AI ngày càng thiết yếu trong mọi mặt đời sống tại Việt Nam

Diễn đàn - Ngày đăng : 16:04, 23/09/2022

Ngày hội trí tuệ nhân tạo (AI) Việt Nam (AI4VN 2022) diễn ra trong hai ngày (22-23/9) tại Hà Nội, quy tụ hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý, công nghệ, đào tạo và doanh nghiệp (DN)... lĩnh vực AI trong nước và quốc tế.

Đây là lần thứ 4 AI4VN 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chỉ đạo, Báo VnExpress tổ chức, với sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Câu lạc bộ Các Khoa - Viện-Trường Công nghệ thông tin - Truyền thông (FISU).

Trải nghiệm đa dạng các sản phẩm AI

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ ngành, các tập đoàn lớn, nhà khoa học đã tham dự Ngày hội và tham quan Triển lãm sản phẩm AI với 20 gian hàng giới thiệu sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, triển lãm giới thiệu các sản phẩm AI nổi bật giúp khách tham quan có cơ hội trải nghiệm sản phẩm, tìm hiểu các ứng dụng AI do DN trong và ngoài nước phát triển.

AI ngày càng thiết yếu trong mọi mặt đời sống tại Việt Nam - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mong muốn đưa AI vào trong trường học để từ các em nhỏ đều có thể tiếp cận sớm

Phó Thủ tướng đánh giá năm nay có rất nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ AI tạo không chỉ từ những DN lớn, uy tín mà còn cả các DN nhỏ hay những người làm AI cùng tham gia. Điều đó cho thấy công nghệ sẽ thay đổi nhiều cuộc sống của chúng ta.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình ứng dụng AI vào cuộc sống. Bởi nguồn nhân lực AI của việc Nam còn thiếu, việc đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ trong nước và nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, "đây không phải là công việc bất khả thi mà chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào tương lai".

Phó Thủ tướng nhận thấy khi nói về AI, những bạn trẻ đi du học hay làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) đều dễ dàng hiểu nhưng không phải tất cả người Việt Nam đều hiểu về công nghệ này. Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng cần lan tỏa khái niệm, sự hiểu biết về AI không chỉ trong lĩnh vực CNTT, khoa học, công nghệ, công nghiệp... mà còn nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác.

Phó Thủ khẳng định Việt Nam đang có cái nhìn thực tiễn, đi theo xu thế của thế giới và khoa học nhưng cần tự tin hơn. Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực AI mở rộng, nghĩa là không chỉ dành cho những nhân tài, người giỏi, người làm trong lĩnh vực AI, CNTT... mà dành cho tất cả mọi người, ở mọi lĩnh vực khác.

"Trước đây, chúng ta nói về xóa mù về CNTT thì giờ là xóa mù AI". Theo đó, Phó Thủ tướng mong muốn đưa AI vào trong trường học để từ các em nhỏ đều có thể tiếp cận sớm.

Cũng theo Phó Thủ tướng, dữ liệu là vô cùng quan trọng, trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng AI, cần chú ý tới các quy định, định hướng ngay từ ban đầu.

AI ngày càng thiết yếu trong mọi mặt đời sống tại Việt Nam - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng nghe giới thiệu về ứng dụng AI/IoT trong quản lý môi trường tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

Đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI

Phát biểu tại Ngày hội, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết trong bối cảnh AI đã có sự phát triển vượt bậc và trở thành một trong những công nghệ then chốt góp phần thay đổi và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia, ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030.

Chiến lược đưa ra mục tiêu "đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4", góp phần phát triển kinh tế xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới.

AI ngày càng thiết yếu trong mọi mặt đời sống tại Việt Nam - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt: sau hơn một năm triển khai Chiến lược AI, Việt Nam đã đạt một số kết quả đáng khích lệ

Bộ trưởng cho biết, sau hơn một năm triển khai Chiến lược AI, Việt Nam đã đạt một số kết quả đáng khích lệ. Theo báo cáo "Chỉ số sẵn sàng về trí tuệ nhân tạo của chính phủ" do tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, năm 2021 Việt Nam đứng ở vị trí thứ 62/160 quốc gia được đánh giá xếp hạng trên thế giới, tăng 14 bậc so với năm 2020.

AI4VN là sự kiện thường niên, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018. Sau 4 năm tổ chức, AI4VN đã trở thành một sự kiện khoa học tin cậy, thu hút quan tâm của đông đảo các cơ quan quản lý, các tập đoàn công nghệ, các đơn vị nghiên cứu cùng chung tay thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái AI tại Việt Nam.

Năm 2022, AI4VN có chủ đề "AI phục hồi kinh tế, định hình tương lai" được tổ chức với mục tiêu: thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng AI nhằm góp phần giải quyết những vấn đề thách thức trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đồng thời giúp các DN Việt Nam có thể ứng dụng công nghệ mới giúp tối ưu hóa năng lực cạnh tranh.

AI ngày càng trở nên thiết yếu trong mọi mặt đời sống tại Việt Nam

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết việc tổ chức ngày hội năm nay với chủ đề "AI phục hồi kinh tế, định hình tương lai" là cách tiếp cận tiên tiến, đặt công nghệ trong bối cảnh vĩ mô để nhìn nhận, đánh giá vai trò của công nghệ tác động tới các hoạt động kinh tế của DN nói riêng và của nền kinh tế nói chung. AI góp phần quan trọng trong phát triển sản xuất, hướng tới phát triển bền vững.

AI ngày càng thiết yếu trong mọi mặt đời sống tại Việt Nam - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc: công nghệ AI đã ngày càng trở nên thiết yếu trong mọi mặt đời sống tại Việt Nam

Bộ KH&ĐT cũng đã dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về CMCN lần thứ tư đến năm 2030. Chiến lược đã nêu rõ chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho phát triển các công nghệ mới, trong đó, ưu tiên tập trung vào các công nghệ có tính ứng dụng cao, giải quyết những bài toán phát triển cho DN và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây cũng là quan điểm được Bộ KH&ĐT đề xuất đưa vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 trong Văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc, đại hội Đảng lần thứ XIII.

Trong đó, xác định đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới. Do đó, phát triển KH&CN luôn là yếu tố đầu vào quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, mang lại các giá trị bền vững lâu dài, giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu chiến lược trong 10 năm tới.

Trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết công nghệ AI đã ngày càng trở nên thiết yếu trong mọi mặt đời sống tại Việt Nam, được ứng dụng mạnh mẽ, tích cực, nhất là trong các lĩnh vực như đô thị thông minh, y tế - bảo hiểm, nông nghiệp thông minh, công nghệ môi trường... Đặc biệt trong giai đoạn chống dịch COVID-19 (năm 2020, 2021), nhiều ứng dụng AI được phát triển để hỗ trợ tương tác với người dân, chẩn đoán mắc bệnh, khoanh vùng chống dịch. Một số DN, tập đoàn lớn đã xây dựng và phát triển các Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI tại Việt Nam, thu hút nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này đến làm việc. Đồng thời, đã có một lực lượng tương đối các DN khởi nghiệp sáng tạo áp dụng công nghệ AI trong các sản phẩm, dịch vụ mới, hứa hẹn sẽ là những lực lượng DN đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực AI.

Từ góc độ về phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng đây là những nền tảng quan trọng trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI của Việt Nam trong tương lai, góp phần giải quyết những vấn đề trong phát triển kinh tế xã hội và hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bộ KH&ĐT với vai trò là cơ quan tham mưu, tiếp tục đồng hành, phối hợp cùng Bộ KH&CNT cùng thúc đẩy các hoạt động phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) nói chung và phát triển lĩnh vực AI nói riêng. Đồng thời, Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Bộ KH&CN quan tâm, phối hợp và đồng hành cùng Bộ KH&ĐT trong việc triển khai các hoạt động thúc đẩy ĐMST cho cộng đồng DN; tiếp tục thúc đẩy các hoạt động của Trung tâm ĐMST Quốc gia; và hoàn thành việc xây dựng và vận hành Cơ sở của Trung tâm ĐMST Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; ủng hộ chủ trương và phối hợp với Bộ KH&ĐT xây dựng quỹ ĐMST quốc gia cho Việt Nam trong thời gian tới.

Con người cần hợp lực để sử dụng AI có trách nhiệm

Cũng tại ngày hội AI4VN, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam, cho biết AI đang ngày càng trở lên quan trong hơn đối với nền kinh tế, tạo ra 1,3 triệu lao động mới tại Australia và Việt Nam. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phát triển AI mạnh mẽ, tăng 14 bậc, trở thành quốc gia đứng thứ 62 toàn cầu và đứng thứ 6 trong ASEAN về chỉ số sẵn sàng AI.

AI ngày càng thiết yếu trong mọi mặt đời sống tại Việt Nam - Ảnh 4.

Đại sứ Andrew Goledzinowski: Việt Nam đã phát triển AI mạnh mẽ, tăng 14 bậc, trở thành quốc gia đứng thứ 62 toàn cầu

Theo Đại sứ Goledzinowski, AI tăng cường quá trình sáng tạo bền bỉ của con người, ngày càng vượt trội hơn trong lưu trữ và xử lý thông tin. Tuy nhiên, Đại sứ cũng lưu ý đến những rủi ro trong ứng dụng AI nếu không được kiểm soát.

Đồng quan điểm, bà Stela Solar, Giám đốc Trung tâm AI Australia cho biết AI là một trong những công cụ quan trọng để xã hội hoạt động tốt hơn, vượt qua sự phức tạp, giúp định vị số lượng thông tin khổng lồ và đưa ra giải pháp, ví dụ, AI giúp các bác sĩ giải quyết vấn đề y tế, thu thập thông tin và giảm thiểu sai sót.

AI ngày càng thiết yếu trong mọi mặt đời sống tại Việt Nam - Ảnh 5.

Bà Stela Solar - Giám đốc Trung tâm AI quốc gia Australia. Ảnh: Giang Huy

Bà cũng dẫn chứng số liệu nghiên cứu từ KPMG, hơn 56% DN đang ứng dụng AI. Việc càng nhiều DN ứng dụng AI càng tạo ra nhiều lợi ích, dịch vụ cho người dùng. AI không chỉ là AI, còn giúp rất nhiều cho nền kinh tế, đây là chỉ số quan trọng trong đánh giá thị trường ngày nay.

Bà Stela chia sẻ trong bối cảnh hiện nay có sự tương phản rất lớn, xuất hiện nhiều chuyên gia chất lượng trên thế giới về khoa học tự nhiên nhưng nhiều bộ phận còn chưa hiểu về AI. "Nền kinh tế của chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi, tỷ lệ ứng dụng AI còn chưa cao, vẫn đang dừng lại ở mức độ nghiên cứu".

Trong thời kỳ cạnh tranh giữa các DN, Trung tâm AI quốc gia Australia có thể giúp DN giải quyết nhiều thách thức để phát triển, cung cấp nhiều chuyên gia về robotic. Trung tâm AI quốc gia Australia là trung tâm đầu tiên trên thế giới phát triển và ứng dụng AI, có Ủy ban An toàn AI, có thể giúp đỡ nhiều tổ chức. Giá trị cốt lõi của chúng trung tâm là tạo ra giá trị an toàn cho mọi người trên toàn thế giới, luôn chào đón sự khác biệt và đa dạng.

"Kỹ năng của mỗi người rất quan trọng để phát triển AI có trách nhiệm, bên cạnh đó còn sự thấu hiểu của cộng đồng trong việc ứng dụng AI. Chúng tôi lập 3 tổ chức nghiên cứu AI, tăng cường năng lực đang có bằng cách tìm kiếm đối tác trong khu vực để có sự đa dạng hóa, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi muốn công nghệ được sử dụng ở mức độ cao nhất trong quá trình thương mại hóa và mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam", bà Stela chia sẻ.

VinAI đưa nhiều ứng dụng AI vào cuộc sống

Tiếp tục phần thảo luận về lợi ích của AI trong cuộc sống con người, ông Bùi Hải Hưng, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng VinAI chia sẻ AI có những đóng góp lớn cho nền kinh tế thế giới, với khoảng 60.000 tỷ USD vào năm 2030. Tại VinID, "AI cho hôm nay và ngày mai" là slogan.

Theo đại diện của VinAI, ứng dụng công nghệ AI không chỉ giúp cho quốc gia phát triển mà còn cả nước đang phát triển. "Chúng tôi muốn tiến hành những nghiên cứu hàng đầu thế giới tại Việt Nam để đưa tên Việt Nam lên bản đồ thế giới. May mắn, doanh nghiệp có những người trẻ, thông minh, nhiều năng lượng và kiên trì đạt mục tiêu. Ngoài ra, mục đích cuối cùng là chuyển hóa kết quả nghiên cứu thành tính thực tiễn", ông Hưng nói.

Đến nay, VinID đã có hơn 100 bài nghiên cứu về AI được công bố tại nhiều hội thảo hàng đầu thế giới. Điều này cho thấy, nghiên cứu về AI có thể được làm hiệu quả và chất lượng ở Việt Nam. Ông Hưng cũng khẳng định những nỗ lực của VinID thời gian qua đã đóng góp không nhỏ vào việc nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới về lĩnh vực AI.

Ông dẫn một nghiên cứu cho thấy, lần đầu tiên, Việt Nam xếp thứ 26 trên toàn thế giới về năng lực nghiên cứu AI, vượt qua cả UAE, đồng thời cũng là một trong hai quốc gia Đông Nam Á góp mặt trong bảng xếp hạng này. Theo ông, VinID đã xác lập vị thế nghiên cứu vững chắc trong ngành nghiên cứu học máy, học sâu, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, ngôn ngữ nói.

Đại diện VinID cũng đưa ví dụ cho thấy đơn vị này đã đưa kết quả nghiên cứu vào thực tế. Theo ông Hưng, tai nạn giao thông xảy ra do lái xe thiếu tập trung, có điểm mù trên đường, bị say... Đây là những vấn đề có thể giải quyết bằng AI. Theo đó, có thể sử dụng hệ thống xóa bỏ điểm mù khi tham gia giao thông ở đường hẹp, đông đúc; hay sử dụng AI ngăn chặn nguy hiểm khi lái xe lúc mệt, bị ốm... AI còn có thể sử dụng để dự đoán hình ảnh đằng trước phương tiện. Việc nâng cao thuật toán AI sẽ giúp phương tiện hoạt động trơn tru, an toàn.

"Từ đó cho thấy nghiên cứu là rất quan trọng. Thêm vào đó, việc đào tạo thế hệ kế cận, nuôi dưỡng những nhân tài này trở thành nguồn lực của quốc gia. Cuối cùng là chọn vấn đề có giá trị thương mại cao", ông Bùi Hải Hưng nhấn mạnh./.

Hoàng Linh