Không có hạ tầng số Việt Nam thì sẽ không có chủ quyền số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 21:49, 22/08/2022
Giữa tháng 8 vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã diễn ra một sự kiện lớn của ngành Thông tin & Truyền thông (TT&TT) trong nước, đó là việc Tập đoàn Công nghệ CMC khai trương trung tâm dữ liệu (TTDL) Tân Thuận - một TTDL hiện đại và an toàn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
HTS phải đi trước
Tham dự lễ khai trương TTDL Tân Thuận, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đại diện là công nghệ số và chuyển đổi số (CĐS) một lần nữa lại làm thay đổi ngành Bưu điện. Bưu chính Viễn thông và CNTT đã trở thành Bưu chính Viễn thông, CNTT và CĐS. Xuất hiện một khái niệm mới là HTS. HTS là hạ tầng viễn thông băng rộng cộng với hạ tầng điện toán đám mây (ĐTĐM), hạ tầng Internet kết nối vạn vật (IoT), hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ, hạ tầng các nền tảng số. Hạ tầng số không chỉ là hạ tầng thông tin liên lạc mà còn là hạ tầng của nền kinh tế số (KTS). Sự chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng của nền KTS là sự chuyển đổi mang tính lịch sử. Sự chuyển đổi này là cuộc đổi mới lần 2 của ngành Bưu điện.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những hạ tầng quan trọng nhất của HTS là hạ tầng ĐTĐM, hay còn gọi là TTDL (Data Center.) Dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn sẽ là ngành công nghiệp lớn.
Chính vì lẽ đó mà việc đưa TTDL Tân Thuận với diện tích sàn sử dụng 12.000m² và xấp xỉ 3.000m² không gian dành cho thiết bị CNTT với quy mô 1.200 tủ rack, có tổng công suất thiết kế lớn lên tới 12.000kW và hỗ trợ tới 3 triệu vCPU đi vào hoạt động được coi là sự đầu tư lớn và có ý nghĩa đặc biệt đối với HTS của Việt Nam.
TTDL Tân Thuận của CMC được B-Barcelona Singapore thiết kế tuân thủ theo các tiêu chuẩn khắt khe nhất cho một TTDL hiện đại như PCI DSS, ISO 27001:2013/ ISO 9001:2015. Đây là TTDL đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có đánh giá phòng chống rủi ro TVRA và có chứng chỉ Uptime Tier III về xây dựng…
Là nhà cung cấp dịch vụ trung lập, TTDL Tân Thuận của CMC có hạ tầng kết nối quốc tế như một Digital Hub của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong hệ sinh thái khối HTS chuẩn mực, nếu coi mạng lưới hạ tầng viễn thông thông suốt là mạch máu thì TTDL chính là trái tim.
Với vị trí địa lý thuận lợi, chính sách mở và nhất quán, hạ tầng kết nối đa dạng, sản phẩm, dịch vụ CĐS an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, công nghệ an toàn an ninh thông tin tin cậy nhất, TTDL trung lập quy mô lớn thu hút được sự tham gia và hiện diện của các hãng CNTT hàng đầu… Chuyên gia quốc tế cũng như CMC tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ các điều kiện để trở thành trung tâm số tiếp theo của khu vực.
Các DN Việt Nam cần đầu tư mạnh vào hạ tầng ĐTĐM
Mới đây, trong phiên thảo luận tại Hội thảo "The future of Internet" do VNNIC tổ chức, đại diện lãnh đạo của CMC Telecom, ông Đặng Tùng Sơn - DCEO/CMO đã chia sẻ về chủ đề "Viet Nam - the next Asia Digital Hub". "Việt Nam có muốn bắt kịp con tàu 4.0 để đất nước phát triển dựa trên công nghệ cao và trở thành trung tâm số hay không thì điều kiện tiên quyết chính là HTS. Chiến lược của CMC trong lĩnh vực viễn thông là hợp tác với những hãng công nghệ hàng đầu thế giới nhằm đưa Việt Nam thành một Digital Hub trung chuyển trong khu vực, bên cạnh Hồng Kông hay Singapore", ông Sơn nhấn mạnh.
Nhân dịp khai trương TTDL Tân Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã kêu gọi các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng ĐTĐM, vì đây là hạ tầng quan trọng nhất của KTS. Vào năm 2025, thị trường ĐTĐM sẽ lớn hơn thị trường viễn thông.
Theo Bộ trưởng, sự đầu tư cho ĐTĐM tại Việt Nam hiện nay là chưa tương xứng, chưa bằng 1/10 so với đầu tư viễn thông. Dữ liệu Việt Nam là tài nguyên và tài sản Việt Nam thì phải được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam hoặc được sự cho phép của Việt Nam. Chủ quyền số quốc gia liên quan mật thiết tới HTS Việt Nam. Không có HTS Việt Nam thì sẽ không có chủ quyền số Việt Nam.
Qua đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng chia sẻ thêm: "DN thì phải có lợi nhuận để tồn tại. Nhưng sau lợi nhuận sẽ là gì? Không lẽ lại là lợi nhuận. Một DN vĩ đại là một DN hoạt động có lợi nhuận để thực hiện một sứ mệnh. DN Việt Nam thì hãy nhận lấy một sứ mệnh Việt Nam để cho đất nước này hóa rồng, hóa hổ, để Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21, để Việt Nam hùng cường thịnh vượng, và không có kẻ thù nào dám đến xâm phạm. Bộ TT & TT mong muốn Tập đoàn Công nghệ CMC là một DN như vậy. Và các DN công nghệ số khác cùng có được khát vọng này thì ngành TT&TT Việt Nam có thể sánh vai cường quốc năm châu vào năm 2030".
Phát biểu tại lễ khai trương TTDL Tân Thuận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Tập đoàn CMC cần đặc biệt quan tâm quản lý và vận hành, xây dựng đội ngũ quản lý chuyên nghiệp và nhân sự chất lượng cao, tăng cường liên kết với các đơn vị, DN công nghệ khác trong phát triển HTS và nhân lực công nghệ số. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hy vọng Trung tâm sẽ thật sự là trái tim trong hoạt động CĐS mà DN cung cấp cho Chính phủ, TP. HCM và các đối tác khách hàng trong và ngoài nước./.