Hà Nội đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong kiểm nghiệm ATVSTP
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 07:35, 21/08/2022
Chú trọng công tác xét nghiệm
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã lấy 317 mẫu để xét nghiệm an toàn thực phẩm (ATTP) trong phòng thí nghiệm. Trong đó, thịt và sản phẩm thịt là 22 mẫu; thủy sản và sản phẩm thủy sản là 68 mẫu; trái cây 6 mẫu; rau, củ, quả 142 mẫu; chè 6 mẫu; trứng 8 mẫu; ngũ cốc 8 mẫu; sản phẩm khác 57 mẫu. Kết quả xét nghiệm cho thấy, có 307/317 mẫu đạt tiêu chuẩn ATTP (chiếm 96,5%) đối với các chỉ tiêu phân tích, 10 mẫu phát hiện chỉ tiêu gây mất ATTP.
Cụ thể, 1 mẫu rau phát hiện hoạt chất bảo vệ thực vật cấm sử dụng Haptachlor; 8 mẫu thủy sản phát hiện chất cấm Malachite green, Leucomalachite green; 1 mẫu sản phẩm thịt phát hiện chỉ tiêu vi sinh vật tổng số vi sinh vật hiếu khí. Xét nghiệm nhanh đạt 70.537/77.513 mẫu (tỷ lệ đạt 91%) bao gồm xét nghiệm nhanh dụng cụ, tinh bột, nước sôi; xét nghiệm thực phẩm, dấm, phẩm màu, hàn the, foocmon.
Không chỉ riêng ngành y tế, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cũng đã thành lập trung tâm chuyên ngành, bố trí nguồn lực để đầu tư mua sắm hơn 100 máy móc, thiết bị. Nhờ đó, đơn vị đã cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác phân tích, kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Hiện, ngành NN&PTNT Hà Nội đang duy trì năng lực Phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 do Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận trong lĩnh vực sinh - hóa. Đồng thời, duy trì cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý Nhà nước (QLNN) về an toàn thực phẩm do Bộ NN&PTNT chỉ định thuộc lĩnh vực hóa - sinh. Cùng với đó, tiếp tục phát triển phạm vi đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm theo Nghị định số 107/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đang phát triển năng lực chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt chuẩn ISO/IEC 17065:2013; chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng đạt chuẩn ISO/IEC 17021-1:2015. Đồng thời, duy trì chỉ định của Bộ NN&PTNT chuyên ngành cho các chương trình chứng nhận gồm: VietGAP trồng trọt, VietGAP chăn nuôi, VietGAP thủy sản, nông nghiệp hữu cơ sản phẩm trồng trọt, chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và hệ thống ISO 9001.
Hiện, Sở NN&PTNT Hà Nội đang chuẩn bị hồ sơ, thủ tục và điều kiện phục vụ việc đánh giá lại năng lực phòng thử nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 và năng lực tổ chức chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn ISO/IEC 17065:2012; dự kiến sẽ phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đánh giá, công nhận lại trong quý III/2022.
Tăng cường kiểm soát
Nhằm đảm bảo công tác đảm bảo ATVSTP, thời gian qua, các lực lượng chức năng của Hà Nội đẩy mạnh kiểm soát thực phẩm. Cụ thể, từ đầu năm đến này, ngành y tế đã kiện toàn 4 đội cơ động điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm tuyến TP, chủ động giám sát ATTP. Đến nay, xảy ra một sự cố về ATTP đã được điều tra và xử lý kịp thời; không có vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn TP. Thời gian tới, các đội cơ động sẽ tăng cường kiểm tra giám sát ATVSTP, nhất là các dịp lễ tết, tập trung đông người.
Còn đối với Sở NN&PTNT, theo đánh giá, năng lực phân tích và chứng nhận chất lượng nông sản, thực phẩm của ngành hiện nay đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu QLNN. Dù vậy, phạm vi đánh giá các sản phẩm hiện chủ yếu mới dừng ở việc phân tích, chứng nhận đối với tiêu chuẩn trong nước.
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, nhận thức của một bộ phận người dân về sản phẩm được chứng nhận vẫn còn những hạn chế nhất định. Tâm lý đánh đồng giữa sản phẩm thông thường và các loại nông sản, hàng hóa có chất lượng, được cơ quan QLNN đánh giá, chứng nhận vẫn còn khá phổ biến. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của các chủ thể sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã… trong việc tiếp cận với các tiêu chuẩn sản xuất tốt.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, xu hướng hội nhập kinh tế, định hướng xuất khẩu hàng hóa, nông sản của TP đòi hỏi năng lực phân tích, chứng nhận phải được cải tiến mạnh mẽ hơn nữa. Theo đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung vào phân tích, chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất là tiêu chuẩn dành cho nhóm sản phẩm hữu cơ.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác với một số tổ chức kiểm nghiệm, chứng nhận, đánh giá quốc tế để phát triển nguồn nhân lực cũng được ngành NN&PTNT Hà Nội xem là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thông qua đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đánh giá, phân tích và chứng nhận, nông sản, hàng hóa của Hà Nội có thể tham gia vào các chương trình chứng nhận mới như: Chứng chỉ quản lý bền vững (FSC), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của châu Âu (Global GAP) hay ISO 22.000:2018…
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thêm, từ nay đến cuối năm 2022, đơn vị sẽ tập trung hoàn thiện việc chuyển giao cơ sở hạ tầng để bố trí mặt bằng, chuẩn hóa điều kiện phòng thí nghiệm để đáp ứng đầy đủ điều kiện tham gia hệ thống kiểm nghiệm, chứng nhận quốc gia. Đồng thời, duy trì việc tiến hành các đợt kiểm tra, giám sát định kỳ hàng năm, xử lý nghiêm vi phạm đối với các tổ chức chứng nhận./.