Sửa đổi quy định về áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với TTDL đáp ứng CĐS
Chính sách và chiến lược - Ngày đăng : 16:51, 30/08/2022
Vai trò quan trọng TTDL, ĐTĐM trong CĐS
Năm 2013, Bộ TT&TT đã ban hànhThông tư 03/2013/TT-BTTTTquy định áp dụng tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật (TC/CQKT) đối với TTDL tại Việt Nam. Từ đó đến nay, các công nghệ liên quan đến hoạt động của TTDL cũng đã được phát triển và các tổ chức quốc tế đã cập nhật các tiêu chuẩn liên quan đến hạ tầng TTDL.
Nhằm đáp ứng tình hình mới và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, Bộ TT&TT đã dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 03/2013/TT-BTTTT. Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ TT&TT đã lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Thông tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Trên cơ sở góp ý của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN), Bộ TT&TT đã nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Thông tư.
Để Thông tư thực thi mang tính khả thi, đảm bảo mục tiêu quản lý của nhà nước cũng như tạo thuận lợi cho DN trong quá trình triển khai, ngày 30/8/2022, Bộ TT&TT có tổ chức Hội thảo tham vấn với các DN về dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 03/2013/TT-BTTTT quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với TTDL.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phân Tâm cho biết hiện nay TTDL, ĐTĐM đang cho thấy tầm quan trọng và phát triển TTDL, ĐTĐM là một phần trong chiến lược phát triển Ngành đã được phê duyệt nên các DN phải hết sức quan tâm đảm bảo chất lượng TTDL, từ đó đảm bảo an toàn an ninh trên không gian mạng đáp ứng các hoạt động chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chính vì vậy, Bộ rà soát và bổ sung Thông tư 03/2013/TT-BTTTT, để đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước.
Thông tư sửa đổi này đã trải qua một quá trình xây dựng theo đúng các quy định của pháp luật về xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phan Tâm, với tinh thần cầu thị, Bộ tiếp tục tham vấn DN với mục tiêu, một mặt đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, một mặt tạo thuận lợi cho các DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này, không tạo gánh nặng mặt kinh tế, thủ tục hành chính quá mức cần thiết đối với DN.
Phát triển TTDL lớn, hiện đại
Cũng tại Hội thảo, ông Đinh Quang Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (KHCN) - Bộ TT&TT, cơ quan chủ trì xây dựng thông tư sửa đổi mới cho biết hiện Việt Nam có khoảng 28 TTDL do 11 DN trong nước đầu tư với loại hình cho thuê máy chủ, cho thuê chỗ (colocation), cung cấp dịch vụ đám mây (cloud). Các DN cung cấp TTDL hầu hết áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến, ngoài các quy định tiêu chuẩn trong Thông tư 03, các DN đã áp dụng một số tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến như về hạ tầng viễn thông, áp dụng tiêu chuẩn TIA-942/Uptime. Về vận hành, các DN áp dụng các tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 5001, ISO 20000, ISO/IEC 27001, ISO/IEC 27017, ISO/IEC 27018… và một số tiêu chuẩn đặc thù.
Ông Trung cũng cho biết, từ năm 2013 đến nay, các công nghệ liên quan đến hoạt động của TTDL đã được phát triển và các tổ chức quốc tế đã cập nhật các tiêu chuẩn liên quan đến hạ tầng TTDL. Về chính sách, Nhà nước đẩy mạnh thực hiện CĐS quốc gia, trong đó cũng có yêu cầu phát triển hạ tầng số, bao gồm hạ tầng TTDL. Trong quá trình xây dựng quy định, dự thảo Thông tư đã đăng tải trên Cổng thông tin Bộ TT&TT và lấy ý kiến đóng góp của các DN, thời gian từ 15/5 - 15/7/2022 và đã nhận được nhiều ý kiến từ các DN, VCCI. Trong quá trình lấy ý kiến, Bộ TT&TT đã tổ chức đoàn làm việc với DN để cung cấp thêm thông tin, cũng như là trực tiếp tiếp nhận các phản ánh của DN. Đoàn đã làm việc với 04 DN là Viettel CHT, VNPT IDC, FPT Telecom, CMC Telecom và các DN cũng đã phối hợp tích cực trong quá trình xin ý kiến cũng như làm việc với các TTDL thực tế.
Phó Vụ trưởng Vụ KHCN cho biết Thông tư là văn bản quy định kỹ thuật về áp dụng TC/QCKT với mục tiêu nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT); đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ TTDL; đảm bảo tính hiệu quả, bền vững.
Về tiêu chuẩn/quy chuẩn cụ thể đối với hạ tầng, Thông tư sửa đổi dự kiến mở rộng phạm vi để DN có thể tùy chọn áp dụng 1 trong 3 Tiêu chuẩn TCVN 9250:2021, Tiêu chuẩn ANSI/TIA-942-B:2017, Tiêu chuẩn Tier của Uptime Institute). Về hình thức quản lý, DN thực hiện công bố về sự phù hợp của TTDL với tiêu chuẩn và mức đảm bảo kỹ thuật đã xác định.
Tại Hội nghị, các DN có TTDL như VNPT, Viettel, CMC, FPT, VNG, Hanoi Telecom… đã góp ý kiến cho hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi. Các DN đều đánh giá cao và nhất trí với sự cần thiết và một số nội dung cơ bản của dự thảo sửa đổi Thông tư 03/2013/TT-BTTTT. Các DN hoan nghênh nhiều ý kiến góp ý đã được Bộ nghiên cứu tiếp thu và hoàn thiện dự thảo theo hướng hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Đại diện các DN và các đơn vị thuộc Bộ (Vụ KHCN, Vụ Pháp chế, Cục Viễn thông) đã trao đổi thêm nhiều nội dung, đề xuất liên quan đến thời gian có hiệu lực của Thông tư, các vấn đề về xử lý chuyển tiếp nhằm hỗ trợ hoạt động của DN, việc áp dụng TC/QCKT đối với TTDL quy mô nhỏ, TTDL biên, hình thức quản lý.
Hoàn thiện thông tư hỗ trợ DN, đảm bảo quyền lợi của khách hàng
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết các ý kiến trao đổi hôm nay tập trung vào hai nội dung là: phạm vi điều chỉnh và điều khoản chuyển tiếp.
Về phạm vi điều chỉnh của Thông tư, Thứ trưởng đề nghị xem xét kỹ hơn ý nghĩa của việc áp dụng quy định cho TTDL nhỏ (micro DC) hay không. Để quyết định việc này cần một báo cáo đánh giá tác động và cần thêm các thông tin từ phía DN. Đầu tiên cần làm rõ khái niệm micro DC, tiếp theo là đánh giá, dự báo thị trường micro DC tại Việt Nam, thực tiễn trên thế giới. Nếu micro DC đang là một xu hướng phát triển cả trên thế giới, Việt Nam thì phải cân nhắc việc loại trừ.
Về điều khoản chuyển tiếp của Thông tư, Thứ trưởng thống nhất có 3 nhóm DN vận hành TTDL: nhóm đã khai thác vận hành TTDL trước một thời điểm nào đó, như trước thời điểm 01/01/2023 và thời điểm thông tư có hiệu lực; nhóm đang trong quá trình thiết kế và xây dựng. Nhóm thứ ba là xây dựng mới các TTDL sau 1/1/2023, thì DN phải thực hiện quy định của Thông tư mới ngay từ đầu.
Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh: "Thông tư sửa đổi mới được ban hành phải hỗ trợ DN thuận lợi kinh doanh và vẫn phải bảo đảm quyền lợi của khách hàng hướng tới mục tiêu lâu dài là đảm bảo an toàn an ninh tuyệt đối trên không gian mạng, tạo niềm tin cho tất các bên tham gia vào môi trường ĐTĐM, môi trường số để hoạt động"./.