Tại sao các thành phố đẩy mạnh phát triển metaverse?

Đô thị thông minh - Ngày đăng : 06:58, 16/08/2022

Thành phố Santa Monica thuộc bang California, Mỹ và thủ đô Seoul, Hàn Quốc đang khám phá cách công nghệ vũ trụ ảo (metaverse) có thể cải thiện các dịch vụ công (DVC) hoặc thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Nỗ lực đầu tư phát triển metaverse

Từ Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đến Seoul, Hàn Quốc, hay Santa Monica, California, ngày càng có nhiều thành phố trên thế giới đang khám phá cách có thể triển khai công nghệ metaverse để cung cấp hiệu quả hơn các DVC, thu hút người dân và thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp (DN).

Steve Zoegall, người phụ trách về các thành phố toàn cầu, hạ tầng quan trọng và giao thông của Accenture, cho biết: "Bây giờ, tôi không thể làm việc một ngày nào mà không nói đến metaverse".

Metaverse là một thế giới ảo nhập vai gần với thực tế, trong đó mọi người không chỉ nhìn vào những gì trực tuyến mà còn tương tác ảo để tham gia vào nhiều hoạt động mà họ thực hiện trong thế giới thực như giao lưu, tham gia lớp học, mua hàng và thậm chí là đi du lịch.

Zoegall nói: "Công nghệ này đang ở trong "giai đoạn chiến lược và mới lạ". Đối với một số thành phố, công nghệ metaverse vẫn còn khá mới lạ, trong khi những thành phố khác đang tích cực đánh giá và xác định mục tiêu phát triển metaverse.

Chính quyền Thủ đô Seoul vào cuối năm 2021 đã công bố ý định "thiết lập một nền tảng metaverse… để bắt đầu cung cấp một DVC khái niệm mới", như một phần của Kế hoạch tổng thể Metaverse Seoul trong 5 năm. Dự án sẽ chính thức được triển khai từ cuối năm 2022 và kéo dài trong 5 năm. Chính quyền thành phố Seoul dự kiến sẽ bắt đầu thực hiện hệ sinh thái tổng hợp cho các dịch vụ hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý của thành phố, như kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục và khiếu nại dân sự, trong 3 giai đoạn.

Theo đó, vào năm 2023, một văn phòng dịch vụ dân sự chung ảo, dự kiến được gọi là "Trung tâm metaverse 120", cũng sẽ được thành lập, cho phép công dân gặp gỡ các quan chức thành phố Seoul một cách thuận tiện để giải quyết các khiếu nại và tham vấn dân sự. Những vấn đề này hiện chỉ được giải quyết khi người dân trực tiếp đến các văn phòng của thành phố.

Ngoài ra, các điểm du lịch chính ở thủ đô Seoul, chẳng hạn như Quảng trường Gwanghwamun, Cung điện Deoksu và Chợ Namdaemun, sẽ được giới thiệu trên "Đặc khu Du lịch ảo", trong khi địa điểm lịch sử không còn tồn tại như Cổng Donuimun cũng sẽ được tái hiện sinh động trong không gian ảo.

Bên cạnh đó, cũng bắt đầu từ năm 2023, các lễ hội tiêu biểu của thủ đô Seoul, chẳng hạn như "Lễ hội Đèn lồng Seoul", cũng sẽ được tổ chức trên metaverse, để mọi người trên khắp thế giới đều có thể được chiêm ngưỡng

Chính quyền thành phố cho biết họ cũng sẽ sử dụng nền tảng này để phát triển các dịch vụ cho những nhóm dễ bị tổn thương của xã hội, bao gồm các dịch vụ đảm bảo an toàn và tiện lợi cho người khuyết tật, đồng thời sẽ mở rộng nền tảng này đến tất cả các lĩnh vực quản lý của thành phố để nâng cao hiệu quả.

Trong khi đó, vào tháng 7 vừa qua, thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã công bố chiến lược metaverse của riêng, nhằm thực hiện hóa tham vọng trở thành nền kinh tế metaverse toàn cầu.

"Đề án phát triển metaverse" của Dubai có kỳ hạn thực hiện 5 năm, với mục tiêu đề ra là lĩnh vực metaverse đóng góp GDP hằng năm của Dubai lên 1% và tăng trưởng kinh tế metaverse lên 4 tỷ USD vào năm 2030. Về nhân lực, Dubai kỳ vọng sẽ tạo ra được thêm 40.000 công việc tính đến năm 2030.

Ở tầm vĩ mô, Dubai đặt mục tiêu trở thành 1 trong 10 nền kinh tế metaverse lớn nhất thế giới. Để có thể đạt được tham vọng này, đề án đặt ra 5 vấn đề chính, bao gồm: thúc đẩy đổi mới tổng thể và đóng góp kinh tế; trau dồi tài năng nhân lực thông qua giáo dục và đào tạo; khai thác triệt để các ứng dụng metaverse vào chính quyền Dubai; áp dụng, mở rộng quy mô và ủng hộ các nền tảng an toàn trên toàn cầu; cải thiện cơ sở hạ tầng và hoàn thiện pháp lý.

Đề án cũng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút các DN mới đến Dubai, hỗ trợ đào tạo metaverse và áp dụng công nghệ Web3 để tạo ra các mô hình làm việc mới của chính phủ.

Mô hình hóa các thành phố, hỗ trợ DN và hơn thế nữa

Trong khi đó, các thành phố ít tham vọng hơn cũng có thể triển khai công nghệ metaverse theo những cách khác nhau. Lena Geraghty, giám đốc phụ trách tính bền vững và đổi mới của tổ chức National League of Cities, cho biết đại dịch đã chứng tỏ tầm quan trọng của những phương tiện giúp dễ dàng chia sẻ thông tin với người dân, cho dù là thông báo về một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng hay ngày diễn ra phiên chợ nông sản tiếp theo.

"Bằng cách chuyển sang metaverse, thông tin thậm chí còn trở nên tương tác hơn và cảm thấy được cá nhân hóa hơn, vì vậy người dùng cuối có thể tiếp nhận nó tốt hơn", Lena Geraghty nói.

Các sáng kiến metaverse hiện nay thường dựa trên và kết hợp với các công nghệ hiện có. Ví dụ, vài năm trước, Cơ quan phát triển và quy hoạch thành phố Boston (Mỹ) đã tạo ra một bản sao số để ghi lại những thay đổi của thành phố. Theo đó, bản sao số giống như một dạng nội dung sống động ở chỗ nó có các tài liệu được lưu trữ từ hiện tại đến tương lai. Các thông tin này là quý giá cho thành phố Boston. 

Trước đây, các nhà quy hoạch thành phố đã sử dụng các mô hình bằng gỗ để giúp họ thiết kế kiến trúc tương lai của thành phố và cho người dân thấy tác động của những thay đổi cơ sở hạ tầng trước khi chúng xảy ra. Tuy nhiên, theo Esri, một nhà cung cấp phần mềm thông tin địa lý (GIS), các mô hình này tốn nhiều công sức và không thể mô phỏng tác động của nắng hoặc gió.

Michael Zyda, giáo sư thực hành kỹ thuật tại Đại học Southern, cho biết thành phố Los Angeles đã tạo ra một mô hình ảo của cây cầu Sixth Street Viaduct và mở cửa cho công chúng tham quan vào mùa hè này.

Zyda cho biết, công nghệ metaverse có thể hỗ trợ việc phê duyệt các dự án xây dựng và cải tạo của người dân, ví dụ, trong tình huống người dân cần được chấp thuận để lắp đặt một mái nhà mới.

Ngoài ra, các thành phố cũng có thể triển khai metaverse để tăng cường sự quan tâm đến các DN địa phương. Thành phố Santa Monica đang hợp tác với FlickPlay, một công ty "ứng dụng xã hội metaverse", để cung cấp cho khách truy cập trải nghiệm ảo, nơi người dùng có thể thu thập mã thông báo (token) và mở khóa các bộ sưu tập và phần thưởng trong ứng dụng, sau đó đổi lấy các mặt hàng thực ở các nhà bán lẻ trong khu vực. Sự hợp tác cho phép người dân khám phá công nghệ mới thú vị này và thúc đẩy nền kinh tế của Santa Monica bằng cách thu hút người dùng đến các DN địa phương.

Bất bình đẳng gia tăng?

Bên cạnh những lợi ích tiềm năng mang lại cho các thành phố, một số chuyên gia cho rằng việc triển khai công nghệ metaverse có thể khiến một số người dân bị bỏ lại phía sau. Hemant Desai, Giám đốc thông tin của Hiệp hội Quản lý thành phố quốc tế cho biết: "Nếu không xây dựng kế hoạch phù hợp, metaverse có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng". Ví dụ, một số sản phẩm tai nghe thực tế ảo, cho phép người dùng trải nghiệm đầy đủ metaverse, có giá hàng trăm USD khiến người nghèo không thể chi trả.

Vấn đề này sẽ trầm trọng hơn ở các thành phố nơi một phần đáng kể người dân không trực tuyến. "Nếu bạn cung cấp kết nối được 95% dân số, bạn có thể giải quyết 5% còn lại", Desai nói. Nhưng điều này sẽ trở nên khó khăn hơn ở các thành phố mà chỉ có 70% hoặc 80% người dân được kết nối. Ông nói thêm: "Sự hợp tác có chủ đích giữa người dân và lãnh đạo thành phố, cùng với quan hệ đối tác công tư có thể bắt đầu giải quyết thách thức này".

Các nhà lãnh đạo thành phố cũng có thể thu hút sự tham gia của cộng đồng để xác định cách thức metaverse tác động đến họ.

Một số thành phố hiện đang xây dựng kế hoạch triển khai sáng kiến metaverse với khoảng thời gian 5 - 7 năm. Desai cho biết thêm: Thực hiện một cách tiếp cận theo từng giai đoạn bằng cách tiến hành một cuộc thử nghiệm, sau đó thu thập và xem xét phản hồi trước khi tiến hành một triển khai diện rộng có thể làm giảm nguy cơ metaverse khiến người dân bị bỏ lại phía sau./.

Ngọc Diệp