CĐS để lan toả giá trị di sản - văn hoá Thừa Thiên - Huế
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:07, 24/08/2022
CĐS để thúc đẩy phát triển di sản - văn hóa ở Thừa Thiên - Huế
Thừa Thiên - Huế là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa. Đây chính là nền tảng, cơ sở, là điểm tựa và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy nhanh thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Phát biểu tại hội thảo phiên chuyên đề "CĐS: Phát huy sức mạnh văn hóa - di sản tạo đà phát triển kinh tế số" diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ CĐS - Huế 2022 chiều ngày 18/8, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế, cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh; 03 di sản phi vật thể cấp quốc gia; 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có 07 di sản được UNESCO vinh danh thuộc 3 loại hình khác nhau: di sản vật thể; di sản phi vật thể và di sản tư liệu.
Việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa phong phú đó đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện công tác bảo tồn, bảo tàng. Đặc biệt cần có những công cụ, phương thức quản lý khoa học, hiện đại để vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, vừa khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị của văn hóa, di sản để đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Và việc ứng dụng CNTT, CĐS là công cụ hữu hiệu nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống ở Thừa Thiên - Huế trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai xây dựng chính quyền điện tử, CĐS toàn diện trên các ngành, lĩnh vực, trong đó văn hóa là một trong những lĩnh vực được xác định ưu tiên CĐS để góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Hiện nay, hệ thống các di tích, hiện vật, tư liệu, các lễ hội tiêu biểu, có giá trị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được kiểm kê, chuẩn hóa thông tin, lý lịch khoa học kèm bản chụp các hình ảnh về di tích, hiện vật, tư liệu, lễ hội. Đây là tiền đề thuận lợi để đẩy mạnh việc thực hiện số hóa, CĐS các di sản văn hóa trong thời gian tới.
Một số đơn vị đã bước đầu triển khai thực hiện các giải pháp CĐS áp dụng công nghệ số hóa 3D trong việc quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản. Cụ thể, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai ứng dụng (app) hướng dẫn tham quan "Di tích Huế", ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR Code để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác - Model 3D và xoay 360o; phục dựng Hoàng Thành bằng công nghệ số, quét (scan) số hóa 3D lăng vua Tự Đức công bố trên nền tảng Google Arts & Cultural/Open Heritage...
Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế cũng đã tổ chức các cuộc triển lãm 3D, giới thiệu không gian, tham quan bảo tàng và các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hình ảnh 360o trực tuyến trên website,…
Đặc biệt, Tuần lễ Festival Thừa Thiên - Huế năm 2022 đã ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D Mapping hiện đại để tổ chức lễ khai màn độc đáo và đầy ấn tượng.
Phát huy sức mạnh di sản - văn hóa tạo đà phát triển kinh tế
Theo ông Phan Thanh Hải, bên cạnh những thuận lợi và kết quả bước đầu đã đạt được, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ CĐS trong lĩnh vực văn hóa di sản ở Thừa Thiên - Huế cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức bao gồm xây dựng, xác định các nội dung văn hóa, di sản ưu tiên thực hiện CĐS; việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ số hóa; việc cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu lưu trữ, quản lý, tích hợp các nội dung số hóa, CĐS.
Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghệ có nền tảng số phục vụ CĐS trong lĩnh vực văn hóa, di sản trên địa bàn tỉnh chưa phát triển, đội ngũ nguồn nhân lực thành thạo CNTT để đáp ứng công việc... Và thách thức lớn nhất là vấn đề kinh phí thực hiện các nội dung số hóa, CĐS trong lĩnh vực văn hóa, di sản.
Với hệ thống di sản đồ sộ, việc đẩy mạnh CĐS các di sản văn hóa sẽ giúp Thừa Thiên - Huế phát huy sức mạnh của các di sản văn hóa, tạo ra nhiều những sản phẩm du lịch mới, mô hình du lịch mới. Sự phát triển của ngành du lịch từ đó sẽ tạo đà phát triển đột phá kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ những giải pháp công nghệ để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản văn hoá: bản đồ số văn hoá; bảo tảng ảo 3D; hệ thống tham quan ảo 3D; trợ lý ảo;... nhằm giúp công tác bảo tồn, lưu trữ và phổ biến các giá trị văn hóa được dễ dàng.
Để phát triển du lịch thông minh, ông Nguyễn Quyết Tâm, Giám đốc công ty VietISO, cho biết cần phát triển nền tảng số du lịch, trong đó chú trọng hình thành trung tâm dữ liệu số (số hóa hệ thống tư liệu, tài liệu tài nguyên di sản - văn hoá, quản lý tập trung và sẵn sàng kết nối); tăng cường tương tác và kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp, khách du lịch và người dân; nắm bắt bức tranh tổng quan về du lịch; quảng bá và phát triển du lịch.
Về định hướng trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, cho biết Sở tiếp tục đẩy mạnh CĐS ngành du lịch như triển khai thẻ du lịch thông minh (POS/QR Code), tăng cường các trải nghiệm thông minh (thực tế ảo), 3D/VR360 dữ liệu di sản, ẩm thực hay triển khai vé - giao dịch điện tử,...
Theo nhận định của các chuyên gia, quá trình thực hiện số hóa di tích, di sản cần được triển khai một cách toàn diện đối với các đơn vị trong ngành, đặc biệt là các đơn vị trong khối di sản văn hóa. Từ việc khảo sát, tập hợp, xây dựng CSDL phục vụ số hóa, đến việc xây dựng kho dữ liệu số dùng chung cần được thực hiện bài bản, theo quy trình. Các đơn vị đã số hóa dữ liệu, có CSDL riêng cần sớm thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan. Các chuyên gia đề xuất Huế cần sớm hoàn thiện hệ thống du lịch thông minh - Smart Tourism để tận dụng, khai thác hiệu quả các dữ liệu số này, tạo đột phá cho du lịch của Huế./.