Cơ hội của Việt Nam trong cuộc đua thí điểm tiền số giữa các quốc gia
Quản trị - Ngày đăng : 16:33, 12/09/2022
Trung Quốc đang mở rộng quy mô thử nghiệm đồng Nhân dân tệ số (e-CNY). Thống kê đến ngày 31/5/2022 cho thấy, nước này đã có gần 4,6 triệu điểm giao dịch chấp nhận thanh toán bằng e-CNY với khoảng 264 triệu giao dịch.
Đồng Nhân dân tệ số hay e-CNY là một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Đây là định dạng số của tiền tệ pháp định (fiat) do các ngân hàng trung ương phát hành.
CBDC mang đặc điểm của cả hai loại tiền mã hóa và tiền pháp định. Nó được phát hành bởi các ngân hàng trung ương nhưng lại sử dụng thuật toán tương tự như các loại tiền mã hóa.
Không chỉ Trung Quốc, hiện đã có hơn 100 quốc gia trên thế giới đang nghiên cứu về kế hoạch triển khai đồng CBDC của riêng mình ở nhiều cấp độ khác nhau.
Tại khu vực châu Á, Campuchia cũng đã triển khai hệ thống thanh toán toàn quốc dựa trên công nghệ blockchain do Ngân hàng Quốc gia Campuchia phát triển. Hồi đầu năm nay, từng có thông tin cho biết Nhật Bản sẽ phát hành một đồng tiền mã hóa với giá trị được neo giữ theo đồng Yên Nhật.
Mới đây, PV VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với ông Safdar Khan - Chủ tịch khu vực Đông Nam Á của Mastercard để cùng trao đổi về sự phát triển của thanh toán số tại Việt Nam, cũng như cơ hội của nước ta trong cuộc đua thí điểm tiền số giữa các quốc gia.
- Với góc nhìn của một chuyên gia trong ngành, ông có bình luận, đánh giá gì về sự phát triển của thị trường thanh toán Việt Nam, đặc biệt là thanh toán số?
Ông Safdar Khan: Đại dịch Covid-19 đã giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam đã chủ động tìm kiếm các hình thức thanh toán số và không dùng tiền mặt ngay cả trước khi xảy ra đại dịch.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc phổ biến của mạng Internet và các thiết bị di động, bên cạnh đó là những nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt.
Việt Nam luôn là một trong những thị trường đầy hứa hẹn đối với lĩnh vực thanh toán số tại châu Á. Tỷ lệ người tiêu dùng tại Việt Nam thực hiện giao dịch thanh toán di động đã tăng từ 37% vào năm 2018 lên 61% vào năm 2019.
Xu hướng thanh toán không tiếp xúc vẫn tiếp tục phát triển sau đại dịch. Trong 4 tháng đầu năm 2022, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã tăng 69,7%, giao dịch thanh toán di động tăng 97,65% và thanh toán bằng mã QR tăng 56,52%, so với cùng kỳ năm 2021. Chúng tôi nhận thấy xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt trong thời gian tới.
- Đâu sẽ là phân khúc thị trường bùng nổ nhất trong lĩnh vực thanh toán số ở Việt Nam thời gian tới?
Ông Safdar Khan: Một số xu hướng mà chúng tôi dự đoán sẽ phát triển trong vài năm tới là thương mại điện tử, sự trỗi dậy của nền kinh tế trải nghiệm, gia tăng nhu cầu về công nghệ bảo mật an toàn trong thanh toán và sự bùng nổ của các hình thức thanh toán trả sau.
Ví dụ với thanh toán trả sau, theo Chỉ số thanh toán mới của Mastercard năm 2022, 57% người tiêu dùng tại Việt Nam có khả năng sử dụng các giải pháp “mua trước trả sau” để mua hàng số lượng lớn hoặc mua sắm khẩn cấp. Trên thực tế, 62% người tiêu dùng cho biết họ cảm thấy thoải mái khi thực hiện các giao dịch dạng này.
Với nền kinh tế trải nghiệm, chúng tôi nhận thấy có sự gia tăng về nhu cầu trải nghiệm của người tiêu dùng trong các lĩnh vực như du lịch, hoạt động giải trí trực tiếp, ăn uống trong nhà và các hoạt động trực tiếp khác. Chính nhu cầu đi lại bị dồn nén của người dùng đã làm hồi sinh nền kinh tế trải nghiệm.
- Xu hướng áp dụng blockchain vào công nghệ thanh toán đang ngày càng phổ biến. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang nghiên cứu và thí điểm ứng dụng blockchain. Liệu công nghệ này có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực thanh toán?
Ông Safdar Khan: Blockchain là một công nghệ hấp dẫn. Chi tiêu toàn cầu cho các giải pháp blockchain dự kiến sẽ đạt 19 tỷ USD vào năm 2024.
Các tổ chức tài chính truyền thống từng lo ngại việc gia tăng sử dụng blockchain sẽ làm giảm nhu cầu về người trung gian trong các giao dịch. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích về thời gian, việc ứng dụng công nghệ blockchain sẽ giúp các doanh nghiệp và ngân hàng phát triển hoạt động kinh doanh và cải thiện các dịch vụ.
Công nghệ blockchain giúp các công ty và cá nhân có thể tiếp cận khoản tiền của mình gần như ngay lập tức, mọi lúc, mọi nơi và nâng cao khả năng giải quyết trong thời gian thực.
Sổ cái blockchain thể hiện sự minh bạch trong các giao dịch và hoạt động thanh toán. Việc lưu trữ thông tin, kiểm tra danh tính cũng tốt hơn. Ngoài ra, công nghệ này giúp giảm thiểu thủ tục giấy tờ và quy trình trùng lặp, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động
Cũng giống như với bất kỳ công nghệ nào khác, để trở thành công cụ thanh toán đáng tin cậy, blockchain cần phải có tính ổn định, tuân thủ quy định và bảo vệ người tiêu dùng. Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, Mastercard sẽ rất vui nếu được làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để cùng xác định chiến lược về blockchain, tài sản số.
- Nhiều ngân hàng trung ương tại các quốc gia châu Á đã phát hành đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. CBDC mang lại cho các quốc gia đó những lợi ích gì? Làm thế nào Việt Nam có thể đẩy nhanh việc áp dụng tiền kỹ thuật số?
Ông Safdar Khan: Trong 2 năm qua, đại dịch đã thúc đẩy hơn nữa lối sống kỹ thuật số. Trước những thay đổi này, chúng tôi nhận thấy nhiều ngân hàng trung ương hiện đang ưu tiên cung cấp một loại tiền kỹ thuật số bán lẻ cho các hoạt động thanh toán hàng ngày.
Trên thực tế, 86% số ngân hàng trung ương được hỏi cho biết họ đang tích cực cân nhắc giá trị của tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành đối với nền kinh tế quốc gia.
Một số lợi ích chính có thể kể đến là CBDC sẽ hỗ trợ hiện đại hóa hệ thống thanh toán quốc gia, đồng thời duy trì vai trò và khả năng tiếp cận tiền của ngân hàng trung ương trong bối cảnh giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt. CBDC cũng giúp khắc phục tình trạng kém hiệu quả liên quan đến chi phí in ấn và di chuyển tiền do ngân hàng trung ương chi trả.
Với CBDC, các ngân hàng có thể giới thiệu chức năng thanh toán mới, chẳng hạn như khả năng thanh toán lập trình và ngoại tuyến cũng như các khoản giải ngân an toàn, hiệu quả. Các chính phủ cũng có thể cải thiện hoạt động thanh toán xuyên biên giới với một loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành.
Các nhà hoạch định chính sách nên so sánh tính phù hợp của tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành với các hình thức cơ sở hạ tầng thanh toán mới khác để tìm ra cách tiếp cận phù hợp nhất với nhu cầu trong nước.
Bất kỳ kế hoạch triển khai phát hành CBDC nào cũng cần có sự tham gia của khu vực tư nhân, để tận dụng năng lực của họ nhằm cạnh tranh, nâng cao trải nghiệm người dùng, phát triển các kịch bản sử dụng. Tất nhiên, việc phát hành CBDC phải đảm bảo sự kiểm soát của ngân hàng trung ương đối với cơ sở hạ tầng tiền tệ cốt lõi.
Để được áp dụng rộng rãi, tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành phải có khả năng tương tác và hỗ trợ hoạt động thanh toán mở. CBDC sẽ có tác động mạnh nhất khi có sự tương tác liền mạch giữa các loại hình thanh toán và tận dụng được khả năng của các mạng lưới hiện có. Chúng tôi tin rằng, điều quan trọng là phải bảo vệ được lợi ích của người dùng.
Cảm ơn ông về những chia sẻ này.