Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
Truyền thông - Ngày đăng : 15:13, 24/08/2022
Hội nghị tập huấn cung cấp thông tin cho các nhà báo về hiện trạng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và các xu hướng công nghệ nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí nêu rõ: Internet được coi là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Với Internet, trẻ em có thể truy cập, tìm kiếm những điều bổ ích và những điều mình thích, nhưng song hành cùng những tiện ích lành mạnh là những tác động xấu, ảnh hưởng tới nhận thức của trẻ.
"Để an toàn trên môi trường mạng và không lạc lối khi bước vào thế giới này, trẻ em cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng, nhận biết cần và đủ. Và báo chí đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác thông tin và tuyên truyền về các vấn đề trẻ em trên môi trường mạng", ông Lợi nhấn mạnh.
Theo thống kê của Cục Báo chí, từ ngày 1/1/2022 đến nay, các cơ quan báo chí đã có 145.130 tin/bài liên quan đến vấn đề trẻ em, thu hút được sự quan tâm của độc giả. Đây là một khối lượng tin bài lớn, cho thấy sự nỗ lực của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng và trẻ em trong việc hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng.
Theo ông Lợi, để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền một cách hiệu quả và không vi phạm các quyền của trẻ em, báo chí cần được trang bị nhiều hơn nữa về kiến thức và chia sẻ các giá trị đạo đức cụ thể trong truyền thông để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường không gian mạng.
Cũng chia sẻ tại Hội nghị tập huấn, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Theo khảo sát mới đây, trẻ em sử dụng mạng Internet ngày càng nhiều. Ngoài thời gian dành cho việc học, trẻ em cũng có có xu hướng “nghiện” mạng xã hội ngoài giờ học trực tuyến với thời gian trung bình trẻ em sử dụng từ 5 - 7 tiếng/ngày vào mạng xã hội. Cùng với những mặt tích cực thì đi kèm theo đó là những mặt tiêu cực.
Thống kê từ tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, các cuộc gọi tư vấn, hỗ trợ liên quan đến không gian mạng cũng đã tăng trong thời gian vừa qua. Cụ thể, năm 2021 có 422 cuộc gọi, trong 7 tháng đầu năm 2022 đã có 268 cuộc gọi. Nhiều cuộc gọi trong số đó là xin tư vấn, hỗ trợ liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục liên quan đến môi trường mạng.
Từ thực tế đó, bà Nga cho rằng việc cấm đoán trẻ em dùng Internet không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay mà cần có sự đồng hành của cha mẹ, nhà trường và cộng đồng; trong đó nâng cao kỹ năng khi dùng Internet được ví như là "vắc-xin số" giúp trẻ em có thể tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.
Tại hội nghị tập huấn, các chuyên gia về báo chí, truyền thông, cán bộ quản lý trong lĩnh vực trẻ em và công nghệ cũng đã có những chia sẻ, cung cấp những thông tin, tư liệu hữu ích cùng những kiến thức, kỹ năng để các phóng viên báo chí thực hiện tốt sứ mệnh tuyên truyền của mình nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng./.