Người dùng smartphone dành gần 10 giờ/tháng sử dụng các nền tảng số Việt Nam

Make in Vietnam - Ngày đăng : 18:14, 26/09/2022

Số liệu thống kê sử dụng các nền tảng số được tổng hợp từ các hệ thống đo lường khách quan, tự động của Bộ TT&TT phản ánh xu hướng, mức độ sử dụng của người dân đối với các nền tảng số tại Việt Nam.

Mức độ sử dụng công nghệ số giúp thực hiện thực hóa khát vọng CĐS

Theo Bộ TT&TT, việc hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số (CĐS) phụ thuộc lớn vào khả năng, mức độ sẵn sàng sử dụng công nghệ số và các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số của người dân. Đo lường những thay đổi trong xu hướng, hành vi, thói quen của cá nhân là cần thiết để có thể điều hướng một thế giới số đang phát triển, phục vụ nhu cầu của con người và cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Báo cáo về Chỉ số xã hội số (Digital Societies in Asia Pacific: Progressing towards digital nations) của GSMA tháng 8/2022 cho thấy Việt Nam xếp thứ 7 trong các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương về xã hội số (sau Australia, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan và Malaysia). Trong đó, xếp thứ 5 điểm số về trụ cột thương mại số (digital commerce) và xếp thứ 7 điểm số về phong cách sống số (digital lifestyle).

Xu hướng người dùng các nền tảng số trên thiết bị di động vẫn đang tiếp tục gia tăng với số lượng lượt tải ứng dụng mới trên các thiết bị di động từ hai kho Google Play và Apple Store tại Việt Nam đạt khoảng 312 triệu lượt (tăng 19% so với tháng trước), trong đó chủ yếu là tải về từ kho ứng dụng Google Play với tỷ lệ tải về là 78,22%, các thiết bị iOS chiếm gần 22% lượng tải mới. Với con số này, Việt Nam dự kiến tiếp tục xếp hạng thứ 7 toàn cầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên các thiết bị di động (sau Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Indonesia, Trung Quốc và Mexico).

Các nền tảng số lớn tại Việt Nam hiện nay có Zalo với hơn 75 triệu người dùng hằng tháng (tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước và 1% so với thời điểm đầu năm), Facebook với hơn 65,7 triệu người (tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước) và Shopee với gần 44,5 triệu người (tăng 25,69% so với cùng kỳ năm trước).

Người dùng smartphone dành gần 10 giờ/tháng sử dụng các nền tảng số Việt Nam - Ảnh 1.

Số lượng người dùng hằng tháng trên các nền tảng số Việt Nam tăng mạnh

Cũng theo Bộ TT&TT, tháng 8/2022, tổng số người dùng trên các nền tảng số Việt Nam đạt mức trên 494 triệu, tăng 23,56% so với cùng kỳ năm trước, tăng 12,64% so với tháng 1/2022 và tăng 18,45% so với tháng trước.

Tháng 8/2022 cũng ghi nhận tổng thời gian người dùng sử dụng các nền tảng số (của Việt Nam và nước ngoài) đạt hơn 6,78 tỷ giờ, tăng 2,67% so với tháng 1/2022 và tăng 2,25% so với tháng trước.

Trong đó, thời gian sử dụng nền tảng số của Việt Nam là hơn 934 triệu giờ, chiếm 13,77% so với tổng thời gian sử dụng trên toàn bộ các nền tảng, tăng 1,2% so với tháng trước. Mỗi người dùng smartphone dành khoảng 9,93 giờ/tháng sử dụng các nền tảng số Việt Nam, tăng 4,67% so với tháng 1/2022 và tăng 11,44% so với tháng trước.

Tháng 8/2022, tỷ lệ người dùng các nền tảng số của Việt Nam chiếm khoảng 20,33% (tăng nhẹ so với tháng trước là 18,93%) tổng số người dùng các nền tảng số trên thiết bị di động. Trong đó, các nền tảng số Việt Nam chủ yếu tập trung ở nhóm nền tảng có từ 1 - 5 triệu người dùng. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 05 nền tảng góp mặt trong nhóm nền tảng có trên 10 triệu người dùng hằng tháng là Zalo (75 triệu), Zing Mp3 (23,6 triệu), ví Momo (19,6 triệu), Báo Mới (15,5 triệu), Vietcombank (12 triệu).

Kinh nghiệm của Bộ Công An, tỉnh Bắc Ninh trong thúc đẩy sử dụng nền tảng số "Make in Viet Nam"

Tại một số bộ, ngành, địa phương, theo đánh giá của Bộ TT&TT, việc đẩy mạnh sử dụng nền tảng số Việt Nam đã được quan tâm thúc đẩy. Đơn cử như ứng dụng di động VNEID được Bộ Công an chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 8/2021 trên kho ứng dụng Apple Store và 9/2021 trên kho ứng dụng Google Play với tính năng ban đầu là nhằm hỗ trợ khai báo di chuyển nội địa, di biến động dân cư và nhận mã QR để việc đi lại khi qua chốt kiểm dịch nhanh chóng, đồng thời giúp Cơ quan chức năng truy vết các ca lây nhiễm COVID-19 thứ phát và thông báo cho người dân kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khó kiểm soát.

Ngày 18/7/2022, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an chính thức tổ chức họp báo công bố ứng dụng định danh điện tử được tích hợp trên nền tảng VNEID. Việc sử dụng thông tin trên tài khoản định danh điện tử của nền tảng này có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên môi trường số, cung cấp các tiện ích phát triển công dân số, chính phủ số, xã hội số.

Tùy theo phân loại mức độ của tài khoản định danh điện tử mà mỗi cá nhân sẽ có quyền, khả năng được tiếp cận sử dụng các dịch vụ mở rộng khác nhau. Với tài khoản định danh điện tử mức độ 1, công dân có thể sử dụng một số chức năng cơ bản như nhóm chức năng phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng...), giải quyết các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, cập nhật tin tức, bài viết, thông báo mới nhất từ Bộ Công an. Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 công dân có thể sử dụng tất cả các chức năng tiện ích mà ứng dụng VNeID cung cấp như đăng ký tích hợp hiển thị các loại giấy tờ (như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế,...), các dịch vụ liên quan đến an sinh xã hội (chuyển tiền trợ cấp qua ngân hàng, nhận lương hưu...), giao dịch tài chính, chuyển tiền...

Nhờ đẩy mạnh truyền thông và sự vào cuộc tích cực của ngành Công an, VNEID có sự tăng trưởng đột biến trong tháng 7 và 8. Đến ngày 31/8/2022, ước tính số người dùng trung bình tháng 8/2022 đạt 5,78 triệu, tăng 4,86 triệu so với tháng trước.

Một trong các tiêu chí của bộ chỉ số đánh giá CĐS địa phương (DTI) là có ứng dụng di động để người dân có thể phản ánh, kiến nghị với chính quyền dễ dàng, kịp thời là. Một số địa phương đã bắt đầu triển khai trong thời gian qua, trong đó có tỉnh Bắc Ninh, góp phần giúp Bắc Ninh đạt chỉ số DTI năm 2021 xếp thứ 4 toàn quốc.

Ứng dụng "Phản ánh kiến nghị" bắt đầu được triển khai từ cuối năm 2020 đã giúp Bắc Ninh đạt hiệu quả nhất định trong công tác cải cách hành chính, cuộc sống người dân dần được cải thiện, góp phần xây dựng một chính quyền gần dân và vì dân.

Người dùng smartphone dành gần 10 giờ/tháng sử dụng các nền tảng số Việt Nam - Ảnh 2.

Ứng dụng "Phản ánh kiến nghị" có quy trình xử lý tự động, là một hợp phần của ứng dụng đô thị thông minh của tỉnh. Vì vậy, ứng dụng này được đánh giá là giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời góp phần tiết kiệm chi phí và đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhanh chóng nắm bắt và xử lý các trường hợp vi phạm, các sự cố xảy ra trên địa bàn một cách đồng bộ và liên thông.

Bên cạnh đó, người dân còn có thể đánh giá kết quả giải quyết kiến nghị thông qua hệ thống phần mềm. Do đó, chính quyền sẽ cố gắng xử lý các phản ánh của công dân một cách kịp thời, đúng chức năng và đúng nhiệm vụ.

Tính đến ngày 31/8/2022, ước tổng số người dùng trung bình tháng 8/2022 đạt gần 100.000. Trên cơ sở kết quả tích cực đó, ngày 06/9/2022, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã chính thức khai trương triển khai ứng dụng di động "Phản ánh kiến nghị" trên phạm vi toàn tỉnh./.

Hoàng Linh