằng về ưu điểm, cấu trúc các bản mẫu SGK cơ bản đáp ứng, đồng nhất về cấu trúc, nội dung theo quy định về SGK. Ngữ liệu, hình ảnh được sử dụng không vi phạm quy định về chủ quyền quốc gia, thân nhân tác giả, không có vấn đề mang tính nhạy cảm về chính trị, ngoại giao, dân tộc, tôn giáo.

Trong thời gian tiếp theo, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn SGK theo quy định tại Thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT ngày 19/03/2022 sửa đổi Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT ngay từ việc lựa chọn tác giả, biên soạn và thực nghiệm bài dạy minh họa của bản mẫu SGK, đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lộ trình; tăng cường công tác thực nghiệm SGK, khai thác góp ý sau thực nghiệm, xin ý kiến nội bộ để tăng cường chất lượng bản mẫu SGK, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Tăng cường chất lượng bản mẫu sách giáo khoa - Ảnh 1.

Tăng cường chất lượng bản mẫu sách giáo khoa - Ảnh 2.

Tăng cường chất lượng bản mẫu sách giáo khoa - Ảnh 3.

Ngoài hội thảo còn có hoạt động trưng bày bao gồm: Trưng bày, giới thiệu lịch sử phát triển sách giáo khoa giáo dục phổ thông Việt Nam qua các thời kỳ, theo các mốc thay sách: 1956, 1976, 2002, 2020; trưng bày và giới thiệu sách giáo khoa của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Mỹ, Anh... Ngoài ra, một số sách chất lượng cao, sách được giải thưởng quốc gia và sách giáo khoa điện tử thuộc các bộ sách hiện hành cũng sẽ được trưng bày, giới thiệu.

Tăng cường chất lượng bản mẫu sách giáo khoa - Ảnh 4.

Tăng cường chất lượng bản mẫu sách giáo khoa - Ảnh 5.

Ngoài việc giới thiệu cho người xem những bộ SGK của Việt Nam và thế giới, hoạt động trưng bày còn cung cấp các thông tin so sánh về quy cách của sách giáo khoa Việt Nam và sách giáo khoa của các nước theo các tiêu chí cụ thể; cùng với đó là giới thiệu các hoạt động thực hành với SGK  được nhiều nước trên thế giới thực hiện./.

Thu Hiền