Tạo động lực cho các khu công nghiệp của Việt Nam bứt phá

Truyền thông - Ngày đăng : 10:52, 08/09/2022

Nghị định số 35/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế được đánh giá góp phần tháo gỡ những vướng mắc cho chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, tạo sức hút mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, song việc thực thi trong thực tiễn vẫn còn nhiều vướng mắc, khiến doanh nghiệp lúng túng.

Bước đột phá trong chiến lược quy hoạch

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 335 khu công nghiệp, với tổng diện tích 97,84 nghìn ha. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng nghìn doanh nghiệp (DN) nước ngoài đến từ hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35% - 40% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Để các khu công nghiệp, khu kinh tế đi vào hoạt động một cách chuyên nghiệp, tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai Nghị định trên, do quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế dẫn đến một số quy định về quy hoạch hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế bộc lộ những bất cập.

Trên cơ sở đó, tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định 82/2018/NĐ-CP. Nghị định 35/2022/NĐ-CP đã đi vào thực thi từ ngày 15/7.

Nghị định 35/2022/NĐ-CP đã bổ sung nhiều quy định mới tiến bộ, góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong việc đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian qua.

Cụ thể, Nghị định này đã quy định rõ các điều kiện, nguyên tắc xác định số lượng, quy mô diện tích, các trường hợp điều chỉnh khu công nghiệp, khu kinh tế, nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho địa phương trong quá trình lập, thẩm định và điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế trong quy hoạch chung của tỉnh, thành phố.

Mặt khác, các DN cũng hiểu rõ hơn các điều kiện phải tuân thủ khi thực hiện đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế và dễ dàng tiếp cận hệ thống thông tin quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế của các địa phương. Theo các chuyên gia, Nghị định quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế với nhiều điểm mới tiến bộ được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong việc đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế, qua đó thúc đẩy gia tăng thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào phân khúc thị trường này.

Một điểm mới đột phá nữa đó là công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế được quan tâm về nhà ở và được cung cấp các dịch vụ tiện ích tại khu công nghiệp. Theo đó, để được xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án hạ tầng khu công nghiệp phải có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động…

Theo đánh giá của doanh nghiệp, điểm nổi bật là Nghị định đã phân loại cụ thể các loại quy hoạch xây dựng khu công nghiệp; địa phương được trao quyền nhiều hơn; một số quy định liên quan đến đầu tư hạ tầng cũng được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn… Những điểm mới trên đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục để đầu tư dự án, qua đó giúp tiết kiệm thời gian triển khai dự án, giảm chi phí cho nhà đầu tư.

Tạo động lực cho các khu công nghiệp của nước ta bứt phá - Ảnh 1.

Nghị định 35/2022/NĐ-CP đã bổ sung nhiều quy định mới, góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong việc đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian qua.

Nhiều vướng mắc khiến doanh nghiệp băn khoăn

Bên cạnh những điểm mới tích cực, theo các chuyên gia, việc thực hiện, triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP vẫn còn một số điểm cần được giải đáp, tháo gỡ.

Luật sư Trần Đại Nghĩa - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam cho biết, để được hưởng các chính sách ưu đãi thì DN đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao phải cam kết các nội dung liên quan đến ngành, nghề thu hút đầu tư; tỷ lệ diện tích đất công nghiệp cho các dự án đầu tư.

Tuy nhiên, Nghị định 35/2022/NĐ-CP lại chưa quy định cụ thể thủ tục, trình tự thẩm định các nội dung liên quan tới vấn đề này. Ngoài ra, quy định về quản lý đối với các DN đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, nếu họ cho các đối tượng khác không phải đối tượng được ưu đãi thuê đất vượt quá cam kết đã quy định thì chế tài xử lý như thế nào cũng chưa thực sự rõ ràng.

"Một số điểm vẫn còn băn khoăn như trên cần có những quy định hướng dẫn cụ thể hơn để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc đầu tư vào các dự án khu công nghiệp, khu kinh tế, qua đó tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của các khu công nghiệp, khu kinh tế" - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Nghị định 35 có quy định về vấn đề phân kỳ đầu tư, đây là một trong những vấn đề vướng mắc lớn cho các nhà đầu tư. Khoản 4 Điều 8 Nghị định 35 quy định rõ, không chỉ chủ đầu tư phân kỳ trong dự án của mình, mà phân kỳ đầu tư phải phân kỳ cả quá trình từ chủ trương đầu tư cho đến chấp thuận đầu tư cho đến phân kỳ đầu tư thật trên thực địa.

Tại Diễn đàn "Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế" vừa qua, nhiều DN đều cho ví dụ, một khu công nghiệp 250ha, khi đi xin chủ trương đầu tư chúng ta sẽ phải tách đôi, làm 2 lần chủ trương đầu tư, 2 lần lựa chọn nhà đầu tư, 2 lần giải phóng mặt bằng… không khéo sẽ làm cho tính tích cực trở thành tiêu cực. Bởi nếu phân kỳ như vậy, tính khớp nối sẽ rất khó với ngay cả một chủ đầu tư. Nghị định còn quy định rõ, nếu phân kỳ lần 1, tỷ lệ lấp đầy chưa đạt 60% thì phân kỳ lần 2 sẽ là chủ đầu tư khác.

Hay có một vài điểm liên quan đến đầu tư hạ tầng (phần cứng của thu hút đầu tư), như sân bay, cảng biển, cao tốc… các điều kiện hỗ trợ xúc tiến đầu tư trong Nghị định đã quy định nhưng chưa chi tiết, thiếu tính cụ thể.

Trong hạ tầng mềm xúc tiến đầu tư, cái quan trọng cốt lõi của các khu công nghiệp là đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư. Hiện tại, các khu công nghiệp hình thành đã lâu nên đều đào tạo tự phát, làm dần thành quen. Nếu đào tạo bài bản ngay từ đầu thì chưa có quy định nào cả. Hiện ở cấp quốc gia và địa phương đều có các chương trình tập huấn đào tạo kỹ năng xúc tiến đầu tư nhưng chỉ cho các đơn vị quản lý nhà nước là các Sở Kế hoạch và Đầu tư, ban quản lý các khu công nghiệp các tỉnh. Vì vậy, Nghị định này nên quan tâm đến sự hỗ trợ của Chính phủ tới các đơn vị phát triển khu công nghiệp tư nhân trong đào tạo tập huấn xúc tiến đầu tư.

Cùng với đó, nhiều quy định còn mơ hồ, đơn cử như cơ chế "một cửa, một chỗ", quy trình thực hiện thủ tục vẫn chưa có khiến doanh nghiệp chưa thể thực hiện. Bối cảnh mới cùng các chính sách mới đòi hỏi sớm có những hướng dẫn để chính sách đi được vào thực tiễn, thực sự là đòn bẩy cho sự phát triển mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần hơn nữa sự giải đáp, tháo gỡ đến từ phía cơ quan chức năng để có thể đẩy mạnh xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp cũng như thu hút đầu tư.

PV