Sóng ngầm Proptech hậu Propzy
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 15:03, 11/08/2022
Sôi động cuộc chơi Proptech
Dường như sau khi Propzy - công ty công nghệ bất động sản (proptech) gọi vốn quy mô lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại, thu hẹp mô hình hoạt động lại là lúc các proptech Việt Nam khác bùng nổ khi nhiều đơn vị gia nhập thị trường hoặc bổ sung nguồn vốn đầu tư.
Tại buổi ra mắt, TopenLand của tập đoàn Hưng Thịnh công bố đã có 15.000 tin đăng và 20.000 nhân viên tham gia kết nối cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
"Đây là một nền tảng mở cho mọi người tham gia, cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cơ hội để các bên chủ động, phát huy tiềm năng và giá trị của mình. Từ đó, người dùng có thể đưa ra những quyết định tối ưu", Tổng Giám đốc TopenLand, ông Trần Quang Trình chia sẻ.
MGI Proptech mới đây đã nhận đầu tư vòng hạt giống từ quỹ VIISA, đi theo mô hình kết nối nhà môi giới thứ cấp và sơ cấp bằng cách cung cấp các công cụ phục vụ mua bán như ngân hàng, văn phòng luật sư…
Trước đó, Houze Group công bố nhận thêm 2 triệu USD. Hoạt động theo mô hình hệ sinh thái, đây là đơn vị cung cấp đa dạng dịch vụ nhất trong thị trường proptech tính đến thời điểm hiện tại, bao gồm dịch vụ quản lý tòa nhà, kết nối môi giới sơ cấp, thứ cấp và cả dịch vụ tài chính bất động sản theo mô hình đầu tư vốn nhỏ.
So với cách đây 6 năm, ngoài những tên tuổi khai phá như Propzy, Rever, thị trường proptech Việt Nam giờ đã sôi động hơn, đa dạng cả về chất lượng lẫn số lượng với sự tham gia của nhiều "tay chơi" từ các doanh nghiệp bất động sản truyền thống, chứ không riêng các công ty công nghệ như trước kia. Dịch vụ cũng phong phú hơn, bên cạnh kết nối môi giới là dịch vụ quản lý tòa nhà, tài chính bất động sản. Các proptech thế hệ đầu chuyên về listing như Chợ Tốt mới đây cũng cho thấy các động thái tham gia thị trường giao dịch thứ cấp.
Tổng số vốn đầu tư huy động được vào thị trường này đã vượt 70 triệu USD trong 6 năm qua. Trong đó, dẫn đầu là Propzy (37 triệu USD), Rever (hơn 10 triệu USD) và Homebase (30 triệu USD). Proptech nằm trong top các ngành huy động vốn nhiều nhất ở Việt Nam chỉ sau thương mại điện tử và công nghệ tài chính.
Đường không bằng phẳng
Hầu như proptech nào cũng hướng đến việc dẫn dắt thị trường bất động sản thứ cấp, vì đây là mảng tiềm năng nhất và đã có nhiều đơn vị toàn cầu đi trước chứng minh tính hấp dẫn, điển hình như KE Holdings (Beike của Trung Quốc) hay Compass của Mỹ.
Nhưng bài toán các proptech Việt Nam phải giải khó hơn rất nhiều. Lấy ví dụ thị trường Trung Quốc, Beike xuất thân từ công ty môi giới truyền thống (2001), mở rộng sang tài chính (2014) và proptech (2018). Thời điểm Beike đặt chân vào mảng proptech cũng là lúc thị trường sơ cấp ở Trung Quốc chiếm phần lớn giao dịch. Mảng thứ cấp với chi phí hoa hồng thấp (tầm 1%) nhưng phát sinh các dịch vụ cộng thêm như thuê, sửa chữa, pháp lý cần công nghệ kết nối thay vì sức người tạo nên động lực phát triển của Beike.
Tại Việt Nam, các proptech sơ cấp rất sôi động nhưng thị trường thứ cấp chưa được khai thác nhiều. Các doanh nghiệp phải giải đồng thời cả hai bài toán, phục vụ sơ cấp để tồn tại do mức phí hoa hồng cao (trung bình 3%) nhưng phải đặt chân vào thị trường thứ cấp hiệu quả.
Quan trọng hơn, thứ cấp dù là động lực tăng trưởng chính trong tương lai nhưng nếu nghiêng hẳn về nó có thể khiến các công ty proptech mất nhiều lợi thế. Điển hình như Propzy, việc tập trung vào thứ cấp khiến họ bỏ cơ hội hưởng lợi từ sự tăng trưởng của thị trường sơ cấp sau thời gian "dồn nén" vì dịch bệnh.
Theo asiantoday, khả năng tiếp cận tín dụng và tài chính hạn chế của khách hàng là đặc điểm của thị trường mới nổi Đông Nam Á. Do đó proptech cần thêm thời gian tác động đến thị trường bất động sản, bất chấp PwC dự báo về sự tăng trưởng mạnh mẽ trong khu vực. Chính vì thế dù nằm trong top gọi vốn ở Việt Nam nhưng trên thực tế quy mô gọi vốn của các công ty proptech chưa thể sánh với tiềm năng với thị trường bất động sản Việt Nam, vốn được định giá lên đến 205 tỷ USD từ năm 2020 theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Cũng theo asiantoday, đường tới vinh quang của các công ty proptech cũng khá kén "gia thế xuất thân". Có thể thấy Beike hay Compass đều xuất phát điểm từ đơn vị môi giới truyền thống. Việc này giúp họ am hiểu ngành hơn các công ty xuất thân thuần công nghệ đồng thời uy tín cao hơn do không thuộc quản lý của bất kỳ đơn vị phát triển bất động sản nào.
Ông Phạm Lâm, nhà sáng lập Houze Group, cho biết tiềm năng thị trường đã có nhưng vấn đề là làm sao mở khóa được thị trường này khi điều kiện của Việt Nam rất khác với các thị trường đã định hình nên các công ty proptech giá trị. Houze Group có xuất phát điểm tương đồng với Beike khi người sáng lập đồng thời đang điều hành DKRA Vietnam, một đơn vị bất động sản truyền thống có lợi thế về lực lượng môi giới cùng nguồn hàng. Nhưng người đứng đầu của Houze vẫn tỏ vẻ thận trọng với diễn biến của thị trường.
"Tôi nghĩ mỗi thị trường đều khác nhau, đặc biệt là bất động sản - ngành có tính đặc thù địa phương rất cao, các doanh nghiệp proptech hiện nay đều đã xác định đích đến và có cách đi riêng nên thời gian sẽ là câu trả lời chính xác nhất. Riêng với Houze, chúng tôi tin đây là bài toán không thể giải nếu nhìn góc độ thuần của một công ty công nghệ hoặc một công ty môi giới truyền thống", ông Phạm Lâm nói.