Trung tâm dữ liệu CMC Tân Thuận hiện đại và an toàn đi vào hoạt động
Bản tin ICT - Ngày đăng : 08:36, 16/08/2022
Chương trình còn có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư, UBND TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ cùng các sở ngành khác và đại diện đối tác chiến lược, cổ đông của Tập đoàn Công nghệ CMC.
Không có hạ tầng số Việt Nam sẽ không có chủ quyền số Việt Nam
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TP. HCM là thành phố phát triển bậc nhất cả nước, nơi thu hút doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư năng lực cao. Mục tiêu đến năm 2030 là thành phố dịch vụ chất lượng cao, công nghệ hiện đại, văn hóa tiên tiến, dẫn đầu sự phát triển kinh tế số, xã hội số số. Để thực hiện hóa mục tiêu này thì sự tham gia trực tiếp của các DN công nghệ có tiềm lực, có tầm nhìn và tâm huyết, sáng tạo như CMC là rất quan trọng.
"Tôi biểu dương Tập đoàn Công nghệ CMC đã có những bước phát triển thắng lợi, tốc độ tăng trưởng hằng năm rất cao, đạt được nhiều thành tựu, giải thưởng nổi bật trong nước và quốc tế. Đặc biệt Tập đoàn luôn chú trọng, đầu tư nghiên cứu phát triển các công nghệ mới. Tôi hy vọng TTDL CMC Tân Thuận sẽ là trái tim trong hoạt động CĐS.
Việc đầu tư thực hiện xây dựng TTDL với tiêu chuẩn kỹ thuật cao hiện đại và an toàn là một bước tiến đột phá, có ý nghĩa quan trọng góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số cả nước", Chủ tịch nước phát biểu.
Bày tỏ ấn tượng về khát vọng, ý chí vươn lên ngang tầm thế giới của một số DN công nghệ lớn của Việt Nam trong đó có CMC, Chủ tịch nước đề nghị các DN tập trung nguồn lực, nhanh chóng giúp TP.HCM trở thành trung tâm AI và dữ liệu lớn của cả nước và khu vực.
Chủ tịch nước đề nghị Tập đoàn CMC cần đặc biệt quan tâm quản lý và vận hành, xây dựng đội ngũ quản lý chuyên nghiệp và nhân sự chất lượng cao, tăng cường liên kết với các đơn vị, DN công nghệ khác trong phát triển hạ tầng công nghệ số và nhân lực công nghệ số. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hy vọng Trung tâm sẽ thật sự là trái tim trong hoạt động CĐS mà DN cung cấp cho Chính phủ, Thành phố và các đối tác khách hàng trong và ngoài nước.
Trong chương trình, CMC cũng đã demo các sản phẩm, dịch vụ nổi bật của tập đoàn và giới thiệu triển lãm về quá trình hình thành phát triển cũng như các những thành tựu mà Tập đoàn Công nghệ CMC đã đạt được 29 năm qua.
Tham dự buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã có những chia sẻ đầy tâm huyết: "Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để chứng kiến sự ra mắt của TTDL chuẩn quốc tế quy mô lớn nhất Tập đoàn Công nghệ CMC. Bộ TT&TT đánh giá cao sự tiên phong đi đầu của CMC trong việc xây dựng hạ tầng số đạt chuẩn quốc tế. Dữ liệu Việt Nam là tài nguyên và tài sản của Việt Nam thì phải được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam hoặc dưới sự cho phép của Việt Nam.
Chủ quyền số quốc gia liên quan mật thiết đến hạ tầng số Việt Nam. Không có hạ tầng số Việt Nam sẽ không có chủ quyền số Việt Nam. Một lần nữa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đại diện là công nghệ số và CĐS đã làm thay đổi ngành bưu chính viễn thông và ngành CNTT. Hạ tầng số không chỉ là hạ tầng của thông tin liên lạc mà còn là hạ tầng của nền kinh tế số. Sự chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng của nền kinh tế số là sự chuyển đổi mang tính lịch sử. Bộ TT&TT thông mong muốn CMC cùng các DN số khác để đưa Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao, sánh vai với cường quốc năm châu vào năm 2030".
5 kiến nghị để phát triển hạ tầng số, đẩy mạnh CĐS quốc gia
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC bày tỏ đây là sự kiện đánh dấu một bước phát triển mới để đưa Việt Nam gần hơn tới mục tiêu trở thành trung tâm số (digital hub) của khu vực của châu Á - Thái Bình Dương mà chúng ta đã chọn.
Thật may mắn và tự hào, trải qua 2 năm dịch bệnh khó khăn do COVID-19, đặc biệt là thời kỳ TP.HCM bị phong tỏa, những bằng nỗ lực kiên cường của toàn thể anh chị em cán bộ công nhân viên CMC, chúng tôi đã chiến thắng dịch bệnh và xây dựng thành công TTDL CMC Data Center Tân Thuận hiện đại nhất, an toàn nhất Việt Nam".
Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch điều hành của CMC cũng đã có những kiến nghị để phát triển hạ tầng số, đẩy mạnh CĐS quốc gia:
Thứ nhất, cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho việc phát triển và ứng dụng các công nghệ số, trọng điểm là điện toán đám mây (ĐTĐM) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Thứ hai, cần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến Việt Nam.
Thứ ba, cần có chính sách đặc biệt tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp CNTT - Viễn thông Việt Nam và thế giới đến đầu tư, đưa Việt Nam trở thành trung tâm số khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ tư, cần khuyến khích các DN tư nhân xây dựng các khu Đô thị CNTT tập trung với đầy đủ cơ sở vật chất và dịch vụ đi kèm tại các tỉnh thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng. Ba dự án trọng điểm của CMC tại TP. HCM gồm: Trung tâm đổi mới sáng tạo, startup tại Khu phức hợp C30, quận 10, TP. HCM; Mở rộng TTDL tại khu công nghệ cao TP. HCM, kết hợp Nghiên cứu và Phát triển về ĐTĐM và xây dựng phân hiệu trường Đại học CMC tại TP. HCM.
Thứ năm là kiến nghị TP. HCM nên chuyển đổi khu chế xuất Tân Thuận thành khu công nghệ cao, trở thành AI, dữ liệu lớn, R&D, giáo dục đào tạo, đưa Tân Thuận trở thành thung lũng của Việt Nam.
Đặc biệt, Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính còn chia sẻ thêm về khát vọng số - khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045 khi đất nước kỷ niệm 100 năm ngày lập quốc.
Đại diện CMC cam kết sẽ cùng với chính quyền TP. HCM, quyết tâm xây dựng TP. HCM trở thành trung tâm AI và dữ liệu lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, đưa TP. HCM trở thành thành phố thông minh.
TTDL có quy mô hiện đại và an toàn nhất Việt Nam
Không gian sáng tạo CMC - dự án duy nhất có tiện ích hạ tầng viễn thông ổn định với trái tim là trung tâm Data Center Tân Thuận quy mô hiện đại và an toàn nhất Việt Nam. Data Center Tân Thuận của CMC được đặt tại tòa nhà chính giữa, có diện tích sàn sử dụng 12.000 m² và xấp xỉ 3.000 m2 không gian dành cho thiết bị CNTT với quy mô 1.200 tủ rack, có tổng công suất thiết kế lớn lên tới 12.000kW và hỗ trợ tới 3 triệu vCPU.
CMC Data Center Tân Thuận được B-Barcelona Singapore thiết kế tuân thủ theo các tiêu chuẩn khắt khe nhất cho một TTDL hiện đại như PCI DSS, ISO 27001:2013/ ISO 9001:2015. Đây là TTDL đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có đánh giá phòng chống rủi ro TVRA và có chứng chỉ Uptime Tier III về xây dựng… Không chỉ vậy, TTDL CMC Tân Thuận còn là TTDL duy nhất của Việt Nam được tạp chí Kinh doanh toàn cầu vinh danh với giải thưởng TTDL tốt nhất Việt Nam 2022.
Là nhà cung cấp dịch vụ trung lập, TTDL CMC Tân Thuận có hạ tầng kết nối quốc tế như một trung tâm số của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong hệ sinh thái Khối hạ tầng số chuẩn mực, nếu coi mạng lưới hạ tầng viễn thông thông suốt là mạch máu thì TTDL chính là trái tim. Chuyên gia quốc tế cũng như CMC tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ các điều kiện để trở thành trung tâm số tiếp theo của khu vực./.