Ưu tiên đào tạo nông dân sử dụng CNTT trong môi trường thực tế
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 20:10, 22/09/2022
Lời tòa soạn: Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Báo VietNamNet mở mục “Đóng góp ý tưởng Chuyển đổi số”, góp phần lan tỏa những kinh nghiệm tốt, những bài học hay, các nhân vật tiêu biểu và những câu chuyện cả thành công và chưa thành công của các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp cũng như người dân trong hành trình chuyển đổi hoạt động lên môi trường số.
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của TS Võ Tất Thắng (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) đề cập đến các xu hướng chủ đạo của chuyển đổi số trong nông nghiệp được áp dụng tại Việt Nam cùng những kiến nghị cụ thế và gợi ý lời giải cho bài toán về cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số.
Công nghệ số được áp dụng trên cánh đồng và ngoài cánh đồng
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình áp dụng các công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bài viết đề cập đến các xu hướng chủ đạo của chuyển đổi số trong nông nghiệp được áp dụng tại Việt Nam, bao gồm công nghệ số được áp dụng trên cánh đồng và ngoài cánh đồng.
Trên cánh đồng, chuyển đổi số nông nghiệp giúp nông dân quản lý môi trường, điều kiện sinh trưởng, sức khỏe của cây trồng và vật nuôi thông qua việc thu thập, phân tích, giám sát và điều chỉnh tự động hoặc bán tự động các dữ liệu nông học như nhiệt độ, độ ẩm, dịch bệnh, chất lượng đất, nước. Dựa trên những dữ liệu mang tính định lượng, người nông dân có thể đưa ra các quyết định trồng trọt và chăn nuôi chính xác nhằm tăng năng suất, lợi nhuận, giảm chỉ phí và tăng chất lượng sản phẩm thay vì phải áng chừng dựa vào kinh nghiệm canh tác truyền thống mang tính định tính. Tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ số trên cánh đồng thường được biết đến với các khái niệm như nông nghiệp thông minh (smart apriculture/farming), nông nghiệp công nghệ cao (high-tech agriculture) hay nông nghiệp chính xác (precision agriculture/farming).
Ngoài cánh đồng, chuyển đổi số nông nghiệp giúp người nông dân kết nối trực tiếp với nhà bán lẻ, khách hàng, và các bên liên quan trong chuỗi sản phẩm mà không cần qua thương lái trung gian. Công nghệ số giúp doanh nghiệp và người nông dân dự báo được sản lượng nông sản để có kế hoạch thu mua và tiêu thụ. Mặt khác, người nông dân dự báo được nhu cầu của thị trường để lên kế hoạch sản xuất, tránh tình trạng cung vượt cầu. Công nghệ số khiến cho các thông tin trong quá trình sản xuất nông nghiệp trở nên minh bạch đối với khách hàng, tạo dựng sự tin tưởng về chất lượng và nâng cao giá thành sản phẩm. Đồng thời, việc ứng dụng sàn thương mại điện tử để quảng bá và tiêu thụ nông sản ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam.
Các xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp
Tại Việt Nam, công nghệ được áp dụng nhiều nhất là Internet of Things (IoT) bao gồm hệ thống thiết bị máy móc được gắn cảm biến và kết nối Internet, thường được ứng dụng kết hợp với hệ thống nhà lưới, nhà kính, nhà màng để kiểm soát chất lượng nông sản.
Nông trại của công ty Cầu Đất Farm (Đà Lạt) đã ứng dụng IoT toàn diện từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nông sản trên sản thương mại điện tử và phát triển mô hình du lịch canh nông. Công ty sử dụng hệ thống giám sát nhà kính qua website và thiết bị di động để phân tích dữ liệu môi trường. kiểm soát chất lượng rau, cà chua và các loại nông sản trên quy mô lớn.
Công ty Đà Lạt Hasfarm áp dụng trồng hoa hồng trong nhà kính gắn cảm biến, kết nối với Internet hoạt động theo chế độ được lập trình sẵn để điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm khi vượt ngưỡng quy định. Các công nghệ này không những giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất mà còn kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
Tập đoàn FPT cùng với Fujitsu và Viện Rau quả đã phối hợp làm mô hình trồng rau với sự tham gia hợp tác của các chuyên gia Nhật, kết nối và điều khiển các yếu tố trong trang trại từ xa thông qua ứng dụng công nghệ Akisai. Toàn bộ môi trường bên trong nhà kính đều được quản lý bằng máy tính, giúp tạo ra môi trường sinh trưởng tốt nhất cho xà lách và cà chua.
Công nghệ IoT còn được sử dụng trong việc giám sát chăn nuôi. Ví dụ điển hình như trang trại bò sữa Vinamilk đã được chứng nhận là trang trại hữu cơ theo chuẩn châu Âu. Ở đây, chế độ ăn và mọi khâu chăm sóc đều được theo dõi sát sao theo chuẩn nông nghiệp thông minh. Nhờ vậy, năng suất sữa của bò trong trang trại luôn đạt mức cao, khoảng 23 lít/con/ngày. Trang trại Dalat Milk tập đoàn TH gắn chip cho đàn bò để theo dõi tình hình sức khỏe, khẩu phần ăn phù hợp và chất lượng sữa. Ngoài ra, người chủ trang trại có thể nhận biết khi đàn bò có hiện tượng bị bệnh hay đến thời điểm động dục.
Sử dụng máy bay không người lái cũng là một ứng dụng của công nghệ IoTs vào nông nghiệp. Đến năm 2021, Việt Nam đã bắt đầu áp dụng thử nghiệm sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật ở một số tỉnh phía Nam như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Hình thức sử dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng trong sản xuất nông. lâm nghiệp và thủy sản đã được ứng dụng ở một số địa phương, nhất là Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
‘Tiếp sức’ cho chuyển đổi số bằng cơ chế, chính sách
Để giải quyết bài toán về nguồn vốn cho các dự án và doanh nghiệp chuyển đổi số trong nông nghiệp, Chính phủ, các sở ban ngành và chính quyền các tỉnh cần tăng cường số lượng các khu, vùng nông nghiệp và số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp phép công nhận. Bộ NN&PTNT cần tư vấn Thủ tướng Chính phủ cắt giảm thủ tục, quy trình đăng ký cấp chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dựa trên Quyết định 19/2018/QĐ-TTg. Cần làm rõ các tiêu chí công nhận dự án nông nghiệp công nghệ cao
Thực hiện Thông tư 33/2017/TT-BTNMT để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất nông nghiệp; ngân hàng Agribank cần hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân lập kế hoạch kinh doanh, trả nợ và chứng minh dòng tiền.
Cần xây dựng chính sách thu hút nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư vốn FDI cho các dự án chuyển đổi số nông nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp nước ngoài có nguồn vốn và khoa học kỹ thuật để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, do đó họ cần nguồn đất sạch và nhân lực chất lượng cao để áp dụng thành tựu khoa học công nghệ.
Tiếp đến là nhóm giải pháp về đất đai. Đất sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam có quy mô nhỏ, manh mún và rải rác. Do đó, Bộ TN&MT cần tư vấn cho Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp; Bộ NN&PTNT sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết. Các doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải làm hợp đồng chuyển nhượng đất cùng lúc với nhiều hộ dân nên chính quyền địa phương cần đứng ra làm đầu mối trung gian để thực hiện giao dịch nhằm tăng niềm tin của người nông dân đối với các doanh nghiệp.
Để tăng cường nhận thức của nông dân, Bộ TT&TT và các sở TT&TT cần tổ chức chương trình và tọa đàm chuyển đổi số nông nghiệp trên các kênh truyền thông; mời các hộ nông dân thành công chia sẻ kinh nghiệm và làm đại sứ quảng bá.
Bộ GD&ĐT và các Sở, Bộ Công Thương, các sàn thương mại điện tử cần kết hợp với các trường đại học và doanh nghiệp tổ chức chương trình đào tạo chuyển đổi số nông nghiệp cho nông dân. Các khóa học cần có nhiều hình thức khác nhau như đối thoại trực tiếp với chuyên gia, các nhóm thảo luận. học trực tuyến. Ưu tiên đào tạo nông dân sử dụng CNTT trong môi trường lao động thực tế (trên cánh đồng hoặc trong xưởng sản xuất) cũng như cách quản lý tài chính. Phải có những khóa học đào tạo nông dân sử dụng sàn thương mại điện tử để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Các tổ chức như Hội phụ nữ, Hội nông dân, hợp tác xã cần đóng vai trò kết nối để mỗi thành viên có thể kết nối và giúp đỡ nhau trong quá trình áp dụng công nghệ.
Đặc biệt, cần thay đổi thói quen ghi chép nhật ký canh tác và nhật ký chăn nuôi trên giấy rồi số hóa trên thiết bị điện tử vì tốn thời gian, công sức, dễ sai sót khi nhập liệu. Khuyến khích nông dân ghi chép nhật ký sản xuất trên điện thoại thông minh và máy tính bảng.
Ngoài ra, Bộ TT&TT và Bộ NN&PTNT cần kết hợp với các Trung tâm khuyến nông tập huấn và hướng dẫn nông dân tham gia mô hình ghi nhật ký sản xuất. Thông tin từ nhật ký sản xuất thu thập bởi nông dân là nguồn đữ liệu quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp.
Quá trình xây dựng cơ sở đữ liệu cần trải qua 3 giai đoạn: 1-Các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT cần liệt kê chi tiết những loại dữ liệu quan trọng; 2-Kết hợp với Bộ TT&TT để mời thầu đơn vị tư nhân hoặc đứng ra thiết kế phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu; 3-Phân công các tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm để thu thập, khai thác, quản lý và bảo quản cơ sở dữ liệu.