MISA lọt top 10 DN cung cấp giải pháp Chính phủ số

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 14:21, 12/09/2022

Mới đây, tại Lễ công bố top 10 doanh nghiệp (DN) CNTT 2022 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, công ty CP MISA đã xuất sắc vượt qua 101 đề cử lọt top 10 DN cung cấp giải pháp Chính phủ số (CPS).

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng đã đặt mục tiêu phát triển Việt Nam thành một đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Khát vọng ấy chắc chắn có sứ mệnh của doanh nhân và DN công nghệ số Việt Nam. Việt Nam đang có 14.000 cơ sở y tế, 44.000 trường học, gần 1 triệu DN, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 9 triệu hộ nông dân và 26 triệu hộ gia đình. Tất cả đều đang đứng trước cuộc chuyển dịch lên môi trường số.

"Vì vậy, các nhu cầu mới phát sinh là vô cùng, vô tận. Bộ TT&TT mong rằng, tinh thần doanh nhân công nghệ số sẽ lan tỏa trong toàn dân, là động lực thúc đẩy toàn dân chuyển đổi số (CĐS)", Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.

MISA lọt Top 10 DN cung cấp giải pháp Chính phủ số - Ảnh 1.

Nền tảng quản trị tài chính Nhà nước MISA FinGov của MISA với khả năng phân tích và dự báo, thực hiện nhiệm vụ hội tụ dữ liệu trong công tác quản lý

Cụ thể, khi nói về sản phẩm tiêu biểu của MISA được vinh danh tại sự kiện, đây là một hệ thống các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0 đóng góp tích cực cho tiến trình xây dựng và hoàn thiện CPS gồm 03 nền tảng: Quản trị tài chính nhà nước MISA FinGov; Giáo dục MISA EMIS; Quản lý cán bộ, công chức, viên chức MISA QLCB.

Đặc biệt, các giải pháp, nền tảng đã được ứng dụng hiệu quả tại hơn 51.000 đơn vị hành chính sự nghiệp (HCSN) và hơn 22.000 trường học trên khắp cả nước sử dụng.

Trong đó, nền tảng quản trị tài chính nhà nước MISA FinGov là giải pháp giúp các đơn vị HCSN tiết kiệm tới 70% thời gian lập dự toán và quản lý chi tiêu ngân sách thông qua việc tự động hóa hoàn toàn quy trình tác nghiệp, góp phần tăng năng suất công việc và tự động hóa tổng hợp báo cáo toàn ngành.

Hơn nữa, trong quá trình điều hành công việc, MISA FinGov giúp đưa ra số liệu tức thời, phân tích chuyên sâu, dự báo tài chính chính xác. Đây là nền tảng tích hợp nhiều phần mềm phục vụ đa dạng các nghiệp vụ quản lý tài chính Nhà nước như phần mềm quản lý ngân sách MISA Bumas, phần mềm Kế toán MISA Mimosa, phần mềm quyết toàn tài chính MISA Lekima…

Ở lĩnh vực chuyển đổi số giáo dục, MISA cung cấp nền tảng MISA EMIS với hệ sinh thái hợp nhất mọi nghiệp vụ quản lý giáo dục trên một hệ thống. Cụ thể, nền tảng này tập trung vào 4 mảng chính gồm: quản lý giáo dục, quản lý trường học, cổng thông tin nhà trường – phụ huynh và phân tích dữ liệu giáo dục với đầy đủ nghiệp vụ: tuyển sinh trực tuyến, quản lý hồ sơ học sinh, thời khóa biểu, dạy và học trực tuyến, thi kiểm tra trực tuyến, quản lý cán bộ công chức viên chức,… Việc tích hợp này giúp cán bộ dễ dàng tổng hợp, cập nhật báo cáo từng mảng nghiệp vụ, lãnh đạo có bức tranh tổng thể về hoạt động của nhà trường.

Đặc biệt, MISA EMIS là nền tảng mở, linh hoạt với các đối tác thứ ba như các ứng dụng học trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams hay hàng loạt ngân hàng và phần mềm kế toán để quản lý khoản thu của nhà trường chặt chẽ. Được thiết kế đáp ứng quy định kỹ thuật để kết nối và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, MISA EMIS đặc biệt phù hợp với xu hướng giảng dạy trong bối cảnh bình thường mới.

Đối với lĩnh vực CĐS trong công tác quản lý cán bộ, nền tảng MISA QLCB hợp nhất mọi nghiệp vụ quản lý cán bộ, công chức, viên chức từ quản lý hồ sơ, đánh giá xếp loại, quản lý tiền lương cho tới thi đua khen thưởng.

Được phát triển dựa trên những công nghệ hiện đại nhất như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, nền tảng này giúp các cơ quan Nhà nước xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu điện tử về cán bộ, công chức, viên chức một cách tập trung, liên thông giữa các cấp. Qua đó, giúp các bộ, ngành, địa phương đáp ứng mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức, viên chức.

Cũng theo đại diện lãnh MISA, cả 03 nền tảng nêu trên, ưu điểm chung tạo ra là hướng đến một hệ sinh thái số có sự liên thông dữ liệu giữa các phòng ban, các cấp quản lý, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, cung cấp bức tranh toàn cảnh của các đơn vị, bộ, ngành, địa phương để làm căn cứ đưa ra các quyết định kịp thời.

"Việc sử dụng các nền tảng trên đã tạo ra mô hình về hội tụ dữ liệu – đây là yếu tố cốt lõi cho các đơn vị CĐS thành công thể hiện rõ nét trong các nền tảng số của MISA", đại diện lãnh đạo MISA nhấn mạnh./.



PV