Cuốn sách mở rộng các ý tưởng về giáo dục trẻ em

Truyền thông - Ngày đăng : 08:32, 10/09/2022

Nhà xuất bản (NXB) Tri thức vừa phát hành cuốn sách “Giáo dục trẻ em” - Những bài giảng đầu tiên về giáo dục, dịch giả Nguyễn Hồng. Với những nội dung giúp mở rộng các ý tưởng về “giáo dục trẻ em”, đồng thời mang đến nguồn cảm hứng và nhiều hiểu biết hữu ích cho giáo viên và phụ huynh.

Cuốn sách "Giáo dục trẻ em" được tập hợp từ những bài giảng của Steiner - nhà học giả khoa học, văn học và triết học nổi tiếng người Áo, những bài giảng này đã có từ trước khi thành lập trường Waldorf (trường học ở một thành phố của nước Đức). Tuy nhiên, nhiều nguyên tắc của lý thuyết và thực hành giáo dục Waldorf sẽ được tìm thấy trong các bài giảng này.

Rudolf Steiner là học giả khoa học, văn học và triết học nổi tiếng, đặc biệt với công trình nghiên cứu khoa học ở Viện Goethe (Đức). Bước sang thế kỉ XX, ông bắt đầu phát triển các nguyên tắc triết học trước đây của mình thành một phương pháp tiếp cận để nghiên cứu các hiện tượng tâm lý và tâm linh. Tài năng của ông đã dẫn đến các phương pháp tiếp cận sáng tạo và toàn diện trong y học, khoa học, giáo dục, triết học, tôn giáo, nông nghiệp, kiến trúc, kịch, chuyển động hài hoà (eurythmy), ngôn ngữ và các lĩnh vực khác.

Một trong những chìa khóa lý giải khả năng thấu hiểu và thành công trong nhiều lĩnh vực của Rudolf Steiner nằm ở thực tế là ông có kiến thức uyên thâm về triết học, tâm linh và thần học cũng như được giáo dục, đào tạo một cách khoa học và là bậc thầy thực hành.

Trong cuốn sách "Giáo dục trẻ em" này, Steiner đã thấy rất rõ ràng: các trường học phải được xây dựng để qua đó các chân lý của khoa học tâm linh có thể được thể hiện trên thực tế vì lợi ích của con người và sự tiến hóa đang diễn ra của loài người:

"Khoa học tâm linh, với đặc tính và khuynh hướng vốn có, có nhiệm vụ cung cấp một khái niệm thực tế về thế giới - một ngành khoa học hiểu được bản chất của cuộc sống con người… Vì khoa học tâm linh không phải để trở thành một lý thuyết xa rời cuộc sống, chỉ đơn thuần phục vụ sự tò mò hay khao khát tri thức của con người. Nó cũng không có ý định trở thành công cụ cho một số người vì những lý do ích kỉ muốn đạt được sự phát triển cao hơn cho chính họ. Không, khoa học tâm linh có thể tham gia và hoạt động trong các nhiệm vụ quan trọng nhất của con người hiện đại và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của họ vì phúc lợi của loài người".

Các bài giảng khác, một mặt cho phép độc giả hiểu rõ hơn về Rudolf Steiner, mặt khác giúp mở rộng các ý tưởng về "giáo dục trẻ em". Các bài giảng này cho thấy tình yêu vị tha của Steiner đối với con người, chủ nghĩa lí tưởng và tính thực tiễn của ông, đồng thời mang đến nguồn cảm hứng và nhiều hiểu biết hữu ích cho giáo viên và phụ huynh.

"Cuộc sống giống như một cái cây. Một cái cây mang trong mình nhiều hơn những gì nó bộc lộ ra bên ngoài; cái cây chứa đựng một tương lai ở rất sâu bên trong nó. Chúng ta ngắm nhìn cái cây mới trổ lá và biết rất rõ rằng cây rồi cũng sẽ ra hoa và kết quả. Từ sâu bên trong cây đã có hoa và quả ở dạng phôi. Tuy nhiên, từ những gì cái cây bộc lộ ra bên ngoài, làm thế nào chúng ta biết được hình dạng của các cơ quan mới? Chỉ những người đã hiểu bản chất của cái cây mới có thể trả lời. Tương tự, toàn bộ cuộc sống của con người cũng chứa đựng bên trong những hạt giống của tương lai; nhưng nếu muốn nói bất cứ điều gì về tương lai đó thì trước tiên chúng ta phải thâm nhập vào bản chất ẩn giấu sâu kín của con người", theo Rudolf Steiner.

Rudolf Steiner là tác giả của một cuốn sách giáo dục khác đã được xuất bản tại Việt Nam là cuốn Nền tảng tâm linh của giáo dục, NXB Tri thức ấn hành năm 2019.

Trường Waldorf tại một thành phố trung bình ở Đức. Nhưng vì sao trường học này "khác" và "đặc biệt" so với hầu hết các trường học khác?

Lý do chính là vì quan niệm về con người và sư phạm của các trường Waldorf dựa vào một triết lý đã hình thành ở Đức gần 100 năm trước, gọi là triết lý "nhân trí học" hay "linh trí học".

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 1.100 trường học Waldorf và hơn 2.000 trường mầm non Waldorf (bao gồm ở Việt Nam). Vì vậy, mô hình giáo dục Waldorf cũng đã tự xưng là "phong trào trường học tự do lớn nhất thế giới"./.

Thu Hiền