Bắc Giang quyết tâm nâng hạng chỉ số PCI
Truyền thông - Ngày đăng : 11:42, 29/09/2022
Năm 2022, Bắc Giang đặt mục tiêu nâng chỉ số PCI của tỉnh tối thiểu đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố và phấn đấu đến năm 2025 đứng trong top 15 cả nước. Để đạt được mục tiêu này, tất nhiên cần có sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan, ban ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Năm 2021 Bắc Giang xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố
Cuối tháng 4/2022, VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021. Theo đó, báo cáo PCI 2021 ghi nhận những chuyển biến tích cực về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh qua thời gian. Cộng đồng doanh nghiệp (DN) đánh giá cao chính quyền nhiều tỉnh, thành phố về sự năng động, tiên phong, tinh thần làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề mới, cấp bách từ thực tiễn. Mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19, khảo sát DN đã chỉ ra nhiều điểm sáng của môi trường kinh doanh các tỉnh, thành phố, chẳng hạn: Chi phí không chính thức tiếp tục giảm trong nhiều thủ tục liên quan đến DN; Thủ tục hành chính tiếp tục được DN đánh giá có sự cải thiện nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT).
Bên cạnh đó, báo cáo PCI 2021 cũng chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục cải thiện như: Cải cách thủ tục cấp giấy phép kinh doanh; Việc tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh cho DN hay Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được triển khai hiệu quả và thực chất hơn nữa trên thực tế…
Theo công bố của VCCI, năm 2021, Bắc Giang đạt 64,74 điểm, tăng 0,76 điểm so với năm 2020 (63,98 điểm), tuy nhiên thứ hạng PCI năm 2021 của tỉnh giảm 04 bậc (xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố). Khá nhiều chỉ số thành phần của Bắc Giang xếp hạng cao như: Tỷ lệ DN phải chờ hơn 03 tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động xếp thứ 1/63; Tỷ lệ nhà cung cấp tư nhân và nước ngoài trên tổng số nhà cung cấp dịch vụ xếp thứ 8/63; Minh bạch trong đấu thầu xếp thứ 7/63; Tỷ lệ chi phí tuyển dụng trong tổng chi phí kinh doanh xếp thứ 7/63; Thủ tục hành chính (TTHC) nhanh chóng hơn là đặc quyền dành cho các DN lớn xếp thứ 7/63…
Tuy nhiên, Bắc Giang vẫn còn nhiều chỉ số thành phần xếp hạng thấp như: Các cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ DN dùng luật để khởi kiện khi có tranh chấp đạt 66,67%, xếp thứ 62/63; Thủ tục cấp bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa (DNNVV) dễ thực hiện đạt 45,16%, xếp thứ 63/63; Thủ tục để được miễn, giảm chi phí tư vấn thông tin thị trường khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên của cơ quan nhà nước (CQNN) dễ thực hiện đạt 55,56%, xếp thứ 61/63; Thủ tục để được miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách nhà nước về khởi sự kinh doanh và quản trị DN dễ thực hiện đạt 38,46%, xếp thứ 63/63…
Quyết tâm nâng chỉ số PCI năm 2022 tối thiểu xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố
Xây dựng một nền hành chính phục vụ, vì dân, trong sạch, chuyên nghiệp và hiện đại luôn cần sự chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt và quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Bắc Giang luôn xác định: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư, chủ động tháo gỡ khó khăn phát triển sản xuất… là một trong những nhiệm vụ giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển cũng như điều kiện thực tế hiện nay của địa phương.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Bắc Giang đã thu hút được tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,042 tỷ USD quy đổi, gấp 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, có 22 dự án trong nước được cấp mới với vốn đăng ký 5.551 tỷ đồng và cấp mới cho 18 dự án FDI, vốn đăng ký 269,63 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 7 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 80,4 tỷ đồng và 29 dự án FDI, vốn đăng ký tăng thêm 527,77 triệu USD.
So với cùng kỳ năm 2021, số dự án đầu tư trong nước tăng 1 dự án, vốn đăng ký mới gấp 3,7 lần (do cấp mới 02 dự án KCN Yên Lư và KCN Hòa Phú mở rộng). Số dự án FDI cấp mới tăng 1 dự án, vốn đăng ký bằng 41,9% so với cùng kỳ. Số vốn đăng ký bổ sung của các dự án FDI gấp 3,3 lần so với cùng kỳ. Việc nâng cao năng lực canh tranh cấp tỉnh sẽ tạo thêm nhiều niềm tin cho nhà đầu tư, DN, tạo được sự lan tỏa và kết quả thu hút đầu tư sẽ còn cao hơn nữa.
Để nâng hạng chỉ số PCI đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành, của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, đồng hành, trách nhiệm của người dân và DN, ngày càng thu hút nguồn lực đầu tư vào tỉnh, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả trong cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ngày 28/4/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Nghị quyết số 105-NQ/TU về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025.
Tiếp đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 293/KH-UBND ngày 26/6/2021 về Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021- 2025. Ngày 24/6/2022 UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến "Phân tích chỉ số PCI năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2022". Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương khẳng định: Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh phải là nhiệm vụ trọng tâm, từ cấp tỉnh đến cơ sở đều phải quyết tâm thực hiện và phải quyết liệt trong lãnh đạo chỉ đạo. Đây là cơ hội tạo ra sức lan tỏa sâu rộng tới từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động... về nhận thức và hành động trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Với mục tiêu xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh, để Bắc Giang thực sự là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Bắc Giang đặt quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022. Ngày 07/7/2022 UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 (KH số 418/KH-UBND) với các mục tiêu cụ thể: phấn đấu nâng điểm số PCI tỉnh Bắc Giang đạt 66,30 điểm, tăng 1,56 điểm so với năm 2021; xếp hạng tối thiểu 25/63 tỉnh, thành phố và nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế "khá" trên bảng xếp hạng cả nước; Tập trung cải thiện nâng cao điểm số của các chỉ số thành phần được gắn trọng số cao và ảnh hưởng lớn đến tổng điểm PCI gồm: khắc phục những hạn chế của 05 chỉ số giảm điểm năm 2021, đó là: "Chi phí gia nhập thị trường", "Cạnh tranh bình đẳng", "Đào tạo lao động", "Chi phí thời gian" và "Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh"; tiếp tục cải thiện điểm số, thứ hạng của 05 chỉ số tăng điểm năm 2021 đó là: "Chính sách hỗ trợ DN", "Tính minh bạch", "Tiếp cận đất đai", "Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự", "Chi phí không chính thức".
UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng cơ quan, đơn vị, đồng thời đưa ra hàng loạt giải pháp, bao gồm: Giải pháp về công tác chỉ đạo điều hành; Giải pháp về cải cách TTHC; Giải pháp về đối thoại, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN; Giải pháp nâng cao tính minh bạch; Giải pháp đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Nhóm giải pháp về tuyên truyền cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Ngày 19/8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục có văn bản chỉ đạo thực hiện giải pháp cải thiện các chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh tỉnh Bắc Giang. Chủ tịch yêu cầu các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố thực hiện nhất quán chủ trương đặt doanh nghiệp làm trung tâm cải cách, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Lãnh đạo các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố phải coi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên và trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Các cơ quan, sở, ngành trong tỉnh đang triển khai quyết liệt những phần việc được phân công, tất cả đang cho thấy một quyết tâm cao với sự nỗ lực, đồng sức, đồng lòng để đạt được mục tiêu đề ra./.