Triển khai đạo luật về chip, Mỹ tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 10:59, 26/08/2022

Ngày 25/8, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp về việc thực hiện đạo luật nghiên cứu và trợ cấp sản xuất chip bán dẫn trị giá gần 53 tỷ USD.

Đạo luật này phản ánh cam kết của chính quyền Biden trong việc nhanh chóng tăng cường sản xuất chất bán dẫn, nghiên cứu và thiết kế, đồng thời phát triển lực lượng lao động đa dạng về chất bán dẫn để mang lại lợi thế cạnh tranh cho Mỹ trên thế giới.

Trước đó, ngày 9/8, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Khoa học và Chip (Chips & Science Act) bao gồm khoản trợ cấp hơn 50 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn - vốn được sử dụng trong mọi sản phẩm điện tử, từ ôtô và vũ khí công nghệ cao đến các thiết bị công nghệ và trò chơi điện tử, nhằm thúc đẩy tự chủ công nghệ và sản xuất bán dẫn ở nước này.

Ngoài ra, đạo luật cũng sẽ "rót" 200 tỷ USD trong 10 năm để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của Mỹ nhằm cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc.

Đây được coi là một trong những nỗ lực để giải quyết tình trạng thiếu hụt chip kéo dài, cũng như giảm sự phụ thuộc sản xuất vào các quốc gia khác như Trung Quốc.Tổng thống Biden cho biết đạo luật này sẽ giúp nước Mỹ giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh về kinh tế trong thế kỷ 21.

Theo Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia của Nhà Trắng Mỹ Brian Deese, Đạo luật Khoa học và Chip sẽ đảm bảo chuỗi cung ứng quan trọng cho các nhà sản xuất Mỹ và khắc phục các lỗ hổng để giảm chi phí và củng cố an ninh quốc gia và kinh tế của đất nước.

Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden đặt ra 6 ưu tiên chính về hướng dẫn triển khai và thành lập một hội đồng thực hiện Đạo luật liên ngành gồm 16 thành viên.

Cụ thể, Hội đồng này sẽ do Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Brian Deese, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan và Quyền Giám đốc Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Alondra Nelson đồng chủ trì. Ngoài ra, Hội đồng cũng bao gồm Ngoại trưởng Mỹ, các Bộ trưởng các lĩnh vực liên quan như Bộ trưởng Quốc phòng, Thương mại, Tài chính, Lao động và Năng lượng.

"Chúng tôi cam kết sẽ triển khai tài trợ nhanh nhất có thể, đồng thời đảm bảo thời gian để thực hiện thẩm định cần thiết", Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và cũng là thành viên của hội đồng chỉ đạo mới cho biết trong một tuyên bố.

Bộ trưởng Thương mại nhấn mạnh thêm: "Chương trình này nhằm mục đích đầu tư vào kinh tế lâu dài và an ninh quốc gia của Mỹ, và chúng tôi sẽ thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo thành công của chương trình".

Các ưu tiên khác được cũng Tổng thống Biden đặt ra bao gồm tập trung vào việc nghiên cứu chuyên sâu, tuân thủ quy định sử dụng quỹ và tập trung vào việc thu hút nguồn vốn tư nhân như một phần của nỗ lực lâu dài và bền vững hơn.

Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã ra mắt một trang web, CHIPS.gov, đóng vai trò là trung tâm thông tin cho các nguồn lực triển khai, bao gồm các cơ hội tài trợ và lịch trình.

"Chúng tôi cam kết thực hiện một quy trình minh bạch và công bằng, và CHIPS.gov sẽ là một kênh thiết yếu mà qua đó chúng tôi có thể giao tiếp với công chúng về các sáng kiến của chương trình", Raimondo khẳng định./.

Ánh Dương