Hiện trạng CĐS của DN nông nghiệp Việt Nam: nhận diện những thách thức

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 09:19, 07/09/2022

Việc đầu tư vào công nghệ trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (DN) nông nghiệp, nhưng cũng yêu cầu sự đầu tư lớn về công nghệ, nguồn lực vận hành và các yếu tố liên quan.

Xu hướng tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp đang thay đổi. Người tiêu dùng ngày càng chú trọng vào các sản phẩm nông nghiệp tốt cho sức khỏe và có nguồn gốc rõ ràng, lựa chọn phương thức mua hàng tiện lợi mọi lúc mọi nơi và tương tác với khách hàng trên đa kênh như mạng xã hội, website của DN, SMS, email, v.v.

Sự thay đổi trong xu hướng nông nghiệp toàn cầu tạo ra các thách thức cho DN trong việc quản lý hiệu quả SXKD và hiệu quả quản trị để vừa đảm bảo tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí và phát triển bền vững.

Trước các xu hướng tiêu dùng mới, ưu tiên của các nhà lãnh đạo DN là thúc đẩy hiệu quả sản xuất, quản lý và tạo ra giá trị dài hạn cho tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng. Mục tiêu này có thể đạt được nhanh hơn thông qua việc áp dụng các công nghệ mới như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) …, đi kèm với mô hình kinh doanh mới (sàn thương mại điện tử, mô hình kinh doanh dựa trên đầu ra sản xuất …) và truyền thông hiệu quả đến với người tiêu dùng cuối cùng.

Một số tình hình CĐS của DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam

Trong thực tế, các bên tham gia trong chuỗi cung ứng nông nghiệp có yêu cầu về CĐS khác nhau phụ thuộc vào mục tiêu, quy mô SXKD và các nguồn lực hiện có.

Chẳng hạn, đối với các đơn vị cung cấp đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, máy móc sản xuất, mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ có sự khác nhau rõ rệt giữa các khu vực. Các đơn vị ở khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cũng như Internet cao. Các đơn vị ở một số khu vực miền núi do cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ và điều kiện địa lý, việc tiếp cận đến Internet hoặc di động còn khá khó khăn. Ngoài ra, các đơn vị trong khâu đầu vào cũng ít được tiếp cận với các thông tin ở các khâu tiếp theo do hạn chế trong chia sẻ thông tin cũng như ứng dụng công nghệ.

Trong khi đó, các đơn vị sản xuất bao gồm cả hộ nông dân, hợp tác xã, DN sản xuất, do đặc thù canh tác, chăn nuôi phân mảnh nên việc áp dụng công nghệ còn gặp nhiều khó khăn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các hộ nông dân với quy mô trồng trọt nhỏ (dưới 0,5 ha) chiếm khoảng 70% đất canh tác ở Việt Nam nhưng có mức độ tiếp cận đến các công nghệ số ở mức thấp nhất. Hiện nay, do tốc độ số hóa tăng nên một số DN nhỏ và vừa (DNNVV) xuất khẩu hoặc phân phối vào các kênh chính thức (siêu thị, cửa hàng) đã chủ động triển khai một số công nghệ đến các vùng trồng của riêng mình khá thành công như Nafoods, Dalatmilk, v.v.

Đối với đơn vị trong khâu thu mua phân phối bao gồm cả thương lái, tiểu thương ở chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, mức độ áp dụng công nghệ cũng khác nhau tùy theo kênh phân phối. Đối với các kênh truyền thống như từ nông dân đến thương lái và tiểu thương ở chợ, việc áp dụng công nghệ rất thấp do các vấn đề về chi phí và yêu cầu của người tiêu dùng về các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm chưa cao. Ở các kênh truyền thống, người tiêu dùng chủ yếu quan tâm đến giá cả và chất lượng rau thay vì các vấn đề liên quan đến nguồn gốc thực phẩm.

Ở kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng), do sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng hướng đến thực phẩm an toàn, nguồn gốc rõ ràng và mua sắm trên đa kênh tạo động lực thúc đẩy DN áp dụng công nghệ để cung cấp dịch vụ và hỗ trợ người tiêu dùng. Một số ứng dụng công nghệ phổ biến ở khâu phân phối bao gồm ứng dụng mua hàng và truy xuất nguồn gốc, tích hợp với nền tảng thanh toán.

Theo khảo sát năm 2021 của Ernst & Young với hơn 30 DN, hợp tác xã trong phạm vi dự án "Áp dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam", 100% các hộ nông dân trồng trọt và bán hàng ra chợ truyền thống không áp dụng công nghệ trong truy xuất. Đối với các DN xuất khẩu và phân phối vào kênh hiện đại, tỷ lệ áp dụng công nghệ trong việc truy xuất lần lượt là 60% và 40%. Điều này cho thấy, việc áp dụng công nghệ trong khâu phân phối tới người tiêu dùng phụ thuộc lớn vào nhu cầu của người tiêu dùng cũng như mục tiêu SXKD của DN.

Hiện trạng CĐS của các DN nông nghiệp Việt Nam: nhận diện những thách thức - Ảnh 2.

Áp dụng các công nghệ mới như tự động hóa, AI, big data… sẽ giúp nâng cao năng suất trong nông nghiệp

Một số thách thức CĐS của DN trong lĩnh vực nông nghiệp

Việc đầu tư vào công nghệ trong SXKD mang lại rất nhiều lợi ích cho DNNVV nhưng cũng yêu cầu sự đầu tư lớn về công nghệ, nguồn lực vận hành và các yếu tố liên quan. Một số thách thức trong việc CĐS của DNNVV bao gồm:

Về tài chính: DNNVV và hộ gia đình còn hạn chế trong việc tiếp cận các công cụ và dịch vụ hỗ trợ tài chính với điều kiện thuận lợi để đầu tư vào SXKD.

Về con người: Để áp dụng công nghệ thành công cần có các nhân sự để hỗ trợ vận hành và hướng dẫn các hộ nông dân/hợp tác xã xuyên suốt quá trình triển khai. DNNVV hiện đang gặp nhiều hạn chế trong việc tuyển dụng nhân sự với các kỹ năng CĐS và giữ chân các nhân sự trong thời gian dài. Ngoài ra, nông dân còn hạn chế về năng lực sử dụng công nghệ, việc sử dụng các ứng dụng đơn giản trên điện thoại cần có sự hướng dẫn chi tiết, kịp thời.

Nhận thức của nông dân về lợi ích áp dụng công nghệ: việc thuyết phục nông dân sử dụng các thiết bị công nghệ cần nhiều thời gian và chứng minh (tăng doanh thu, giảm các chi phí mua phân bón, hóa chất, v.v.). Hơn nữa, theo khảo sát của WB, 60% nông dân Việt Nam sẵn sàng chi tiền cho các dịch vụ tư vấn và thông tin dự báo. Tuy nhiên, nông dân sẽ có xu hướng không dùng các dịch vụ nếu không được cung cấp miễn phí.

Về thị trường: tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để mua các sản phẩm nông sản với chất lượng tốt, thông tin đầy đủ còn thấp. Hầu hết người tiêu dùng còn lưỡng lự về giá khi quyết định lựa chọn sản phẩm.

Để vượt qua được các thách thức này và chuyển đổi thành công, ngoài sự nỗ lực của DNNVV còn cần sự hỗ trợ về mặt chính sách (tài chính, thuế, v.v.) và truyền thông của các cơ quan ban ngành.

Hiện trạng CĐS của DN nông nghiệp Việt Nam: nhận diện những thách thức - Ảnh 2.

Xu hướng tiêu dùng lĩnh vực nông nghiệp (Nguồn: Ernst & Young)

Các công nghệ mới được ứng dụng và mang lại lợi ích gì cho nông nghiệp?

Internet of things (IoT)

IoT mô tả sự kết nối của các thiết bị với Internet thông qua sử dụng phần mềm và cảm biến để chia sẻ thông tin, thu thập và trao đổi dữ liệu giữa các thiết bị. Nói cách khác IoT là cây cầu nối giữa thế giới thực với thế giới số.

Trên thế giới, công nghệ IoT được ứng dụng vào các giải pháp truy xuất nguồn gốc, giải pháp tưới tiêu thông minh để thu thập dữ liệu. Đối với chăn nuôi, các thiết bị IoT là các thiết bị đeo cổ cho động vật, giúp theo dõi và chăm sóc gia súc, gia cầm. Thông qua các thiết bị được tích hợp công nghệ định vị GPS, các trường hợp gia súc, gia cầm bị trộm hay đi lạc có thể được ngăn chặn đáng kể.

Lợi ích mang lại khi ứng dụng công nghệ IoT vào nông nghiệp là tăng hiệu quả sản xuất; giảm các thất thoát, mất mát trong quá trình sản xuất; tăng sự minh bạch của quy trình sản xuất.

Phân tích dữ liệu và dữ liệu lớn

Dữ liệu lớn (big data) là thuật ngữ chỉ các tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng mà các công cụ xử lý dữ liệu truyền thống không thể thực hiện việc thu thập, quản lý và xử lý được. Các tập hợp dữ liệu lớn được tận dụng khai thác để cung cấp các thông tin chuyên sâu cần thiết cho DN.

DN có thể dựa trên các dữ liệu thu thập được về điều kiện sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi kết hợp với dự báo thời tiết sẵn có để lên kế hoạch, lịch trình nuôi trồng phù hợp.

Ngoài ra, DN có thể tận dụng, tổng hợp các dữ liệu lịch sử về bệnh dịch, côn trùng gây hại cho vụ mùa để xây dựng phương án phòng/chống lại các tác nhân gây hại. Các dữ liệu về doanh thu và lợi nhuận của các năm trước đây cung cấp cho DN các thông tin chuyên sâu cần thiết để tập trung sản xuất các sản phẩm mang lại lợi nhuận cao.

Ứng dụng big data sẽ giúp giảm thiểu tỷ lệ hao hụt trong sản xuất nông nghiệp, giảm tổn thất khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, tăng hiệu suất; tăng sự liên kết giữa đầu vào và đầu ra, từ đó tăng lợi nhuận.

Trí tuệ nhân tạo (AI)

Ba yếu tố cốt lõi tạo nên sự khác biệt của AI là tốc độ tính toán cao, kho dữ liệu dồi dào, chất lượng và các thuật toán nâng cao. AI sử dụng xác suất để dự báo về một kết quả và đưa ra hành động tốt nhất dựa trên kết quả đó.

Nhờ vậy, các ứng dụng AI trong ngành nông nghiệp có thể kể đến như các loại máy móc tự động hóa có thể điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm không khí, thời gian làm lạnh sản phẩm, v.v. linh hoạt dựa trên điều kiện bên ngoài ngày càng được sử dụng phổ biến bởi các DN. Các máy móc sử dụng công nghệ AI có khả năng thu thập dữ liệu sau mỗi chu kỳ hoạt động và cải thiện mức độ chính xác của hoạt động trong các chu kỳ hoạt động tiếp theo.

Các loại máy móc, robot tự động được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ trong sản xuất như canh tác đất, gieo trồng hạt giống, phun thuốc trừ sâu, cày cấy... Ứng dụng AI trong nông nghiệp giúp giảm thiểu tỷ lệ hao hụt trong sản xuất nông nghiệp; tăng năng suất lao động; giảm chi phí sản xuất.

Blockchain

Blockchain là công nghệ mã hóa các dữ liệu tạo nên một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau và được mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi của dữ liệu. Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.

Một trong những ứng dụng điển hình của blockchain trong lĩnh vực nông nghiệp là truy xuất nguồn gốc xuyên suốt chuỗi giá trị nông nghiệp. Với sự hỗ trợ của blockchain, các DN và nhà sản xuất có thể duy trì một kho dữ liệu tập trung hóa, với tính đầy đủ và chính xác cao để cung cấp cho người tiêu dùng.

Một số ứng dụng khác như hợp đồng thông minh, thanh toán điện tử nhanh gọn, v.v. Các công cụ thanh toán này giúp đơn giản hóa mô hình phân phối sản phẩm, tiết kiệm thời gian xử lý giao dịch mua bán và xa hơn là cầu nối trực tiếp đề kết nối đơn vị sản xuất với người tiêu dùng mà không cần thông qua các khâu phân phối hay bán lẻ.

Công nghệ blockchain sẽ găng sự minh bạch trong toàn bộ chuỗi; tăng sự liên kết giữa đầu vào và đầu ra, từ đó giúp DN tăng lợi nhuận./.

Anh Minh