Chùa Vĩnh Nghiêm - “Đại danh lam cổ tự” Việt Nam
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 10:38, 29/09/2022
Tọa lạc trên vùng đất cổ thuộc thôn Ðức La (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang). Lịch sử ngôi chùa gắn liền với dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Trúc Lâm Tam Tổ. Hơn 700 năm trước, nhất là từ khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông quy y, chùa Vĩnh Nghiêm trở thành trung tâm Phật giáo cả nước, là nơi lưu trữ nhiều kinh sách, thuyết giảng và đào tạo hàng nghìn tăng đồ Thiền phái Trúc Lâm.
Khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm hiện tại rộng khoảng 2ha với các khối kiến trúc bao gồm: Tòa thiên đường, tòa thượng điện, nhà Tổ đệ nhất, gác chuông, nhà Tổ đệ nhị và một số công trình khác như cổng tam quan bên ngoài, bái đường bên trong, bia cổ ghi lại việc trùng tu chùa năm 1606, khu vườn tháp và khu vực các công trình phụ trợ.
Các khối kiến trúc chính trong chùa được thiết kế theo kiểu chữ công (Hán tự) với hoa văn trang trí khá đặc trưng của kiến trúc chùa cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nổi bật là lối trang trí đắp nổi hình cuốn thư và hồi văn, hoa lá chạy đường viền bao quanh bên cạnh các hoành phi đại tự sơn son thếp vàng cực lớn. Hiện tại, chùa Vĩnh Nghiêm cũng mới được trùng tu, mở rộng gần bằng với quy mô thời cực thịnh. Trong đó có khôi phục tam quan bằng gạch theo nền cũ với vỉa đá được tạc thành bậc hình rồng cuộn trong mây, thể hiện đậm nét nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc dân tộc truyền thống.
Bên cạnh những nét độc đáo về kiến trúc, văn bia, tấu chương, sớ, hoành phi câu đối… chùa Vĩnh Nghiêm còn giữ gìn và lưu trữ khá nhiều thư tịch cổ dưới dạng mộc bản (3.050 bản). Trong đó có những bộ kinh Phật quý như: Sa di tăng Sa di lì tỷ khiêu lỵ (348 giới luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ 15 (ghi lại quá trình hình thành Thiền phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Ðại thừa chỉ quán, Giới kinh ni... Ngoài ra, còn có 9 bộ sách lớn khắc gỗ bằng chữ Hán và chữ Nôm, nội dung chứa đựng các kiến thức về y học, văn học, pháp chú, luật giới nhà Phật. Loại sách kinh của bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm phần lớn là do các Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm sáng tác truyền lại.
Chùa còn có cả sách kinh Phật có nguồn gốc từ các nước có nền Phật học phát triển, được các Ðức Tổ thiền phái Trúc Lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam, ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Ðĩnh Chi và một số vị cao tăng khác. Từ nội dung được ghi trên các mộc bản này, có thể thấy rõ những tư tưởng, giáo lý, triết lý của Thiền phái Trúc Lâm một cách rõ nét nhất với các giá trị nhân văn sâu sắc và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Chưa kể, chúng ta cũng được biết một cách đầy đủ nhất là về thân thế, sự nghiệp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng như nhiều danh nhân văn hóa lịch sử khác của nước ta.
Những mộc bản kinh Phật lưu giữ ở chùa Vĩnh Nghiêm được xếp vào hàng "báu vật quốc gia", được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012. Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013. Chùa cũng đã được nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2016.
Vừa qua, chùa Vĩnh Nghiêm đã được Chính phủ phê duyệt quyết định quy hoạch và bảo tồn di tích Quốc gia đặc biệt trên tổng diện tích 40ha. Trong đó cơ bản vẫn giữ nguyên những kiến trúc cũ đồng thời tôn tạo, bổ sung một số công trình phụ trợ; mở rộng không gian cảnh quan chung quanh và kết nối với các di tích khác ở phụ cận như chùa Bổ Đà (Việt Yên, Bắc Giang); Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương); Tây Yên Tử (Sơn Động, Bắc Giang)…
Chùa Vĩnh Nghiêm mở cửa đón Phật tử và khách thập phương thăm viếng quanh năm. Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm diễn ra vào ngày 14/2 Âm lịch hàng năm, thu hút hàng vạn du khách tham quan, chiêm bái. Đến với Vĩnh Nghiêm, du khách có thể tìm hiểu về đạo Phật, kỹ thuật khắc gỗ để từ đó hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam… Du khách thập phương lòng thành hướng Phật, thắp nén hương thơm, hướng về tổ tông và chầm chậm, thanh thản vãn cảnh chùa trong không gian thanh tịnh thoang thoảng mùi trầm, mùi hương của những cây lan, cây đại được trồng rất nhiều trong chùa, trong đó có những cây được trồng từ hơn 300 năm trước. Hay chiêm ngưỡng cây hoa có cái tên thật lạ "hoa nhập nhân" có niên đại khoảng 700 năm được trồng ngay sau Nhà tổ Đệ nhất.../.