Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập

Truyền thông - Ngày đăng : 14:25, 29/09/2022

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp lớn vào nền kinh tế chung của đất nước

Theo Nghị quyết 20-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Tại Việt Nam, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã hình thành và phát triển được gần 70 năm. Trải qua các thời kỳ phát triển, chính sách phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn được định hướng với bản chất, giá trị và các nguyên tắc hoạt động phù hợp với các chính sách phát triển kinh tế thị trường, theo hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.

Trong định hướng phát triển đó, các chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể luôn được Chính phủ quan tâm xây dựng và hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Nhờ đó, khu vực kinh tế tập thể đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về chính sách và pháp luật rõ ràng hơn, quá trình phát triển mạnh mẽ hơn cùng với sự mở rộng về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, gia tăng tính liên kết giữa các đơn vị và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Riêng tại TP.HCM, số lượng tổ hợp tác, hợp tác xã đã tăng mạnh trong những năm qua. Hiện nay, TP.HCM đang có khoảng 2.800 tổ hợp tác, 704 hợp tác xã đăng ký hoạt động và 8 liên hiệp hợp tác xã. So với năm 2002, số lượng tổ hợp tác tại TP.HCM đã tăng 1.691 tổ, số lượng hợp tác xã tăng 363 đơn vị và số lượng liên hiệp hợp tác xã tăng 4 đơn vị. 

Thành phố có 51.000 thành viên tham gia các mô hình kinh tế tập thể, trong đó, 22.000 người là lao động thường xuyên. Tính bình quân, khu vực kinh tế tập thể tại TP.HCM có nguồn vốn sản xuất kinh doanh đạt 23.000 tỷ đồng, tăng gấp 17,3 lần so với năm 2002; tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn khu vực kinh tế tập thể đạt 9.500 tỷ đồng tăng gấp 15,34 lần so với năm 2002.

Tìm cách tháo gỡ khó khăn, tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Qua từng giai đoạn, kinh tế tập thể đã phát triển và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, kinh tế tập thể vẫn chưa tạo được đột phá mạnh mẽ sau nhiều năm thực hiện chính sách đổi mới. Nguyên nhân nằm ở nhiều nút thắt. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022. Tại Diễn đàn, nhiều đại biểu đánh giá khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu và mong muốn. 

Hoạt động đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các hợp tác xã vẫn còn yếu kém năng lực, vì vậy chưa thúc đẩy được hiệu quả hoạt động. Hơn nữa, mô hình tổ chức ở  một số nơi còn lỏng lẻo, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã có nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là các hợp tác xã chưa theo kịp tình hình hoạt động, chậm tiến hành chuyển đổi số cũng như thiếu các chiến lược cụ thể, hành động mạnh mẽ.

Để tháo gỡ khó khăn, thách thức cho kinh tế tập thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã phải thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh một cách chủ động; học hỏi và tiến hành chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới.

Thủ tướng khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển khu vực kinh tế tập thể.

Vì vậy, khu vực kinh tế tập thể phải thay đổi tư duy nhận thức và hành động, tìm tòi những phương thức hoạt động mới, gắn với chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới. Chuyển đổi mô hình kinh tế tập thể một cách linh hoạt, phù hợp và đạt hiệu quả cao, đồng thời tối ưu chi phí, tăng nguồn lực cho sự phát triển.

Chuyển đổi số được xem là chiến lược tất yếu, bắt buộc mà các hợp tác xã, khu vực kinh tế tập thể phải thực hiện. Hiện nay, các ngành nghề, lĩnh vực, các tổ chức doanh nghiệp tại Việt Nam đang triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ, sâu rộng. Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, chuyển đổi số đã trở thành yêu cầu bắt buộc của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, doanh nghiệp nhằm đảm bảo vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. 

Không chỉ trong thời kỳ đỉnh điểm của dịch bệnh, mà ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát, các tổ chức vẫn đang tiếp tục chuyển đổi số và xem đó là công tác trọng tâm, giúp các đơn vị kinh tế nhanh chóng phục hồi, phát triển bền vững, đồng thời hội nhập quốc tế. Chính phủ định hướng nội lực sẽ nguồn lực cơ bản, mang tính chiến lược và quyết định, lâu dài, trong khi đó ngoại lực là là nguồn lực quan trọng và đột phá. Ngoài ra, các cấp, các ngành sẽ đồng thời tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng.

Mục tiêu thành lập mới 10.000 tổ chức kinh tế tập thể vào năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, theo đúng định hướng trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương nhằm sớm cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW. 

Trong đó, các đơn vị xác định nhiệm vụ trọng tâm và tập trung triển khai, bao gồm xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã; cơ sở dữ liệu chuyên ngành về hợp tác xã cần được xây dựng và liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành khác nhằm phục vụ công tác chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu. Các đơn vị, ban ngành chức năng cần tập trung xây dựng một số nền tảng số về thông tin thị trường, khoa học công nghệ để phục vụ, hỗ trợ cho các hợp tác xã; triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi, tư vấn pháp luật, chính sách và đào tạo sử dụng sàn giao dịch điện tử …

Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong hội nhập quốc tế - Ảnh 1.

Các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động và có nhu cầu phát triển, mở rộng sẽ được hỗ trợ

Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đến năm 2025 thành lập mới 10.000 tổ chức kinh tế tập thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với Chương trình này, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã sẽ được hỗ trợ phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên sẽ được chú trọng đặc biệt, từ đó giúp toàn dân nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng được tăng cường năng lực để phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực. 

Chương trình sẽ hỗ trợ các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động, hoạt động kém hiệu quả hoặc những tổ chức có nhu cầu phát triển, mở rộng. Năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân sẽ được nâng cao trong xu thế hội nhập quốc tế. 

Hiện nay, các mô hình kinh tế tập thể được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh khuyến khích chủ động cải thiện, nâng cao nội lực, thích ứng với điều kiện kinh tế thị trường. Thành phố đặt mục tiêu sẽ phát triển thêm 150 hợp tác xã, 2 Liên hiệp hợp tác xã đến năm 2025.

Khẳng định tầm quan trọng của kinh tế tập thể, TP.HCM nỗ lực nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể bằng cách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các hợp tác xã.

Hoạt động hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, hộ nông dân được thành phố đánh giá cao, nhằm gắn kết chuỗi giá trị sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, các hợp tác xã được hướng dẫn tổ chức hoạt động thương mại điện tử để chuyển đổi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Mô hình hợp tác xã nông nghiệp sẽ được mở rộng và phát triển hiệu quả trong thời gian tới./.


Trần Cao