Tập trung số hóa tài liệu lưu trữ quốc gia
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 18:31, 19/08/2022
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết trong thời gian sắp tới, Cục có các hoạt động nổi bật như: Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước; xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), Chính phủ số; kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển (4/9/1962 - 4/9/2022).
Chia sẻ về Luật Lưu trữ, Cục trưởng Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh: sau hơn 10 năm triển khai (1/7/2012), Luật Lưu trữ đã phát sinh một số vướng mắc, đặt ra yêu cầu cần phải điều chỉnh cho phù hợp thực tế hiện nay, nhằm tiếp tục tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nói riêng và ngành lưu trữ nói chung; đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia và chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.
Theo đó, Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ tập trung vào 4 chính sách:
Thứ nhất, thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc phông lưu trữ quốc gia Việt Nam: phân định rõ thẩm quyền quản lý tài liệu phông lưu trữ quốc gia Việt Nam giữa cơ quan lưu trữ của Đảng và cơ quan lưu trữ của Nhà nước; giữa cơ quan lưu trữ của Nhà nước ở trung ương và địa phương; thẩm quyền quản lý tài liệu của các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao nhằm quản lý thống nhất, hiệu quả tài liệu lưu trữ.
Thứ hai, quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu CĐS và phát triển CPĐT: quy định các quy trình nghiệp vụ lưu trữ đối với tài liệu điện tử; quản lý tập trung, thống nhất dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử; điều kiện, trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia các dịch vụ lưu trữ tài liệu điện tử và quy định về chứng thực tài liệu lưu trữ điện tử.
Thứ ba, hoàn thiện, bổ sung các quy định của pháp luật về quản lý tài liệu lưu trữ tư.
Thứ tư, hoàn thiện quy định của pháp luật về quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế.
Luật Lưu trữ (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV (tháng 10/2023); trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV (tháng 5/2024) và dự kiến thời gian Luật có hiệu lực từ 1/1/2025.
Về chương trình công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế -xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước, ông Tùng cho biết việc này nhằm phát huy hiệu quả giá trị tài liệu, góp phần phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng ngành, địa phương, vùng miền; giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho các thế hệ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Trong số các tài liệu đưa ra công bố gồm tài liệu lưu trữ quốc gia hiện đang bảo quản tại 4 trung tâm lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ và đơn vị lưu trữ lịch sử của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trừ những loại tài liệu có nội dung bí mật Nhà nước và tài liệu thuộc diện hạn chế sử dụng.
Về các hoạt động kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Cục trưởng đã giới thiệu về quá trình thành lập và phát triển, phấn đấu vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Với những kết quả đạt được, Đảng và Nhà nước đã ghi nhận, đánh giá cao và tặng thưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2002, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2006, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2007 và nhiều danh hiệu cao quý khác./.