Chiến lược đúng đắn giúp HDBank đột phá trên hành trình chuyển đổi số

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 13:17, 29/09/2022

Trở thành ngân hàng số hàng đầu là mục tiêu của nhiều ngân hàng thương mại hiện nay, trong đó có HDBank. Từ nhiều năm qua, HDBank đã xác định đầu tư công nghệ với chuyển đổi số (CĐS) là yếu tố bắt buộc và định hướng trở thành ngân hàng số hạnh phúc "Happy Digital Bank".

Những hướng đi cụ thể trong chiến lược CĐS của HDBank

Xác định CĐS là mục tiêu phát triển bền vững, HDBank đã tập trung vào xây dựng hạ tầng công nghệ và số hóa nền tảng thanh toán, ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm CĐS cho biết, CĐS tại HDBank là tập trung vào trải nghiệm khách hàng, mang đến những trải nghiệm mới và tăng tính gắn kết của người dùng dịch vụ với ngân hàng. Bên cạnh đó, CĐS cũng hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả, phân bổ chi phí hợp lý, tận dụng tối ưu nguồn lực.

Một loạt các dự án trọng điểm, hướng tới số hóa toàn hàng đã được HDBank thành công triển khai. Với khối front-end, HDBank thực hiện số hóa toàn hành trình mở tài khoản tại quầy, rút ngắn thời gian giao dịch cho cả nhân viên và khách hàng. Theo đó, HDBank ứng dụng hiệu quả công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR), sinh trắc học (biometrics) và định danh khách hàng (eKYC). Ngoài ra, HDBank cũng phát triển ứng dụng Neo Bank Mobile, vượt quan những rào cản vật lý. Với khối back-end, tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) được HDBank lựa chọn để tiếp nối hành trình số hóa.

"Ứng dụng robot là bước đi chiến lược, giúp cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng qua kênh số. Bằng cách giải phóng các quy trình lặp đi lặp lại trước đây được thực hiện thủ công, tốc độ xử lý giao dịch/yêu cầu tăng gấp nhiều lần, và độ chính xác gần như tuyệt đối, khách hàng sẽ được chăm sóc tốt nhất mà không mất thời gian chờ đợi, nhất là trong các thời gian cao điểm, ngoài giờ, trải nghiệm tuyệt vời của khách hàng cũng giúp họ ngày càng gắn bó với ngân hàng", ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cho biết.

Chiến lược đúng đắn giúp HDBank đột phát trên hành trình CĐS - Ảnh 1.

Nhờ sự chuẩn bị kỹ càng và chiến lược đúng đắn, HDBank đã duy trì mức tăng trưởng ấn tượng trong thời đại dịch. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng giao dịch e-bank tăng gấp đôi cùng kỳ với giá trị giao dịch gần chạm mức 60.000 tỷ đồng. Với riêng công nghệ RPA, HDBank tăng tốc xử lý hồ sơ nhanh gấp 30 lần, đưa lượng dữ liệu tồn đọng về 0.

Cũng trong năm 2021, HDBank đạt giải thưởng Ngân hàng số tốt nhất Việt Nam do Tạp chí Asiamoney bình chọn và giải thưởng Ngân hàng CĐS xuất sắc nhất Việt Nam do Tạp chí Global Brand bình chọn. Đây là những minh chứng rõ ràng cho vị thế tiên phong của HDBank trên cuộc đua CĐS khối ngân hàng.

Chia sẻ về chiến lược CĐS tại HDBank tại tọa đàm trực tuyến "Ngành Ngân hàng tiên phong CĐS: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi" diễn ra mới đây, ông Nguyễn Phúc Dương, Phó Giám đốc Khối công nghệ thông tin và Ngân hàng điện tử HDBank kiêm Phó Giám đốc Trung tâm CĐS cho biết: "HDBank xác định chiến lược CĐS rất quan trọng. HDBank đã làm việc với đối tác hàng đầu thế giới là BCG để tư vấn chiến lược chuyển đổi 5 năm cho CĐS cũng như triển khai chiến lược kinh doanh 5 năm. Dựa vào đó, từ năm 2020, HDBank đã thành lập trung tâm CĐS và chú trọng tuyển dụng các nhân tài trong và ngoài nước giỏi ngoại ngữ, các công nghệ về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain và kỹ năng làm việc nhóm để thúc đẩy quá trình CĐS ngân hàng triển khai nhanh nhất".

Tiên phong CĐS để phát triển đột phá

Đi đầu trong đầu tư công nghệ, tiên phong CĐS, tiềm lực tài chính vững vàng, kết hợp với những đối tác công nghệ hàng đầu trong nước và quốc tế, trong đó có FPT, HDBank đã triển khai CĐS mạnh mẽ. Các giá trị lớn mà HDBank theo đuổi chính là khai phá mọi tiềm năng của ứng dụng công nghệ để thực thi cam kết lợi ích cao nhất, mở rộng tiện ích và trải nghiệm tại "Happy Digital Bank" cho khách hàng, đối tác và cho cả những nhân sự trong hệ sinh thái số hóa của mình.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Phúc Dương, HDBank xác định rõ các nội dung chính cần tập trung. CĐS ngoài yếu tố đầu tư công nghệ thì yếu tố quan trọng hơn nữa là con người và quy trình. Đối với con người, làm sao xây dựng được đội ngũ trung tâm CĐS phối hợp chặt chẽ với khối công nghệ. Con người là nhân sự của ngân hàng. Vì mình số hóa các quy trình, giảm thiểu thời gian thực hiện giao dịch thì có thể ảnh hưởng các hoạt động truyền thống của mình. Như vậy, làm sao để thay đổi được tư duy của các nhân sự đó, họ nhận thức được vấn đề và họ sẽ hỗ trợ việc thúc đẩy CĐS nhanh hơn.

Thứ hai là quy trình. Quy trình trước đây rất nhiều bước, bây giờ ứng dụng số hóa vào thì có thể rút ngắn rất nhiều nên giảm thiểu và tiết kiệm được nhiều chi phí cho ngân hàng. Ở đây tập trung vào các nhánh chính HDBank đang xác định là thứ tự ưu tiên và làm quyết liệt trong vòng 2 năm vừa qua.

Nhánh đầu tiên là tập trung vào hành trình của khách hàng, cá nhân và doanh nghiệp để làm sao đơn giản hóa và lấy khách hàng làm trọng tâm. Nhiều ngân hàng cũng làm CĐS nên sản phẩm của HDBank phải có gì khác biệt. Đơn giản là chỉ một vài bước phải mở được tài khoản khách hàng thông qua eKYC, xác thực căn cước công dân tại quầy hoặc thông qua ứng dụng di động của HDBank cũng như thông qua ATM. Như vậy, khách hàng mới sẽ thích thú và sử dụng nhiều dịch vụ của HDBank hơn, gia tăng số lượng khách hàng cho HDBank.

Nhánh thứ hai là tập trung vào phân tích dữ liệu của hệ sinh thái số, nếu được khai thác tốt thì sẽ hỗ trợ rất lớn cho kế hoạch của HDBank. Như vậy, cần có các chuyên gia có kinh nghiệm về AI, dữ liệu lớn và blockchain để có thể phân tích đưa ra các mô hình dữ liệu này, từ đó có thể đưa ra các sản phẩm dịch vụ, có góc nhìn 3600 về khách hàng, từ đó có nhiều dịch vụ gắn kết khách hàng với ngân hàng hơn.

Điểm thứ ba rất quan trọng là về an toàn thông tin. Do đó, ngoài yếu tố ngân hàng chủ động đầu tư đội ngũ an ninh thông tin, giám sát các giao dịch cũng như các hệ thống cung cấp dịch vụ trực tuyến cho khách hàng, ngân hàng cũng tăng cường quá trình đào tạo cũng như phổ biến cho nhân sự của ngân hàng, cập nhật nhanh các lỗi liên quan đến bảo mật để đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động được an toàn nhất.

Thứ tư là quy trình. Trong ngân hàng có rất nhiều quy trình, ví dụ để ứng dụng robot tự động hóa các quy trình đó thì cần triển khai từng bước một, cần xác định được cái nào là quan trọng để tập trung xử lý. HDBank tiến tới trong thời gian sớm nhất sẽ số hóa triệt để các quy trình và các hoạt động giao dịch./.

TH