CĐS mạnh mẽ giúp Bình Phước lọt top 10 tỉnh, thành về DTI 2021
Xã hội số - Ngày đăng : 17:15, 09/08/2022
Chỉ số đánh giá CĐS Bình Phước tăng 16 bậc so với năm 2020
DTI cấp tỉnh gồm 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. 9 chỉ số chính được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung và nhóm chỉ số về hoạt động. Trong đó, Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 6 chỉ số chính: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, đô thị thông minh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2021 là năm thứ hai triển khai Chương trình CĐS quốc gia, là năm đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh chưa từng có tại Việt Nam. Việt Nam đã phát triển nhiều ứng dụng số, nền tảng số có nhiều chục triệu người dùng. Qua thử thách này, các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam đã trưởng thành rõ rệt về các nền tảng số quy mô lớn, về đảm bảo an toàn dữ liệu người dân, về triển khai các nền tảng số toàn quốc.
12/89 bộ, tỉnh (6 bộ và 6 tỉnh) tham gia đánh giá có giá trị DTI 2021 đạt từ mức 0,5 trở lên, chiếm 13,48%. Trong đó, 10 tỉnh, thành phố đứng đầu về DTI 2021 là TP. Đà Nẵng; Thừa Thiên - Huế, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ninh; Thái Nguyên, Bình Phước và Bắc Giang.
Đáng chú ý, kết quả xếp hạng DTI 2021 của Bình Phước tăng 16 bậc so với vị trí 25/63 của năm 2020. Trong đó, chính quyền số cấp tỉnh, Bình Phước xếp thứ 8/63, kinh tế số cấp tỉnh xếp 14/63, xã hội số cấp tỉnh xếp 15/63.
Nhiều nỗ lực thực hiện CĐS
Có thể nói, gần hai năm qua, Bình Phước đã có rất nhiều nỗ lực nhằm thực hiện CĐS. Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành nghị quyết chuyên đề về CĐS, tạo sự thống nhất, đồng bộ và quyết tâm chính trị cao ở các cấp, ngành, địa phương. Ở các cấp đều xây dựng các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, mục tiêu cụ thể về CĐS phù hợp với các tiêu chí, yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Tỉnh cũng đã phát động nhiều chiến dịch thi đua, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân trong thực hiện CĐS trên cơ sở triển khai hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về CĐS.
Đơn cử như chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm "Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); đẩy mạnh CĐS để phát triển chính quyền số" đang diễn ra từ ngày 1/6/2022 đến ngày 31/8/2022.
Chiến dịch đặt mục tiêu đến ngày 2/9/2022, toàn tỉnh phải đạt tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ là 80%, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) xử lý trực tuyến đạt 50%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 100% tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa cấp huyện. Ngoài ra, tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 50%.
Theo đó, Sở TT&TT phối hợp với Sở Tài chính phải hoàn thành mục tiêu nghiên cứu tham mưu ban hành chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp (DN) sử dụng DVCTT như giảm thời gian xử lý hồ sơ, giảm lệ phí thực hiện DVCTT. Thời gian hoàn thành là trước ngày 15/8/2022, để trình HĐND tỉnh vào kỳ họp gần nhất.
Ngoài ra, Văn phòng UBND tỉnh sẽ phối hợp với Sở TT&TT, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai toàn diện thanh toán trực tuyến đối với DVC trên phạm vi toàn tỉnh trước ngày 31/8/2022.
Về mạng lưới viễn thông, tỉnh Bình Phước hiện đã cải tạo, nâng cấp mạng 4G phủ sóng 100% diện tích của tỉnh nhằm đảm bảo việc khai thác dữ liệu nhanh, tiện lợi. Về phát triển kinh tế số và xã hội số, tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai "Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS"; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ DN tỉnh Bình Phước CĐS năm 2022; đẩy mạnh CĐS, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế.
UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND về chuyển đổi IPv6 cho hệ thống mạng, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu của Kế hoạch là chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 cho mạng máy tính kết nối Internet, mạng nội bộ (LAN), mạng diện rộng (WAN), trung tâm tích hợp dữ liệu, các hệ thống thông tin, phần mềm, ứng dụng, thiết bị CNTT của tỉnh.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với Bộ TT&TT đã tổ chức chương trình bồi dưỡng về CĐS cho các cán bộ là đại diện lãnh đạo UBND cấp xã năm 2022. Đây là lực lượng nòng cốt để triển khai tổ công nghệ số cộng đồng, chuyển đổi số cho người dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Phước, cho biết công tác CĐS ở Bình Phước thời gian qua đạt được một số kết quả nhất định. Năm 2021, Bình Phước triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng bộ chỉ số và triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố giai đoạn 2021 - 2025 - DDCI".
Triển khai bộ chỉ số DDCI được xem là bước đột phá của tỉnh trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ người dân, giúp DN đánh giá chính xác hơn quyết tâm cải cách bộ máy hành chính của tỉnh.
Trên cơ sở kết quả triển khai bộ chỉ số DDCI năm 2021 sẽ giúp các sở, ngành, địa phương khắc phục nhanh những vấn đề DN và người dân chưa hài lòng, nâng cao hơn nữa năng lực điều hành chỉ số DDCI và các chỉ số thành phần của PCI năm 2022 cũng như các năm tiếp theo./.