Sự lên ngôi của edtech khiến các đơn vị giáo dục cần thay đổi cách tiếp cận học viên
Truyền thông - Ngày đăng : 11:40, 29/09/2022
Ấn phẩm e-magazine 06 về marketing trong ngành giáo dục: "Làm mới đi, tại sao không?" với những chia sẻ sâu sắc về thị trường cũng như chiến thuật nắm bắt tâm lý của phụ huynh và học viên hiện nay được kỳ vọng sẽ giúp các tổ chức đào tạo có thêm góc nhìn mới mẻ để đưa ra những chiến lược tiếp thị khác biệt hoá trong tương lai, nhất là trước bối cảnh cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các thương hiệu giáo dục.
Theo đại diện Adsota, một trong những lý do quan trọng nhất giúp công ty đưa ra chủ đề cho số e-magazine lần này chính là việc sự thấu hiểu (insight) của người học thay đổi. Không còn "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó", sự phát triển của công nghệ thông tin đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của học viên. Va chạm với Internet từ sớm, nhu cầu tiếp nhận kiến thức của người học hiện nay trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Thay vì hỏi ý kiến cha mẹ, người học hiện nay có xu hướng tin tưởng ý kiến từ những người ảnh hưởng, bạn bè và thông tin do chính bản thân họ tra cứu trên mạng.
Bà Hoàng Thảo Anh, Giám đốc Marketing Adsota khẳng định: "Tổ chức đào tạo và các marketer giáo dục chắc chắn sẽ tìm thấy những thông tin có giá trị trong cuốn e-magazine 06 này. Ấn phẩm sẽ giúp các tổ chức giáo dục biết cách phân tích tâm lý và hành vi của học viên, hiểu xu hướng thị trường, từ đó tạo ra nền tảng vững chắc cho các chiến dịch tiếp thị và tuyển sinh hiệu quả hơn trong các mùa tiếp theo".
Thị trường giáo dục phát triển nhưng đầy cạnh tranh
Bên cạnh những chuyển biến trong tâm lý và hành vi, thị trường giáo dục hiện nay dù phát triển mạnh mẽ nhưng đồng thời tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt. Số liệu từ Tracxn Technologies ghi nhận, tính tới nay, nước ta có tới 260 thương hiệu công nghệ giáo dục (edtech) và 22 trường đại học cung cấp chương trình đào tạo từ xa với phương pháp giảng dạy e - learning. Việt Nam cũng là quốc gia có ngân sách đầu tư đáng kể vào thị trường giáo dục, chiếm 18% tổng ngân sách cả nước. Đồng thời, với sự phát triển của khoa học công nghệ và ảnh hưởng mạnh mẽ từ COVID-19, những mô hình đào tạo mới và cá nhân hóa hơn như edtech và tư thục cũng có cơ hội "nở rộ" tại Việt Nam, khiến thị trường giáo dục ngày càng phát triển, cạnh tranh hơn.
Bức tranh edtech Việt Nam. Nguồn: Technasia (2021)
Cùng với sự phát triển của các mô hình dạy học mới và chính sách mở cửa của chính phủ đối với các doanh nghiệp đầu tư tư nhân cũng thúc đẩy thị trường giáo dục tại Việt Nam trở thành một "miếng bánh" hấp dẫn hơn nhưng cũng "chật chội" hơn. Những cơ sở giáo dục không nắm được sự thay đổi trong tâm lý hành vi của học viên, không thiết lập rõ ràng lợi thế cạnh tranh, đột phá trong việc làm thương hiệu sẽ sớm rời xa tâm trí phụ huynh và học viên trong hành trình ra quyết định.
Đa dạng hoá điểm chạm của học viên tiềm năng qua các kênh trực tuyến
Ấn phẩm của Adsota cũng cho thấy, việc các đơn vị giáo dục sở hữu một website với thông tin rõ ràng và bắt mắt vẫn là một “điểm chạm” quan trọng các thương hiệu nên duy trì. Tuy nhiên, trình bày quá nhiều thông tin lên website lại khiến khách hàng khó khăn khi tìm kiếm thông tin về dịch vụ. Lúc này, sử dụng các Landing Page (trang điều hướng) sẽ giúp thông tin về dịch vụ dễ nhìn và mạch lạc hơn.
Ví dụ như trường đại học Phenikaa, trong chiến dịch tuyển sinh năm 2022, trường đã kết hợp cùng Adsota Agency tạo ra nhiều Landing Page. Mỗi trang như vậy thể hiện đầy đủ thông tin của một ngành: giới thiệu ngành, chỉ tiêu, các chuyên ngành, giảng viên, hệ thống môn học, trang thiết bị cơ sở, cơ hội việc làm,... Thậm chí, trường còn thiết lập hệ thống tư vấn tự động (chatbot) vào mỗi Landing Page để kịp thời giải đáp những thắc mắc phổ biến của phụ huynh/học sinh trong quá trình tìm hiểu thông tin. Những nỗ lực này giúp đại học Phenikaa được hàng ngàn học viên biết tới và tìm hiểu thông tin chỉ trong vài tháng.
Bên cạnh đó, số liệu từ Wearesocial ghi nhận, hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng Internet. Trong đó, thời gian lên mạng trung bình mỗi người chiếm gần 7 tiếng/ngày. Nghiên cứu sâu hơn, Adsota nhận thấy, hành trình của khách hàng trên Internet diễn ra linh hoạt và đa dạng. Tính riêng mạng xã hội, số người sử dụng 3 - 4 ứng dụng tại nước ta chiếm khoảng 67%, chủ yếu để kết nối với người thân và tìm kiếm thông tin về dịch vụ của thương hiệu. Do đó, đầu tư nguồn lực tiếp thị để gia tăng “điểm chạm” trên Internet, đặc biệt là mạng xã hội sẽ là hướng đi hiệu quả thu hút và tiếp cận đối tượng mục tiêu.
Tận dụng tầm ảnh hưởng của người nổi tiếng để lan tỏa những giá trị ý nghĩa
Khách hàng ngày càng cảnh giác với các thông điệp quảng cáo. Số liệu từ e-magazine 06 của Adsota ghi nhận 90% người tiêu dùng được hỏi tin tưởng đánh giá của người ảnh hưởng hơn quảng cáo từ các thương hiệu (30%). Ý kiến khách quan mang lại hiệu quả cao hơn, đặc biệt là từ những người có uy tín. Họ không chỉ là thầy cô giáo, ban phụ huynh lớp, học viên tiêu biểu, lãnh đạo nhà trường mà còn là những thần tượng của giới trẻ như ca sĩ, streamer, blogger, hay những cộng đồng nổi tiếng,... - những nhân vật hiện diện hàng ngày trong cuộc sống của phụ huynh và học viên.
Ví dụ, trường cao đẳng FPT Polytechnic là một trong những đơn vị đầu tiên mời các nghệ sĩ nổi tiếng như Sơn Tùng MTP, Da LAB, AMEE,... tham dự các sự kiện của trường. Sự xuất hiện của họ vừa là điểm mới lạ, vừa thu hút rất nhiều phụ huynh và học viên, tạo ra tiếng vang lớn với giới truyền thông, qua đó giúp FPT Polytechnic truyền tải thông điệp chào đón năm học mới đầy hứng khởi và hào hứng tới khách hàng mục tiêu của mình. Hay như đại học Phenikaa đã hợp tác với cộng đồng Nhà cấp 4 (hơn 1,3 triệu giới trẻ theo dõi) của Adsota Agency ra mắt Viral Video dạng Storytelling (kể chuyện) để quảng cáo tự nhiên thu về hàng trăm ngàn lượt tương tác.
Gia tăng hiệu suất với sức mạnh của công nghệ và khoa học dữ liệu
Cũng theo ấn phẩm của Adsota, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã mở ra kỷ nguyên mới cho các hoạt động tiếp thị, bao gồm cả tiếp thị giáo dục. Công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, kho dữ liệu khổng lồ, các công cụ quản trị hiệu suất,... tất cả giúp quá trình nghiên cứu, thấu hiểu, tiếp cận, kết nối, chuyển đổi, giữ chân đối tượng mục tiêu của các thương hiệu trở nên trơn tru và hiệu quả hơn.
Cụ thể, thấu hiểu khách hàng là bài toán nhiều thương hiệu giáo dục tiêu tốn nhiều nguồn lực nhất. Mặc dù đây được xem là hoạt động quan trọng để tinh chỉnh chiến lược tiếp thị hiệu quả hơn, nhưng quá trình xử lý dữ liệu đầu vào quá lâu sẽ là trở ngại lớn. Bảng khảo sát, những cuộc họp phụ huynh, phiếu đánh giá,... vừa lỗi thời, vừa mất thời gian. Thay vào đó, thương hiệu có thể thu thập thông tin khách hàng nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ của quảng cáo trực tuyến với nhân khẩu học, vị trí địa lý, tâm lý và hành vi của khách hàng. Những dữ liệu này nên được tổng hợp đầy đủ và phân tích bởi nhân sự có chuyên môn hoặc các đơn vị Agency để tìm ra insight nào (sự thật ngầm hiểu) cần được lưu tâm trong chiến lược Marketing của thương hiệu.
Hay như quá trình tiếp cận và kết nối với khách hàng tiềm năng, các thương hiệu có thể tạo ra những trải nghiệm thú vị như tổ chức hội thảo trực tuyến, ứng dụng công nghệ trường quay ảo, kết hợp công nghệ Hologram tạo ra hình ảnh bắt mắt,... những yếu tố không chỉ giúp bạn thu hút phụ huynh và học sinh mà còn khiến họ nhớ về bạn thật lâu cho tới tận khi ra quyết định./.