Cà Mau đề nghị lãnh đạo các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện CĐS
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 19:02, 23/08/2022
Thông qua CĐS, Cà Mau kỳ vọng sẽ từng bước đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, chỉ đạo và điều hành của cơ quan Đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành số hoá các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đến năm 2030, số hóa toàn diện các lĩnh vực, đưa Cà Mau vào nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS.
Nhiều chính sách thúc đẩy CĐS
Trong năm 2022, tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy CĐS. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Đề án CĐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đề án là chủ trương, giải pháp của tỉnh nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình, Chiến lược của Chính phủ và Nghị quyết của Tỉnh ủy về CĐS; giúp tỉnh Cà Mau cải thiện thứ hạng Chỉ số đánh giá CĐS (DTI), đồng thời quyết tâm đưa tỉnh Cà Mau thành một trong những tỉnh bắt kịp, đi cùng, hướng đến xếp vào nhóm các tỉnh, thành đi đầu và triển khai có hiệu quả về CĐS trong thời gian tới.
Đề án cũng nhằm phản ánh quan điểm chỉ đạo, tầm nhìn, nhiệm vụ và giải pháp CĐS của tỉnh trong thời gian tới. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo CĐS nhằm đánh giá công tác CĐS trên địa bàn tỉnh 8 tháng đầu năm 2022, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hiện CĐS thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Huỳnh Quốc Việt đã đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt công tác CĐS đạt kết quả theo các chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, Đề án UBND tỉnh ban hành.
Trưởng ban Chỉ đạo CĐS tỉnh yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện CĐS vào các hoạt động cơ quan, đơn vị địa phương đảm bảo phù hợp. Ngoài ra, cần tăng cường khả năng kết nối liên thông tích hợp chia sẻ sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin; tăng cường sử dụng các văn bản điện tử, nhất là chữ ký số, hộp thư điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tuyên truyền rộng rãi để mọi người hiểu và tích cực thực hiện công tác CĐS với tinh thần người dân là chủ thể, trung tâm.
Tăng cường tương tác giữa người dân và chính quyền qua ứng dụng phản ánh hiện trường
Ứng dụng Chính quyền điện tử (CQĐT) (CaMau-G) đã được tỉnh triển khai với mục đích làm đại diện, tích hợp các ứng dụng, dịch vụ CQĐT của tỉnh Cà Mau tập trung về một đầu mối truy cập thông qua tài khoản SSO. Ứng dụng được tập huấn, hướng dẫn cho Tổ Công nghệ số cộng đồng để triển khai hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp (DN) cài đặt sử dụng.
Theo Báo cáo về tình hình thực hiện CĐS 08 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Cà Mau, đã có 2.191 lượt cài đặt ứng dụng Camau-G trong năm nay, lũy kế đến nay có 4.950 lượt cài đặt; số lượng có sử dụng ứng dụng (trong năm 2022) là 2.975.
Trong khi đó, ứng dụng phản ánh hiện trường trên app CaMau-G đã chính thức đi vào sử dụng từ ngày 01/7/2022. Thông qua ứng dụng, các ý kiến phản ánh của người dân được các cấp, ngành chức năng xử lý kịp thời, công khai, minh bạch. Từ đó, góp phần tạo lòng tin trong nhân dân và cộng đồng DN, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số trong tương lai.
Kết quả sau một tháng triển khai ứng dụng đã tiếp nhận 142 phản ánh của tổ chức, cá nhân. Trong đó, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận xử lý 97 phản ánh, trả lại 45 phản ánh không thuộc phạm vi xử lý. Lĩnh vực Hạ tầng đô thị và An ninh trật tự nhận được phản ánh nhiều nhất; đơn vị nhận xử lý phản ánh nhiều nhất là UBND thành phố Cà Mau và UBND huyện Trần Văn Thời.
Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Cà Mau Trần Quốc Chính, cho biết theo quy định, ứng dụng phản ánh hiện trường không tiếp nhận ý kiến phản ánh liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính và khiếu nại tố cáo. Tuy nhiên, người dân chưa nắm rõ vấn đề này nên còn gửi phản ánh về lĩnh vực này khá nhiều, cơ quan điều phối phải xử lý trả lại.
"Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông tuyên truyền để người dân hiểu, nắm rõ về phản ánh hiện trường theo quy định, góp phần tạo kênh tương tác tích cực giữa người dân và chính quyền, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, DN thúc đẩy phát triển chính quyền số trong tương lai", Giám đốc Trần Quốc Chính nói.
Trước đây, người dân muốn phản ánh các vấn đề bất cập thì phải trực tiếp đến cơ quan chức năng liên hệ giải quyết. Trong một số trường hợp, người dân còn gặp khó khăn trong việc liên hệ vì không biết cơ quan phụ trách và thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, từ khi ứng dụng phản ánh hiện trường trên app điện thoại CaMau-G chính thức đi vào vận hành, người dân có thể thao tác phản ánh trên điện thoại một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Giờ đây, chỉ cần có điện thoại thông minh người dân có thể gửi các phản ánh kèm theo hình ảnh chụp và quay phim tại hiện trường. Ngay lập tức thông tin phản ánh, nội dung, địa điểm, hình ảnh sẽ được Cổng Thông tin điện tử tỉnh tiếp nhận, phân loại và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử lý. Người dân có thể giám sát, tương tác và đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lý phản ánh của từng cơ quan đảm bảo công khai, minh bạch.
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Huỳnh Quốc Việt, đề nghị các đơn vị cần phổ biến các phần mềm, ứng dụng cho người dân biết và sử dụng hiệu quả như dịch vụ công trực tuyến, phản ánh hiện trường, thanh toán không dùng tiền mặt, đặt lịch khám bệnh từ xa, sổ khám sức khỏe điện tử, khai thuế điện tử... Tổ công nghệ số cộng đồng cần được tập huấn hướng dẫn và phát huy tác dụng, đảm bảo có những hoạt động thiết thực, chất lượng, giúp người dân cùng chính quyền CĐS đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực./.