"Truyền thông chủ động" về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Truyền thông - Ngày đăng : 08:24, 22/09/2022

Trong nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ mới ban hành, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền theo tinh thần "truyền thông chủ động, đi trước" để toàn xã hội đồng thuận, tham gia thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các chính sách chăm sóc sức khỏe Nhân dân - Ảnh 1.

Chăm sóc sức khỏe người dân. (Ảnh: baochinhphu.vn)

6 nội dung quan điểm đặt ra với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Nhằm nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Y tế phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm sau:

Thứ nhất, thể chế kịp thời, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác y tế, nhất là tại các Nghị quyết số 20-NQ/TW; 21-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết Đại hội XIII.

Thứ hai, tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Làm việc phải thực chất, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Mỗi cán bộ, nhân viên y tế đều khắc ghi và hành động theo lời dạy của Bác Hồ và 12 điều y đức; không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, làm giàu y lý, nâng cao y thuật.

Thứ ba, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân là công việc chung của toàn hệ thống chính trị với nòng cốt là ngành Y tế. Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đầu tư, dành nhiều thời gian chỉ đạo, nguồn lực hơn, tích cực hỗ trợ ngành Y tế theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.

Thứ tư, phát huy tinh thần đoàn kết; càng khó khăn, càng phức tạp, càng phải đoàn kết. Tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nhất là của người đứng đầu, người có thẩm quyền trong thực hiện các nhiệm vụ của ngành, địa phương về công tác y tế, trước hết là trong phòng, chống dịch COVID-19.

Thứ năm, triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Xác định những việc quan trọng, cấp bách, cần giải quyết ngay; bảo đảm thực hiện tốt những công việc thường xuyên; ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh; có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các nhiệm vụ trung hạn và dài hạn.

Thứ sáu, tiếp cận phát triển ngành Y tế một cách tổng thể, toàn diện cả y tế công lập và y tế tư nhân.

Tiếp tục tập trung, quyết liệt chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ thị về việc triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và các nội dung về y tế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là đồng bộ 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.

Bộ Y tế tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, nắm chắc diễn biến dịch bệnh; chịu trách nhiệm việc đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống dịch, trước mắt tập trung chỉ đạo quyết liệt việc tiêm vắc xin, nhất là các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tiêm vắc xin trên địa bàn.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện các nhóm giải pháp: Khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về y tế; quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế; Bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế.

Cần đẩy mạnh giải ngân, đổi mới tài chính, bảo hiểm y tế

Một nhiệm vụ quan trọng khác, ngành Y tế phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương cơ quan liên quan cần đẩy mạnh giải ngân, đổi mới tài chính, bảo hiểm y tế.

Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt. Các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.

Bộ Y tế chủ trì: (1) Tiến hành đánh giá 2 năm thực hiện tự chủ Bệnh viện theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ của 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế và đề xuất cụ thể với Chính phủ các giải pháp phù hợp; (2) Phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế tư nhân; (3) Phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp khẩn trương có phương án tháo gỡ các khó khăn, tồn tại, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; (4) Phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các Bộ, cơ quan liên quan sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, tạo điều kiện cơ bản, dài hơi để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, y tế dự phòng và thực hiện tự chủ các cơ sở y tế, bảo đảm thu nhập của nhân viên y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình bao phủ bảo hiểm y tế gắn với bảo đảm quyền lợi của người dân.

Với trách nhiệm về lĩnh vực bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phải chủ trì giải quyết đối với các vướng mắc, khó khăn trong thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền, đặc biệt đối với chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi đơn vị được Cơ quan bảo hiểm xã hội giám định theo quy định tại khoản 2, Điều 32 Luật Bảo hiểm y tế; đối với các vướng mắc, khó khăn do cơ chế, chính sách thì tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam để chủ trì, giải quyết.

Bên cạnh đó, hai nhóm nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác được Thủ tướng Chỉ thị đó là phải phát triển hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tăng cường kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: (1) Rà soát, kiện toàn đội ngũ, nâng cao năng lực ngành Y tế, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn; (2) Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư và triển khai các dự án đầu tư hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng sử dụng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm nguồn nhân lực để vận hành, khai thác sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tránh lãng phí; (3) Bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước mua vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc và các nhiệm vụ thường xuyên khác thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 -2020 chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của ngành Y tế theo các chế độ, chính sách được cấp có thẩm quyền ban hành và thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước; (4) Đẩy nhanh tiến độ bố trí đất, triển khai công tác giải phóng mặt bằng xây dựng một số cơ sở y tế mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Trong khi, Bộ Y tế khẩn trương ban hành các danh mục dịch vụ y tế, đặc biệt là danh mục dịch vụ y tế dự phòng.

Chất lượng dịch vụ cần tiếp tục được nâng cao; bảo đảm vận hành hiệu quả hệ thống khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện, chăm sóc toàn diện người bệnh và nâng cao sự hài lòng của người bệnh ở các tuyến. Phát triển các kỹ thuật y khoa chuyên sâu; phát huy lợi thế y học cổ truyền, kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khoẻ.

Bộ Y tế có trách nhiệm: (1) Sớm hoàn thiện, ban hành danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ y tế; (2) Tiếp tục triển khai các chương trình tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; có giải pháp, chương trình nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho tuyến cơ sở, nhất là trạm y tế, phát triển mô hình bác sĩ gia đình; (3) Triển khai việc chuyển giao một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cho địa phương quản lý.

Đi kèm với đó, cần phát triển công nghiệp dược, vắc xin, trang thiết bị y tế để phục vụ chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân…

"Truyền thông chủ động, đi trước" để toàn xã hội đồng thuận

Hai nhóm nhiệm vụ quan trọng tiếp theo được Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đó là: Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính y tế và Đổi mới và nâng cao hiệu quả thông tin, truyền thông. Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo: (1) Đổi mới lề lối làm việc, kỷ cương, kỷ luật hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính (tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp); nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đặc biệt liên quan tới lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế; (2) Đẩy nhanh và bảo đảm thực chất chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế (khám, chữa bệnh từ xa, thực hiện các thủ tục trên môi trường mạng, kết nối cơ sở cung ứng thuốc, hồ sơ sức khỏe, làm sạch dữ liệu tiêm chủng...).

Bộ Y tế khẩn trương triển khai, xác định các trọng điểm để tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong 2-3 năm tới. Bộ Công an (Cơ quan chủ trì Đề án 06 của Chính phủ) và các bộ, ngành tích cực phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế triển khai thực hiện.

Song song đó, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền theo tinh thần "truyền thông chủ động, đi trước" để toàn xã hội đồng thuận, tham gia thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; đặc biệt là thông tin về tình hình và biện pháp phòng, chống dịch, tiến độ tiêm vắc xin; kịp thời phản bác, đấu tranh chống các luận điệu, thông tin xấu độc; khẳng định sự nỗ lực, thành quả rất cơ bản của toàn Ngành Y, củng cố hình ảnh "thầy thuốc như mẹ hiền". 

Bình Minh