Hà Nội hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân: Chính sách nhân văn, kịp thời

Truyền thông - Ngày đăng : 10:00, 05/09/2022

Hà Nội dự kiến sử dụng kinh phí khoảng gần 182 tỷ đồng để hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cho người dân trên địa bàn giai đoạn 2022-2025

Dự kiến chi gần 182 tỷ đồng để hỗ trợ

UBND TP. Hà Nội mới đây đã ban hành Kế hoạch số 234/KH-UBND về quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện trên địa bàn giai đoạn 2022-2025.

Hà Nội hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân: Chính sách nhân văn, kịp thời - Ảnh 1.

Hà Nội dự kiến sử dụng gần 182 tỷ đồng để hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện cho người dân.

Theo kế hoạch, Thành phố dự kiến hỗ trợ kinh phí khoảng gần 182 tỷ đồng để hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện trên địa bàn tgiai đoạn 2022 - 2025; hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác (mức hỗ trợ này ngoài mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện được quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, ngày 29/12/2015, của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện).

Thời gian thực hiện chính sách từ ngày 01/8/2022 - 31/12/2025. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách quận, huyện, thị xã. Riêng năm 2022, đối với các huyện, thị xã khó khăn chưa tự cân đối ngân sách, UBND các huyện, thị xã tổng hợp kinh phí hỗ trợ gửi BHXH TP. Hà Nội tổng hợp, phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND Thành phố bổ sung kinh phí cho các huyện, thị xã triển khai thực hiện chính sách.

Đối tượng được hưởng hỗ trợ bao gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng trước ngày 1/1/2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng từ ngày 1.1.2018 trở đi. Cùng với đó là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người lao động giúp việc gia đình; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương; xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX; nông dân, người lao động tự tạo việc làm, bao gồm những người tự tổ chức hoạt động để có thu nhập cho bản thân và gia đình.

Ngoài ra, người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH; người tham gia khác bao gồm người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ thêm mức đóng.

UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND cấp huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHXH tự nguyện để người dân hiểu rõ sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của việc tham gia BHXH đối với vấn đề an sinh xã hội, từ đó tạo sự thống nhất, đồng thuận trong thực hiện.

Người dân thủ đô phấn khởi, đồng thuận

Chính sách này nhằm giảm áp lực tài chính cho người dân, khuyến khích họ tham gia BHXH tự nguyện trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, mức sống lẫn thu nhập đều giảm sút.

Lãnh đạo thành phố cho rằng việc hỗ trợ người dân là cần thiết bởi từ đầu năm 2022, mức chuẩn nghèo nông thôn tăng từ 700.000 lên 1,5 triệu đồng, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất cũng tăng từ 154.000 đồng lên 330.000 đồng mỗi tháng (gấp 2,14 lần). Lao động eo hẹp về tài chính dẫn tới việc vận động tham gia BHXH tự nguyện khó khăn. Giai đoạn 2018-2021, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho gần 170.000 lao động trên địa bàn đóng BHXH tự nguyện, kinh phí 60 tỷ đồng. Số người đóng tăng dần qua các năm, đạt hơn 63.300 vào năm 2021 (tăng 199% so với năm 2017).

Chia sẻ về thông tin trên, anh Phạm Văn Thiệu (trú tại quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) cho biết: "Đây thực sự là một chính sách đúng đắn, kịp thời của TP. Hà Nội. Trong suốt 3 năm qua, người lao động thủ đô đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19, khiến mức thu nhập giảm sút. Việc Hà Nội bổ sung thêm kinh phí hỗ trợ, sẽ giúp người dân chủ động hơn trong việc tham gia BHXH tự nguyện".

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Nụ (67 tuổi, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: "Tham gia BHXH tự nguyện là một hình thức "của để dành" để sau này khi về già có lương hưu hằng tháng và cấp thẻ BHYT đi khám chữa bệnh. Tôi năm nay 67 tuổi vẫn quyết định tham gia để làm gương cho con cháu, hơn nữa khi tham gia BHXH tự nguyện chẳng may qua đời thì con cháu cũng được nhận tiền tử tuất, nếu tham gia được 5 năm trở lên thì còn có chế độ trợ cấp mai táng phí của Nhà nước, chính sách BHXH tự nguyện hết sức nhân văn đối với mọi người dân. Việc Hà Nội hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện khiến những người dân như tôi cảm thấy hết sức phấn khởi, đồng thuận"./.

Đỗ Thêu